Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Thấy gì từ ‘trend Đại Lý’ đang sốt mạng xã hội?

“Dốc Đại Lý” nằm trong trào lưu chung về “check-in mạo hiểm” của du lịch Trung Quốc và nhiều nước khác. Xu hướng này không được ủng hộ bởi nguy cơ mất an toàn giao thông.

trend Dai Ly anh 1

“Con đường cao tốc đẹp nhất”, “cao tốc nổi tiếng nhất mạng xã hội dành cho các KOL”, hay “con đường mộng mơ – nơi gặp gỡ giữa núi và biển”… là loạt bài đăng được cư dân mạng Trung Quốc viết về đại lộ Thương Nhĩ – đường cao tốc Thương Nhĩ Đại Đạo (苍洱大道), nằm ở thành phố Đại Lý (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Hơn 17.000 người tạo video và hơn 190 triệu lượt xem, hastag Thương Nhĩ Đại Đạo #苍洱大道 trên nền tảng Douyin của Trung Quốc đã biến con đường cao tốc nối liền điểm du lịch hồ Nhĩ Hải và dãy núi Thương Sơn trở thành tọa độ check-in hot nhất mạng xã hội trong vài năm trở lại đây.

Thậm chí, trào lưu check-in tại đại lộ này tạo thành xu hướng lan tỏa rộng rãi trên diễn đàn quốc tế, trong đó có nhiều bạn trẻ Việt Nam với loạt video “trend Đại Lý” những ngày qua.

Trào lưu check-in trên cao tốc

Thực tế, trào lưu check-in tại đường cao tốc Thương Nhĩ Đại Đạo xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội Trung cách đây từ vài năm trước.

Cụ thể, cuối 2018, một số tài khoản Douyin chia sẻ video chụp ảnh trên tuyến đường ven hồ Nhĩ Hải, nhận được lượng lớn lượt thích và bình luận.Sau đó nhiều bức ảnh chụp tại đây lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng như Weibo, WeChat, Xiaohongshu (Little Red Book) và rầm rộ nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2019 – khi nền tảng video ngắn Douyin/TikTok trở nên phổ biến.

trend Dai Ly anh 2trend Dai Ly anh 3

Đại lộ Thương Nhĩ là địa điểm check-in không chính thức trong hành trình của nhiều du khách đến Đại Lý, Trung Quốc. Ảnh: @santourtgiare, @youxiu.

Trend chụp ảnh trên đường cao tốc trở thành xu thế xuất phát từ tâm lý muốn khác biệt. Ngày nay du khách không còn hài lòng với ảnh chụp ở điểm đến thông thường mà muốn có tấm ảnh độc nhất, mạo hiểm.

Trong khi đó, đại lộ Thương Nhĩ gần Đại học Đại Lý sở hữu lối đi thẳng tắp dẫn đến hồ Nhĩ Hải (một trong những hồ nước ngọt lớn và đẹp nhất Tỉnh Vân Nam) ở cuối đường, bao quanh xung quanh là dãy núi Thương Sơn (Cangshan). Khung cảnh giữa đường cao tốc với phông nền núi – hồ, vừa độc đáo vừa “ăn ảnh”, đúng tiêu chí “sống ảo” của các bạn trẻ.

Video ghi cảnh “nhân vật chính” hòa mình vào cảnh người xe đi lại tấp nập, không gian rộng lớn lại được lồng ghép trên nền bản nhạc Sick Enough to Die của MC Mong năm 2010 ngụ ý đã tìm được cách buông bỏ người thương lập tức “gây sốt” và trở thành hiệu ứng FOMO (fear of missing out – sợ bỏ lỡ) lan truyền rộng khắp trong giới trẻ tại Trung Quốc.

Từ năm 2018 đến khoảng năm 2020, cao tốc Thương Nhĩ trở thành điểm đến “hot”, đặc biệt vào mùa du lịch (mùa xuân và mùa hè).

Đại Lý vốn là một điểm du lịch nổi tiếng của Trung Quốc, với lượng khách du lịch mỗi năm lên đến hàng triệu lượt. Cùng với độ nổi tiếng trên mạng xã hội, cao tốc Thương Nhĩ trở thành một điểm check-in không chính thức trong hành trình của nhiều du khách. Tâm lý “đến Đại Lý phải chụp ảnh kiểu này mới chất” lan truyền khắp các diễn đàn du lịch nội địa.

Bắt nhịp xu hướng này, nhiều nhiếp ảnh gia sẵn sàng đem đạo cụ đến “tác nghiệp” phục vụ khách hàng. Thậm chí một số người dựng quầy hàng ven đường bán cà phê, đồ ăn vặt, theo Upstream News.

trend Dai Ly anh 4trend Dai Ly anh 5trend Dai Ly anh 6trend Dai Ly anh 7

Nhiều bạn trẻ Việt Nam “bắt trend” Đại Lý bằng cách check-in một số điểm tương tự như Sương Nguyệt Anh (Đà Lạt), con dốc ở xã Nhơn Hải (Quy Nhơn), rừng thông Măng Đen (Kon Tum)… Ảnh: @haocadidaudo, @dalatcuavy, @phuongtali_2709, @dicunglan.

Những tưởng đã “nguội trend”, các video về khoảnh khắc check-in tại Đại Lý bỗng nhiên được chia sẻ trên nền tảng TikTok Việt Nam từ đầu năm 2025. Kéo theo đó là hàng loạt clip “bắt trend” của các bạn trẻ và tín đồ du lịch với hình ảnh check-in một số địa điểm trong nước có view tương tự.

Nổi bật trong số đó phải kể đế dốc Sương Nguyệt Anh (phường 9, Đà Lạt), con dốc xã Nhơn Hải (Bình Định), dốc Rồng (Thùy Vân, Vũng Tàu)…

Để “đu trend”, một số bạn trẻ ở TP.HCM không ngần ngại di chuyển hàng trăm km, chi tiền để thuê videographer (người quay video) để ghi lại những thước phim tuyệt đẹp. Nhiều điểm đông kín bạn trẻ đến chờ xếp hàng, “sống ảo” từ sáng sớm bình minh cho đến hoàng hôn.

Nguy cơ từ trào lưu

Các bức ảnh có thể trông tuyệt đẹp trên mạng, nhưng việc dừng xe đứng trên đường cao tốc (thường được thiết kế cho phương tiện di chuyển với tốc độ 80-120 km/h trở lên) làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn.

“Đừng đến đại lộ Thương Nhĩ để chụp ảnh nữa” là một trong những lời phàn nàn của người dân địa phương ở Đại Lý, Vân Nam, theo Upstream News.

trend Dai Ly anh 8

Biển báo cảnh báo do Cảnh sát giao thông thuộc Cục Công an thành phố Đại Lý dựng lên. Ảnh: QQ.

Bà Kong, đang sống ở Đại Lý, chia sẻ với tờ báo địa phương rằng từng chứng kiến du khách đổ xô ra đại lộ để chụp ảnh. Nhiều người dựng gian hàng lấn chiếm lòng, lề đường, gây mất mĩ quan đô thị và bị người dân khiếu nại lên các sở ban ngành có liên quan.

Xiao Zhou, một nhiếp ảnh gia và chuyên gia trang điểm tại Đại Lý, cho biết: “Trước đây, nơi này ngày nào cũng đông đúc. Các quán cà phê hai bên đường gần như nằm giữa đường. Một số chủ quán thậm chí còn cãi vã và tranh giành vị trí. Bây giờ, du khách không được phép chụp ảnh giữa đường”.

Không chỉ Đại Lý, trào lưu check-in giữa đường cao tốc còn được báo cáo ở những điểm du lịch nổi tiếng như xa lộ sa mạc ở Dubai, hay các tuyến đường vành đai đẹp như tranh vẽ ở Iceland…

Ngày 9/1, Đội Cảnh sát giao thông thuộc Cục Công an thành phố Đại Lý, thông tin thời gian gần đây đơn vị đang kiểm soát chặt chẽ đường Thương Nhĩ, chủ yếu là cảnh báo và ngăn chặn khách du lịch đến chụp ảnh check-in.

“Mỗi ngày sẽ có cảnh sát trực tại điểm. Phòng quản lý đô thị cũng sẽ quản lý những người bán hàng rong và nếu ảnh hưởng đến giao thông, cảnh sát giao thông cũng sẽ xử lý”, đại diện Đội Cảnh sát giao thông cho biết.

Từ tháng 11/2020, Cảnh sát giao thông địa phương đã lắp đặt biển cảnh báo ở hai bên ngã tư đường Thương Sơn và đường Thương Nhĩ, nội dung ghi rõ: “Người đi bộ không được ngồi, nằm, dừng lại chụp ảnh hoặc có hành vi khác gây cản trở an toàn giao thông trên làn đường lái xe”.

trend Dai Ly anh 9

Con đường xuống xã Nhơn Hải bị các bạn trẻ “đóng chiếm” để chụp ảnh “đu trend”. Ảnh: Bình Định Trong Tôi.

Cách làm này cũng được áp dụng tương tự tại Việt Nam khi tình trạng nhiều bạn trẻ lao ra giữa đường để chụp ảnh “đu trend” đang gia tăng đáng kể.

Tại con dốc xuống xã Nhơn Hải (Quy Nhơn, Bình Định), chỉ trong một ngày ra quân, lực lượng chức năng đã xử lý, nhắc nhở hơn 20 trường hợp du khách đứng giữa đường chụp ảnh, bất chấp nguy hiểm về an toàn giao thông.

“Chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho các bạn trẻ và người tham gia giao thông. Quay phim, chụp ảnh để giới thiệu điểm đến là tốt, nhưng an toàn vẫn là trên hết”, ông Thắng cho biết trên Tri Thức – Znews.

Tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê về hậu quả khi liều mình “sống ảo”, nhưng vài năm gần đây liên tục xuất hiện các trường hợp thương vong do chụp ảnh tại khu vực nguy hiểm.

Tháng 1/2021, phượt thủ người Sơn La bị rách sâu ở đùi sau khi rơi xuống khe đá thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lúc “sống ảo”. Tháng 7/2022, một du khách ở Đà Năng trượt chân ngã tử vong khi leo lên thác cao chụp ảnh.

Nguồn: Znews

TPHCM: Xếp hàng gần 3 tiếng để mua món mỗi năm chỉ bán một lần

Buổi chiều, khi gian hàng bán đậu hủ vàng tại Hội quán Nghĩa An (quận 5, TPHCM) còn chưa được bày ra, khu vực này đã nhộn nhịp với hàng trăm người xếp thành hàng dài để chờ mua món ăn này.

Đúng 17h30, chiếc xe ba gác chở bàn ghế, bếp ga, đậu hủ đến, khiến khách đợi mua hàng nháo nhào, nôn nao. Gần chục người nhanh nhẹn xếp vật dụng để bày bán. Người khuân vác đậu hủ vào quầy, người cho dầu vào chảo, người đứng bếp chiên, người đảm nhận việc bỏ đậu hủ vào hộp cho khách…

Xếp hàng gần 3 tiếng chờ ăn đậu hủ vàng chấm muối hẹ mỗi năm chỉ bán một lần (Video: Cẩm Tiên).

Ai cũng luôn tay luôn chân, mồ hôi nhễ nhại, nhưng vẫn cố gắng làm đúng quy trình, để chiên được miếng đậu hủ vừa vàng tới, không bị cháy. Sở dĩ món ăn đơn giản này được nhiều người săn đón là vì mỗi năm chỉ bán một lần tại Hội quán Nghĩa An vào khoảng dịp Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng).

Đây là món đậu hủ vàng Triều Châu – một món lâu đời của người Hoa. Miếng đậu hủ to, mềm mại, có lớp vỏ vàng ươm sẽ được chiên ngập trong dầu sôi, sau đó ăn kèm rau sống và chấm nước mắm hẹ.

Thông thường, khi bán cho khách, mỗi miếng đậu hủ sẽ được cắt làm bốn phần cho dễ ăn, có giá 30.000 đồng.

TPHCM: Xếp hàng gần 3 tiếng để mua món mỗi năm chỉ bán một lần - 1

Nhiều người xếp hàng tại Hội quán Nghĩa An để chờ mua đậu hủ (Ảnh: Mộc Khải).

Chị Kim Thanh – một trong những người bán đậu hủ vàng Triều Châu – cho biết mỗi năm, thời gian bán đậu hủ sẽ khác nhau.

Có năm gia đình chị bán 4 ngày, 5 ngày, có năm bán 7 ngày, riêng năm nay gian hàng sẽ bày bán trong 11 ngày, từ ngày 13/2 đến ngày 24/2. Chị Thanh cho biết tất cả nhân viên tại quầy đều là người trong gia đình.

“Đây là đậu hủ không có nhân, thường được cuốn bánh tráng ăn cùng rau sống. Khách đến đông quá nên lúc nào chúng tôi cũng tất bật, không kịp trở tay.

Có người mua một miếng đậu hủ, cũng có người mua nhiều miếng một lần để ăn cùng gia đình, bạn bè. Năm nào khách cũng đông như thế”, chị Thanh chia sẻ.

Anh Đức Phong – chủ quầy đậu hủ ở Hội quán Nghĩa An – cho biết món đậu hủ là món ăn lâu đời của người Hoa, nên thường cũng chỉ có người Hoa ưa chuộng. “Ở đâu có người Hoa, ở đó lại bán món này rất đắt. Ngày thường, nếu khách muốn ăn, có thể gọi điện cho chúng tôi để mua”, anh Phong nói.

TPHCM: Xếp hàng gần 3 tiếng để mua món mỗi năm chỉ bán một lần - 2

Đậu hủ vàng được chiên ngập trong dầu nóng (Ảnh: Mộc Khải).

TPHCM: Xếp hàng gần 3 tiếng để mua món mỗi năm chỉ bán một lần - 3

Mỗi miếng đậu hủ có giá 30.000 đồng (Ảnh: Mộc Khải).

Càng về chiều tối, lượng người đến Hội quán Nghĩa An xếp hàng mua đậu hủ vàng lại càng đông hơn.

Chị Bình An (SN 2005, quận 10) biết đến món đậu hủ vàng Triều Châu bán tại Hội quán Nghĩa An từ năm ngoái thông qua mạng xã hội. Song, khi đó chị An không kịp đến mua. Vì thế, năm nay chị cùng bạn bè quyết tâm đến xếp hàng mua đậu hủ để thưởng thức.

“Hôm qua khoảng 17h30 tôi đã đến đây để mua đậu hủ, khi thấy có rất nhiều người đã xếp thành 4-5 hàng dài, tôi nghĩ chắc còn lâu mới đến lượt mình mua nên đã ra về. Hôm nay tôi mới trở lại mua”, chị Bình An chia sẻ.

TPHCM: Xếp hàng gần 3 tiếng để mua món mỗi năm chỉ bán một lần - 4

Càng về đêm, lượng người xếp hàng tại Hội quán Nghĩa An lại càng đông (Ảnh: Mộc Khải).

Chị An cho biết, để mua được đậu hủ sớm, chị và bạn bè đã phân công nhau đến hội quán xếp hàng. Bạn chị An đến từ 15h30 để giữ chỗ, đến hơn 16h thì chị An ra thay. Đến khoảng 18h, chị An và bạn bè đã mua được đậu hủ.

“Vì món ăn khá nổi tiếng, nên chúng tôi cũng muốn thử xem sao. Song, tôi thấy giá mỗi miếng khá đắt. Mắm hẹ có vị mặn và thơm ăn cũng ngon, nhưng còn đậu hủ thì không hợp khẩu vị của tôi.

Có lẽ vì đây vốn là món ăn của người Hoa, nên tôi ăn không quen, thấy không ngon bằng các loại đậu hủ thông thường bán ở chợ”, chị An chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, thông thường, đậu hủ vàng vẫn được bán tại các khu chợ tập trung nhiều người Hoa ở TPHCM, với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/miếng. Song, đây là đậu hủ chưa chiên, không kèm nước chấm hay rau và bánh tráng.

Nguồn: Dantri

5 khách sạn mới mở dành cho khách có gu ở TP.HCM

Kin Hotel, El Pino Realm, Ariosa… là những điểm lưu trú vừa đi vào hoạt động với nhiều lựa chọn hạng phòng, giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng/đêm.

Ngoài ẩm thực phong phú, tụ điểm giải trí hấp dẫn, TP.HCM luôn biết cách làm mới mình khi các khách sạn, homestay, căn hộ với mức giá trải rộng liên tục ra mắt. Phong cách thiết kế hợp thời, tone màu nịnh mắt, đầy đủ dịch vụ và nhiều hạng phòng để đa dạng hóa lựa chọn là những điểm nổi trội.

Tri Thức – Znews giới thiệu một số khách sạn mới ở TP.HCM, đảm bảo các tiện ích từ cơ bản cho đến nâng cao để nâng tầm trải nghiệm lưu trú.

Kin Hotel

Kin Hotel nằm giữa Saigon’s Little Japan (khu phố Nhật Bản), cách các trung tâm mua sắm lớn và công trình nổi tiếng chỉ vài phút di chuyển. Thấm nhuần sự tinh tế của kiến trúc xứ mặt trời mọc, khách sạn kết hợp thêm cách bố trí nội thất kiểu Bắc Âu hiện đại, mang đến không gian đủ sang trọng, thanh lịch.

Khách sạn có 7 hạng phòng, thiết kế khác biệt để khách hàng không cảm thấy trùng lặp khi lưu trú nhiều lần. Phòng Kin’s signature đại diện cho sự xa hoa với tầm nhìn toàn thành phố. Phòng senior executive suite ốp gỗ bóng, có cửa sổ lớn đón ánh sáng tự nhiên. Phòng executive suite sở hữu tone màu trung tính, giường cỡ lớn sang trọng. Phòng premier double city view thiết kế tối ưu hóa với giường đôi, cửa sổ hướng ra thành phố.

Ba hạng phòng premier twin city view, deluxe double with window, deluxe double đều trang bị nội thất gỗ, tường sần lạ mắt và nhiều tiện ích đi kèm. Khi đặt phòng, khách hàng được chiêu đãi bữa sáng à la carte (tùy chọn món) hoặc ẩm thực phong cách lục địa.

El Pino Realm

Chính thức mở đặt phòng từ ngày 3/2, El Pino Realm ghi điểm nhờ thiết kế indochine hiện đại, sử dụng tone trắng – đen tương phản thị giác và tường loang vân đá sang trọng. Với phương châm “tạo nên không gian sống tinh tế”, từng hạng phòng đều được chăm chút kỹ lưỡng, giữ yên tĩnh bằng hệ thống cách âm và sàn lát gỗ.

Diện tích mỗi phòng rộng 20-75 m2, đủ sức chứa 3-10 người. Khách sạn có 4 hạng mức, gồm phòng studio nhìn ra thành phố, phòng superior ngắm toàn thành phố, phòng cao cấp view chợ Bến Thành và phòng view Bitexco. Ngoài ra còn có căn hộ ngăn cách 2 phòng ngủ cho khách hàng lưu trú theo nhóm.

Khi đặt phòng, khách hàng được tự do sử dùng phòng gym, đồ dùng nhà bếp và hoạt động thoải mái ở khu vực sảnh. Từ vị trí của khách sạn có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm tham quan, mua sắm nổi tiếng như Takashimaya, Vincom Center, chợ Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật, The New Playground…

Ariosa

Khách sạn Ariosa từng đạt cúp Agoda Gold Circle Awards 2024, giải thưởng thường niên được nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda dành cho các khách sạn ưu tú. Tại đây có 3 hạng phòng (studio middle, studio back, studio front) với diện tích rộng 25 m2.

Dù nằm ở khu vực trung tâm, khách sạn vẫn mang đến không gian thư thái, mặt tiền gây ấn tượng bởi hệ thống lam gỗ giúp hạn chế khói bụi, giảm tiếng ồn. Thiết kế bên trong tối giản theo phong cách Nhật Bản với gam màu pastel hợp thời, điểm nhấn là nội thất bằng gỗ tái chế, mỗi phòng đều có bếp mở, cửa sổ dạng tổ chim để đón nắng, gió tự nhiên và ban công bố trí cây xanh.

Đặt sự tiện nghi sinh hoạt của khách hàng lên hàng đầu, khách sạn cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản, nước uống kèm theo dịch vụ giặt quần áo, lau dọn phòng mỗi ngày. Ngoài ra, vị trí của khách sạn cũng tiện di chuyển đến Dinh Độc Lập, Diamond Plaza, nhà thờ Đức Bà…

Midas Hotel

Midas Hotel thu hút ánh nhìn bởi tone xám – đen huyền bí, thiết kế cách điệu từ giữa phong cách minimalism, đủ tạo ấn tượng nhưng không quá rối mắt. Phần sàn lát gỗ, ép cẩm thạch và trần nhà lắp kính giúp nâng cao hiệu ứng thị giác.

Khách sạn chủ yếu phục vụ 2 hạng phòng là suite với giường đôi cỡ lớn, chất liệu lông vũ êm ái và deluxe có trang bị jacuzzi – loại bồn tắm sử dụng nước nóng và chế độ sục để massage cơ thể. Không khí trong mỗi phòng đảm bảo tinh sạch với hệ thống máy lọc carbon monoxide.

Ngoài ra, khách sạn cũng cung cấp nhiều tiện ích khác như tủ lạnh, máy sấy tóc, ấm đun siêu tốc, cùng với đó là TV cài sẵn Netflix, dịch vụ giặc là quần áo tận phòng. Mỗi tháng, khách sạn đều tung các chương trình ưu đãi riêng, khách hàng có thể theo dõi qua fanpage hoặc ứng dụng đặt phòng trực tuyến.

Pynt Hotel

Pynt Hotel là khách sạn đầu tiên trên thị trường có thiết kế dựa trên câu chuyện lịch sử của nhân loại qua các kỷ nguyên, nhưng vẫn đảm bảo sự thanh lịch vốn có. Không gian chia thành 6 tầng, với các chủ đề như Laquarium, Tropical Cave, Futuristic, Tron Legacy, Wanderluxe và Van Gogh. Mỗi phòng đều có phòng tắm tường kính và giường cỡ lớn.

Tầng Laquarium sở hữu gam màu xám lạnh, trần cắt lượn và tường đánh nhám. Tầng Tropical Cave được chạm khắc khéo léo với cấu trúc mô phỏng hang động, kết hợp gam màu nâu – cam. Thiết kế của tầng Futuristic hiện đại, trần phòng đa giác đối xứng. Riêng hạng phòng Signature Room có điểm nhấn là trần cao, từng góc được trang trí bằng ánh đèn vàng ấm áp.

Ngoài tiện ích như các khách sạn khác, tại đây còn có dịch vụ xông hơi khô để chăm sóc sức khỏe và thực đơn ăn uống đa dạng, chế biến cầu kì bởi các đầu bếp tay nghề cao.

Nguồn: Znews

Đà Lạt kêu gọi không mua hàng rong cạnh hồ Xuân Hương

Trước tình trạng người bán hàng rong tụ tập buôn bán, ăn uống, đốt lửa, xả rác… quanh hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt kêu gọi du khách không sử dụng các dịch vụ kinh doanh trên.

Khách du lịch chụp ảnh ven Hồ Xuân Hương mùa mai anh đào 2025. Ảnh: Linh Huỳnh.

Thời gian qua, trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) xuất hiện hiện tượng buôn bán hàng rong, kinh doanh tự phát ở khu vực trung tâm, đặc biệt trên vỉa hè xung quanh Di tích thắng cảnh Quốc gia hồ Xuân Hương.

Tại đây, người bán hàng rong thường đốt lửa bằng củi hoặc than trên cỏ để làm đồ bán và cho khách ngồi sưởi ấm khiến những đám cỏ cháy đen, chủ yếu có dạng hình tròn. Tại nhiều địa điểm, than và củi cháy dở được người bán đổ thẳng xuống ven hồ tạo thành những đám cháy lan và tro than nham nhở, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Hang rong Da Lat anh 1

Bãi cỏ ven Hồ Xuân Hương cháy loang lỗ vì hoạt động bán hàng rong trái phép. Ảnh: Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt.

Trao đổi với Tri Thức – Znews, ông Lê Anh Kiệt – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt, cho biết chính quyền thành phố đã thành lập tổ công tác liên tục tuần tra, giám sát để xử lý vi phạm trong thời gian qua.

Trong thời gian tới, tổ tuần tra sẽ tăng cường kiểm tra xuyên đêm để ngăn chặn hành vi người bán hàng rong hủy hoại môi trường và cảnh quan Hồ Xuân Hương. “Đây là hành vi vi phạm pháp luật đáng lên án. TP.Đà Lạt sẽ có biện pháp mạnh đối với các trường hợp trên”, ông cho biết.

TP Đà Lạt khuyến cáo du khách không nên sử dụng các dịch vụ kinh doanh tự phát, buôn bán hàng rong trên địa bàn thành phố để tình trạng này không tiếp tục tái diễn. Hành động này còn giúp bảo vệ du khách trước các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và góp phần giúp TP Đà Lạt trở thành điểm đến ngày càng văn minh, sạch đẹp. Du khách có thể thưởng thức ẩm thực tại khu chợ đêm TP Đà Lạt.

Nguồn: Znews

Tranh cãi thịt trâu chọi Hải Lựu bán giá 7 triệu đồng/kg

Mới đây, mạng xã hội lan truyền nhiều bài đăng về việc thịt của “ông Cầu” – con trâu đoạt giải nhất tại Lễ hội chọi trâu Hải Lựu – được rao bán 7 triệu đồng/kg. Những bài đăng này nhanh chóng thu hút lượng lớn bình luận.

Nhiều người cho rằng mức giá 7 triệu đồng/kg cho thịt trâu là không hợp lý, trong khi một số khác lại cho rằng trâu chọi được nuôi dưỡng công phu hơn, mang giá trị văn hóa và may mắn, nên giá cao hơn là điều dễ hiểu.

Ông Đào Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2025, khẳng định thông tin lan truyền trên mạng là sai lệch. Ông nhấn mạnh rằng sau khi hoàn thành nghi lễ, trâu chọi thuộc quyền sở hữu của người dân, và giá bán hoàn toàn do thỏa thuận giữa người mua và người bán.

Tranh cãi thịt trâu chọi Hải Lựu bán giá 7 triệu đồng/kg - 1

Thịt trâu được người dân mổ bán sau khi tham gia thi đấu tại Lễ hội chọi trâu Hải Lựu 2025 (Ảnh: Thành Đông).

“Không có chuyện thịt trâu chọi được bán với giá 7 triệu đồng/kg, thậm chí 5 triệu đồng cũng không có. Trên thực tế, giá thịt trâu chỉ dao động từ 3 đến 3,5 triệu đồng/kg. Khi khách vãn dần, giá giảm xuống còn khoảng 2 đến 2,5 triệu đồng/kg, thậm chí loại thịt kém hơn có thể chỉ còn 1,5 triệu đồng/kg.

Sau đó, người dân thường không tiếp tục bán nữa, mà giữ lại khoảng 1/3 số thịt để chia nhau”, ông Trung cho biết.

Ông Trung cũng giải thích rằng vai trò của Ban tổ chức chỉ giới hạn ở phần nghi lễ, từ giao chỉ tiêu cho các làng, nhóm hộ nuôi trâu đến thực hiện lễ tế tâm linh dâng lên Thành hoàng làng.

Sau đó, trâu hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các hộ dân. Ban tổ chức chỉ yêu cầu giết mổ trâu giành giải nhất để thực hiện nghi thức hiến sinh, còn những con khác không có quy định bắt buộc phải mổ.

“Chúng tôi khuyến khích không giết mổ trâu chọi, nhưng sau khi tế thần, một số hộ dân vẫn quyết định thịt để phục vụ du khách, trong khi một số hộ khác giữ lại không mổ. Không có chuyện tất cả trâu tham dự, dù thắng hay thua, đều bị giết thịt như thông tin lan truyền trên mạng”, ông Trung khẳng định.

Tranh cãi thịt trâu chọi Hải Lựu bán giá 7 triệu đồng/kg - 2

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra từ 12 đến 14/2 (Ảnh: Thành Đông).

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu là một trong những lễ hội chọi trâu lâu đời nhất Việt Nam. Năm nay lễ hội bước sang năm thứ 23 kể từ khi được khôi phục, với sự tham gia của 20 “ông Cầu” (trâu chọi).

Lễ hội diễn ra từ ngày 12 đến 14/2 (tức 15-17 tháng Giêng âm lịch) tại sân vận động xã Hải Lựu. Các “ông Cầu” tham gia đều được các xóm, thôn, làng lựa chọn kỹ lưỡng, nuôi dưỡng và huấn luyện suốt cả năm để có những miếng đánh đặc trưng.

Theo truyền thống, trâu chọi được giải nhất sẽ được giết thịt để tế Thành hoàng làng và phục vụ nhu cầu mua may mắn đầu năm của người dân. Năm nay trong hai ngày diễn ra lễ hội, có khoảng 50.000 du khách tham gia.

Sau mỗi trận đấu, trâu chọi được đưa ra khu vực xẻ thịt, thu hút hàng trăm người chờ mua với niềm tin rằng sở hữu một chút thịt trâu chọi đầu năm sẽ mang lại sức khỏe, tài lộc và may mắn.

Nguồn: Dantri

Khách ‘không nói lên lời’ nhìn tuyết làm từ bông gòn tại Trung Quốc

Sau khi xin lỗi du khách, khu du lịch ở Thành Đô tuyên bố đóng cửa. Đơn vị cho rằng khí hậu ấm lên, thiếu tuyết nên mới phải làm tuyết giả từ bông và xà phòng.

Ngày 8/2, Làng tuyết Thành Đô, một khu du lịch mới mở ở ngoại ô Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, đưa ra lời xin lỗi vì cố tình tạo tuyết giả nhằm thu hút khách.

Theo Shanghai Morning Post, kể từ khi mở cửa vào cuối tháng 1, nơi này trở thành tâm điểm chú ý bởi hàng loạt phàn nàn của du khách về việc “tuyết” chất trên nóc các ngôi nhà gỗ và đường trong rừng thực chất là bông trộn với nước xà phòng.

“Tôi cảm thấy bị lừa đảo. Tôi nghĩ trí thông minh của tôi đã bị xúc phạm”, một khách du lịch nói trong video đăng tải trên mạng xã hội.

“Mô tả trên vé là đúng, nhưng tuyết lại là giả”, người dùng mạng bình luận.

Một người khác nói thêm: “Tôi muốn nhìn thấy tuyết, nhưng khu du lịch lại cho xem bông. Tôi không nói nên lời”.

Nhân viên tại khu du lịch thừa nhận “tuyết” tại đây được làm từ bông và đã được dọn sạch sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận.

“Trước đây, mùa đông nào cũng có tuyết rơi. Vì vậy, chúng tôi đã nâng cấp khu vực này thành điểm tham quan và quảng bá rộng rãi trước khi khai trương. Thật không may năm nay thời tiết không ủng hộ. Đến giờ chúng tôi vẫn đang chờ tuyết rơi”, người này nói thêm.

Trung Quoc anh 1Trung Quoc anh 2

Du khách phát hiện điểm du lịch ở Thành Đô sử dụng hỗn hợp bông và nước xà phòng để làm tuyết giả. Ảnh: Baidu.

Điểm tham quan đã phải đóng cửa do “tác động tiêu cực” từ tuyết giả gây ra. Nhân viên không tiết lộ khi nào khu du lịch sẽ mở cửa trở lại.

Trước đó, ban quản lý khu du lịch cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã mua bông để tạo ra khung cảnh như tuyết bao phủ.

“Thời tiết không như chúng tôi mong đợi, cách ‘chữa cháy’ này để lại ấn tượng không tốt với khách du lịch. Chúng tôi thành thật xin lỗi vì không thể trưng bày cảnh tuyết thật và khiến du khách phải thay đổi kế hoạch du lịch của mình”, đơn vị viết.

Không hiếm các địa điểm du lịch ở Trung Quốc trở thành tiêu điểm tranh cãi vì khí hậu nóng lên buộc họ phải áp dụng các biện pháp phi truyền thống để tạo ra các cảnh tượng nhân tạo.

Mùa hè năm ngoái, một thác nước nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc cũng làm nhiều du khách thất vọng khi phát hiện thác được làm dây thừng và bông gòn.

“Trời ấm hơn trước. Chúng tôi không có tuyết như mong đợi. Vì vậy, chúng tôi phải tự tạo tuyết”, trang web giải thích trên mạng xã hội.

Nguồn: Znews

10 khách du lịch đầu tiên đến Triều Tiên

Một công ty lữ hành Trung Quốc cho phép du khách đăng ký online tour du lịch đến thành phố Rason ở đông bắc Triều Tiên vào tuần cuối tháng 2 sắp tới.

Hình ảnh ghi lại hoạt động người dân tại Triều Tiên. Ảnh: Reuben Teo/mediadrumworld.com.

Zhixing Heyi, công ty lữ hành có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết với tư cách là đối tác khu vực của Cục Du lịch Triều Tiên, đơn vị đã nhận được thông báo rằng các hành trình du lịch Triều Tiên sẽ chính thức mở cửa trở lại vào năm 2025 đối với khách quốc tế.

Ngoài ra, du khách có thể đăng ký mua tour trên trang web của Zhixing Heyi, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap.

“Đây là lần đầu tiên sau 5 năm Triều Tiên mở cửa đón khách du lịch nước ngoài”, công ty này thông báo bằng tiếng Trung trên trang web, đồng thời nói thêm họ đã nhận được sự chấp thuận đặc biệt từ Triều Tiên để tổ chức đoàn du lịch tư nhân đầu tiên của Trung Quốc đến thăm Rason sau 5 năm.

Trieu Tien anh 1

Khung cảnh hiện đại bên trong Triều Tiên khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh: Reuters.

Theo trang web, chuyến tham quan khởi hành đến Rason vào thứ Hai tuần tới (24/2) sẽ kéo dài 4 ngày với 2 mức trọn gói là 3.599 nhân dân tệ và 4.599 nhân dân tệ. Hành trình bao gồm các chuyến thăm đến các địa danh chính, danh lam thắng cảnh và các buổi biểu diễn trong thành phố.

Đại diện của Zhixing Heyi chia sẻ vớiYonhap đoàn du lịch sẽ giới hạn ở mức 10 người tham gia.

Triều Tiên đang cho thấy dấu hiệu mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, dỡ bỏ lệnh kiểm soát biên giới áp dụng vào năm 2020 do Covid-19.

Đầu tháng 2, các công ty lữ hành nước ngoài liên kết với hai công ty du lịch có trụ sở tại Trung Quốc được cho là đã vào Rason để khảo sát thêm các điểm du lịch mới.

Nguồn: Znews

Cây thông ‘cô đơn’ trên đèo Hải Vân đã chết khô

Nằm trên đèo Hải Vân nối Đà Nẵng với Huế, cây thông “cô đơn” trở thành điểm check-in yêu thích của du khách. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, cây bắt đầu rụng lá và hiện đã chết khô.

Cay thong deo Hai Van anh 1

Cây thông là địa điểm check-in yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: Hồ Giáp.

Cây thông “cô đơn” nằm ở lưng chừng đèo Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Giữa đường đèo quanh co uốn lượn được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, một bên là núi rừng, một bên là biển cả, cây thông xuất hiện đơn độc như một điểm nhấn thú vị mà ai đi qua cũng phải chú ý. Từ vị trí cây thông có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh TP Đà Nẵng.

Lâu nay, đây là điểm hút người dân địa phương và du khách đến check-in mỗi khi đến đèo Hải Vân.

Cay thong deo Hai Van anh 2Cay thong deo Hai Van anh 3Cay thong deo Hai Van anh 4Cay thong deo Hai Van anh 5

Ông Thắng bỏ ra nhiều tiền để cố gắng cứu cây thông biểu tượng nhưng không thành. Ảnh: Hồ Giáp.

Thời gian qua, nhiều du khách tiếc nuối khi thấy cây thông này chết khô. Ghi nhận ngày 18/2, thân cây thông bị mối ăn ở gốc, các cành bị khô.

Ông Thắng đã bỏ ra gần 5 triệu đồng để thuê người tìm biện pháp xử lý mối, cứu cây nhưng không có kết quả. Từ sau tết Nguyên đán, cây bắt đầu rụng hết lá và hiện đã chết khô.

“Sáng nay (18/2), chính quyền địa phương đã đến kiểm tra cây thông, tôi cũng báo với họ về việc cây bị chết để có biện pháp di dời. Vì cây chết lâu ngày sẽ bị mục, du khách đến check-in sẽ nguy hiểm”, ông Thắng chia sẻ.

Ông Thắng cho biết thêm ông đang liên hệ mua cây thông khác ở Tây Nguyên để vận chuyển về, trồng thay thế.

Cay thong deo Hai Van anh 6

Cây thông cô đơn sẽ sớm được xử lý để đảm bảo an toàn cho du khách. Ảnh: Hồ Giáp.

Lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết đã nắm được thông tin trên và sẽ đề xuất lực lượng kiểm lâm lên phương án thay thế.

Còn theo ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu, cây thông “cô đơn” có tuổi đời khá lâu và bị bệnh nên cây có dấu hiệu chết. Đơn vị sẽ cho lực lượng đi kiểm tra và có giải pháp xử lý.

Nguồn: Znews

Phạt gần 100 triệu đồng nhà hàng ‘chặt chém’ khách Trung ở Nha Trang

Sau thời hạn 7 ngày giải trình, chủ quán Aroma Beach bị xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi bán cao so với giá niêm yết. Tổng cộng, đơn vị này bị phạt 5 lỗi với số tiền 96,5 triệu đồng.

Aroma Beach Nha Trang anh 1

Quán đóng kín cửa vào sáng 7/2. Ảnh: Tường Vi.

Ngày 17/2, ông Trần Minh Chiến, chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) ra văn bản xử phạt hành chính ông Hồ Văn Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Đại Tâm Phát Nha Trang, cũng là chủ quán ăn Aroma Beach (38 Nguyễn Thiện Thuật, TP Nha Trang). Đơn vị bị đoàn khách Trung Quốc tố “chặt chém” ngày 4/2 (mùng 7 Tết).

Qua quá trình điều tra sự việc, UBND TP Nha Trang phát hiện 5 sai phạm từ tổ chức nêu trên và tiến hành xử phạt hành chính như sau:

  • Hành vi đầu tiên: Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa không thể hiện bằng tiếng Việt. Cụ thể, 4 hộp đèn giới thiệu hàng hóa của cơ sở kinh doanh chỉ có tiếng Trung Quốc và Hàn Quốc. Phạt tiền 15 triệu đồng.
  • Hành vi thứ hai: Quán Aroma Beach kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ao toàn thực phẩm. Phạt 25 triệu đồng.
  • Hành vi thứ ba: Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính. Phạt 40 triệu đồng.
  • Hành vi thứ tư: Không niêm yết giá hàng hóa theo quy định của pháp luật. Một số mặt hàng không có giá niêm yết tại cơ sở như tôm sú hấp bia, phở bò/gà, bò viên chiên, nước uống các loại… Phạt 1,5 triệu đồng.
  • Hành vi thứ năm: Bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa. Cụ thể: đơn vị bán cao hơn giá niêm yết một số hàng hóa như cá mú, mực chiên nước mắm, cà tím nướng mỡ hành, rau muống xào tỏi, bò tảng nướng phomai, trứng vịt lộn, tôm nướng. Phạt 15 triệu đồng.

Tổng số tiền phạt từ 5 hành vi sai phạm là 96,5 triệu đồng.

Aroma Beach Nha Trang anh 2

5 biển hiệu phía ngoài đã được tháo dỡ ngày 5/2, sau khi đơn vị bị tố “chặt chém” khách vào ngày 4/2. Ảnh: Tường Vi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh buộc khắc phục hậu quả bằng cách tháo dỡ 4 biển hiệu quảng cáo không thể hiện tiếng Việt, gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, thực hiện niêm yết giá.

Đáng chú ý, đơn vị phải trả lại 5,89 triệu đồng số tiền thu giá cao cho khách hàng, đồng thời công khai biện pháp khắc phục lên phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 30 ngày.

Trong trường hợp không tìm được nhóm khách Trung Quốc để hoàn tiền, số tiền trên sẽ được sung vào ngân sách nhà nước theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi thứ nhất, 3, 4 là 10 ngày. Đối với hành vi thứ năm, thời hạn tuân thủ mức phạt là 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định trên.

Aroma Beach Nha Trang anh 3

Bài viết của khách Trung Quốc trên ứng dụng Xiaohongshu.

Trước đó, sáng 7/2, đại diện Văn phòng UBND TP Nha Trang cũng đã yêu cầu tạm dừng kinh doanh đối với quán ăn Aroma Beach, sau khi sự việc “chặt chém” lan truyền trên mạng xã hội.

Đơn vị bị tài khoản 一抹红 (tạm dịch: Nhất Mạt Hồng) tố tính hóa đơn hơn 15 triệu đồng kèm phụ thu 4,7 triệu đồng cho bữa ăn ngày 3/2 trên ứng dụng Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư – nền tảng ví như Instagram của Trung Quốc) vào khoảng 18h ngày 4/2.

Trong đó, món cà tím nướng mỡ hành được ghi giá 1,9 triệu đồng/phần; rau muống xào tỏi 500.000 đồng/phần; phở gà, bò 325.000/phần; cơm trắng 250.000 đồng/phần; nước ngọt và bia giá 100.000 đồng/lon; mì xào hải sản, mực chiên mắm, cá mú, tôm sú hấp bia có giá dao động từ 248.000 đến hơn 1,2 triệu đồng/phần.

Sau đó, tài khoản tên M.H dẫn lại vào một nhóm review du lịch Nha Trang trên Facebook. Sự việc được cộng đồng người làm du lịch tại phố biển cũng như người dân quan tâm nhiều bởi mức giá thu thêm “không thể chấp nhận được”.

Trao đổi với Tri Thức – Znews tối ngày 4/2, chủ quán Hồ Văn Tâm cho biết số tiền trong hóa đơn đã được 2 bên thỏa thuận từ đầu, ví dụ món cà tím nướng mỡ hành 1,9 triệu đồng là suất ăn cho 15 người, không phải một phần nhỏ.

Nguồn: Znews

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 1

Giữa hàng trăm quán bún cá tại Hà Nội, quán bún cá tại đường Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) gây ấn tượng với thực khách nhờ món bún cá sữa mới lạ.

Không chỉ đơn thuần là bún cá truyền thống, quán sử dụng cá sữa, một loại cá thịt mềm, ít xương, giàu dinh dưỡng làm nguyên liệu chính cho nước dùng.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 2

Để có được bát bún cá ngon, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi ngày, cá tươi được nhập về từ sáng sớm, sau đó làm sạch, lọc bỏ xương rồi xay nhuyễn.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 3

Phần xương cá được ninh trong nhiều giờ từ tối hôm trước để tạo ra nước dùng có màu trắng đục đặc trưng nhưng vẫn giữ nguyên được vị ngọt tự nhiên mà không cần dùng gia vị tạo ngọt.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 4

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chủ quán Nguyễn Văn Thức (SN 1988) cho biết, đã từng có thời gian anh sang Trung Quốc nấu ăn, từ đó có cơ hội tiếp xúc với nhiều cách chế biến nước dùng từ cá.

Ấn tượng với món canh cá hầm truyền thống Quảng Đông cùng với những trải nghiệm của mình, anh quyết định mang công thức bún cá sữa về Việt Nam và thử nghiệm trong nhiều năm để tạo ra hương vị như hiện tại.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 5

Cá sau khi làm sạch sẽ được xay nhuyễn, lọc kỹ để tạo ra nước dùng có màu trắng đục, vị thanh ngọt tự nhiên. Nước dùng tại đây được nấu hoàn toàn từ cá sữa, không dùng dầu mỡ hay chất tạo ngọt nhân tạo. Nhờ vậy, thực khách có thể thưởng thức hương vị tự nhiên của cá mà không cảm thấy ngấy.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 6

“Ban đầu, quán chỉ bán được vài trăm suất mỗi ngày, nhưng nhờ phản hồi tích cực từ khách hàng, cửa hàng ngày càng phát triển, bán được từ 800-1500 suất/ngày”, anh Thức chia sẻ.

Anh Thức cũng bật mí, bí quyết của món ăn nằm ở cách chế biến: “Cá sữa là loại cá tự nhiên, không phải cá nuôi. Tại đây, thịt cá được làm sạch kỹ, giữ độ dai mềm, không hề tanh. Nhờ đó, bát bún cá sữa có hương vị đậm đà, vừa lạ miệng vừa hấp dẫn”, chủ cửa hàng cho hay.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 7

Mỗi ngày, quán chuẩn bị khoảng 130kg cá để làm nguyên liệu. Cá trong mỗi bát bún là cá rô đầu vuông, thịt cá được tẩm ướp gia vị theo công thức riêng, sau đó chiên hoặc rim trong lửa nhỏ khoảng một tiếng để giữ độ ngọt tự nhiên. 

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 8

Nguyễn Sinh Hùng (bên trái, SN 1998) là khách quen của cửa hàng, thường ghé 2-3 lần mỗi tuần để thưởng thức bún cá sữa.

“Tôi ăn bún cá sữa ở đây nhiều lần rồi, lúc đầu cũng chỉ định thử cho biết, nhưng ăn rồi thì lại thành thói quen, tuần nào cũng phải ghé vài lần. Ngoài bún cá, cơm rang ở đây cũng khá ngon, cơm tơi, không bị dầu mỡ quá nhiều”, anh Hùng chia sẻ.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 9

Đi quãng đường 10km từ Hoàng Mai để đến quán và thử món bún cá sữa sau khi thấy nhiều video trên mạng xã hội, anh Đoàn Mạnh Nghiệp (bên trái, SN 1990) cho biết: “Tôi thấy nhiều người khen nước dùng trắng như sữa, vị thanh ngọt tự nhiên nên tò mò muốn thử.

Đến nơi thấy quán đông nghịt khách, phải đợi vài phút mới có bàn. Nước dùng không bị tanh, cá giòn. Tôi sẽ rủ bạn bè đến thử thêm lần nữa”.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 10

Không chỉ dân văn phòng và người dân địa phương, quán còn là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ. Thanh Huyền (bên trái, SN 2006) bày tỏ sự thích thú với món bún cá sữa độc đáo này. “Mình thấy nhiều người chia sẻ về quán trên mạng nên tò mò rủ mẹ đến ăn thử. Cá chiên giòn, ăn cùng rau sống rất hợp”, Huyền nói.

Tuy nhiên, theo Huyền quán khá đông nên phục vụ hơi lâu, chỗ ngồi cũng hơi chật.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 11

Đa phần khách tò mò đến quán từ cái tên món ăn, sau khi được nhân viên bê bát bún ra, khách thích thú, chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội.

Hà Nội: Món bún cá sữa độc đáo, ông chủ bán hơn 1.500 suất mỗi ngày - 12

Nguyễn Ngọc Thịnh (SN 1996, Hà Đông) cho biết, ngày nào đi ngang quán cũng thấy khách ra vào tấp nập nên anh quyết định ghé thử.  

“Mình đi làm qua đây suốt, lần nào cũng thấy quán đông kín, đặc biệt vào buổi trưa. Hôm nay rảnh nên ghé ăn thử xem có gì đặc biệt. Nước dùng có vị lạ, giá cả cũng hợp lý”, anh Thịnh nói.

Quán có sức chứa khoảng 170-200 khách cùng lúc, có cả khu vực tầng hai để phục vụ vào những khung giờ cao điểm. 

Giá bún cá tại quán có hai mức: 40.000 đồng cho suất bình thường và 50.000 đồng cho suất đầy đủ với nhiều loại topping đi kèm.

Không chỉ bán bún, quán còn phục vụ cơm, canh, bánh đa trắng, bánh đa đỏ. Các món ăn kèm như bánh đa, rau, gia vị đều miễn phí. Đáng chú ý, nước uống cũng được phục vụ miễn phí, nhân viên sẽ mang ra tận bàn thay vì để khách tự lấy, tạo cảm giác được phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp.

Quán mở cửa từ 6h đến 21h30, nhân viên làm việc theo ca để đảm bảo phục vụ liên tục. Đặc biệt, giờ đông khách nhất là 7h30-9h30 và 12h-13h30. Ngay cả những ngày mưa gió, quán vẫn duy trì được lượng khách ổn định ở mức 700-800 suất.

Ảnh: Nguyễn Hà Nam

Nguồn: Dantri

TIN MỚI NHẤT