Để cứu vớt doanh thu, các khách sạn, resort ven biển Philippines đang tìm mọi cách thu hút nhóm khách hàng trẻ tuổi, dân du mục kỹ thuật số đến vừa làm việc, vừa nghỉ ngơi dài hạn.
Khi chính phủ Philippines bắt đầu cho phép các resort bãi biển được mở cửa trở lại từ cuối năm ngoái, Evanika Makabali – nhà thiết kế đồ họa – lập tức đặt chỗ đi nghỉ dài hạn.
“Vốn là người nghiện du lịch, thật sự rất khó khăn cho tôi trong thời gian đại dịch hoành hành. Tôi nhớ cảm giác xách hành lý lên đường. Tôi thật sự cần xả hơi”, Makabali nói với South China Morning Post.
Những vị khách như Makabali là một phần của thị trường khách nội địa lưu trú dài ngày mà các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Philippines đang hướng đến.
Tuy quy mô nhỏ, nhóm khách hàng này đang trên đà phát triển và các đơn vị du lịch ở Philippines đang làm mọi cách để thu hút họ trong nỗ lực cứu vớt doanh thu.
Như mọi quốc gia khác, Philippines cũng chứng kiến ngành du lịch của nước mình lao đao vì Covid-19. Ảnh: AP. |
Sáng làm việc, chiều lướt sóng
Kỷ niệm sinh nhật hồi cuối tháng 1, Makabali dành 2 tuần tại một khu nghỉ dưỡng ở Zambales, thị trấn ven biển nằm tại phía bắc thủ đô Manila. Vốn làm việc từ xa, cô có thể kết hợp giữa việc kiếm tiền lẫn tận hưởng cảm giác đi nghỉ hàng ngày.
Buổi sáng, cô làm việc và tham gia các cuộc họp trực tuyến. Đến chiều, cô chuyển sang lướt sóng và thưởng thức bia lạnh vào buổi tối.
Năm 2019, ngành du lịch đóng góp 13% vào GDP của Philippines. Tổng lượng khách du lịch quốc tế đạt 7,1 triệu lượt, trong đó Hàn Quốc và Trung Quốc dẫn đầu. Tuy nhiên, vào năm 2020, con số đó đã giảm 81%.
Để giúp hồi sinh lĩnh vực bị điêu đứng, chính phủ đã mở “bong bóng du lịch” vào quý 3 năm ngoái cho các địa điểm du lịch bao gồm Boracay và Palawan.
Khách trong nước có thể tới các địa điểm du lịch, miễn là họ xuất trình được kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Để chào mời khách hàng, nhiều bên đưa ra các gói dịch vụ hàng tháng, cho phép du khách kết hợp làm việc lẫn nghỉ ở bãi biển. Mức chiết khấu lên tới 70% so với giá trước khi đại dịch xảy ra.
Người trẻ làm việc từ xa, dân du mục kỹ thuật số là những đối tượng mà các khách sạn, resort hướng đến. Ảnh: Hubud Bali. |
Ở Boracay, khách sạn 3 sao Tides cung cấp mức giá 27 USD/ngày hoặc 800 USD/tháng. Mức giá tương đương với việc thuê chung cư tại trung tâm thủ đô Manila.
Tại Palawan, Club Paradise Palawan, khu nghỉ dưỡng trên đảo tư nhân, thực hiện chính sách nửa giá. Mức giá bắt đầu từ 223 USD/ngày, tương đương với giá khách sạn 5 sao ở thủ đô trước đại dịch. Giá phòng đã bao gồm bữa sáng tự chọn và truy cập Internet tốc độ cao.
Cả hai cơ sở cho biết lượng đặt phòng đã tăng 20% kể từ khi họ cung cấp các ưu đãi. Trong đó, nhiều gia đình đi nghỉ dưỡng vì các trường học vẫn đóng cửa.
“Các gia đình trước đây hay đi du lịch nước ngoài thì nay đang tận dụng các gói dịch vụ ưu đãi tại nhiều khu nghỉ dưỡng. Giai đoạn này, họ vẫn có thể thực hiện các chuyến đi mà không cần đợi đến mùa hè”, Claire del Rosario Bernabe, giám đốc tiếp thị của khách sạn Club Paradise Palawan, cho biết.
Nhắm đến người trẻ có thu nhập
Tuy nhiên, đối tượng khách hàng tiềm năng nhất vẫn là người trẻ, đang đi làm, thu nhập ổn định.
Orly Darnayla, doanh nhân ở Manila, thậm chí còn mở một nền tảng đặt phòng trực tuyến mới tập trung vào “thị trường ngách” này.
Tháng 10 năm ngoái, Darnayla ra mắt Baybayin Hub, chuyên giới thiệu các khu nghỉ dưỡng địa phương cung cấp các gói làm việc ở bãi biển và chỉ tính tiền theo tháng.
“Tôi thành lập nền tảng này sau khi một người bạn nhờ tôi giúp biến khu nghỉ dưỡng của cô ấy trở thành trung tâm cho dân du mục kỹ thuật số dễ dàng thực hiện công việc. Là một người làm việc từ xa suốt 16 năm, tôi biết những gì người khác cần ở một không gian không phải văn phòng”, Darnayla cho hay.
Làm việc từ bãi biển – dịch vụ du lịch dài hạn để thu hút du khách, dân du mục kỹ thuật số đến Philippines. Ảnh: Insider. |
Sau một tháng ra mắt nền tảng, nửa số phòng trống trong khu nghỉ mát được lấp đầy, đạt giới hạn tối đa mà chính quyền địa phương cho phép trong mùa dịch.
Từ đó, Darnayla tìm đến các khu nghỉ dưỡng địa phương khác để giới thiệu gói dịch vụ và đào tạo về cách tốt nhất để tiếp cận, phục vụ nhóm người làm việc từ xa. Giá đặt trên Baybayin Hub cũng phải chăng hơn những khu nghỉ dưỡng sang trọng khác, từ 200 USD/tháng.
Đến đầu tháng 2, Baybayin Hub giới thiệu 25 khu nghỉ dưỡng trên nền tảng của mình, nằm ở những vị trí chiến lược ở các vùng khác nhau của Philippines.
“Tôi dự tính sẽ có 50 khu nghỉ dưỡng có mặt trên trang web vào cuối năm. Nhưng để khái niệm này ngày càng phổ biến hơn, các nhà chức trách nên nhìn ra tiềm năng và cho phép nhiều resort mở cửa đón các du khách khác”, Darnayla nói.
Hiện tại, một số tỉnh như Zambales và La Union nằm ở phía bắc Manila, chỉ cho phép du khách đến từ các thị trấn lân cận. Điều này giới hạn số lượng khách có thể tận dụng dịch vụ làm việc ngoài bãi biển.
Tuy nhiên, câu hỏi về tính bền vững của dịch vụ này đối với các khu nghỉ mát bãi biển vẫn còn bỏ ngỏ. Khi được hỏi liệu du khách trong nước có thể duy trì ngành du lịch ít nhất đến cuối năm nay hay không, Claire del Rosario Bernabe đáp lại bằng tiếng thở dài.
“Đó là một câu hỏi khó trả lời. Tôi chỉ có thể nói chúng tôi đang cố gắng và phải chờ xem kết quả”, cô nói.
Nguồn: News.zing.vn