Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực, kiên quyết ngăn chặn hoạt động buôn bán, nhập lậu lợn qua biên giới.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Lãnh đạo Chính phủ nhận định dịch đang diễn biến phức tạp, đã xảy ra tại hơn 2.200 xã của 57 tỉnh, thành phố với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn.
Dịch có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm.
Để công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán và thời gian tiếp theo, Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dịch.
Lãnh đạo các địa phương cần trực tiếp chỉ đạo tập trung các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh theo quy định.
Lực lượng chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Việc kiểm dịch tại gốc và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn cần được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp và sử dụng sản phẩm lợn bị bệnh để chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Chính phủ lo ngại dịch tả lợn châu Phi bùng phát ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới. Ảnh: Đức Anh. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) được giao giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Các ngành chức năng hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) và Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ chỉ đạo đơn vị chức năng điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định; phối hợp với Bộ NN&PTNT để nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh khác ở động vật.
Nguồn: News.zing.vn