Dự định ban đầu của Adam Salt là tới TP.HCM để du lịch. Đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của anh khó khăn, buộc phải thay đổi công việc để trụ lại.
“Ôi trời, khi đến với TP.HCM, tôi cũng không nghĩ là mình sẽ phải ở lại đây lâu đến thế này đâu”, anh Adam Salt (29 tuổi, quốc tịch Australia, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ với Zing, trong giọng nói vẫn còn ngạc nhiên.
Salt đến TP.HCM từ tháng 1/2020 với kế hoạch vui chơi khoảng 3 tháng. Thế nhưng, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát rồi sau đó diễn biến phức tạp, Salt đành “mắc kẹt” lại thành phố đến hơn một năm sau và chưa hẹn ngày trở về nước.
Đổi nghề vì dịch
Thời điểm Salt đặt chân tới TP.HCM là giáp Tết Nguyên đán, không khí chộn rộn khiến anh cảm thấy hào hứng khám phá vùng đất này.
“Tôi thật sự rất thích thú. Một thành phố náo nhiệt, sôi động. Tôi thích lang thang trên các con đường để ngắm nhìn mọi thứ”, Salt nói rồi cho tôi xem những tấm hình anh đã chụp trong những ngày đầu đến TP.HCM.
Adam Salt (bên phải) lúc còn ở Australia. Ảnh: NVCC. |
Anh tận hưởng niềm vui với đất nước mới chưa được bao lâu thì tháng 3/2020, dịch Covid-19 bắt đầu trở nên phức tạp, Việt Nam chính thức thực hiện siết chặt vấn đề xuất nhập cảnh để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Từ tâm trạng phấn chấn, vui vẻ của một người đang đi du lịch, bỗng chốc tôi mắc kẹt lại đây, không nhà cửa, không người thân, không bạn bè. Số tiền ít ỏi còn lại thì ngày một vơi đi dần”, Salt trải lòng về khoảng thời gian đó.
Lúc này, TP.HCM bắt đầu áp dụng các chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để đối phó với dịch bệnh. Nhiều nơi đóng cửa, ngừng hoạt động, Salt đi hết nơi này sang nơi khác để tìm một công việc nhưng không có. Lúc ấy, anh chơi vơi và không biết phải làm gì để có thể trụ lại thành phố.
Tận dụng lợi thế ngoại ngữ của mình, anh may mắn xin được vào làm giáo viên cho một trung tâm Anh ngữ tại quận Gò Vấp. Anh dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ ở tuổi từ 6-12.
Việc bất đồng ngôn ngữ, Salt vốn nghĩ là một sự bất lợi khi ở Việt Nam. Nhưng với chuỗi ngày này thì đó lại chính là cơ hội để anh có thể bám trụ lại đậy để chờ ngày về nước.
Khoảng 2 tháng sau, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội, thế là trung tâm Anh ngữ mà Salt theo dạy phải đóng cửa để phục vụ việc phòng, chống dịch. Anh chàng 29 tuổi lại một lần nữa rối bời trong việc tìm ra công việc để mưu sinh.
Mất việc giữ xe khi dịch bùng lại
“Đùng một cái mất việc, tôi chẳng biết làm gì. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, tôi được một người bạn ở cùng dãy trọ thương tình, giới thiệu công việc giữ xe tại một quán cà phê nhỏ ở trung tâm quận 1”, Salt kể lại.
Từ giáo viên dạy học bỗng trở thành một anh chàng giữ xe là sự thay đổi quá bất ngờ đối với Salt. Tuy vậy, anh xem đây như là một trải nghiệm bất đắc dĩ nhưng mới mẻ để rèn luyện bản lĩnh và tập thích nghi.
“Mặc dù quán phải hạn chế khách tối đa vì dịch bệnh, việc buôn bán cũng khó khăn nhưng người chủ quán cà phê vẫn bằng lòng giúp đỡ tôi. Thu nhập từ việc giữ xe không cao, nhưng đối với tôi ở thời điểm đó, như thế đã là đủ”, Salt kể.
Hơn một năm, khởi đầu mỗi ngày của Salt đều ở quán cafe, giữ xe cho khách rồi trở về căn phòng trọ ở quận Gò Vấp. Anh vẫn hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để có thể về nước.
Rồi đến tháng 5 vừa qua, một lần nữa, Covid-19 lại bùng phát ở TP.HCM khiến thành phố phải thắt chặt các biện pháp cách ly, phong tỏa. Quán cà phê nơi Salt làm việc làm việc phải tạm đóng cửa để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
“Quán đóng thì không có ai gửi xe, tôi lại thất nghiệp”, Salt cười khi nhắc lại sự cố xảy đến với bản thân.
Lần dịch quay trở lại này diễn biến phức tạp hơn những lần trước, quận Gò Vấp nơi Salt đang cư ngụ phải thực hiện phong tỏa theo chỉ thị 16. Nhà cách ly với nhà, phường cách ly với phường, người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết để mua những nhu yếu phẩm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Salt phải ở yên tại nhà, không có điều kiện tìm công việc mới.
“Người dân ở đây nghĩa tình”
“Sự căng thẳng của tôi lúc ấy gần như lên đến đỉnh điểm, tôi không biết phải sống ra sao. Số tiền tôi dành dụm qua hai công việc trong suốt hơn một năm qua chỉ dùng được một phần, còn phải chừa lại để xoay xở con đường cho mình về nước”, Salt chia sẻ.
Trong hoàn cảnh đó, chính Salt cũng không ngờ rằng những người bạn hàng xóm chung dãy trọ lại giúp đỡ anh nhiều như vậy. Người góp chén gạo, người mang cho bó rau, miếng thịt… họ san sẻ cho anh để cùng nhau vượt qua những ngày phong tỏa.
Adam Salt cùng chiếc bánh tét giữa những ngày phong tỏa ở TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
“Tôi thấy ai cũng khó khăn, thế nhưng họ lại sẵn sàng chia sẻ với nhau. Người dân ở đây nghĩa tình quá. Đây là điều mà tôi nghĩ sẽ rất khó để có thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Sống trong sự đùm bọc của mọi người, quả thực nỗi nhớ nhà của tôi dường như đã vơi đi phần nào, tôi có động lực để bước tiếp, chờ ngày về đoàn tụ cùng với gia đình”, chàng trai người Australia trải lòng.
Với những người sống cùng dãy trọ với Salt, việc chia sẻ thực phẩm cho một anh chàng ngoại quốc cũng giống với bao nhiêu người dân khác. “Mặc dù mình khó khăn nhưng người ta còn khó khăn hơn gấp bội. Thôi thì gói ghém phần mình một tí, giúp đỡ người ta được phần nào hay phần nấy. Tôi muốn sau này về nước, Salt sẽ có được ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam”, anh Trần Minh Tâm (24 tuổi, hàng xóm cùng dãy trọ của Salt) cho biết.
Niềm vui giữa chuỗi ngày bám trụ lại TP.HCM với Salt chính là tình cảm ấm áp của con người ở đây. Anh được mọi người giúp đỡ, quan tâm nhiệt tình.
“So với các nước khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn khi đã ở Việt Nam. Tôi rất mong đất nước các bạn sớm khống chế được Covid-19. Sau này khi trở về quê hương, nếu như có cơ hội, tôi sẽ tiếp tục quay trở lại Việt Nam”, Salt bày tỏ.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm cộng đồng từ 27/4/2021
13.684Ca nhiễm
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Hà Nội | 0 | 468 |
Bắc Ninh | 0 | 1599 |
Vĩnh Phúc | 0 | 92 |
Đà Nẵng | 0 | 240 |
Bắc Giang | 0 | 5710 |
Hà Nam | 0 | 48 |
Hưng Yên | 6 | 108 |
TP.HCM | 158 | 3998 |
Yên Bái | 0 | 1 |
Quảng Nam | 0 | 4 |
Đồng Nai | 0 | 8 |
Hải Dương | 0 | 51 |
Thái Bình | 0 | 28 |
Quảng Ngãi | 0 | 63 |
Lạng Sơn | 0 | 109 |
Thanh Hóa | 0 | 5 |
Điện Biên | 0 | 58 |
Nam Định | 0 | 7 |
Nghệ An | 0 | 96 |
Phú Thọ | 0 | 5 |
Quảng Ninh | 0 | 5 |
Hải Phòng | 0 | 13 |
Thừa Thiên Huế | 0 | 5 |
Đắk Lắk | 0 | 5 |
Hòa Bình | 0 | 12 |
Quảng Trị | 0 | 3 |
Tuyên Quang | 0 | 1 |
Sơn La | 0 | 1 |
Ninh Bình | 0 | 4 |
Thái Nguyên | 0 | 3 |
Long An | 0 | 80 |
Bạc Liêu | 0 | 1 |
Gia Lai | 0 | 4 |
Tây Ninh | 0 | 8 |
Đồng Tháp | 0 | 24 |
Trà Vinh | 0 | 4 |
Hà Tĩnh | 0 | 110 |
Tiền Giang | 16 | 105 |
Bình Dương | 0 | 350 |
Bắc Kạn | 0 | 5 |
Lào Cai | 0 | 4 |
Vĩnh Long | 1 | 3 |
Kiên Giang | 0 | 1 |
Khánh Hòa | 0 | 2 |
Bình Thuận | 0 | 8 |
Phú Yên | 8 | 93 |
Cần Thơ | 0 | 1 |
Bà Rịa – Vũng Tàu | 0 | 1 |
Bình Định | 0 | 4 |
Nguồn: News.zing.vn