Hòn Sơn ở Kiên Giang có núi rừng nguyên sinh, gồm nhiều loại cây cối và động vật. Nơi này còn có tên gọi là đảo Hòn Rái, do trước đây trên đảo có rất nhiều rái cá sinh sống.
Đảo Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, nằm cách thành phố Rạch Giá 65 km về phía tây, với diện tích 11,5 km2.
Ảnh chụp bến cảng nhìn từ trên dốc xuống, nằm ở Bãi Nhà. Con đường ven biển chạy dọc vòng quanh đảo. Đường đã được trải nhựa nên chạy xe rất dễ dàng. Từ Bãi Nhà, bạn chạy dọc con đường về nhà nghỉ, đi ngang những trụ điện xây dựng trên biển để đưa điện từ đất liền ra đảo. Hiện đảo có điện 24/24h.
Hàng trụ đưa điện ra Hòn Sơn trong trời mây vần vũ. Hòn đảo nhỏ, còn mới mẻ với dân du lịch bụi, nằm chung tuyến tàu từ Rạch Giá ra Nam Du. Nửa đường, tàu ghé vào cảng ở Hòn Sơn, sau đó tiếp tục đi ra quần đảo Nam Du. Bạn nên đi Hòn Sơn khoảng 2 ngày để đi hết đảo, cũng như thăm thú những nét đặc trưng.
Về tới Bãi Bấc, mình tới nhà nghỉ, cất đồ đạc và chuẩn bị lên xe đi vòng quanh đảo. Nhà nghỉ có cho thuê xe máy. Giá cả trên Hòn Sơn đều theo mức nhà nước quy định. Ở bến tàu có treo bảng thông tin giá cả phòng cho thuê, và bảng giá thuê xe máy. Có chỗ cho thuê lều để cắm ngoài bãi biển. Giá phòng đôi là 250.000 đồng, phòng 4 người là 400.000 đồng, thuê xe máy là 200.000 đồng/ngày, sang ngày thứ 2 là 150.000 đồng. Mình ở nhà nghỉ Beach. Anh chủ nhà trọ rất nhiệt tình, có dịch vụ nấu ăn giùm. Bạn có thể mua hải sản ở chợ với giá rất rẻ, để chủ nhà chế biến giúp.
Bãi Bấc nhìn từ nhà nghỉ. Ở đây người ta gọi là mũi Kỳ Lân, biển xanh và không có sóng.
Ở Bãi Bấc có một cầu cảng như ở Bãi Nhà, nhưng đối diện với Bãi Nhà. Mình nghĩ tàu cập bến ở 2 bên của Hòn Sơn đều được. Con đường chạy tiếp tục từ Bãi Bấc, đi qua Bãi Đá, rồi tới Bãi Giếng trước khi trở lại Bãi Nhà nơi chúng ta xuống tàu. Ở Bãi Đá, như tên gọi của nó, những tảng đá to nhỏ nằm xếp lên nhau, chồng chất ngoài bãi biển thành bãi rất dài. Nơi đây cũng có nhà hàng, đường dẫn xuống Bãi Đá để tắm biển. Đi tiếp là qua Bãi Giếng, ở đây có họp chợ. Bạn hãy ghé chỗ này để mua hải sản, vì tươi và rẻ hơn những chỗ khác.
Bãi đá trên con đường ven biển.
Chạy hết Bãi Giếng, bạn sẽ thấy con đường xuyên núi. Đường hơi dốc và uốn lượn, nên bạn cần chắc tay lái chạy để an toàn. Từ trên con đường này, bạn thấy được cầu cảng ở Bãi Nhà, cầu cảng ở Bãi Bấc.
Từ đây, bạn sẽ thấy biển trời mênh mông, lâu lâu những con tàu cao tốc SuperDong cập bến.
Cầu cảng Bãi Bấc từ con đường xuyên núi nhìn xuống. Trên đảo có rất nhiều dừa, do người dân trồng lấy trái phục vụ cho khách tham quan, hay chế biến trong ăn uống.
Thác nước nhỏ chảy từ trên núi xuống, trong và rất mát.
Người ta nói ra Hòn Sơn mà không đi Bãi Bàng thì giống như chưa đi Hòn Sơn. Bãi Bàng nằm trên con đường đi từ Bãi Nhà về Bãi Bấc, là một bãi cát dài, với những hàng dừa ngả nghiêng ra phía biển. Ở đây có phục vụ nước hay ăn uống hải sản cho ai có nhu cầu, cũng như dịch vụ tắm nước ngọt, không hề có chặt chém giá cả.
Bãi Bàng là địa điểm đón bình minh đẹp nhất trên đảo.
Cây dừa này là tâm điểm của cả bãi biển này, ai ai cũng chụp với nó.
Dân đảo tiết lộ nếu đi Hòn Sơn, nên đi tầm tháng 1 đến tháng 5, vì trời trong xanh, biển đẹp và êm, ít bị mưa. Từ tháng 6 đến tháng 9 là mưa nhiều nhất, và tháng 10 đến tháng 12 mưa ít hơn, thời tiết dễ chịu hơn. Nhưng bù lại, tầm tháng 8, hải sản rất nhiều và rẻ. Những tháng đầu năm thích hợp để đi câu mực hay bắt nhum. Ở đảo, nên thử món gà hấp rượu. Gà được nuôi chủ yếu từ cơm dừa và tự kiếm ăn trên các triền núi quanh đảo, thịt chắc, rất thơm khi hấp với rượu.
Nhum nướng mỡ hành.
Ở Hòn Sơn, địa hình chủ yếu là núi, đá tảng. Những tảng đá to nằm lăn lốc, chạy dọc đường. Ở đây có ngọn núi Ma Thiên Lãnh. Nếu bạn chán tắm biển và muốn đổi gió, đó là thử thách đặc biệt khi đến Hòn Sơn. Trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có 1 tảng đá lớn bằng phẳng. Truyền thuyết nói xa xưa những nàng tiên hay xuống đó vui chơi, nên giờ có tên là bàn Tiên. Mình chuẩn bị khá kỹ để leo Ma Thiên Lãnh, nhưng mưa quá nhiều nên phải hoãn chuyến leo núi. Nó khiến mình tiếc nuối nhiều và sẽ quay lại Hòn Sơn.