Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc điều tra app gọi xe Didi vì rủi ro an ninh quốc gia sẽ tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự trong tương lai.
Văn phòng Đánh giá An ninh mạng thuộc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết đã chặn ứng dụng gọi xe Didi đăng ký người dùng mới. Một ngày sau, cơ quan này yêu cầu gỡ bỏ Didi khỏi các kho ứng dụng Google Play và App Store.
Đến 5/7, thêm 2 ứng dụng gọi xe Yunmanman và Huochebang, cùng app tuyển dụng Boss Zhipin lọt vào cuộc điều tra cũng với lý do “an ninh quốc gia”.
Theo SCMP, đây là lần đầu chính phủ Trung Quốc lấy lý do an ninh quốc gia để điều tra những công ty công nghệ lớn. Một số nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ tạo tiền lệ cho các trường hợp tương tự trong tương lai.
Chiến dịch giám sát mới của Trung Quốc
Trong khi Didi bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm 2 ngày sau khi chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) trên sàn chứng khoán New York, Full Truck Alliance, công ty điều hành Yunmanman và Huochebang đã huy động 1,6 tỷ USD từ đợt IPO vào tháng trước. Boss Zhipin cũng mới giao dịch trên sàn Nasdaq từ giữa tháng 6 sau khi huy động 912 triệu USD.
Theo CAC, cuộc điều tra nhắm vào các ứng dụng với mục đích “ngăn chặn rủi ro, duy trì an ninh dữ liệu quốc gia” dựa trên Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc, Luật An ninh mạng và Danh sách Biện pháp Đánh giá An ninh mạng. Tuy nhiên, những điều khoản khiến Didi và các ứng dụng bị điều tra không được tiết lộ.
Cuộc điều tra nhắm vào Didi diễn ra 2 ngày sau khi app gọi xe lớn nhất Trung Quốc chào bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York. Ảnh: Reuters. |
Cuộc điều tra nhắm vào Didi là lần đầu chính phủ Trung Quốc công khai lấy lý do an ninh quốc gia để đưa các hãng công nghệ lớn vào tầm ngắm. Theo một số nhà phân tích, hành động trên có thể gây ảnh hưởng rộng.
Wang Sixin, Giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc cho rằng động thái này sẽ khởi động chiến dịch giám sát mới dành cho các công ty Internet Trung Quốc.
“Những công ty như Didi có rất nhiều dữ liệu về đường sá, phương tiện giao thông và thói quen người dùng. Chúng liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia”, Wang cho biết.
“Trước đây, luật (an ninh mạng tại Trung Quốc) chủ yếu nằm trên giấy và chưa thực thi nhiều… (Vụ việc của Didi) sẽ là tiền đề cho các trường hợp tương tự trong tương lai”, Zhai Wei, Giáo sư luật tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Hoa ở Thượng Hải nhận định.
Các hãng công nghệ lớn đã phải chịu áp lực kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc, gần đây là những cuộc điều tra, án phạt liên quan đến chống độc quyền.
John Dong, Luật sư chứng khoán tại công ty luật Joint-Win Partners, cho rằng trong khi những cuộc điều tra trước đây tập trung vào quyền riêng tư người dùng, trường hợp của Didi lại liên quan đến vấn đề bảo mật của đất nước.
“Khi vấn đề liên quan đến an ninh cấp quốc gia, hãy xem đó là rủi ro kinh doanh mức cao nhất”, John cho biết.
Didi bị điều tra do vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Cuộc điều tra Didi lập tức ảnh hưởng đến cổ phiếu công ty. Khi IPO vào ngày 30/6, Didi được định giá khoảng 70 tỷ USD. Sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra, giá cổ phiếu Didi giảm 5,3% xuống còn 15,5 USD.
Những công ty đầu tư vào app gọi xe lớn nhất Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. SoftBank Group, cổ đông lớn nhất của Didi với 20,1% cổ phần, chứng kiến cổ phiếu giảm 5,4% tại Tokyo trong ngày 5/7. Cổ phiếu của Tencent tại Hong Kong cũng giảm 3,6%.
Điều tra không chỉ vì an ninh mạng
Li Min, Phó chủ tịch Didi cho biết sẽ hợp tác với Trung Quốc để phục vụ điều tra, phủ nhận tin đồn gửi dữ liệu người dùng Didi tại Trung Quốc cho chính phủ Mỹ.
“Dữ liệu người dùng Trung Quốc được lưu trữ trên máy chủ trong nước, chúng tôi không cung cấp nó cho Mỹ”, Li chia sẻ trên Weibo, dọa sẽ kiện những ai chia sẻ thông tin sai lệch.
Theo Danh sách Biện pháp Đánh giá An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 6/2020, đánh giá an ninh mạng nghĩa là xem xét vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến “sản phẩm, dịch vụ mạng được mua bởi các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”.
Đánh giá an ninh mạng có thể điều tra việc sử dụng thông tin không đúng mục đích, phá hủy cơ sở hạ tầng, xử lý sai dữ liệu hoặc gián đoạn hạ tầng do yếu tố chính trị, ngoại giao và thương mại đến từ các nhà khai thác.
Theo SCMP, quá trình đánh giá thường mất 45 ngày, có thể lâu hơn và không bao gồm thời gian công ty bị điều tra giao nộp tài liệu. Quy chế nêu rõ bất cứ thành viên của văn phòng an ninh mạng có thể khởi động điều tra nếu nhận thấy rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia trong sản phẩm hoặc dịch vụ mạng.
Giới phân tích cho rằng vụ việc Didi sẽ tạo tiền lệ cho những cuộc điều tra tương tự trong tương lai. Ảnh: Reuters. |
Didi là mục tiêu đầu tiên trong cuộc điều tra như vậy. Văn phòng đánh giá an ninh mạng còn phối hợp với 12 cơ quan của Trung Quốc, bao gồm Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước.
Nathaniel Rushforth, luật sư an ninh mạng tại công ty luật DaWo nhận định văn phòng này sẽ khởi động nhiều cuộc điều tra tương tự trong tương lai. Các công ty như Didi sẽ lọt vào tầm ngắm bởi “lượng thông tin cá nhân dồi dào, dữ liệu nhạy cảm” mà họ thu thập.
“Khung đánh giá an ninh mạng được thiết kế để kiểm soát việc xử lý dữ liệu mà các công ty thu thập tại Trung Quốc. Khả năng chuyển dữ liệu xuyên biên giới là vấn đề đáng quan tâm với các công ty đa quốc gia, quy định cũng thắt chặt những hoạt động chuyển giao như vậy”, Rushforth cho biết.
Giáo sư luật Zhai Wei cho biết vụ việc Didi cho thấy cách Trung Quốc sẽ xử lý rủi ro an ninh mạng trong tương lai. Theo Zhai, Didi là một phần “cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” của Trung Quốc bởi tài nguyên dữ liệu mà họ sở hữu liên quan đến kinh tế và an ninh xã hội.
“Nhìn bề ngoài, đây chỉ là cuộc điều tra an ninh mạng, nhưng nó cũng liên quan đến vấn đề bảo mật ở nhiều khía cạnh khác”, Giáo sư Zhai nhận định.
Nguồn: News.zing.vn