Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Đà Nẵng: Sôi động không gian trên cạn và dưới nước

Trong thời gian tới, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) sẽ làm sôi động không gian dưới nước và trên cạn bằng cách nâng cấp những tour đã khai thác trước đây trên quy mô lớn hơn.

Tour “Lặn ngắm san hô” sẽ được làm mới trên quy mô lớn hơn.

Từ thể thao biển đến lặn ngắm san hô

Ở dưới nước, BQL sẽ tập trung khai thác các loại hình thể thao biển và các tour ngắm san hô. Mong muốn của những nhà làm du lịch là xây dựng khu vực dưới nước tại bán đảo Sơn Trà thành “thiên đường” của hoạt động thể thao biển, phục vụ các hoạt động có thể đáp ứng được nhu cầu giải trí của du khách như mô-tô nước, chèo xuồng kayat, ca nô dù kéo, lướt ván bằng mô-tô nước, dù lượn, kéo bè chuối, lặn biển, bóng đá, bóng chuyền bãi biển. Ngoài việc tổ chức các hoạt động thường xuyên, BQL cho hay sẽ hướng đến các sự kiện thi đấu hằng năm nhằm thu hút lượng lớn du khách đến với bán đảo Sơn Trà và Đà Nẵng. Phía BQL và Công ty Du lịch Huy Khánh cũng phối hợp khởi động cho các hoạt động trên vào ngày 11-2 tại các bãi biển Mỹ Khê và Phạm Văn Đồng từ 7 giờ 30 đến 18 giờ hằng ngày.

“Lặn ngắm san hô” là một tour không mới, nhưng đang được nâng cấp để chuẩn bị đưa vào khai thác có quy mô từ mùa hè này. Theo đó, 3 khu vực san hô có màu sắc đẹp, mật độ dày nhất là Hòn Sụp, Bãi Nồm và Hục Lở-Vũng Đá được khoanh vùng khai thác. Nguồn tài nguyên san hô phong phú, đa dạng của bán đảo Sơn Trà được khai thác để xây dựng các hoạt động cho du khách khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các rạn san hô đa sắc màu. Các công cụ hỗ trợ cho du khách tham gia lặn biển ngắm san hô như bộ đồ lặn biển, áo phao cứu sinh, máy ảnh chụp dưới nước đều thân thiện với môi trường biển, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến quần thể san hô. Tại các điểm trên, du khách có thể tham gia lặn nông hoặc lặn sâu, tùy thuộc vào kỹ thuật lặn biển hoặc “máu” mạo hiểm, với sự hướng dẫn của những ngư dân đầy kinh nghiệm.

Trên cạn: Xuyên rừng

“Không gian xanh” là một trong những tour mới nhất do BQL “chủ xị”. Từ trung tâm thành phố, du khách có thể thẳng tiến về bán đảo Sơn Trà, đi tour “chuyên” ngắm loài voọc có bộ lông đầy màu sắc hoặc kết hợp ngắm voọc với tour Vòng quanh bán đảo truyền thống. Theo Phó BQL Phan Minh Hải, tour này được làm lại từ tour “Trekking xuyên rừng ngắm voọc” đã khai thác trước đây, với lộ trình ngắn khoảng 1,5km xuyên rừng, tập trung vào 3 vùng mà voọc hay xuất hiện nhất là tuyến 535 thuộc tiểu khu 63 của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, tuyến Tiên Sa và tuyến Hố Sâu. Ông Hải cho rằng, tính bản địa của tour sẽ làm nên sự khác biệt, hấp dẫn du khách. Bởi voọc chà vá là loài đặc hữu của Đông Dương mà Đà Nẵng là một trong số rất ít địa phương của Việt Nam may mắn có khoảng 300 con sinh sống. Các khảo sát của BQL cho thấy, Đà Nẵng rất thích hợp để khai thác tuyến trên vì có thảm động thực vật phù hợp, giao thông thuận lợi.

Khi khai thác các tour sinh thái trên, BQL cho biết sẽ chú trọng vào việc giáo dục ý thức của cộng đồng, bao gồm người dân và du khách, trong việc bảo tồn thiên nhiên, các rạn san hô và các loài động vật hoang dã. Nơi này kêu gọi những người đi rừng, những ngư dân có kinh nghiệm tham gia vào đoàn hướng dẫn tour, để họ hiểu rằng chính họ đang hưởng lợi từ đa dạng sinh học, từ đó hạn chế việc đốt phá rừng, khai thác san hô bừa bãi, giữ cho thiên nhiên được nguyên vẹn, yên lành.

BN

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Khai trương tuyến du lịch quanh Hồ Tây bằng xe điện

Công ty Cổ phần TLC Hồ Tây đã chính thức khai trương tuyến du lịch văn hóa, lịch sử Hồ Tây bằng ô tô điện, nhằm khám phá các giá trị văn hóa lịch sử cũng như vẻ đẹp của Hồ Tây dọc đường dạo ven hồ dài 18 km.

5 gói dịch vụ du lịch được xây dựng bao gồm: Vãn cảnh Hồ Tây, khám phá Hồ Tây, hương sắc Hồ Tây, vận chuyển khách và dịch vụ theo yêu cầu.

Tham gia các gói dịch vụ này, du khách sẽ được thưởng ngoạn cảnh sắc Hồ Tây, tham quan các di tích nổi tiếng: Phủ Tây Hồ, chùa Võng Thị, chùa Tảo Sách, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh… và đi qua gần 20 di tích khác; thưởng thức các món ăn đặc sản của Hồ Tây như bún ốc, bánh tôm.

Tùy từng gói dịch vụ, thời gian tham gia tour sẽ kéo dài từ hơn 1 giờ tới hơn 2 giờ với 10 điểm dừng đón khách và bán vé. Tổng số ô tô điện là 30 xe, trung bình cứ 0,6 km-1 km sẽ có một xe lưu thông./.

Đinh Thị Thuận

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Ý tưởng ”độc”: du lịch biển với muối và rác

Xây dựng sản phẩm du lịch biển từ cát, muối và rác thải, làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch từ biển vốn còn nghèo nàn, đơn điệu ở nước ta. Đó là ý tưởng mới nhất của nhóm các nhà khoa học của Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững.

Du lịch với rác và muối

Theo Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) cho biết: cát, muối, rác đều là những tài nguyên có thể mng lại lợi ích lâu dài cho phát triển du lịch biển, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn từ biển mà không làm tổn hại các nguồn tài nguyên khác. Đáng tiếc là Việt Nam vẫn chưa coi đây là tài nguyên du lịch và có cách khai thác hợp lý”.

Việt Nam có đường bờ biển kéo dài, nhiều bãi tắm tuyệt đẹp với cát vàng óng ánh, mịn màng, nhất là tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, từ bao năm qua, sản phẩm du lịch từ cát vẫn cứ nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là các hoạt động như tắm biển, phơi nắng, thể thao trên cát, trượt cát, xây lâu đài cát…

Gần đây có thêm sản phẩm lưu niệm từ tranh cát thiên nhiên. Trên thực tế, có thể sử dụng cát để làm thành nhiều sản phẩm hơn nữa như xây dựng khu nghỉ dưỡng chữa bệnh như vùi mình trong cát chữa bệnh về cơ và da, spa…

Theo Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững, muối cũng là nguồn tài nguyên nổi trội của biển nước ta, nhưng người dân ven biển vẫn không thể sống bằng nghề muối vì giá muối quá rẻ, thậm chí đã có lúc Việt Nam còn phải nhập khẩu muối từ nước ngoài. Người Việt Nam vẫn chỉ nhìn nhận muối là một loại gia vị.

Nhưng trên thực tế muối và các sản phẩm từ muối có thể khai thác để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, có giá trị hàng hóa cao. Các khu du lịch với muối đã được nhiều nước trên thế giới khai thác hiệu quả như các ma trận muối, hang động, trượt muối, bảo tàng muối, lễ hội muối hay nhiều sản phẩm ẩm thực, nghỉ dưỡng – chữa bệnh (khách sạn muối, biệt thự muối, vườn thiền muối)…

Rác thải từ các bãi biển, một vấn đề gây bức bối tại các bãi biển hiện nay, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa phá vỡ cảnh quan du lịch cũng có thể tận dụng để  trở thành tài nguyên tái sinh, phục vụ phát triển du lịch. Các nhà khoa học từ STDe đã chỉ ra giá trị du lịch từ rác với các sản phẩm tạo hình tái sinh từ rác, vật liệu xây dựng và cả công viên tái sinh trên biển…

Cần nhà đầu tư

Trước khi đưa ra dự án sản phẩm du lịch với cát, muối và rác, STDe đã đưa ra ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch từ thiên tai (mưa, bão, lụt) ở miền Trung và được các địa phương ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) hết sức ủng hộ và mong muốn được hợp tác sớm triển khai thực tế.

“Ý tưởng sẽ mãi là ý tưởng, dù có hay đến đâu cũng sẽ bị lãng quên nếu không được triển khai trên thực tế. Nhà khoa học cứ nghiên cứu, vẽ kế hoạch trên giấy còn người kinh doanh cứ làm việc trên cơ sở tài nguyên sẵn có mà ít chịu để ý tìm hiểu, đầu tư cho dự án nghiên cứu sản phẩm mới trong nước hoặc mua các ý tưởng từ nước ngoài. Đó là sự lãng phí chất xám vô cùng lớn và thu hẹp nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của nước ta”, bà Hạnh nói.

Chính vì thế, STDe cũng mong muốn các ý tưởng độc đáo này sớm được triển khai trên thực tế, góp phần thay đổi tư duy làm du lịch của người Việt khi khai thác những nguồn tài nguyên tưởng như đã cũ hoặc không coi là tài nguyên như rác. Đó chính là cách thức khai thác tài nguyên, phát triển du lịch bền vững, độc đáo hấp dẫn và đề cao những giá trị văn hóa tinh thần của người Việt.

Theo đánh giá từ nhóm các nhà nghiên cứu của STDe, các ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch từ cát, muối hoàn toàn có thể triển khai ở các khu du lịch biển nước ta bởi đầu tư không quá lớn và không đòi hỏi công nghệ quá cao. Với rác, ở nước ta từ lâu vốn đã diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm tái sinh đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp sản xuất vì hàng hóa đều là tái chế, đầu tư ít, lợi nhuận cao, tiết kiệm nguyên liệu…

Một công viên rác hay công viên tái sinh trên biển thực sự thì ở Việt Nam là hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự bắt tay hưởng ứng không chỉ của doanh nghiệp mà còn cần sự vào cuộc của các nhà khoa học chuyên ngành xử lý chất thải để biến rác thải từ các bãi biển thành công viên.

Ý tưởng đưa ra bởi STDe về công viên tái sinh trên biển là công viên nằm trên các bãi biển, được xây dựng từ chính nguồn vật liệu… rác. Rác thải thu gom được tại các bãi biển sẽ được phân loại để sử dụng trong công viên tái sinh, chủ yếu chọn chất thải rắn, khó phân hủy hoặc không phân hủy được (gỗ, nhựa, thủy tinh, kim loại…).

Sau khi phân loại, rác được làm sạch và đưa vào sản xuất ra các sản phẩm trong các xưởng tái sinh bằng phương pháp thủ công kết hợp với máy móc đơn giản. Ví dụ như ta có thể cải tạo một chiếc xe bus hỏng thành một quán cà phê sát bờ biển hoặc dùng vỏ thùng sơn làm ghế ngồi, các cành cây khô hoặc lốp xe hỏng có thể làm thành các tác phẩm tạo hình…

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

TIN MỚI NHẤT