Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Vượt trăm km đến Vũng Tàu ‘đu trend’ Đại Lý

Để có những video viral mạng xã hội, nhiều bạn trẻ không ngần ngại đi xa đến Vũng Tàu để chụp ảnh với con dốc đường Thùy Vân, cạnh khu vực Bãi Sau.

Doc Dai Ly Vung Tau anh 1

Một số du khách thuê dịch vụ để có thể ghi lại những thước phim, tấm ảnh đẹp tại dốc ở đường Thùy Vân, TP Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Văn Trung.

Thời gian gần đây, trào lưu “dốc Đại Lý” đang lan truyền mạnh mẽ trên các nền mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Bên cạnh dốc Sương Nguyệt Anh (Đà Lạt) hay đoạn đường dốc ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), một con dốc ở khu vực Bãi Sau (TP Vũng Tàu) bỗng gây sốt trên mạng xã hội, thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in.

Một số bạn trẻ ở TP.HCM không ngần ngại di chuyển hàng trăm km, chi tiền để thuê videographer (người quay video) để ghi lại những thước phim tuyệt đẹp.

Con dốc này nằm trên đường Thùy Vân, cạnh bên Mũi Nghinh Phong, TP Vũng Tàu (còn được gọi là dốc Con Rồng hay dốc Bãi Sau). Đứng trên đỉnh dốc, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn bao quát vẻ sầm uất của khu vực Bãi Sau từ trên cao. Để quay video, nhân vật sẽ đi bộ xuống dốc rồi quay mặt lại nở một nụ cười thật tươi, với phông nền là cảnh phố thị xe cộ nhộn nhịp.

Là một trong những người đầu tiên quay video tại con dốc này, anh Nguyễn Văn Trung bất ngờ khi clip được nhiều người đón nhận. Chỉ sau 3 ngày đăng tải, đoạn video “dốc Đại Lý” ở Vũng Tàu của anh đã đạt hơn 912.000 lượt xem và hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ.

“Để tiền cảnh, hậu cảnh và chủ thể được ‘kéo’ lại gần nhau, tôi sử dụng ống kính tiêu cự 70-200 mm khiến khung hình có chiều sâu và trở nên ấn tượng hơn”, Trung nói. Để sản xuất một video như vậy anh mất khoảng 2 giờ đồng hồ để quay và dựng.

Trung cho biết thời điểm đẹp nhất để quay video ở đây là từ 17h đến tối, khi khung cảnh và ánh sáng có sự thay đổi rõ rệt từ sáng đến tối và cả lúc thành phố lên đèn tạo hiệu ứng bokeh tuyệt đẹp. Vào buổi sáng địa điểm này quay về hướng mặt trời, tạo hiệu ứng ngược sáng sẽ khó đẹp hơn.

“Sau khi viral và nhiều người tìm đến đây quay chụp, tôi chợt nhớ Vũng Tàu cũng có một điểm có thể ‘đu’ trend này mà không ảnh hưởng đến xe cộ đó là Vòng xoay Đài liệt sĩ nhìn về hướng đường Lê Hồng Phong (TP Vũng Tàu) rất đẹp”, Trung nói với Tri Thức – Znews.

Vòng xoay này tọa lạc trên đồi Ngọc Tước, cách đường Thùy Vân khoảng 500 m, có chu vi lên đến 1.000 m, được xem là vòng xoay lớn nhất Đông Nam Á. Du khách có thể đến đây check-in, ngắm cảnh TP Vũng Tàu từ trên cao, tham quan Đền thờ liệt sĩ thành phố.

Cũng như Trung, An Nguyễn (ngụ TP Vũng Tàu) nhanh chóng “bắt trend” khi thấy video quay con dốc Sương Nguyệt Anh ở Đà Lạt

“Tôi có sở thích dạo biển, ngắm hoàng hôn ở Vũng Tàu, thường xuyên đi qua cung đường Thùy Vân. Vì vậy khi thấy xu hướng video ‘dốc Đại Lý’, tôi nhớ ngay đến đoạn đường này”, An kể. Bên cạnh đó, cô cũng tranh thủ đến quay tại Vòng xoay Đài liệt sĩ.

Doc Dai Ly Vung Tau anh 2Doc Dai Ly Vung Tau anh 3

Một số hình ảnh check-in theo phong cách dốc Đại Lý ở Vũng Tàu. Ảnh: An Nguyễn.

Cô cho biết dốc Con Rồng mang đến cảnh quay phóng khoáng và đọng lại nhiều điều hơn vì vừa có cảnh con đường, cảnh biển và cả nhà cao tầng. Trong khi góc quay ở Đài liệt sĩ cho thấy được sự phát triển độ thị góc trên cao.

“Tôi mất khoảng 30 phút để chuẩn bị trang phục và make up. Các cảnh quay cũng khá đơn giản, tôi quay khoảng 5 lần là đã chọn được video ưng ý vì mỗi clip chỉ cần dài độ 15-30 giây”, An chia sẻ.

Không chỉ là những bạn trẻ sống tại TP Vũng Tàu, trend “dốc Đại Lý” còn thu hút du khách đến từ nhiều nơi khác đổ về phố biển.

“Tôi nhận được khá nhiều lời hỏi quay dịch vụ tại con dốc này, có một số khách đến từ TP.HCM đã đặt trước lịch bên cạnh một số bạn trẻ đến từ Phú Mỹ, Xuyên Mộc…”, Trung nói.

Vào hôm Valentine, Kim Chi (sống tại Vũng Tàu) cũng cùng chồng đến đây quay video. “Khung cảnh nơi đây rất đẹp. Các bạn du khách có thể đến chiêm ngưỡng trực tiếp cảnh biển đêm với ánh đèn lung linh của các tòa nhà phía sau, lắng nghe sóng vỗ”, Chi nói.

Doc Dai Ly Vung Tau anh 4

Dốc Thùy Vân – nơi có thể nhìn ngắm Bãi Sau và những tòa nhà cao tầng từ trên cao. Ảnh: Linh Huỳnh.

Trao đổi với Tri Thức – Znews, cán bộ phòng Văn hóa Thông tin TP Vũng Tàu cho biết đơn vị chưa nhận được báo cáo, phản ánh về tình hình các bạn trẻ tụ tập quay video gây mất trật tự, ảnh hưởng đến giao thông.

Tuy nhiên, khi đến đây ngắm cảnh, du khách chú ý đỗ xe đúng nơi quy định, di chuyển trên vỉa hè, tránh cản trở và gây mất an toàn giao thông. Thời điểm sau Tết Nguyên đán, thời tiết tại TP Vũng Tàu khá mát mẻ, thích hợp cho các chuyến vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện video, hình ảnh check-in ở một con dốc trên đại lộ Thương Nhĩ (Đại Lý, Trung Quốc) với vị trí từ trên cao, có tầm nhìn bao quát đô thị bên dưới. Video sử dụng giai điệu trong ca khúc Sick Enough to Die do MC Mong (Hàn Quốc) trình bày, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Nguồn: Znews

Phú Quý ‘vào mùa’

Mùa gió bấc sắp kết thúc, đảo Phú Quý bước vào mùa du lịch đẹp nhất trong năm. Nhiều nhân sự “khăn gói” ra đảo làm việc, một số đơn vị chi tiền dọn dẹp, sửa sang bắt đầu đón khách.

Để giữ chân nhân sự trở lại làm việc sau mùa bấc, nhiều đơn vị không ngần ngại chi lương dù không hoạt động. Ảnh: Sea La Vie Phú Quý.

Đầu tháng 1/2025, Dương Triệu Thành (TP.HCM) ra đảo Phú Quý để bắt đầu sắp xếp lại nhà hàng, chuẩn bị đón khách dịp Tết Nguyên đán sau gần 3 tháng về đất liền tránh mùa gió.

“Trong thời gian Phú Quý bị ảnh hưởng bởi gió bấc (tháng 10, 11, 12), tôi tranh thủ về nhà thăm gia đình. Vì đi làm xa, cả năm chỉ có thời gian này tôi mới được ở bên gia đình, 9 tháng còn lại tôi tập trung vào công việc”, Thành chia sẻ.

Ngoài ra, anh còn dành thời gian học hỏi, rèn luyện thêm các kỹ năng phục vụ công việc và phát triển bản thân trong thời gian tạm nghỉ việc.

“Tôi dành thời gian học ngoại ngữ, tìm hiểu thêm kiến thức về quầy bar, kỹ năng quản lý nhà hàng và khách sạn, quản trị nhân sự,… để chuẩn bị cho mùa du lịch năm sau”, anh nói với Tri Thức – Znews. Hiện tại, Thành là trợ lý điều hành một nhà hàng ven biển ở Phú Quý và sắp tới anh sẽ quản lý thêm một nhà hàng hải sản cùng một khách sạn mới tại đảo.

Đón mùa du lịch mới

Quyết định từ bỏ công việc thỉnh giảng tại khoa Du lịch của một trường cao đẳng ở TP.HCM, Triệu Thành chuyển ra Phú Quý làm việc từ tháng 5/2024.

“Đảo Phú Quý còn hoang sơ, bình yên và biển rất đẹp. Nhận thấy hòn đảo này vẫn đang trong giai đoạn phát triển du lịch nên tôi quyết định ra đây sinh sống và làm việc”, anh chia sẻ.

Những ngày đầu ở đảo, Thành cảm thấy rất khác so với khi đến du lịch. “Tôi phải thích nghi với nhiều thứ, từ công việc, con người, văn hóa đến khí hậu… Có những ngày tôi làm việc hơn tám tiếng, thậm chí từ 6h đến 23h mới xong”, anh kể. Đến hiện tại, anh đã dần thích ứng với mọi thứ nơi đây.

Mua du lich Phu Quy anh 1Mua du lich Phu Quy anh 2

Công việc ở đảo mang đến cho Thành nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh: Dương Triệu Thành.

Không chỉ chịu áp lực công việc, Thành còn rèn luyện thể thao để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Để quản lý tốt cả ba dự án, anh liên tục nâng cao kỹ năng, lên kế hoạch và rèn luyện để quán xuyến nhiều công việc cùng lúc.

“Sống ở đảo rất yên bình, không khí trong lành, tốt cho sức khỏe. Nơi đây còn mang đến cho tôi nhiều cơ hội phát triển công việc và hoàn thiện bản thân”, Thành nói.

Trong khi đó, Đặng Văn Long (cư dân Phú Quý) lại dành thời gian gián đoạn du lịch để học nghiệp vụ, chuẩn bị lấy bằng hướng dẫn viên du lịch vào cuối tháng 2, vừa kịp đón mùa khách mới.

“Khóa học có giá khoảng 1,5 triệu đồng và đào tạo online, giúp tôi có thể học ngay tại đảo mà không tốn nhiều chi phí”, Long chia sẻ. Vào mùa gió bấc, thu nhập từ du lịch gần như bằng 0, vì vậy anh làm thêm công việc bán bảo hiểm, xây dựng nội dung và quản lý hội nhóm du lịch ở Phú Quý.

Đối với Lê Nguyễn (30 tuổi), tiếp thị liên kết là cách anh kiếm thêm thu nhập vào mùa gián đoạn du lịch.

Lần đầu đến đảo vào năm 2022, Lê Nguyễn bị thu hút bởi vẻ đẹp của Phú Quý và nhận lời mời ra đảo làm việc từ năm 2023. Kể từ đó, đến mùa du lịch anh lại ra đảo, còn mùa gió bấc thì trở về quê hoặc đến các điểm du lịch khác như miền Tây, miền Bắc, Đà Lạt.

Mua du lich Phu Quy anh 3Mua du lich Phu Quy anh 4Mua du lich Phu Quy anh 5Mua du lich Phu Quy anh 6

Khung cảnh yên bình của Phú Quý thu hút nhiều du khách đến khám phá và các bạn trẻ “bỏ phố về đảo”. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Biển miền Trung chỉ hoạt động du lịch được khoảng 5-7 tháng, điều này ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập. Vì vậy, tôi chủ động tìm kiếm công việc khác, đặc biệt là tiếp thị liên kết trên các nền tảng số để tạo nguồn thu nhập thụ động”, Lê cho biết.

Theo anh, Phú Quý có nhiều yếu tố thuận lợi như biển đẹp, con người thân thiện, môi trường ít bị khai thác du lịch quá mức do khách phải di chuyển bằng tàu, giúp kiểm soát lượng khách. Năm nay anh ra đảo từ trước Tết để khởi động cho một mùa mới.

Đầu tư mạnh để thu hút nhân sự

Chính thức mở cửa đón khách từ mùng 3 Tết Ất Tỵ, Nguyễn Xuân Định – đại diện nhà hàng Sea La Vie Phú Quý… cho biết anh đã cử nhân sự từ đất tiền ra đảo trước đó 2 tháng.

“Để những nhân sự ở cấp quản lý và nhân sự chủ chốt quay trở lại làm việc sau mùa gió bấc, chúng tôi bắt buộc phải giữ người bằng lương. Trong khoảng 3-4 tháng không làm việc, công ty vẫn chi trả 50% lương cho khoảng 8 nhân viên. Lương sẽ được chi trước 25%, phần còn lại sẽ cộng vào tiền lương của những tháng quay trở lại làm việc”, anh Định chia sẻ.

Mua du lich Phu Quy anh 7

Nhân sự du lịch là cư dân ở đảo thường nghỉ ngơi, đi du lịch trong mùa gió bấc. Ảnh: Nguyễn Xuân Định.

Định cho biết để thu hút nhân sự cấp quản lý cao ra đảo, mức lương phải cao hơn rất nhiều thì họ mới ra. Bên cạnh lương, đơn vị còn giữ chân nhân sự bằng các phúc lợi như chỗ ở, vé tàu, xe máy đi lại trên đảo. Do đó, số lượng nhân sự chủ chốt ít nhưng lại chiếm phần lớn tỷ lệ lương.

“Đối với nhân viên phục vụ tại địa phương vốn đã quen với mùa bấc, tới thời gian đó họ sẽ nghỉ và chúng tôi sẽ bắt đầu tuyển lại vào đầu năm mới”, anh Định chia sẻ. Hiện tại đơn vị có khoảng 20 nhân sự, vào cao điểm du lịch hè, con số này lên khoảng 50 người.

Trong khi đó, Quyên Võ, đại diện khu nghỉ dưỡng Nalani Phú Quý, cho biết cô vẫn giữ nhân sự ở lại làm việc dù vào mùa bấc thường xuyên đình tàu, phần lớn thời gian không có khách.

“Tôi giảm giờ làm để nhân sự người địa phương có thể duy trì gắn bó và tiếp tục làm việc khi tới mùa du lịch”, Quyên nói.

Những nhân sự từ đất liền ra đảo được Quyên điều chuyển vào làm việc tạm thời tại chuỗi cà phê của cô ở đất liền trong 3 tháng cuối năm nếu đồng ý. Việc giữ lại nhân sự duy trì mở cửa và dọn dẹp liên tục giúp Quyên không mất nhiều thời gian chuẩn bị đón mùa du lịch mới.

Mua du lich Phu Quy anh 8Mua du lich Phu Quy anh 9

Mùa gió bấc khiến cơ sở vật chất của các đơn vị hư hại khá nhiều, đặc biệt là các cơ sở view biển. Ảnh: Nalani Phú Quý.

Trong khi đó, bộ phận bảo trì của Định phải ra đảo và bắt đầu thi công, sửa sang cơ sở vật chất trước mùa biển êm gần 2 tháng. Sau khi bảo trì xong, nhân sự mất khoảng 2 tuần để dọn dẹp, setup lại trước khi đón khách.

“Mỗi mùa gió bấc đi qua, muối và gió khiến đồ vật rỉ sét, hư hỏng, tỷ lệ khấu hao tài sản vào khoảng 10%-20% tổng chi phí đầu tư dự án của chúng tôi”, Định nói với Tri Thức – Znews. Vì vậy đơn vị thường trích sẵn chi phí để dành cho công tác bảo trì vào cuối năm.

Mùa Tết năm nay biển Phú Quý khá êm, thời tiết tốt, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi của du khách. Các chuyến tàu di chuyển từ Phan Thiết ra Phú Quý đã bắt đầu hoạt động sôi động trở lại sau gần 5 tháng vắng bóng du khách.

Nguồn: Znews

Mộc Châu thu 1.200 tỷ đồng nhờ gần 1 triệu người đến ngắm hoa mận

“Từ ngày 1/1 đến 28/2, Mộc Châu dự kiến đón khoảng 980.000 lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước tính đạt hơn 1.200 tỷ đồng”, đại diện UBND thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết.

Theo bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa – thông tin thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La, năm nay thời tiết ở Mộc Châu thuận lợi, lạnh đều, hoa mận, hoa mai anh đào (còn gọi là hoa anh đào) nở rộ đã khiến lượng khách đến ngắm hoa tăng mạnh, đem lại mức tăng trưởng lớn cho địa phương và nguồn doanh thu đáng kể cho những người làm dịch vụ.

“Với lượng khách lớn như hiện nay, từ ngày 1/1 đến hết tháng 2, Mộc Châu dự kiến đón khoảng 980.000 lượt khách, tổng doanh thu xã hội của Mộc Châu ước đạt 1.209 tỷ đồng. Có thể thấy đây là dấu hiệu rất tích cực với ngành du lịch dịch vụ của Mộc Châu nói riêng cũng như tỉnh Sơn La nói chung”, bà Hường cho biết.

Moc Chau anh 1

Mộc Châu dự kiến đón khoảng 980.000 lượt khách trong tháng đầu năm Ất Tỵ.

Theo bà Hường, thị xã Mộc Châu có khoảng 300 cơ sở lưu trú du lịch như khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Số cơ sở này không đủ phục vụ lượng khách tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.

Các cơ sở lưu trú đều hoạt động hết công suất, đạt tỷ lệ lấp đầy phòng 100%. Thậm chí, những ngày trong tuần cũng không còn nhiều phòng trống và có nơi nhận lịch đặt cho khách tới hết tháng 2.

Do bị quá tải về nhu cầu đặt phòng cho khách lưu trú vào mùa cao điểm, dưới sự vận động “không để khách thiếu chỗ ở giữa thời tiết giá lạnh” của chính quyền thị xã Mộc Châu, trên các hội nhóm du lịch về Mộc Châu rất nhiều người dân địa phương sẵn lòng mời khách về nhà ở miễn phí. Hầu hết cơ sở lưu trú đều được trang bị đèn sưởi.

Dù năm nay ghi nhận lượng khách tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhưng chủ một homestay khẳng định không dựa vào mùa cao điểm để tăng giá. Mức giá được niêm yết trước đó vẫn được giữ nguyên.

Cụ thể, giá khách sạn dao động từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Giá homestay từ 600.000 đồng tới 1,2 triệu đồng tùy từng hạng phòng. Khách sạn cao cấp có giá 2-2,5 triệu đồng. Một số cơ sở nếu có tăng, chỉ ở mức giá tăng nhẹ khoảng 10-15%.

Bên cạnh đó, cũng nhờ lượng khách tăng vọt kéo theo doanh thu của những người làm du lịch, dịch vụ tại Mộc Châu thắng lớn.

Cũng theo bà Hường, mặc dù nhiều vườn hoa mận, hoa anh đào đã tàn nhưng lượng khách đến Mộc Châu du lịch vẫn chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt trong những ngày cuối tuần.

Nguồn: Znews

Xử lý du khách đứng giữa đường ‘đu trend’ Đại Lý tại Quy Nhơn

Lãnh đạo UBND xã Nhơn Hải cho biết lực lượng chức năng đang ra quân, nhắc nhở các trường hợp du khách tràn ra giữa lòng đường chụp ảnh “đu trend” Đại Lý.

Con đường xuống xã Nhơn Hải bị các bạn trẻ “đóng chiếm” để chụp ảnh “đu trend”. Ảnh: Bình Định Trong Tôi.

Chiều 17/2, trao đổi với Tri Thức – Znews, ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết đơn vị đang phối hợp với lực lượng chức năng ra quân ngăn chặn tình trạng nhiều bạn trẻ lao ra đường chụp ảnh “đu trend Đại Lý” tại con dốc thuộc địa phương, gây nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

“Sau một ngày thường trực tại tuyến đường xuống xã Nhơn Hải, đơn vị đã xử lý, nhắc nhở hơn 20 trường hợp bạn trẻ lao ra đường chụp ảnh”, ông Thắng nói.

Lãnh đạo UBND xã Nhơn Hải cho hay địa phương chỉ có một tuyến đường độc đạo xuống với độ dốc khá cao, mật độ giao thông dày đặc. Tuy nhiên, thời gian gần đây có rất đông bạn trẻ dừng xe, tràn ra giữa đường để chụp ảnh check-in. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn xã.

trend Dai Ly anh 1

Một số trường hợp chụp ảnh tại con dốc xã Nhơn Hải được mời về trụ sở UBND xã viết cam kết. Ảnh: Bình Định Trong Tôi.

Hiện, lực lượng chức năng đã lập biển báo không chụp ảnh, dừng đỗ xe trái quy định tại con dốc. Đồng thời, bố trí tổ công tác thường trực để kịp thời ngăn chặn, nhắc nhở du khách lao ra đường chụp ảnh. Những người vi phạm được mời về trụ sở công an để viết cam kết không tái diễn hành vi này.

“Chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho các bạn trẻ và người tham gia giao thông. Quay phim, chụp ảnh để giới thiệu điểm đến là tốt, nhưng an toàn vẫn là trên hết”, ông Thắng cho biết.

UBND xã Nhơn Hải khuyến khích du khách ghé thăm các điểm du lịch như làng chài Nhơn Lý, Hòn Khô, Eo Gió, Kỳ Co bãi rêu xanh… thay vì lao ra đường chụp ảnh “đu trend”, tiềm ẩn nguy hiểm về an toàn giao thông.

trend Dai Ly anh 2

Con đường xuống xã Nhơn Hải có mật độ giao thông cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu du khách tràn ra đường chụp ảnh. Ảnh: Bình Định Trong Tôi.

Trước đó, mạng xã hội rầm rộ trào lưu chụp ảnh bên các con dốc, lấy toàn cảnh đường phố để “bắt trend” check-in dốc Đại Lý ở Trung Quốc.Hàng loạt các điểm du lịch trong nước có view tương tự được nhiều bạn trẻ đổ xô đến chụp ảnh. Trong đó, tuyến đường dốc xuống thị xã Nhơn Hải cùng với con dốc Sương Nguyệt Anh (TP Đà Lạt) là 2 địa điểm được nhiều người đến check-in bất kể ngày – đêm.

Nguồn: Znews

Khách Việt chia sẻ cảm giác thót tim khi trượt tuyết ở Nhật Bản

Hokkaido, Nhật Bản được xem là thiên đường của băng tuyết. Nơi đây được các chuyên gia và du khách đánh giá là một trong những điểm đến trượt tuyết tuyệt vời nhất thế giới. 

Mùa trượt tuyết ở Hokkaido bắt đầu từ đầu tháng 12 và kéo dài đến tháng 4. Tháng 1 và tháng 2 là thời điểm tuyết rơi dày và đều nhất.

Khách Việt chia sẻ cảm giác thót tim khi trượt tuyết ở Nhật Bản - 1

Hokkaido, Nhật Bản được xem là thiên đường của băng tuyết (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).

Năm nay, Hokkaido đón lượng tuyết kỷ lục. Tuyết ở đây rơi gần như không ngừng cả ngày lẫn đêm tạo thành những lớp phủ dày và mềm, tạo điều kiện lý tưởng cho những người yêu thích trượt tuyết.

Anh Damien, một huấn luyện viên trượt tuyết người Argentina có 15 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Ở nhiều nơi khác trên thế giới, tuyết rơi rồi ngừng vài ngày, khiến nó đóng băng và cứng lại. Điều này khiến việc trượt tuyết trở nên khó khăn hơn, nếu bị ngã, người trượt sẽ rất đau. Bởi vậy, theo tôi, Hokkaido là nơi trượt tuyết tốt nhất thế giới”.

Khách Việt chia sẻ cảm giác thót tim khi trượt tuyết ở Nhật Bản - 2

Tuyết rơi cả ngày lẫn đêm, gần như không ngừng nghỉ (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).

Hokkaido nổi tiếng với phong cảnh tuyệt đẹp và những đường trượt dốc, dài. Khi đặt chân đến khu trượt tuyết, nhiều du khách cảm thấy choáng ngợp trước những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, rừng cây bạt ngàn.

Từ trên cao, hàng trăm người trượt xuống trong làn tuyết rơi trắng xóa tạo nên một khung cảnh vừa hùng vĩ vừa sôi động.

Ở Niseko, Hokkaido, các khu trượt mở cửa từ 8h30 đến 19h30, với hệ thống đèn chiếu sáng khi trời tối. Các đường trượt được phân loại theo độ khó, tăng dần độ khó.

Khách Việt chia sẻ cảm giác thót tim khi trượt tuyết ở Nhật Bản - 3

Du khách Việt hào hứng tham gia trượt tuyết (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).

Anh Nguyễn Đức Hùng, một du khách Việt vừa có chuyến đi thú vị tới Hokkaido. Anh Hùng cho biết, để trượt tuyết, anh đã thuê đầy đủ trang phục, phụ kiện gồm quần áo, mũ bảo hiểm, kính, găng tay, giày, ván trượt và gậy.

Lần đầu tiên thử sức với môn thể thao này, anh vừa háo hức, vừa hồi hộp. Lúc đầu, anh cũng lo mình bị ngã hoặc gặp chấn thương.

Buổi đầu tiên, anh Hùng được một hướng dẫn là sinh viên người Scotland, Anh dạy trượt tuyết. Vì người hướng dẫn không phải là huấn luyện viên chuyên nghiệp nên buổi đầu tiên, anh Hùng chỉ dám tập các động tác cơ bản mà không dám thử trượt một đoạn dài như những người khác trong đoàn.

Khách Việt chia sẻ cảm giác thót tim khi trượt tuyết ở Nhật Bản - 4

Anh Hùng cùng huấn luyện viên trượt tuyết người Argentina (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).

Đến buổi thứ hai, anh Hùng quyết định đổi huấn luyện viên và may mắn được anh Damien hướng dẫn. Anh Damien là một huấn luyện viên có nhiều kinh nghiệm trượt tuyết ở Nhật Bản, Úc và các quốc gia châu Âu nên anh Hùng rất an tâm.

Với kinh nghiệm và phương pháp dạy bài bản, vị huấn luyện viên đã giúp anh Hùng nắm vững các kỹ thuật cơ bản, từ cách kiểm soát tốc độ, cách dừng lại, đến cách cua và tránh chướng ngại vật.

Vị huấn luyện viên dạy anh Hùng cách xử lý tình huống nếu ngã: Hạ thấp trọng tâm, khoanh tay trước ngực và ngã nghiêng sang một bên, không để hai ván trượt vặn cổ chân hoặc gối vì có thể gây chấn thương nặng.

Sau 2 buổi tập cùng huấn luyện viên, anh Hùng tự tin hơn và quyết định thử sức trên những con dốc cao.

“Cảm giác trượt xuống từ đỉnh dốc vừa hồi hộp, vừa phấn khích. Có những lúc tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực khi không kiểm soát được tốc độ, người lao đi như tên bắn. Tôi suýt va chạm vài lần và cũng ngã vài lần, nhưng nhờ tuyết dày và mềm, tôi không bị thương”, du khách Việt nhớ lại.

Theo anh Hùng, một trong những kỹ thuật quan trọng nhất là tư thế chữ A, giúp kiểm soát tốc độ và dừng lại khi cần. Khi thực hiện tư thế này, cần giữ khoảng cách giữa hai đầu ván trượt khoảng 10-15cm, tương đương kích thước một nắm tay.

Nếu hai đầu ván quá gần hoặc quá xa, bạn sẽ khó giữ thăng bằng hoặc không kiểm soát được tốc độ. Khi hai ván song song, bạn sẽ đạt được tốc độ cao nhất.

“Một sai lầm phổ biến của người mới trượt là có xu hướng ngả người về phía sau. Tuy nhiên, tư thế đúng là luôn gập cổ chân và nghiêng người về phía trước, trọng tâm dồn vào hai bàn chân. Đặc biệt, mắt luôn hướng về phía trước để quan sát, không nhìn xuống ván trượt”, anh Hùng chia sẻ kinh nghiệm sau chuyến trượt tuyết ở Nhật Bản.

Khách Việt chia sẻ cảm giác thót tim khi trượt tuyết ở Nhật Bản - 5

Du khách sẽ đi cáp treo lên đỉnh núi sau đó trượt xuống dưới (Ảnh: Nguyễn Đức Hùng).

Nam du khách cũng chia sẻ, trượt tuyết là môn thể thao hấp dẫn bởi khi đã biết trượt, mỗi người có thể chơi hàng tiếng đồng hồ.

Riêng anh Hùng, khi đã nắm được kỹ thuật thành thạo, anh trượt liên tục 5 tiếng. Cảm giác lao xuống những con dốc dài khiến anh cảm thấy phấn khích, quên hết mệt mỏi.

Nguồn: Dantri

Dừng hoạt động điểm nghỉ chân có du khách ngã tại chợ nổi Cái Răng

Liên quan vụ du khách rơi xuống sông ở chợ nổi Cái Răng, cơ quan chức năng TP Cần Thơ đã tạm dừng hoạt động cơ sở điểm dừng chân Khởi My do “không đảm bảo an toàn cho du khách”.

Ngày 17/2, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ chủ trì đã kiểm tra và yêu cầu chủ cơ sở điểm dừng chân Khởi My tại chợ nổi Cái Răng tạm dừng hoạt động.

Cơ sở Khởi My là cửa hàng bán đặc sản, đặt trên sà lan (nhà bè). Vị trí nhà bè nằm trên sông, cách bờ khoảng hơn 20 m, mực nước sâu khoảng 5 m. Cạnh nhà bè, cơ sở có cơi nới, gia cố phần mũi bằng ván gỗ và sắt để du khách có thể đi từ tàu du lịch sang dừng chân tham quan, mua đặc sản.

Can Tho anh 1

Hiện trường khách rơi xuống sông khi tham quan chợ nổi Cái Răng.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, anh T.C. (36 tuổi, chủ cơ sở Khởi My) tường trình sự việc xảy ra sự cố sập mũi nhà bè khiến 4 du khách rơi xuống sông vào sáng 16/2. Thời điểm xảy ra vụ việc, lượng khách tập trung tại mũi nhà bè để chờ tàu đến rước quá đông, dẫn đến một phần mũi nhà bè bị sụp.

Khi xảy ra sự cố, các tàu du lịch hỗ trợ, đưa du khách lên bờ an toàn. Sau khi sự việc xảy ra, Phòng CSGT Công an TP Cần Thơ đã đến làm việc với chủ cơ sở và lập biên bản, đình chỉ hoạt động.

Can Tho anh 2

Đoàn kiểm tra làm việc với cơ sở điểm dừng chân Khởi My ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: T.X.

Lãnh đạo Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết qua kiểm tra, cơ sở có một số vi phạm, như: Chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh, sà lan có đăng kiểm nhưng đã hết hạn và không đảm bảo điều kiện an toàn cho khách du lịch.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở hoàn tất các thủ tục nói trên và thực hiện gia cố, nâng cấp nhà bè, đảm bảo các yêu cầu an toàn và đăng kiểm theo đúng quy định để được cấp phép hoạt động trở lại.

Trước đó, hôm 16/2, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh du khách rơi xuống sông tại vị trí sát với sà lan bán hàng đặc sản ở chợ nổi Cái Răng. Nhiều người trên sà lan đã hỗ trợ đưa những người không may rơi xuống sông lên bờ.

Nguồn: Znews

Trễ tàu 10 tiếng tại lễ hội đông nhất hành tinh

Một số tuyến tàu hướng về lễ hội Maha Kumbh Mela ở Ấn Độ xuất hiện tình trạng trễ chuyến, thậm chí thời gian chờ tàu lên đến 10 tiếng vào ngày chủ nhật (16/2).

le hoi Maha Kumbh Mela anh 1

Cảnh đám đông chen chúc đợi lên tàu ở Ấn Độ ngày 16/2. Ảnh: Udaipurkiran.

Đám đông đổ về thành phố Prayagraj, bang phía Bắc Ấn Độ Uttar Pradesh vào ngày cuối tuần (16/2) gây tê liệt một số tuyến đường bộ. Hệ thống đường sắt hướng về lễ hội Maha Kumbh Mela cũng không khá khẩm hơn.

Tờ Hindustan Times đưa tin chuyến tàu số 04016 Phaphamau Kumbh đã chạy muộn gần 10 giờ so với giờ đến dự kiến lúc 9h50 tại nhà ga Lucknow Junction vào chủ nhật (16/2).

Chuyến tàu đặc biệt mở đến lễ hội tương tự là 04528 cũng chạy muộn 7 tiếng 19 phút.

Hai chuyến tàu đến Kumbh số 04316 và 04526 xuất phát trễ hơn 3 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, đáng chú ý, sự việc trễ chuyến đã trở nên nghiêm trọng từ tối thứ 7 (15/2) khi hành khách đợi lên tàu chen chúc, xô đẩy nhau tạo ra cuộc giẫm đạp ít nhất 18 người chết, trong đó 14 phụ nữ, 3 trẻ em và hơn chục người bị thương tại ga New Delhi, theo Times of India.

Một ủy ban cấp cao gồm hai thành viên được thành lập để điều tra nguyên nhân vụ việc.

le hoi Maha Kumbh Mela anh 2

Tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng kéo dài hàng km đã xảy ra trên các tuyến đường đến Maha Kumbh Mela ở Prayagraj. Ảnh: Prabhat Khabar.

Trưởng phòng điều hành truyền thông thuộc Hội đồng Đường sắt Ấn Độ cho biết lý do vụ giẫm đạp đến từ sự gia tăng tín đồ đột ngột vào ngày Mauni Amavasya (ngày Trăng non), một trong những ngày quan trọng trong đạo Hindu.

Thêm nữa, thông báo mở thêm 2 chuyến tàu đặc biệt hướng về lễ hội (Swatantra Senani Express và Bhubaneshwar Rajdhani Express) của chính phủ Ấn Độ cũng đẩy lượng hành khách lên cao.

“Đám đông tăng lên trong vòng 15-20 phút sau khi có thông báo. Hai chuyến tàu trì hoãn ngay sau đó khi dòng người đi bộ tăng lên. Mỗi giờ có khoảng 1.500 vé được bán ra”, Times of India dẫn lời của một nhà chức trách ngành đường sắt Ấn Độ.

Trước đó, vào ngày 29/1, cảnh tượng “đông khủng khiếp” tại khu vực diễn ra lễ hội ở Prayagraj cũng gây ra một vụ giẫm đạp tương tự. Theo Reuters, số người thiệt mạng lên đến hơn con số 40. Tuyến đường bộ cũng chứng kiến cảnh tắc đường gần 300 km khi dòng người đổ về thành phố hôm 9/2.

Cũng theo Reuters, số lượng tín đồ Ấn Độ giáo và khách du lịch đến 4 điểm tổ chức lễ hội Maha Kumbh Mela đang chạm mốc 500 triệu. Con số vượt xa mọi dự kiến ban đầu của ban tổ chức. Với sức nóng từ sự kiện hành hương, đơn vị dự đoán lượng người tham dự sẽ không dừng lại ở con số này.

Nguồn: Znews

Đến lượt du lịch Trung Quốc ‘hốt bạc’ nhờ Na Tra 2

Không chỉ khuấy đảo phòng vé, sức nóng bộ phim Tra Na 2 thúc đẩy mạnh mẽ lượng du khách đến các địa danh gắn liền với truyền thuyết nổi tiếng này.

Du khách chụp ảnh tượng Na Tra ở khu mua sắm Jiaozi tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc ngày 15/2. Ảnh: VCG.

Sau thành công đột phá của Tra Na 2, số lượng du khách đến khu danh lam thắng cảnh núi Cuiping ở Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc tăng vọt. Đây là nơi Cung điện Na Tra tọa lạc, được xây dựng vào năm 1991 và lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần thoại Na Tra.

“Thông thường, số lượng du khách đến các khu danh lam thắng cảnh giảm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Nhưng kể từ ngày 1/2, lượng khách không hề giảm, ngược lại đang tiếp tục tăng”, phát ngôn viên thuộc bộ phận truyền thông khu danh lam thắng cảnh nói với Global Times hôm 16/2.

Theo thống kê từ ban quản lý khu di tích, kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng du khách đến Cung điện Na Tra đông đột biến, trung bình mỗi ngày đón khoảng 4.000 lượt khách. Ngày đỉnh điểm đón lên tới 8.000 lượt khách. Chỉ trong nửa đầu tháng 2, Cung điện Na Tra đón tổng cộng 65.000 lượt khách, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ 2024.

Na Tra anh 1

Hòa cùng sức nóng của Na Tra 2, Trung tâm văn hóa huyện Kim Tháp, huyện Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật Na Tra chuẩn bị cho lễ hội đèn lồng. Ảnh: VCG.

Tuần đầu của tháng 2, các tìm kiếm trực tuyến về điểm liên quan đến Na Tra như Nghi Tân và Giang Du ở Tứ Xuyên tăng vọt lần lượt 225% và 453%, dữ liệu từ nền tảng du lịch Fliggy có trụ sở tại Trung Quốc thông tin.

Sự thành công của Na Tra 2 cũng thúc đẩy gia tăng du lịch ở huyện Tây Hạ, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc với các điểm tham quan như đền thờ tổ tiên Na Tra và di tích lịch sử Chentang Pass (quê hương của Na Tra trong truyện), ngày càng phổ biến, Zhang Kai, phó giám đốc trung tâm dịch vụ phát triển du lịch văn hóa Tây Hạ cho biết.

Số lượng du khách đến các điểm tham quan chính trên khắp huyện tăng theo từng năm, với lượng đặt phòng khách sạn tăng gần gấp đôi kể từ khi bộ phim được phát hành.

Nhìn chung, sau khi Na Tra 2 ra mắt, huyện chứng kiến ​​lượng du khách đến tăng 18%, doanh thu tăng 13.2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Na Tra anh 2

Tòa tháp đôi Thiên Phủ ở Thành Đô, Tứ Xuyên, sáng bừng với hình ảnh các nhân vật chính trong phim Na Tra 2, ngày 8/2. Ảnh: VCG.

Tây Hạ đã hợp tác với 7 khu danh thắng lớn trong huyện triển khai chương trình cung cấp vé vào cửa miễn phí và các trải nghiệm du lịch đặc biệt cho những khách sở hữu vé xem phim Na Tra.

Những nơi khác cũng tích cực hỗ trợ và triển khai các sáng kiến ​​du lịch văn hóa liên quan đến phim ảnh, hoàn toàn nắm bắt cơ hội hiếm có này.

Theo cư dân địa phương, bức tượng Na Tra trên đại lộ Jiaozi ở Thành Đô, Tứ Xuyên đã trở thành điểm thu hút chính của thành phố, rất đông du khách háo hức đến đây chụp ảnh.

“Vào buổi tối, khi màn hình của Tòa tháp đôi Thành Đô tại Trung tâm tài chính quốc tế Thiên Phủ sáng lên với hình ảnh Na Tra và Ngao Bính trong phim, hàng trăm du khách liên tục đưa máy ảnh lên chụp hình”, cô Trương (27 tuổi), cư dân sống tại Thành Đô chia sẻ.

Trương cho biết cảm thấy thành phố được chuyển đổi thành “thành phố Na Tra” và rất vui khi được chứng kiến các nhân vật trong câu chuyện truyền thuyết xuất hiện ở cuộc sống đời thường. “Những bức ảnh tôi chụp được thực sự ngoạn mục”, cô nói.

Sự gia tăng du lịch phản ánh sự tự tin ngày càng tăng về văn hóa của Trung Quốc, đồng thời cổ vũ tinh thần rất lớn đối với đội ngũ sản xuất phim và sự tiến bộ về công nghệ đất nước, Zhang Lingyun, giáo sư và tổng biên tập điều hành của Tourism Tribune, chia sẻ.

Tận dụng sự phổ biến của phim ảnh để thúc đẩy du lịch là một xu hướng mới, phụ thuộc vào chất lượng sản xuất, sự đón nhận của khán giả và thành công của phòng vé, Zhang nhận định.

“Không giống như du lịch ẩm thực và du lịch truyền thống, mô hình tích hợp du lịch văn hóa này nâng cao trải nghiệm của du khách thông qua các sản phẩm sáng tạo dựa trên phim ảnh và các hoạt động nhập vai”, ông nói thêm.

Nguồn: Znews

Cần Thơ lên tiếng vụ du khách rơi xuống sông ở chợ nổi Cái Răng

Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đang làm rõ vụ du khách người rơi xuống sông ở chợ nổi Cái Răng.

Sáng 17/2, trao đổi với PV, bà Đào Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết đã chỉ đạo thanh tra sở phối hợp với quận Cái Răng làm rõ vụ du khách rơi xuống sông khi tham quan chợ nổi.

“Sáng nay, thanh tra sở đã phối hợp với quận Cái Răng để làm việc với chủ cơ sở kinh doanh có liên quan để làm rõ nguyên nhân, cũng như sẽ có giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan chợ nổi Cái Răng trong thời gian tới. Sau khi thanh tra báo cáo, sở sẽ có thông tin cụ thể về vụ việc gửi báo chí”, bà Thúy nói.

Cho noi Cai Rang anh 1

Hiện trường xảy ra vụ việc khách rơi xuống sông. Ảnh: T.X.

Trước đó, hôm 16/2, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh du khách rơi xuống sông tại vị trí sát với sà lan bán hàng đặc sản ở chợ nổi Cái Răng. Nhiều người trên sà lan đã hỗ trợ đưa những người không may rơi xuống sông lên bờ.

Công an phường Lê Bình (quận Cái Răng) đã làm việc với đại diện chủ hộ kinh doanh Khởi My tại sông Cái Răng thì được biết, khoảng 6h20 ngày 16/2, có nhiều du khách tham quan chợ nổi. Lúc này, tàu du lịch chở khách ghé lại sà lan. Mọi người lên cầu tạm để lên sà lan mua sắm.

Thông tin cho biết, khoảng 20 người đã bước lên cầu tạm để lên sà lan, thì bất ngờ mối hàn của cầu tạm bị hở. Cầu tàu bị nghiêng làm 4 người rơi xuống sông nhưng không ai bị thương. Cầu tạm dài 6 m, rộng 2 m được lắp cặp sà lan và được hàn trực tiếp vào khung sắt sà lan, dưới không có phao nổi.

Hiện tại chủ sà lan đã sửa chữa cầu tạm và gắn phao chịu lực phía dưới dạ cầu để phục vụ khách lên tham quan, mua sắm trên sà lan; đồng thời cam kết sẽ làm lại cầu tàu để đảm bảo an toàn cho khách du lịch và nhân công lên xuống an toàn.

Nguồn: Znews

Triệu phú Mỹ đi trực thăng từ Hà Giang đến Vân Đồn, có 100 người hỗ trợ

Tốn một năm xây dựng hành trình tour riêng cho 2 khách Mỹ

Ngày 11/2, máy bay trực thăng chở hai triệu phú trong lĩnh vực tài chính người Mỹ Jeff Grinspoon và Jon Thomas Foley bay thẳng từ Hà Giang xuống sân bay Gia Lâm.

Triệu phú Jeff Grinspoon là chuyên gia tài chính cao cấp được Forbes xếp hạng 76 trong danh sách Cố vấn tài sản hàng đầu Mỹ, hiện quản lý tổng tài sản trị giá 1,9 tỷ USD. Với chuyến đi tới Việt Nam lần này, 2 triệu phú Mỹ đưa ra những yêu cầu rất khắt khe.

Đó là lịch trình tham quan phải có sự khác biệt chưa từng có, trải nghiệm an toàn với phương án an ninh cần đặt ra hàng đầu, điểm đến hoang sơ nhưng vẫn cần nét đặc trưng văn hóa bản địa. Đây là những yêu cầu được coi “khó nhằn” và không phải đơn vị lữ hành nào của Việt Nam cũng đủ sức đáp ứng.

Triệu phú Mỹ đi trực thăng từ Hà Giang đến Vân Đồn, có 100 người hỗ trợ - 1

Trải nghiệm ngồi mô tô nước lướt trên sông Nho Quế là một trong những trải nghiệm riêng được thiết kế cho vị tỷ phú Mỹ (Ảnh: Đơn vị cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đức Hạnh, CEO All Asia Vacation (AAV), đơn vị chuyên tổ chức các tour đón đoàn tỷ phú, cho biết, trước khi đón 2 vị khách, đơn vị này mất khoảng một năm lên phương án, xây dựng kịch bản, thiết kế hành trình riêng biệt.

Một trong những điểm dừng chân của 2 vị triệu phú là Hà Giang, mảnh đất nằm ở địa đầu Tổ quốc. Dù nổi tiếng nhờ vẻ đẹp nguyên sơ, nhưng Hà Giang lại chưa nằm trên bản đồ du lịch của giới siêu giàu.

Lý do là bởi, nơi đây gặp bất lợi về hạ tầng khi chưa có sân bay, đường cao tốc. Trong khi, khách tỷ phú thường rất chú trọng về mặt thời gian. Họ có những yêu cầu khắt khe trong việc di chuyển: Hạn chế tối đa việc đi lại bằng đường bộ, khách không muốn ngồi trên xe quá 30 phút, an ninh phải đảm bảo tối đa. Đặc biệt sự riêng tư phải đặt lên hàng đầu.

Sau nhiều phương án tính toán, CEO của AAV đưa ra “lời giải” bằng hình thức sử dụng máy bay trực thăng riêng bay thẳng đến Hà Giang. Để có lịch trình này, phía lữ hành phải làm việc rất kỹ với chính quyền địa phương để nhận được sự chấp thuận từ bộ ngành có liên quan.

Triệu phú Mỹ đi trực thăng từ Hà Giang đến Vân Đồn, có 100 người hỗ trợ - 2

Bà Nguyễn Huyền Anh (áo đỏ), Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh trong buổi đón tiếp hai khách triệu phú Mỹ tới sân bay Vân Đồn (Ảnh: Đơn vị cung cấp).

Trong 3 ngày ở Hà Giang, hai vị khách triệu phú lưu trú lựa chọn một khu nghỉ dưỡng sang trọng, nhân viên tiếp đón đoàn lên tới gần 100 người. Trong đó, phía đơn vị lữ hành cử cả đội nhân sự từ Hà Nội lên hỗ trợ.

Lịch trình của khách xoay quanh trải nghiệm trong ngày ở Hà Giang và tối quay về khu nghỉ dưỡng. Trong những ngày trải nghiệm ở đây, hai vị triệu phú tỏ ra hài lòng và cho biết từng đi rất nhiều nơi trên thế giới, tận hưởng các loại dịch vụ, nhưng vẻ đẹp nguyên sơ tại vùng đất này khiến họ đặc biệt ấn tượng.

Từ Hà Giang, đoàn triệu phú lại tiếp tục di chuyển xuống Hạ Long để trải nghiệm. Phía đơn vị lữ hành tiếp tục sử dụng hình thức máy bay trực thăng, bay thẳng từ Hà Giang xuống sân bay Gia Lâm để tiếp nhiên liệu rồi tiếp tục bay tới sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Đường bay này cũng được thiết kế, xin cấp phép riêng cho đoàn khách.

Ông Hạnh nhận định, đây là một trong những điều đặc biệt trong hành trình tiếp đón lần này.

Triệu phú Mỹ đi trực thăng từ Hà Giang đến Vân Đồn, có 100 người hỗ trợ - 3

Ông Jeff Grinspoon (áo đen) và ông Jon Thomas Foley (áo vàng) cùng ông Hạnh đi thuyền trên vịnh Hạ Long (Ảnh: Đơn vị cung cấp).

Sân bay Vân Đồn có lợi thế rất lớn bởi sự hiện đại, quy mô và chỉ cách bến cảng Ao Tiên là cửa ngõ vào Vịnh Bái Tử Long chưa đến 30 phút di chuyển bằng đường bộ và chưa có đơn vị nào khai thác các đoàn khách cá nhân đến đây.

Trước dịch, sân bay này từng tiếp đón các chuyến bay thương mại đưa đón khách quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ khai thác một số chặng nội địa.

Sân bay sở hữu trang thiết bị tốt, cách cảng tàu quốc tế Ao Tiên 20 phút di chuyển bằng ô tô, rất phù hợp với yêu cầu riêng của nhóm khách triệu phú.

Với điểm đến vịnh Hạ Long, khách bao trọn du thuyền đẳng cấp. Dù chỉ phục vụ 2 người song mọi dịch vụ phải đảm bảo sự chỉn chu, sang trọng và độc nhất. Yêu cầu của vị khách đưa ra là được khám phá những khu vực hoang sơ, không dành cho khách đại trà.

Để tạo ra trải nghiệm khác biệt, phía lữ hành đưa khách không theo lộ trình truyền thống. Du thuyền đưa khách đi từ cảng Ao Tiên tới vịnh Bái Tử Long rồi kết nối với vịnh Hạ Long.

Tại đây, hai vị khách được trải nghiệm những bãi cát nguyên sơ gần như không có người. Để có được lộ trình này, đơn vị lữ hành này phải làm việc với chính quyền địa phương. Trước đó, đơn vị lữ hành cũng cử người khảo sát các đảo, lên phương án tỉ mỉ.

“Chúng tôi đã làm việc với chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh và rất may được địa phương hết sức tạo điều kiện hỗ trợ. Trải nghiệm lần này, chúng tôi đưa khách đi khám phá vịnh Bái Tử Long với những nơi được ví như của để dành cho phân khúc khách hạng sang và sau đó tiếp tục sang Vịnh Hạ Long. Điều này phù hợp với yêu cầu của khách muốn trải nghiệm ở nơi mà nhiều người chưa được tiếp cận tới”, ông Hạnh chia sẻ.

Những dịch vụ kèm theo của 2 khách triệu phú được trải nghiệm như chèo thuyền kayak, khám phá làng chài Cửa Vạn, tham quan khu vực Tiên Ông, chèo thuyền ở khu vực Hồ Ba Hầm…

Trong ngày thứ 3 của hành trình, 2 vị khách người Mỹ tiếp tục tham gia một số hoạt động văn hóa giải trí trên tàu, thưởng ngoạn quang cảnh của vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long trước khi di chuyển về cảng Tuần Châu để kết thúc chương trình.

Mỗi hành trình là sản phẩm “may” riêng cho từng khách

Trong 20 năm hoạt động, AAV từng có kinh nghiệm đón nhiều khách hàng thuộc giới siêu giàu trên thế giới. Ông Hạnh cho rằng, phân khúc này tuy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân số thế giới nhưng lại có mức chi tiêu rất lớn, đưa ra tiêu chí đặc biệt cao, mỗi khách siêu giàu có thể chi đến 15.000 USD/ngày chưa bao gồm vé máy bay (gần 400 triệu đồng). Tuy nhiên, để làm hài lòng đối tượng khách này không dễ.

Khách cần mỗi hành trình trải nghiệm phải có sự cá nhân hóa cao nhất có thể, không đại trà như các tour thường thấy trên thị trường. Bởi vậy, mỗi chuyến đi phải được “may đo” riêng cho từng người, luôn đảm bảo yếu tố sáng tạo, khác biệt.

Triệu phú Mỹ đi trực thăng từ Hà Giang đến Vân Đồn, có 100 người hỗ trợ - 4

Đơn vị lữ hành từng tổ chức những bữa tối riêng tư trên đảo phục vụ khách siêu giàu (Ảnh: Đơn vị cung cấp).

Theo vị CEO này, từ lúc đưa ra ý tưởng tới khi hình thành sản phẩm cụ thể có thể coi là khâu tốn thời gian nhất. Ông Hạnh ví những người làm tour tỷ phú như các đầu bếp có sẵn nguyên liệu, cần hỏi ý kiến khách mong muốn, kỳ vọng điều gì tại điểm đến để đưa ra hành trình tour sao cho phù hợp với thị hiếu, đáp ứng tối ưu.

Tiếp đó, đơn vị lữ hành cần lên kế hoạch, khảo sát, xây dựng sản phẩm, kiểm tra và chạy thử dịch vụ. Khâu chạy thử dịch vụ được làm như thật (chỉ thiếu khách) và làm nhiều lần.

Trước khi đoàn khách tới sẽ có đội ngũ an ninh tiền trạm, chạy thử dịch vụ. Đơn vị lữ hành cũng làm tương tự nhằm kiểm tra xem còn gì sai sót trong quá trình vận hành hay không.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam được coi là quốc gia sở hữu nhiều lợi thế để thu hút tệp khách này như đảm bảo vấn đề an ninh an toàn, có bề dày lịch sử văn hóa, ẩm thực phong phú và người dân thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên ông Hạnh cho rằng, để hút khách siêu giàu cần cải thiện cơ sở vật chất cũng như có thể áp dụng cơ chế riêng, đặc thù để đón nhóm khách đặc biệt này.

“Yếu tố sáng tạo là điều cốt lõi nếu muốn săn đón tệp khách này”, ông Hạnh đúc kết.

Nguồn: Dantri

TIN MỚI NHẤT