Các công ty du lịch xác định đảm bảo an toàn cho du khách đi du lịch ở thời điểm hiện nay cũng chính là đảm bảo an toàn, bền vững cho chính công ty của mình.
Ngành du lịch Việt Nam (VN) được dự báo bị thiệt hại nặng nề, khoảng 6-7 tỉ USD do dịch COVID-19 gây ra. Đến nay du lịch cũng là một trong những ngành đang bắt đầu tìm mọi giải pháp để phục hồi, trong đó du lịch nội địa được xem là trọng tâm.
Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: “Chương trình “Người VN đi du lịch VN” đã được phát động. Đây là chiến dịch tổng thể của ngành du lịch nhằm hồi sinh thị trường”.
Xu hướng du lịch thay đổi sau dịch
. Phóng viên: Một số địa phương và các điểm du lịch đang miễn phí vé tham quan, tung ra sản phẩm mới, giảm giá tour để kích cầu. Ông đánh giá gì về các quyết định này?
+ Ông Hà Văn Siêu: Cách làm này đã tạo ra các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa vì vừa có giá tốt nhưng chất lượng không đổi. Điều đó giúp hấp dẫn du khách, giúp thị trường du lịch nội địa phần nào có sức sống trở lại sau thời gian dài ngủ đông.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng các công ty lữ hành và địa phương trên cả nước cần bắt tay vào cuộc nhiều hơn để cung cấp cho thị trường thêm nhiều sản phẩm du lịch có giá tốt hơn nữa.
. Chương trình kích cầu đã được Hiệp hội Du lịch VN phát động với giá tour thấp hơn tour bình thường 20%-30%. Nhưng một số tour vẫn giữ nguyên giá nhưng tăng dịch vụ cao cấp. Theo ông, liệu có là nghịch lý khi chúng ta kêu gọi kích cầu nhưng lại không giảm giá?
+ Sau COVID-19, chúng tôi có chủ trương kích cầu nhưng không bằng mọi cách để thúc đẩy du lịch phát triển theo số lượng mà tập trung vào chất lượng, an toàn. Chính vì thế, một mặt các doanh nghiệp có chính sách khuyến mãi để kích cầu nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho du khách, người lao động và cộng đồng địa phương. Mặt khác, do du khách cũng có những yêu cầu mới, nhu cầu cá nhân chuyên biệt mà các đơn vị làm du lịch phải đáp ứng. Điều này đồng nghĩa với việc tại một số tour, điểm đến, du khách chấp nhận chi tiêu cao hơn so với các tour khác.
Không nên khuyến khích việc giảm giá quá mức dẫn đến phá giá, giảm chất lượng tour cũng như sự cạnh tranh không lành mạnh.
. Xu hướng du lịch sau COVID-19 có nhiều thay đổi, vậy ngành du lịch có giải pháp gì để thích ứng với xu hướng mới này?
+ Thực tế sau dịch nổi lên xu hướng du lịch mới theo hướng có trách nhiệm hơn, bền vững hơn. Cách chọn đi du lịch thông minh đó sẽ giúp loại bỏ các hình thức du lịch xô bồ, cách làm ăn kiểu chụp giựt, bát nháo, không chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, người dân, du khách có nhu cầu du lịch an toàn; đi du lịch trong nước hơn là đi nước ngoài; du lịch cùng đoàn nhỏ hơn đoàn lớn; đi du lịch biển, thiên nhiên… Do đó, các đơn vị lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ phải lưu ý những xu hướng mới này để có những thay đổi kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội.
Nhiều người đã bắt đầu đi du lịch trở lại do Việt Nam đã khống chế dịch khá tốt. Ảnh: TÚ UYÊN Thành lập “sàn giao dịch du lịch” . Ông có thể cho biết ngành du lịch đang khai thác lợi thế VN kiểm soát khá tốt dịch ra sao?
+ VN đang đẩy lùi dịch COVID-19 nhưng tôi cho rằng ngoài phòng, chống dịch tốt, chúng ta cần phải tạo tâm lý an toàn cho du khách. Vì vậy, các địa phương cần phối hợp cùng cơ quan chức năng như Tổng cục Du lịch đẩy mạnh truyền thông về du lịch an toàn, điểm đến an toàn, cơ sở dịch vụ an toàn… Qua đó để du khách yên tâm trong những chuyến đi của mình.
Thực tế cho thấy yếu tố an toàn đang được đặt lên hàng đầu, bởi các đơn vị kinh doanh du lịch xác định an toàn cho du khách cũng chính là an toàn cho chính công ty mình. Đó cũng chính là phát triển bền vững. Ngoài ra, thời điểm này nhiều cơ sở dịch vụ, khách sạn, điểm đến… đã được đầu tư mới, làm mới. Vì vậy, người VN chọn thời điểm này đi du lịch nội địa là lựa chọn rất thông thái.
. Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng để ngành du lịch VN phục hồi trở lại cần có sự liên kết giữa các địa phương, tạo ra sản phẩm mới… Ông có cùng nhìn nhận trên?
+ Đúng vậy. Tổng cục Du lịch luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp mà trước mắt là trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá. Đặc biệt, chúng tôi đang phối hợp với các địa phương tổ chức phiên chợ du lịch tại nhiều địa phương vào mỗi tuần.
Đơn cử tại Công viên 23-9 của TP.HCM mỗi tuần sẽ diễn ra phiên chợ du lịch. Tại đây quy tụ các điểm đến tham quan, công ty lữ hành, nhà hàng, dịch vụ giải trí, casino, ẩm thực… để cùng quảng bá và phục vụ nhu cầu đi du lịch của du khách. Thậm chí du khách có voucher ẩm thực, combo du lịch… cũng có thể đến đây để giao dịch.
Tôi cho rằng phiên chợ hình thành như một sàn giao dịch du lịch giúp du khách tự do chọn lựa các sản phẩm. Hy vọng mô hình này sẽ là giải pháp bứt phá không thể tưởng tượng nổi cho ngành du lịch.
Phát huy lợi thế chống dịch
COVID-19 đã được cơ bản kiểm soát tại VN. Từ việc phòng, chống dịch thể hiện rõ nét văn hóa của người Việt, đó là sự nhiệt tình, hiếu khách, nhân văn. Đây cũng chính là ưu điểm, lợi thế mà ngành du lịch VN cần phát huy, khai thác trong giai đoạn này cũng như tương lai.
Ông HÀ VĂN SIÊU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
“Người Việt đi du lịch Việt Nam” . Chương trình “VN an toàn” sẽ được thực hiện cụ thể ra sao để khách quốc tế yên tâm đến VN?
+ Chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp. Ví dụ, thiết lập kênh trực tuyến giữa du lịch VN với các đầu mối ở những thị trường trọng điểm. Điển hình như chúng tôi thiết lập kênh đầu mối trực tuyến cho nhân viên bán hàng của các hãng lữ hành Nhật Bản. Họ sẽ giới thiệu các sản phẩm, gói dịch vụ du lịch do các đơn vị lữ hành VN cung cấp cũng như bán tour cho người Nhật có nhu cầu đi du lịch VN.
. Thái Lan có chiến dịch “We love Thailand” được đánh giá cao, VN thì sao, thưa ông?
+ Tôi cho rằng thời điểm này, khi người VN đi du lịch VN thể hiện được truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước của người Việt là tính cộng đồng vì nhau. Từ hành vi nhỏ đi du lịch như vậy cũng thể hiện tinh thần yêu Tổ quốc VN, góp phần tạo cơ hội cho du lịch VN phục hồi, phát triển. Vì khi ngành du lịch phát triển sẽ lan tỏa đến các ngành nghề khác phát triển. Đây là mục tiêu có ý nghĩa quan trọng.
Tuy vậy, chương trình “Người VN đi du lịch VN” không thể tách rời chương trình truyền thông VN an toàn và chỉ có thể thành công khi tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đồng loạt cùng vào cuộc, cùng triển khai.
. Xin cám ơn ông. Thí điểm mở hành lang an toàn, chuyến bay du lịch chuyên biệt
Ông Hà Văn Siêu cho biết vừa qua, Tổng cục Du lịch đã làm việc với đại diện cơ quan du lịch Thái Lan, Văn phòng Văn hóa Đài Bắc để bàn về thời điểm có thể nối kết hợp tác. Chẳng hạn, chúng ta có thể mở cửa trước cho các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc…, sau đó đến các nước như Nhật Bản cùng các quốc gia khác. Tuy nhiên, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế tùy vào sự kiểm soát an toàn dịch bệnh của từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nhiều tour giá rẻ, cảnh đẹp đang chờ du khách. Ảnh: TU
Trong thời gian quá độ để mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch đang nghiên cứu xây dựng hành lang du lịch an toàn giữa Thái Lan và VN. Phía Thái Lan đề xuất dự án thí điểm mở những chuyến du lịch “chuyên biệt”. Đây là những chuyến bay thuê bao đến những điểm tham quan, dịch vụ… được chỉ định của một TP nào đó của hai quốc gia. Ví dụ, từ TP.HCM mở chuyến bay chuyên biệt đến Phukhet, hay từ Đà Lạt đến Bangkok.
“Du khách tham gia chương trình tour chuyên biệt này sẽ được chứng nhận y tế, được kiểm soát bởi cơ quan y tế của hai quốc gia. Ai có đủ điều kiện thì mới được tham gia tour” – ông Siêu cho hay.
Ngoài ra, đối với thị trường du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ phát động chương trình “Enjoy VN – tận hưởng những gì VN có”.
Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/di-du-lich-trong-nuoc-o-thoi-diem-nay-la-thong-thai-914562.htmlNguồn: https://plo.vn/kinh-te/di-du-lich-trong-nuoc-o-thoi-diem-nay-la-thong-thai-914562.html
Nguồn: 24H.COM.VN