Bài thơ “Địa đàng” của Ngô Liêm Khoan là cách hình dung về thiên đường trên mặt đất, nơi tình yêu như phép nhiệm mầu của sự tái sinh và hạnh phúc vĩnh hằng.
Theo cơn mưa đầu mùa
Những đóa hoa dại tụ tập về bãi cỏ hoang
Nồng mùi thơm của đất
Bước chân mình đi qua
Bình yên không để lại lối mòn
Ngày tắt rồi
Không còn chút ánh sáng nào sót lại dưới vòm thông.
***
Mình hôn nhau
Một bàn tay trẻ thơ mơ màng chạm vào nụ hoa bất tử
Làm dịu dàng những nỗi buồn
Làm hạnh phúc những nỗi đau.
***
Mình lại cầm tay nhau
Như hai đóa hoa quì kề bên lặng lẽ
Nghe gió thoảng êm đềm qua những ngọn cỏ non.
***
Ở nơi này đêm xuống rất nhanh
Em nhuộm lên anh một màu môi đất đỏ
Sương tràn qua vai thành phố khoác áo choàng
Chỗ mình ngồi ấm như nôi trẻ thơ.
***
Mình hôn nhau
Rồi mình sẽ ghì nhau
Cây cỏ xung quanh như khu vườn nguồn cội
Dịu dàng hương táo trổ hoa…
Lời bình
Bài thơ “Địa đàng” của Ngô Liêm Khoan có thể xuất phát từ một ý niệm tôn giáo. Đó là sự tạo dựng, tái dựng một thiên đường đã mất trong ký ức loài người từ thuở hồng hoang.
Phép màu của sự hồi sinh là tình yêu. Mình cầm tay nhau, hôn nhau, ghì lấy nhau trong mùi thơm của đất, trong hơi gió êm đềm qua ngọn cỏ non, trong sự chở che của đêm, của sương. Hương táo trổ hoa có lẽ còn phảng phất dư vị từ khu vườn thượng giới.
Tình yêu làm dịu đi nỗi đau, làm nguôi ngoai nỗi buồn, khi em nhuộm lên anh một màu môi đất đỏ. Cảm thức sinh sôi ửng dần trên miền mơ tưởng ấy. Bàn tay trẻ thơ chạm vào nụ hoa bất tử, chỗ mình ngồi ấm như nôi trẻ thơ, nụ hôn, vòng tay, cây cỏ và hương thơm là giấc mơ địa đàng trên mặt đất.
Mơ về địa đàng cũng là tái tạo một địa đàng. Giấc mơ ấy bền bỉ và vĩ đại nhất trong ký ức loài người. Nhưng, như một phản đề của địa đàng Eden xa xôi tuyệt vọng, bài thơ của Ngô Liêm Khoan đánh thức những mộng mơ, yêu thương trong vòng tay hạ giới.
Nguồn: News.zing.vn