Chào đón tháng 3, Hà Nội bước vào mùa hoa gạo, những bông hoa gạo nhuộm đỏ cả một góc trời, khiến ai nấy đi qua đều phải ngước nhìn, lòng bồi hồi không khỏi xao xuyến.
Giữa những ngày tháng ba mưa phùn và ẩm thấp, người ta mong thấy hoa gạo nở để cảm nhận một khoảng sáng như ngàn ngọn nến cùng lúc thắp lên trong những ngày bầu trời xám xịt.
Ở miền quê, vùng trung du và miền núi phía Bắc, ngôi làng nào cũng có những gốc gạo cổ thụ, mỗi dịp cuối Xuân lại bung nở những cánh hoa đỏ thắm. Ảnh chụp tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Tiến Tuấn.
Màu hoa gạo khiến nhiều người xa xứ sống giữa Thủ đô như được vỗ về tâm trí, gợi lại tuổi thơ, gợi lại nỗi nhớ với miền quê xa xôi nào đó.
Tại suối yến (chùa Hương, huyện Hoài Đức) những gốc gạo nở đỏ rực hai bên, tạo nên một khung cảnh rất thơ mộng. Ảnh: Vũ Minh Quân.
Thân cây cao, lá rụng vào mùa đông, hoa có 5 cánh nở vào mùa xuân trước khi cây ra lá non. Trên đường phố, không khó để quan sát thấy cây gạo bởi sự nổi bật của những cánh hoa đỏ rực rỡ.
Hoa gạo còn có những tên gọi mỹ miều khác như hoa Mộc miên, hoa Pơ lang. Khi hoa gạo nở là những đợt rét cuối cùng của vụ đông xuân sắp qua, những đợt lạnh thưa thớt dần và cường độ yếu đi nên mới có câu ca dao từ xa xưa: “Bao giờ cho đến tháng ba/Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”.
Vùng ngoại thành Hà Nội, hoa gạo nở rất nhiều. Ảnh: Quang Vinh.
Ráng chiều bên những gốc gạo tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Vinh.
Những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở làng quê Việt Nam thì mỗi mùa hoa gạo về lại gợi nhớ những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến và lắng đọng.
Ở nội thành Hà Nội, hoa gạo không nhiều, chỉ lác đác vài gốc trên phố. Hoa gạo là một hình ảnh đẹp đẽ, thân thương và gợi nhớ những hoài niệm của người dân Thủ đô.
Nguồn: http://danviet.vn/du-lich/dep-nao-long-hoa-gao-no-do-ruc-goc-troi-thu-do-1063243.htmlNguồn: http://danviet.vn/du-lich/dep-nao-long-hoa-gao-no-do-ruc-goc-troi-thu-do-1063243.html
Nguồn: 24H.COM.VN