Lấy ý tưởng từ một trò chơi giải trí, công ty New Zealand Whoosh lên kế hoạch xây dựng hệ thống cáp treo cung cấp dịch vụ vận chuyển đô thị nhanh chóng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tế so với nhiều phương tiện giao thông công cộng hiện tại.
Nhìn không khác gì cáp treo đô thị lớn, nhưng cách vận chuyển của hệ thống này được các chuyên gia đánh giá khá thú vị.
Cụ thể, cabin mới trang bị động cơ riêng, tích hợp hệ thống chuyển đổi tuyến đường tự động. Chúng tự do điều hướng từ điểm này tới điểm đến khác trong mạng lưới mô-đun phức tạp có thể trải rộng khắp thành phố.
Hệ thống cáp treo mô phỏng tại New Zealand (Ảnh: News).
Cơ chế hoạt động này đồng nghĩa với việc các cabin có thể không cần đi cùng một hướng. Chúng có thể tự do chuyển đổi giữa những dây cáp dự kiến ngắn hơn và rẻ hơn so với những tuyến dây cáp treo dài truyền thống thường thấy.
Có thể nói, đây là cách hoàn toàn mới về giao thông đô thị. Nó được ví như dạng taxi bay eVTOL. Những cabin sẽ dễ dàng di chuyển với tốc độ tối đa khoảng 40km/h, không gây quá nhiều ồn ào, đạt độ an toàn.
Hay nói cách khác, hệ thống cáp treo này giống như tàu điện một ray. Chúng chiếm ít không gian trên mặt đất, không bị kẹt trên một tuyến đường cố định, vì vậy không có kết nối theo kiểu giao thông công cộng nào để chuyển đổi giữa chúng.
Những trạm nhỏ đặt tại một bãi đỗ ô tô tiêu chuẩn để lắp đặt cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên mạng lưới cáp treo ở độ cao khoảng 12m. Ông Chris Allington, CEO của Whoosh cho biết, các trạm lớn hơn có thể xây ngay tại mặt đất.
Đi cáp treo tốc độ 40km/h không cần dừng, giúp giảm tắc đường hiệu quả (Nguồn video: New Atlas).
“Quan điểm của chúng tôi khi thiết kế hệ thống vận chuyển này là tạo ra dịch vụ đi chung xe. Người dân và du khách không muốn phải đợi xe. Họ muốn xe đợi họ để chủ động về thời gian”, ông Chris mô tả.
Được biết, các trạm sẽ có vòng dây cáp riêng ngoài mạng lưới chính. Bởi vậy khi các cabin dừng lại, chúng không cản trở việc lưu thông của các cabin khác.
Cũng theo vị CEO này, dây cáp phục vụ cho hệ thống cáp treo có thể giúp hành khách vượt qua sông, cầu, đường cao tốc. Chúng không gắn với những tuyến đường hiện có. Thậm chí, các kỹ sư có thể xây dựng một mạng lưới chạy dọc theo các nóc của tòa nhà.
Mỗi cabin chứa hành khách được lắp đặt pin ở dưới sàn để vận hành điều hòa không khí, wifi cùng các thiết bị giải trí. Dù tốc độ di chuyển của cabin chỉ khoảng 40km/h, nhưng nhà điều hành cho rằng, mạng lưới này sẽ nhanh hơn so với việc lái xe cá nhân trong khu vực nội đô vì tránh được cảnh tắc nghẽn giao thông.
Trong tương lai, nếu tốc độ di chuyển của cabin được điều chỉnh tăng lên thì khoảng cách giữa chúng cần phải mở rộng. Đây là điều nhóm kỹ sư đang cân nhắc.
Hiện tại, Whoosh nỗ lực phát triển hệ thống nguyên mẫu với kích thước chuẩn để làm thí điểm tại Queenstown, New Zealand với mục tiêu chính thức ra mắt dịch vụ này với công chúng vào năm 2026. Nếu đi vào hoạt động, đây có thể là giải pháp tốt giúp giảm tải tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Vị CEO của Whoosh cho biết, mức chi phí cho cơ sở hạ tầng hệ thống cáp treo này vào khoảng 5 triệu USD cho mỗi km.
Nguồn: Dantri.com.vn