Trải qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất, những bãi đá trầm tích núi lửa xếp chồng lên nhau, uốn cong quanh bờ biển huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tạo nên di sản Gành Yến tuyệt tác.
Cách trung tâm TP Quảng Ngãi về hướng bắc khoảng 35 km, thắng cảnh Gành Yến nằm bên làng chài thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Xuyên qua cánh đồng bậc thang xanh ngát, du khách đặt chân đến nơi ấn tượng đầu tiên là eo biển “vầng trăng khuyết” tuyệt đẹp.
Trải qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất, những bãi đá trầm tích núi lửa xếp chồng đều nhau tăm tắp hệt như bức tranh nghệ thuật sắp đặt.
Bà Trần Thị Ánh (du khách đến từ TP.HCM) đánh giá kiến trúc bãi đá trầm tích núi lửa xếp chồng lên nhau của nơi này độc đáo chẳng kém Gành Đá Đĩa (Phú Yên). Nhưng không gian thiên nhiên nơi đây trải đều trên phạm vi rộng còn hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến.
Ghe thúng của ngư dân làng chài Thanh Thủy trong không gian bình yên của thắng cảnh này.
Dòng nước biển xanh biếc ùa từng đợt, xuyên qua khe đá trầm tích núi lửa hệt như dòng sông lười tạo cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia khảo cổ học dưới nước, cho biết sau thời gian dài nghiên cứu, các chuyên gia nhận định hoạt động núi lửa ở Gành Yến xảy ra khoảng 5-6 triệu năm trước, muộn hơn so với huyện đảo Lý Sơn.
Cây cỏ dại dệt màu xanh nổi bật trên vách đá đen trầm tích núi lửa. Hiện các nhà khoa học đã gửi mẫu đá nơi đây đến Hà Lan phân tích, để lập hồ sơ thắng cảnh này cùng với di sản địa chất Lý Sơn, Bình Châu được công nhận là công viên địa chất cấp tỉnh, sau đó tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận quần thể di sản thiên nhiên nơi đây là công viên địa chất toàn cầu.
Cỏ cây mọc trên những cụm đá trầm tích núi lửa vươn về phía biển tạo nên cảnh quan kỳ thú cho Gành Yến.
Bãi đá đen hệt như những quả trứng nằm san sát uốn cong vòng cung bên sóng biển mở ra không gian thiên nhiên độc đáo chào đón du khách.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nhật Bản) cùng giới khoa học quốc tế khảo sát di sản địa chất núi lửa ở vùng ven biển huyện Bình Sơn. Các chuyên gia nhận định, trầm tích núi lửa ở đảo Lý Sơn, Bình Châu, Gành Yến… (Quảng Ngãi) là “di sản địa chất độc đáo, hiếm hoi của thế giới”.
San hô nở hoa dày đặc ở vùng biển ven bờ Gành Yến. Giáo sư Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, chia sẻ các tiêu chí về di sản địa chất cũng như tài nguyên thiên nhiên ở đảo Lý Sơn, Bình Châu và Gành Yến đã hội đủ điều kiện đa dạng về loại hình, đặc biệt hiếm có.
Nhiều loài cá bơi lội tung tăng bên rạn san hô. “Trầm tích núi lửa tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú độc nhất vô nhị. Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội phát triển loại hình du lịch biển đảo gắn với di sản địa chất độc đáo ở Việt Nam”, giáo sư nhấn mạnh.
Du khách thích thú lặn ngắm rạn san hô nở hoa muôn màu như lạc vào thế giới cổ tích ở vùng ven biển nơi đây. “Tôi đi du lịch lặn biển nhiều nơi, nhưng chưa nơi nào ở Việt Nam có rạn san hô còn nguyên vẹn, nở hoa kích cỡ lớn trải rộng khắp nơi tuyệt đẹp như vùng ven bờ ở Gành Yến”, ông Đỗ Văn Ba (du khách đến từ Đà Nẵng) chia sẻ.