Điểm đến du lịch

Những địa điểm du lịch hấp hẫn những địa điểm du lịch trong nước, địa điểm du lịch nước ngoài được chúng tôi tổng hợp và đưa tin đến Quý bạn đọc đam mê du lịch có cái nhìn tổng quan nhất về các địa danh du lịch để quyết định cho mình cho những chuyến du lịch ý nghĩa nhất

Trụ sắt 1.600 năm không gỉ sét ở Ấn Độ

Trải qua 1.600 năm đứng giữa nắng, mưa và ô nhiễm, trụ sắt cao 7,2 m tại New Delhi vẫn nguyên vẹn, phản ánh trình độ luyện kim đáng kinh ngạc của Ấn Độ cổ đại.

Trụ sắt nổi tiếng của New Delhi nằm bên trong quần thể Qutb Minar được UNESCO công nhận. Ảnh: Allen Brown/Alamy.

Tọa lạc tại sân nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam (New Delhi, Ấn Độ), trụ sắt cổ đại cao 7,2 m, nặng khoảng 6 tấn từ lâu đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu và du khách.

Có niên đại từ thế kỷ thứ 5, trụ cột này được cho là đã trải qua hơn 1.600 năm tiếp xúc trực tiếp với thời tiết khắc nghiệt và ô nhiễm nhưng vẫn không hề gỉ sét, theo CNN.

Khác với các công trình kim loại hiện đại phải sử dụng nhiều lớp bảo vệ như sơn đặc biệt để chống oxy hóa, trụ sắt 1.600 năm tuổi vẫn giữ được lớp ngoài gần như nguyên vẹn dù không có bất kỳ lớp phủ bảo vệ nào. Sự tồn tại bền bỉ của nó khiến giới khoa học đặt câu hỏi trong suốt nhiều thập kỷ: điều gì đã giúp nó chống lại sự ăn mòn tự nhiên?

Các nghiên cứu bắt đầu từ năm 1912, nhưng phải đến năm 2003, nhóm chuyên gia tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Kanpur mới đưa ra lời giải thích cụ thể.

Theo đó, trụ cột được làm từ sắt rèn có hàm lượng phốt pho cao (khoảng 1%), đồng thời gần như không chứa lưu huỳnh và magiê – trái ngược với thành phần của sắt hiện đại. Ngoài ra, kỹ thuật “hàn rèn” được áp dụng, tức nung chảy và đập sắt mà không làm giảm lượng phốt pho, góp phần quan trọng vào độ bền của vật liệu.

An Do anh 1

Cận cảnh dòng chữ khắc trên Cột Sắt. Ảnh: Stuart Forster/Shutterstock.

Một lớp màng mỏng gọi là “misawite”, gồm hợp chất sắt, oxy và hydro, được hình thành trên bề mặt trụ nhờ tác động của phốt pho và điều kiện môi trường. Lớp màng này giúp trụ cột tạo ra cơ chế tự bảo vệ chống oxy hóa, duy trì sự ổn định lâu dài theo thời gian.

Chuyên gia luyện kim R. Balasubramaniam, tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Science, mô tả trụ sắt là một minh chứng sống động cho kỹ nghệ luyện kim của người Ấn Độ cổ.

Một sự kiện được ghi lại từ thế kỷ XVIII cho biết một viên đạn đại bác từng bắn vào trụ mà không gây ra thiệt hại đáng kể, cho thấy độ vững chắc của công trình này.

An Do anh 2An Do anh 3

Nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam là một phần của quần thể Qutb Minar được UNESCO công nhận. Ảnh: Mohan Nannapaneni, Pramod Tiwari/Pexels.

Kiến trúc sư bảo tồn Pragya Nagar nhận định việc duy trì trụ cột ở vị trí hiện tại là ví dụ điển hình về nỗ lực bảo tồn di sản trong môi trường đô thị thay đổi nhanh chóng. Bà nhấn mạnh rằng, thay vì chỉ ngắm nhìn và lưu giữ, cần xem các di tích như trụ sắt là kho tri thức cổ, từ đó có thể truyền cảm hứng cho những hướng đi bền vững trong khoa học vật liệu và bảo tồn môi trường hiện đại.

Cây trụ sắt 1.600 năm tuổi không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là lời nhắc nhở về những thành tựu đáng kể của nền văn minh cổ đại, vẫn còn giá trị và gây ấn tượng cho đến tận ngày nay.

Nguồn: Znews

Tranh cãi chuyện khách mua cua gạch phải tốn thêm 200.000 đồng mua dây buộc

Mới đây, bài viết của một vị khách có tên A.Y. chia sẻ trải nghiệm mua cua tốn thêm tiền dây buộc, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Vị khách cho biết đã mua cua gạch ở chợ Xanh (thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) với giá 890.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi về nhà để sơ chế, chị A.Y. gỡ toàn bộ chỗ dây buộc để cân thử, thấy trọng lượng lên tới 0,24kg tương ứng với số tiền hơn 200.000 đồng.

Tranh cãi chuyện khách mua cua gạch phải tốn thêm 200.000 đồng mua dây buộc - 1

Dây buộc cua nặng hơn 0,2kg khiến vị khách bức xúc (Ảnh: A.Y.)

“Mua cua gạch nhưng tiền dây đã tốn gần một nửa. Từ giờ chắc tôi không dám mua nữa”, vị khách bức xúc.

Bên dưới bài viết, nhiều tài khoản cũng chia sẻ việc bản thân từng có những trải nghiệm tương tự khi mua cua gạch hoặc cua thịt.

Chị Trương Thị Bích cho biết, đã phải loại bỏ món cua ra khỏi mâm cơm gia đình chỉ vì sợi dây buộc. Bà nội trợ này chia sẻ đã từng mua cua biển ở chợ để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Con cua có trọng lượng 0,5kg. Tuy nhiên khi về nhà gỡ dây buộc và cân thử, chị Bích giật mình vì dây buộc đã nặng tới 0,15kg.

Trong khi đó, một vị khách khác cũng gặp phải trường hợp mua cua nhưng người bán tặng kèm theo sợi dây buộc ướt sũng nước sau khi tháo ra.

“Cũng vì tham rẻ thấy cua có giá gần 500.000 đồng/kg nên tôi tặc lưỡi mua thử. Lúc tháo dây mới phát hiện đó là sợi dây vải được tẩm đẫm nước cho nặng, nên tính ra rẻ hóa đắt”, vị khách cho biết.

Khi phóng viên Dân trí đề cập tới vấn đề này, chị Lan Vũ, chủ một cửa tiệm chuyên bán hải sản ở Hưng Yên, khẳng định “mua cua biển bao giờ cũng phải kèm theo dây buộc”.

Tranh cãi chuyện khách mua cua gạch phải tốn thêm 200.000 đồng mua dây buộc - 2

Theo các tiểu thương, chuyện chênh lệch dây buộc đều được tính toán trong giá bán nên tùy khách sẽ có lựa chọn khác nhau (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo lý giải, mặt hàng mà vị tiểu thương này nhập về là cua Cà Mau. Đầu mối đóng thùng hàng gửi ra, cua luôn được buộc dây chắc chắn nên qua các đầu mối trung gian, lượng dây buộc vẫn giữ nguyên.

Bởi vậy, khách mua cua phải chấp nhận có cả dây. Tùy từng loại dây dày mỏng khác nhau, loại dây vải thấm nước hay dây nilon thì giá cua cũng sẽ có độ chênh lệch nhất định.

Anh Tú, một tiểu thương chuyên nhập cua Cà Mau bán tại khu vực Hà Nội và thị trường các tỉnh phía Bắc cho biết, hiện giá cua thịt loại 0,5-0,7kg mỗi con có giá 550.000 đồng/kg. Cua gạch loại 2-3 con giá 640.000 đồng/kg.

“Mỗi cân cua trung bình sẽ tốn khoảng 0,3kg là dây buộc. Tùy theo từng loại khách lựa chọn thì mức giá sẽ khác nhau. Ví dụ, khách có thể chọn loại dây buộc bé nhất gần như cân lên không đáng kể thì giá tiền cua sẽ cao nhất”, vị tiểu thương chia sẻ.

Cũng theo lý giải của một tiểu thương buôn hải sản ở Hà Nội, dây buộc cua nhỏ thì giá cao, dây to thì cua giá thấp. Dây cua ngoài tác dụng để buộc con vật, còn giữ ẩm. Thông thường cua từ Cà Mau gửi ra các tỉnh thành phía Bắc phải có dây giữ ẩm đủ. Nếu không, các khớp của con vật, bộ phận càng cua bị khô, tỷ lệ chết cao.

“Với các loại dây buộc là vải ẩm, con cua có thể sống 4-5 ngày nếu pha nước muối 2-3 lần/ngày. Nhìn dây buộc cua to dày có thể khá phản cảm, nhưng chúng tôi cũng tính toán để loại dây buộc dày và dây buộc mỏng không chênh lệch nhau quá nhiều”, vị này lý giải.

Nguồn: Dantri

Không nhận ra Côn Đảo trong bộ ảnh cưới gây sốt

Bộ ảnh trong chuyến đi chơi của nhiếp ảnh gia ở TP.HCM thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng. Một số người nhận xét bối cảnh ở Côn Đảo tương đồng Thụy Sĩ.

anh cuoi o Con Dao anh 1anh cuoi o Con Dao anh 2

Ngày 20/5, bộ ảnh cưới với 4 chủ đề khác nhau do nhiếp ảnh gia Viên Diệu Phát (35 tuổi, ngụ TP.HCM) chụp ở Côn Đảo thu hút sự chú ý từ cộng đồng yêu du lịch và nhiếp ảnh. Chủ nhân bộ sưu tập đăng tải các bức ảnh trên nhiều hội, nhóm khác nhau với hơn chục nghìn lượt thích và bình luận. Chia sẻ với Tri Thức – Znews, Phát tỏ ra bất ngờ khi bộ ảnh chụp vui cùng nhóm bạn lại “viral” như vậy.

anh cuoi o Con Dao anh 3

Phát cho hay ekip chụp bộ ảnh này cách đây một tuần, khoảng hôm 14/5 tại một số địa điểm như bãi Nhát (nằm trên tuyến đường chính nối cảng bến Đầm và thị trấn Côn Sơn, cách trung tâm khoảng 6 km), khu tàu mắc cạn, cảng bến Đầm, cầu tàu 914.

anh cuoi o Con Dao anh 4anh cuoi o Con Dao anh 5

Tuy chụp tại các địa danh vốn nổi tiếng ở Côn Đảo, nhưng bộ ảnh lại gây chú ý bởi góc máy, màu ảnh và trang phục của mẫu đều lột tả vẻ yên bình của địa phương. Một số người để lại bình luận dưới bài đăng của Phát trong nhóm Check in Vietnam rằng khung cảnh núi non thoạt nhìn cứ ngỡ Thụy Sĩ hay cảnh biển như ở đảo Jeju (Hàn Quốc).

anh cuoi o Con Dao anh 6

Chia sẻ về lý do lựa chọn Côn Đảo, Phát cho biết anh từng nghiên cứu và tìm thấy nhiều địa điểm có view đẹp ở đây, song chưa có cơ hội ghé thăm. Bộ ảnh ra đời vào đợt du lịch trải nghiệm cùng bạn đầu tháng 5. Bên cạnh đó, diện tích đảo tương đối nhỏ, các điểm đến nổi tiếng khá gần nhau, Phát không gặp khó khăn khi chụp. Tuy nhiên, tháng 5 là thời điểm đầu mùa mưa, nên có thể có những cơn mưa rào bất chợt. Tổng thể, thời tiết vẫn khá thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời.

anh cuoi o Con Dao anh 7

Bên cạnh chủ đề ảnh cưới, Phát còn ghi lại khoảnh khắc mùa hè của cặp đôi tại bãi biển ở Côn Đảo.

anh cuoi o Con Dao anh 8

Theo Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao Côn Đảo, diện tích địa phương có đến 2/3 là rừng núi. Địa hình được chia làm 2 vùng rõ rệt là vùng núi và đồng bằng. Do đó, Côn Đảo thích hợp với đa dạng hoạt động từ leo núi, dã ngoại, dạo bộ ngắm cảnh… Ngoài ra, các giá trị sinh thái tập trung tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.

anh cuoi o Con Dao anh 9

Bên cạnh địa điểm xuất hiện trong bộ ảnh kể trên, đến với Côn Đảo, du khách còn có thể ghé thăm nhiều địa danh khác chẳng hạn Đầm Tre, bãi Ông Cường, Đầm Trầu, San Hô, Ông Đụng, đỉnh Thánh Giá, hòn Tre lớn, hòn Bà, hòn Bảy Cạnh, hòn Cau, suối Nhật Bản.

Nguồn: Znews

Người đàn ông 60 tuổi “xuyên Việt” với xe máy cũ và 8 loại thuốc mỗi ngày

Phượt xuyên Việt với 8 loại thuốc mỗi ngày

Ông Phạm Sơn đã về hưu, sống tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), vừa trải qua hành trình xuyên Việt đáng nhớ ở tuổi 60. Đây là chuyến đi ông đã ấp ủ từ nhiều năm và chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều tháng.

“Trước đây, tôi từng đi công tác ở các quốc gia khác nhau và đi qua nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Nhưng cũng có một số tỉnh thành ở Tây Nam Bộ tôi chưa có dịp đến như Cà Mau, Kiên Giang… Khi nghỉ hưu, có thời gian, tôi đi luôn”, ông Sơn nói.

Để có chuyến đi trọn vẹn, ông Sơn mất tới 6 tháng lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng. Thậm chí, ông còn thực hiện chuyến đi “thử” ở cung đường Hạ Long (Quảng Ninh) – Móng Cái (Quảng Ninh) – Lạng Sơn và chuyến đi vào Đà Nẵng trong 6 ngày với quãng đường 2.300km.

Người đàn ông 60 tuổi xuyên Việt với xe máy cũ và 8 loại thuốc mỗi ngày - 1

Ông Sơn phượt xuyên Việt bằng chiếc xe đã gắn bó với mình từ thuở hàn vi (Ảnh: Facebook nhân vật).

Khoảng giữa tháng 2, ông Sơn lên đường xuyên Việt, đồng hành cùng ông là chiếc xe máy Viva có tuổi đời gần 30 năm, đã gắn bó với ông từ thuở hàn vi, cùng hành trang đầy đủ “thuốc cho người, nhớt cho xe, máy đo huyết áp cho người, đồng hồ áp suất cho lốp xe, đồ sơ cứu cho người, dụng cụ sửa chữa cho xe”.

Ông tiết lộ, bản thân sống chung với hàng loạt bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp, mỡ trong máu, suy giãn tĩnh mạch… và phải dùng đến 8 loại thuốc mỗi ngày, nhưng luôn hừng hực khí thế trong chuyến đi.

“Thậm chí tôi còn mang theo cả ấm siêu tốc và lá thuốc để đun uống hằng ngày”, ông chia sẻ.

Hành trình xuyên Việt của ông Sơn dài gần 5.700km. Ông chọn cho mình cung đường riêng biệt – “đi bám biên, về bám biển”. Ông nói bản thân muốn đi theo cung đường biên giới và về dọc theo các cung đường ven biển để có thể “ôm trọn” quê hương xứ sở thân yêu.

Người đàn ông 60 tuổi xuyên Việt với xe máy cũ và 8 loại thuốc mỗi ngày - 2

Với ông Sơn, chiếc xe máy cũ là người bạn đồng hành, là nhân tố quan trọng trong chuyến đi (Ảnh: Facebook nhân vật).

Mỗi ngày, ông Sơn chạy xe máy khoảng 430km. Có hôm, ông còn chạy đến 570km mới nghỉ ngơi. Chọn phượt xuyên Việt trong mùa mưa, ông Sơn cũng đã chuẩn bị tâm lý đối mặt với thời tiết không thuận lợi. Ông đặt ra nguyên tắc không chạy đêm, luôn kết thúc hành trình lúc 18h mỗi ngày.

Kỷ niệm về chiếc ví bỏ quên

Ông Sơn kể, đi du lịch một mình trong mùa mưa cũng khiến ông gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, thời tiết này cũng khiến ông có những kỷ niệm khó quên.

Trong ngày thứ 11 của hành trình, ông Sơn đến khách sạn ở Tuy Hòa (Phú Yên) khi trời đã tối và mưa tầm tã. Sáng hôm sau, khi ông dắt xe máy chuẩn bị rời đi, trời lại tiếp tục mưa, cản bước ông.

Ngay lúc đó, một nhân viên khách sạn đã chạy theo, đưa lại cho ông chiếc ví ông để quên trên giường. Trong ví không chỉ có tiền, giấy tờ tùy thân mà còn có toàn bộ thuốc huyết áp cho 5 ngày tiếp theo của ông Sơn.

“Nếu trời không mưa thì có lẽ tôi đã đi mất rồi. Chuyến đi giúp tôi gặp thật nhiều người tốt bụng. Một kỷ niệm nhỏ nhưng đủ khiến tôi nhớ mãi”, ông Sơn chia sẻ.

Tổng cộng, hành trình xuyên Việt của ông Sơn kéo dài 13 ngày, với 6 ngày đi, 7 ngày về. Trong đó có 1 ngày ông nán lại nhà người thân ở TPHCM chơi.

Khi được hỏi hành trình đã thay đổi ông như thế nào, ông đáp gọn: “Tự tin, dễ dàng chấp nhận mọi chuyện trong cuộc sống, dù tốt hay xấu và khiến tôi sẵn sàng tiếp tục hành trình mới”.

Người đàn ông 60 tuổi xuyên Việt với xe máy cũ và 8 loại thuốc mỗi ngày - 3

Ông Sơn tại Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên) (Ảnh: Facebook nhân vật).

Ông Sơn chia sẻ, trong chuyến đi gần 2 tuần lễ, ông mang theo 10 triệu đồng, đến khi kết thúc hành trình ông vẫn còn dư một ít. Chi phí trung bình hằng ngày của ông là khoảng 600.000 đồng, trong đó bao gồm tiền xăng xe, tiền ăn và tiền lưu trú.

“Chi phí của cả hành trình tương đương khoảng 1 tháng lương hưu của tôi, nên tôi cũng khá thoải mái. Có đêm tôi nghỉ mất 250.000 đồng, có hôm đắt hơn là 300.000 đồng. Nếu đi 2 người thì chi phí chuyến đi còn rẻ hơn nữa”, ông Sơn nói.

Ông cho biết bản thân ăn uống cũng đơn giản, trải nghiệm trong chuyến đi là chính. Còn lại các chi phí tham quan, vui chơi khác cũng không quá tốn kém.

Ông nói thêm, bản thân có nhiều bệnh nền, nhưng tình trạng của ông đã ổn định 10 năm nay. Hằng tháng, ông đều đặn thăm khám, xét nghiệm máu để theo dõi sức khỏe, lấy thuốc định kỳ và tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Cũng chính vì thế, ông mới yên tâm thực hiện hành trình du lịch xuyên Việt.

“Để đi phượt cần 4 thứ, gồm đam mê, tiền bạc, thời gian và sức khỏe. Người trẻ thường thiếu tiền, người trung niên thiếu thời gian, người già thiếu sức khỏe. Đam mê thì tuổi nào cũng có và bản lĩnh giúp mình vượt qua mọi thiếu thốn.

Đi hay không, không nằm ở chiếc xe hay túi tiền mà ở lòng mình. Điều quan trọng là mỗi người phải hiểu cơ thể và có những lựa chọn phù hợp, không quá cố sức, ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Sơn nhắn nhủ.

Nguồn: Dantri

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy

Không dùng nồi kim loại, không mùi khét, không cần rửa sau khi ăn, món lẩu nấu bằng giấy đang trở thành trào lưu ẩm thực, thu hút hàng trăm thực khách mỗi ngày.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 1

Lẩu giấy (kami nabe) – cái tên nghe thôi đã khiến nhiều người bối rối: Nồi giấy mà có thể… nấu sôi? 

Chính trải nghiệm “không tưởng” này đang tạo nên sức hút đặc biệt tại một nhà hàng trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), nơi mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến thưởng thức món ăn vốn được xem là tinh hoa một thời trong hoàng cung Nhật Bản.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 2

Lẩu giấy là món ăn mang nét văn hóa đặc biệt của Nhật Bản, có nguồn gốc từ xa xưa và thường được phục vụ cho Thiên Hoàng. 

Trong tiếng Nhật, “kami” nghĩa là giấy, còn “nabe” là lẩu. Điểm đặc biệt của món ăn nằm ở việc sử dụng loại giấy washi truyền thống – được làm từ vỏ cây gampi, mitsumata, dâu tằm… theo quy trình thủ công nghiêm ngặt, không sử dụng hóa chất, không tẩy trắng. 

Giấy washi được quán nhập khẩu nguyên tờ, nguyên lô từ Nhật Bản và đều là dòng cao cấp. Theo đại diện quán, việc sử dụng loại giấy này không chỉ để đảm bảo tính nguyên bản của món ăn, mà còn nhằm bảo vệ sức khỏe thực khách. 

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 3

Giấy washi có thể đặt trực tiếp lên lửa hoặc bếp từ để đun sôi nước lẩu. Nhờ cấu tạo đặc biệt, giấy washi có độ bền cao, chịu nhiệt tốt và đặc biệt không bị mủn, ngấm nước hay biến dạng dù được đun sôi trong thời gian dài.

Nghe có vẻ bất khả thi, nhưng bí mật nằm ở một nguyên lý vật lý đơn giản: Giấy sẽ không cháy nếu có nước trong nồi, bởi nhiệt độ sôi của nước là 100 độ C, thấp hơn nhiều so với điểm cháy của giấy (khoảng 300 độ C). Chỉ cần giữ được lượng nước vừa đủ, chiếc nồi giấy mỏng manh hoàn toàn có thể… nấu ăn.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 4

Dưới lớp giấy mỏng manh, quy trình chuẩn bị món lẩu giấy đòi hỏi sự kỹ lưỡng. Bên trong “nồi giấy” là nước lẩu được chế biến kỳ công, sử dụng các loại nấm kết hợp với bột nấm khô và nước hầm xương gà để tạo vị ngọt hậu. 

“Chúng tôi không dùng mì chính hay hạt nêm công nghiệp. Nước lẩu được hầm từ nấm, xương và rau củ để giữ trọn vị ngọt tự nhiên, thanh nhưng vẫn đậm đà”, đầu bếp Ngô Doãn Lệnh, người trực tiếp lên công thức và theo sát từng nồi lẩu chia sẻ.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 5Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 6

Các loại thịt bò, gà, hải sản, rau xanh và nấm đều được sơ chế sạch, sắp xếp gọn gàng theo từng suất. Từng khay nguyên liệu bày biện đẹp mắt, kết hợp với màu trắng tinh khôi của nồi giấy tạo nên một tổng thể vừa lạ, vừa tinh tế.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 7

Chủ nhà hàng, bà Kwak Se Hee (bên phải), người Hàn Quốc đã sống hơn 20 năm tại Việt Nam cho biết, ý tưởng mang lẩu giấy đến Hà Nội xuất phát từ mong muốn lan tỏa tinh thần ẩm thực tự nhiên, lành mạnh.

“Chúng tôi muốn giữ hồn món lẩu giấy trong từng chi tiết, từ nguyên liệu sạch đến cách trình bày. Việc sử dụng giấy và rổ tre thay vì kim loại hay nhựa cũng là để thân thiện với môi trường”, bà Kwak Se Hee chia sẻ.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 8

Đặc biệt, lẩu giấy còn có một lợi thế là… không cần rửa nồi sau khi ăn. Nồi giấy được dùng một lần, hoàn toàn có thể phân hủy, giúp tiết kiệm thời gian dọn dẹp và bảo vệ môi trường.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 9

Hình ảnh những chiếc “nồi giấy” trắng muốt bốc khói nghi ngút tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng. Nhiều người lần đầu trải nghiệm không giấu nổi vẻ ngỡ ngàng: “Nồi giấy mà không cháy?”, “Sao nước không tràn?”, “Nhìn lạ quá!”…

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 10

Nhờ sự độc đáo và mới lạ, mô hình lẩu giấy nhanh chóng thu hút sự chú ý. Trung bình mỗi ngày, nhà hàng đón khoảng 200 lượt khách, bán ra khoảng 70-80 nồi lẩu giấy, chủ yếu vào buổi trưa, khi dân văn phòng tranh thủ tìm một bữa ăn vừa ngon miệng vừa có trải nghiệm thú vị.

Trên TikTok và Instagram, hàng loạt video “nồi lẩu bằng giấy” lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhiều người tìm đến nhà hàng không chỉ để ăn, mà còn để quay video, chụp ảnh check-in cùng món ăn tưởng chừng đi ngược lại logic thông thường.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 11

Lan Anh (áo đen, SN 1997), lần đầu trải nghiệm lẩu giấy nhận xét rằng, điều khiến món lẩu giấy trở nên đặc biệt không chỉ nằm ở nguyên liệu mà còn ở cách trình bày món lẩu rất mới mẻ và thú vị.

“Tôi thật sự ấn tượng với cách bày trí món ăn, từng phần nguyên liệu được sắp xếp tỉ mỉ, vừa lạ mắt, lẩu được nấu trong giấy washi dùng 1 lần tạo cảm giác sạch sẽ. Hương vị đậm đà, nước dùng thanh nhưng vẫn đủ độ ngậy khiến tôi muốn quay lại lần nữa”, Lan Anh nói.

Trong khi đó, Phương Thảo (SN 1996), nhân viên văn phòng làm việc gần quán ăn chia sẻ: “Lần đầu tôi đến là do bạn giới thiệu. Ấn tượng nhất là cảm giác sạch sẽ, nhẹ nhàng, không mùi như các quán lẩu thông thường. Từ đó, cứ có dịp liên hoan là cả nhóm lại kéo nhau đến đây”.

Hà Nội: Khách bất ngờ khi thử nấu lẩu trong chiếc nồi bằng… giấy - 12

Lẩu giấy không phải món ăn phổ biến, nhưng lại đủ mới mẻ để níu chân những ai thích khám phá. Với mức giá khoảng 300.000-500.000 đồng cho 2-3 người, đây là một lựa chọn thú vị cho bữa tối đổi vị, đặc biệt trong những ngày Hà Nội se lạnh. 

Tuy nhiên, quán nằm trong tòa Keangnam Landmark 72, nên nếu là lần đầu đến trải nghiệm, khách có thể mất chút thời gian để tìm đúng chỗ. 

Lẩu giấy thu hút sự chú ý nhờ đem đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo (Video: Nguyễn Hà Nam).

Ảnh: Nguyễn Hà Nam

Nguồn: Dantri

Xác lập kỷ lục thế giới màn trình diễn 10.500 drone của Việt Nam

Màn trình diễn 10.500 drone tại TP.HCM tối 28/4 chính thức được xác lập Kỷ lục Guinness Thế giới, Guiness World Records thông báo tối 21/5.

Màn trình diễn drone mang về Kỷ lục Guinness Thế giới cho Việt Nam. Ảnh: Linh Huỳnh

Tối 21/5, trang Facebook của tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới (Guiness World Records) đăng tải đoạn video màn trình diễn 10.500 drone của Việt Nam, ghi nhận xác lập kỷ lục mới: “Số lượng drone điều khiển từ xa bay đồng thời nhiều nhất – 10.518 thiết bị – được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Prowtech International Vina và LoonEyes Studio nhân dịp lễ kỷ niệm Ngày Thống nhất tại TP.HCM, Việt Nam”. Đoạn video nhanh chóng thu hút hơn 52 nghìn lượt xem chỉ hơn một giờ đăng tải.

Trước đó, màn tổng duyệt trình diễn ánh sáng trên diễn ra vào 20h30 tối 28/4 trên sông Sài Gòn, khu vực nằm giữa Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) và Công viên Bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức).

10.500 thiết bị bay không người lái lần lượt bay lên không trung tạo thành các hình ảnh biểu tượng như chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập, trống đồng Đông Sơn, Tòa nhà UBND TP.HCM, tàu metro số 1, chợ Bến Thành, Tháp tài chính Bitexco… trong khoảng hơn 7 phút, thu hút hàng chục nghìn người dân và du khách theo dõi.

10.500 drone lap ky luc anh 110.500 drone lap ky luc anh 210.500 drone lap ky luc anh 310.500 drone lap ky luc anh 4

Màn tổng duyệt với sự xuất hiện của 10.518 thiết bị được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Quốc tế Prowtech Vina và LoonEyes Studio. Ảnh: Linh Huỳnh, Quỳnh Danh, Anh Tú.

Sự kiện thuộc khuôn khổ chương trình nghệ thuật, thể thao Sắc màu thành phố Bác, chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Tuy vậy, màn trình diễn chưa được nhiều người dân và du khách đánh giá cao bởi thời gian trình diễn ngắn hơn so với kế hoạch ban đầu (15 phút). Bên cạnh đó, một số khách tham quan bày tỏ sự tiếc nuối vì thời lượng trình chiếu những hình ảnh về đơn vị tài trợ quá nhiều.

10.500 drone lap ky luc anh 5

Nhiều khách tham quan cảm thấy hụt hẫng thì thời gian quảng cáo chiếm quá nhiều. Ảnh: Linh Huỳnh.

Sau đó, màn trình diễn 10.500 drone chính thức được lên kế hoạch diễn ra vào 21h20 tối 30/4, sau loạt bắn đại bác và 15 phút trình diễn pháo hoa tầm cao tại TP.HCM. Tuy nhiên, sự kiện không thể hoàn thành do vấn đề kỹ thuật, chương trình cũng ngừng biểu diễn ngày 1/5.

Tối 30/4, nhiều drone rơi xuống đường tại các vị trí khác nhau khiến đơn vị tổ chức gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi. Đến ngày 6/5, hơn 50% số lượng drone biểu diễn đêm 30/4 ở TP.HCM vẫn còn thất lạc, theo anh Võ Quốc Lợi (37 tuổi), quản lý quán B’Blank Cafe Bistro và cũng là người hỗ trợ thu hồi những drone bị mất, xác nhận với Tri Thức – Znews.

Nguồn: Znews

Xoay xở khi sân bay Vinh đóng cửa

Sân bay Vinh dự kiến đóng cửa trước thềm cao điểm du lịch hè khiến nhiều du khách phải thay đổi kế hoạch đi lại. Các công ty lữ hành cũng tất bật xoay tour, tăng cường tuyến đường bộ.

Du khách chụp ảnh tại sân bay Vinh. Ảnh: @aiphuongphanle.

Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) và Vinh (Nghệ An) đều có kế hoạch tạm dừng hoạt động nhằm nâng cấp, Hoàng Thị Thu (ngụ TP Thanh Hóa) đang chờ đợi thông báo chính thức từ hãng bay.

Cô đã mua vé máy bay Vinh – Liên Khương cho chuyến du lịch Đà Lạt vào tháng 10. Nếu sân bay Vinh tạm đóng cửa từ tháng 7 như dự kiến, hành trình của cô không thể theo đúng dự định ban đầu.

“Tôi sẽ chủ động liên hệ với hãng hàng không để hỏi về việc đổi hoặc hoàn vé”, du khách này nói với Tri Thức – Znews.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 18/5, sân bay quốc tế Liên Khương dự kiến tạm đóng cửa ít nhất 6 tháng để nâng cấp và sửa chữa đường băng, đường lăn. Hiện ngày tạm đóng cửa cụ thể vẫn chưa được ấn định.

Trong khi đó, sân bay quốc tế Vinh cũng dự kiến tạm ngừng hoạt động trong thời gian khoảng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/7, để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng quy mô lớn.

san bay anh 1

Du khách tắm biển Cửa Lò, Nghệ An ngày 28/5/2023. Ảnh: Phạm Trường.

Sân bay Vinh phục vụ trung bình hơn 1,5 triệu lượt hành khách mỗi năm, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực Bắc Trung Bộ với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn trong nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, cũng như mở rộng đường bay quốc tế đến Lào và Thái Lan.

Việc cảng hàng không này tạm dừng hoạt động trong 6 tháng không chỉ ảnh hưởng đáng kể đến giao thông kết nối Nghệ An, mà còn khiến nhiều du khách, đơn vị lữ hành phải đưa ra phương án di chuyển khác, đặc biệt khi mùa cao điểm du lịch hè đã cận kề.

Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, cho biết đơn vị khuyến khích du khách trải nghiệm đường bộ và đường sắt trong thời gian sân bay Vinh cải tạo.

Đối với khách miền Bắc, ngoài tuyến đường cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, từ ngày 24/4, tàu giường nằm cao cấp Sông Lam với 12 toa mới chính thức đi vào hoạt động, mỗi ngày có một chuyến từ Hà Nội – Vinh và ngược lại.

Đối với miền Nam, du khách có thể chuyển hướng sử dụng các sân bay lân cận như Thọ Xuân (Thanh Hóa) hoặc Đồng Hới (Quảng Bình). Ông Cường cho biết đây là 2 sân bay dân dụng gần nhất, có tần suất khai thác tương đối ổn định, đủ khả năng tiếp nhận lượng hành khách tăng thêm từ Nghệ An.

san bay anh 2

Cầu Cửa Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nối liền 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Hình ảnh chụp ngày 13/4/2024. Ảnh: Thế Bằng.

Nguyễn Thúy (32 tuổi, ngụ TP.HCM) tính đến phương án cùng gia đình bay từ TP.HCM về sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), sau đó thuê taxi về Nghệ An.

Cô cho đây là phương án phù hợp nhất đối với gia đình có 2 trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chi phí sẽ “đội” lên tương đối do phải đi taxi đường dài, hành trình kéo dài cũng khiến trẻ em mệt mỏi.

“Nếu cả gia đình đi xe khách từ TP.HCM về Nghệ An kéo dài 22-30 tiếng, thực sự là cơn ác mộng”, Thúy nói.

Trong khi đó, về phía các công ty lữ hành, một số đơn vị đã lên phương án vận chuyển khách từ TP Vinh đến sân bay gần nhất bằng xe buýt tuyến cố định hoặc hợp đồng riêng.

Bà Cao Thị Thanh, Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chi nhánh Nghệ An, cho biết đơn vị đã nắm được kế hoạch sân bay Vinh có thể tạm đóng cửa. Do đó, ngay từ đầu năm, hãng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo hoạt động vận hành tour được trơn tru.

“Nếu sân bay đóng cửa từ tháng 7 như dự kiến, khách sẽ được bố trí di chuyển sang các sân bay lân cận hoặc các tour đường bộ, liên tuyến. Còn nếu chưa có thay đổi, lịch trình tour vẫn giữ nguyên như cũ”, bà Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, đơn vị chủ chương hạn chế nhận đặt tour các đoàn khách lớn từ sau tháng 7, chỉ tiếp tục nhận khách lẻ để dễ điều chỉnh kế hoạch khi có phát sinh.

san bay anh 3

Một góc tại sân bay Vinh được nhiều bạn trẻ đến check-in “sống ảo”. Ảnh: @kyungmin.ssi.

Nguyễn Quyết, Giám đốc AHA Travel & Event, chuyên tổ chức chương trình team building, cho biết việc tạm dừng sân bay Vinh không ảnh hưởng quá nhiều đến tệp khách hàng miền Bắc của công ty.

Tuy nhiên, du khách từ miền Nam, miền Tây – những nơi vốn phụ thuộc nhiều vào đường hàng không để kết nối với Nghệ An – có thể sẽ thay đổi điểm đến hoặc phương tiện di chuyển.

“Cửa Lò vốn đã ít khách miền Bắc so với Hạ Long, Sầm Sơn do thời gian di chuyển kéo dài 4-5 tiếng. Nếu sân bay Vinh đóng cửa và khách miền Nam không chọn bay ra Thanh Hóa hay Đồng Hới, khả năng cao họ sẽ thay đổi điểm đến chứ không lựa chọn phương tiện thay thế”, anh nhận định.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết “không để sân bay Vinh đóng cửa trở thành điểm nghẽn, mà là cơ hội để mở rộng các tuyến, đa dạng hóa trải nghiệm du lịch, tận dụng sức nóng từ dịp nghỉ lễ vừa qua”.

Đơn vị đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hội chợ thương mại, quảng bá du lịch, phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, trải dài từ biển đến rừng, từ cộng đồng đến sinh thái nhằm thu hút khách du lịch vào mùa hè này.

Nguồn: Znews

TPHCM: Chen chân giữa trời nắng để check-in địa điểm mới nổi như ở Maldives

Cách trung tâm TPHCM hơn 12km, The Cloudest (phường An Phú, thành phố Thủ Đức, TPHCM) là tổ hợp không gian ngoài trời kết hợp nhiều dịch vụ giải trí, ăn uống và thư giãn. Khuôn viên được thiết kế theo phong cách boho, lấy cảm hứng từ sa mạc và các khu nghỉ dưỡng nhiệt đới.

Thời gian gần đây, địa điểm này bất ngờ trở thành điểm check-in thu hút giới trẻ nhờ những bức hình đẹp tựa Maldives hay Bali (Indonesia) với hồ bơi trong xanh cỡ lớn, hiệu ứng tràn bờ, nổi bật giữa khuôn viên, bên cạnh bãi cát dài, hàng dừa và các giường, võng, lều nghỉ được bố trí tạo cảm giác như đang ở bãi biển.

Giới trẻ xếp hàng dài, chờ vào check-in địa điểm mới nổi ở TPHCM (Video: TikTok @vuhao2112).

Cuối tuần qua, đoạn video ghi lại cảnh đông đúc trên con đường bê tông nhỏ dẫn vào quán thu hút sự chú ý trên TikTok. Hàng dài xe máy, ô tô xếp hàng chờ vào quán khiến nhiều người ngỡ ngàng trước sức hút của địa điểm này.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí vào buổi trưa một ngày giữa tuần, lượng khách ở đây vẫn khá đông đúc. Nhiều khu vực ghế ngồi đã kín chỗ, các lều nghỉ nhỏ quanh khuôn viên cũng gần như không còn chỗ trống. Dưới hồ bơi, không ít người lớn đưa theo trẻ nhỏ đến vui chơi, tắm mát.

Nguyễn Thị Thùy Dương (19 tuổi, huyện Bình Chánh) cho biết cô phải di chuyển hơn một tiếng mới đến được quán lúc hơn 9h sáng.

TPHCM: Chen chân giữa trời nắng để check-in địa điểm mới nổi như ở Maldives - 1

Thùy Dương chọn đến vào buổi trưa để tránh đông, dễ chụp ảnh hơn, tuy nhiên, trời nắng gắt khiến việc di chuyển ngoài trời gây nóng bức, khó chịu (Ảnh: Cẩm Tiên).

“Tôi chọn đi vào giữa tuần để tránh đông, nhưng thực tế tại thời điểm tôi đến, nơi đây vẫn khá đông. Đến giữa trưa, phần lớn khách vào trong nhà, trú dưới các lều”, Thùy Dương kể.

Cô nhận xét khu vực ngoài trời được đầu tư khá chỉn chu, nhiều góc chụp hình bắt mắt với giường, võng… khiến cô có cảm giác như đang ở Bali hay Maldives. Ngoài ra, Thùy Dương khuyên mọi người nên chuẩn bị sẵn quạt tay, ô che nắng và đặc biệt không quên kem chống nắng loại tốt để bảo vệ da mặt và cơ thể.

Trong khi đó, Kim Chi (phường Bình Chiểu, TPHCM) cũng di chuyển khoảng 30 phút cùng nhóm bạn 3 người để đến đây cùng nhiếp ảnh gia quen. Trước đó, cô từng xem các video quảng cáo và nghĩ nơi này vắng vẻ, có không gian thư giãn.

“Khi đến, tôi bất ngờ khi nơi đây khá đông, dù là ngày giữa tuần. Thời tiết cũng khá oi bức. Ai định đến thì nên chuẩn bị tâm lý xem có thích nơi đông người hay không”, cô nói.

Kim Chi cho biết mục đích chính khi đến là chụp ảnh nên không kỳ vọng nhiều vào thức uống. Cô nhận xét giá đồ uống hơi cao nhưng bù lại có nhiều góc chụp đẹp để “sống ảo”.

TPHCM: Chen chân giữa trời nắng để check-in địa điểm mới nổi như ở Maldives - 2

Sau khi chụp ảnh ngoài trời, nhiều người đổ vào khu vực trong nhà để tránh nắng, nghỉ ngơi (Ảnh: Cẩm Tiên).

Nhiếp ảnh gia Mr. Cơ (TPHCM), người chụp cho nhóm Kim Chi, cho biết đây là lần đầu anh đến đây. Trước đó, anh đã tham khảo bình luận trên mạng và nhận được nhiều lời giới thiệu từ bạn bè, người quen trong nghề. “Phần lớn mọi người đánh giá khung cảnh đẹp, nhưng dịch vụ chưa thật sự chuyên nghiệp, nhân viên chưa hỗ trợ nhiệt tình”, anh nói.

Mr. Cơ nhận định việc chọn thời điểm chụp ảnh tại đây khá khó khăn. Buổi sáng sớm khi trời chưa nắng hoặc buổi chiều sau 16h30 là thời điểm lý tưởng vì ánh sáng mềm, đều, giúp ảnh đẹp hơn. Tuy nhiên, đây cũng là lúc đông khách nên khó chọn được vị trí ưng ý.

Nhiều người chấp nhận buổi trưa khi vắng người hơn, nhưng ánh sáng gắt gây khó chịu cho người mẫu. “Việc có người xuất hiện trong hậu cảnh là khó tránh, nhưng công nghệ AI hiện nay hỗ trợ xóa người khá dễ dàng”, Mr. Cơ chia sẻ.

TPHCM: Chen chân giữa trời nắng để check-in địa điểm mới nổi như ở Maldives - 3

Không gian rộng rãi với nhiều góc chụp “sống ảo” đẹp là điểm thu hút giới trẻ của địa chỉ này (Ảnh: Cẩm Tiên).

Theo thông tin từ quán, dịch vụ ăn uống cũng đa dạng, gồm bữa sáng nổi (floating breakfast), tiệc BBQ hải sản, thịt nướng ngoài trời và quầy bar cocktail về đêm. Vào buổi tối, địa điểm tổ chức các đêm nhạc với DJ trong không gian nhiều cây xanh, ánh sáng vàng dịu.

                

Nguồn: Dantri

Du khách bỏ chạy nhìn mái ngói tòa tháp 650 tuổi ở Trung Quốc đổ sập

Một tòa tháp trống 650 năm tuổi ở miền Đông Trung Quốc vừa được sửa chữa năm ngoái đã đổ sập, suýt rơi trúng nhóm du khách đang đứng ngay phía ngoài công trình vào ngày 19/5.

Mái của tháp trống 650 năm tuổi ở Trung Quốc bất ngờ đổ sập Dù mới được trùng tu năm trước, phần mái của Tháp Trống Phụ Dương (An Huy, Trung Quốc) đã bất ngờ đổ sập, nhiều mảnh ngói rơi xuống nơi hàng chục du khách đang đứng tham quan dưới chân tháp.

Nhiều đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một phần mái của tòa tháp bị sụp, ngói trượt xuống chỉ trong vài giây tạo thành đám bụi lớn khiến đám đông du khách hốt hoảng bỏ chạy.

Vụ việc xảy ra vào lúc 18h30 (giờ địa phương) ở phần mái phía đông của Tháp Trống Phong Dương (Fengyang Drum Tower), tỉnh An Huy, theo thông tin từ Cục Văn hóa và Du lịch huyện Phong Dương công bố hôm 20/5. May mắn không ai bị thương trong vụ việc, The Straitstimes đưa tin.

Chính quyền địa phương ngay lập tức kích hoạt phương án ứng phó khẩn cấp, sơ tán du khách và phong tỏa hiện trường. Một tổ điều tra đã được thành lập để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Thap trong do sap anh 1

Nhiều video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một phần mái nhà bị sụp đổ trước khi các viên ngói trượt ra, tạo nên một đám mây bụi lớn.

Tháp Trống Phong Dương được xây dựng lần đầu vào năm 1375, dưới triều đại nhà Minh, bao gồm phần đế được nâng cao và phần nhà ở phía trên.

Phần đế tháp đã được công nhận là di tích văn hóa trọng điểm cần được bảo tồn tại tỉnh An Huy từ năm 1989. Tuy nhiên, phần nhà phía trên từng bị phá hủy vào năm 1853 dưới thời nhà Thanh, và chỉ được xây dựng lại vào năm 1995.

Cơ quan văn hóa tỉnh An Huy cho biết từ năm 2017, phần mái và diềm mái của tòa nhà đã xuất hiện dấu hiệu hư hỏng. Một dự án trùng tu đã được khởi động từ tháng 2/2023, với thời gian thi công kéo dài từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024.

Cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 270 km, Tháp Trống Phong Dương là một điểm đến thu hút đông khách du lịch ở tỉnh An Huy. Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ và lo lắng sau khi đoạn video sụp mái được lan truyền.

“Thật đáng sợ. Ngói này như tàu hủ vậy”, một người dùng Weibo bình luận. Người khác viết: “Nếu chuyện này xảy ra thời xưa thì chắc chắn đã có người bị xử trảm rồi”.

Một số người kêu gọi tinh thần đoàn kết, chia sẻ: “Đây là lúc thể hiện tinh thần Phong Dương đích thực! Dù ngã xuống, ta sẽ đứng dậy mạnh mẽ hơn. Hãy cùng nhau vượt qua thử thách này”.

Nguồn: Znews

Ốc đảo như sao Hỏa nơi Tom Cruise, Will Smith ‘đi trốn’

Rời xa những bãi biển đông đúc ở Malibu hay các bữa tiệc xa hoa ở Hamptons, giới thượng lưu đang tìm đến Lanai – hòn đảo nhỏ biệt lập trông như sao Hỏa ở Hawaii để tận hưởng sự yên tĩnh.

Du khách có thể lái xe Jeep khám phá hơn 400 dặm đường đất đỏ với địa hình như sao Hỏa. Ảnh: Four Seasons.

Những bãi biển đông đúc ở Malibu hay các bữa tiệc hào nhoáng tại Hamptons (Mỹ) giờ đây không còn là lựa chọn hàng đầu của giới thượng lưu và người nổi tiếng. Họ đang tìm đến một nơi xa xôi hơn đó là Lanai – hòn đảo nhỏ của Hawaii, nơi mang dáng dấp của một hành tinh xa lạ hơn phần còn lại của nước Mỹ.

Với lớp đất đỏ màu gỉ sắt, địa hình gồ ghề và những khối đá đỏ dựng đứng có hình thù kì dị, Lanai trông như bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, điều khiến hòn đảo chỉ rộng 365 km2 này trở nên đặc biệt không chỉ đến từ cảnh quan kỳ lạ mà còn là sự tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Lanai là hòn đảo nhỏ nhất có người ở trong quần đảo Hawaii với khoảng 3.000 cư dân sinh sống và không có lấy một cột đèn giao thông. Không có chuyến bay thẳng từ đất liền và rất ít nơi lưu trú công cộng, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để “biến mất”.

Chia sẻ với Daily Mail, Juan Leonis – quản lý khu nghỉ Four Seasons tại Lanai – nói: “Chúng tôi mang đến trải nghiệm Hawaii như trên những tấm bưu thiếp xưa”.

“Với chúng tôi, sự xa xỉ thực sự nằm ở cảm giác thuộc về – đó là cách chúng tôi chăm sóc khách bằng sự chân thành, tận tâm, và đáp ứng đúng điều họ cần trong suốt kỳ nghỉ.

Dao Lanai Hawaii anh 1

Mỗi đêm nghỉ dưỡng ở đây có giá từ vài nghìn USD lên đến khoảng 5.000 USD. Ảnh: Four Seasons.

Nhiều người nổi tiếng như Oprah Winfrey, Tom Cruise, Jessica Alba và Will Smith đã chọn Lanai làm nơi nghỉ dưỡng trong thời gian gần đây. Thậm chí Bill và Melinda Gates từng tổ chức đám cưới tại đây vào năm 1994, ngay trên lỗ golf thứ 12 nằm cheo leo trên một vách đá cao của khu nghỉ dưỡng.

Leonis cho biết: “Tôi tin rằng khách của chúng tôi đang tìm kiếm những nơi có thể trải nghiệm văn hóa địa phương một cách chân thật, hòa quyện cùng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ dành cho những cột mốc quan trọng trong đời hay kỳ nghỉ với gia đình”.

“Lanai có bầu không khí như một hòn đảo tư nhân, rất ít khách du lịch, yên bình đến lạ, là nơi để hít thở, dành thời gian cho những người thân yêu hay tận hưởng sự tĩnh lặng trong môi trường sang trọng”.

Tỷ phú công nghệ Larry Ellison đã mua lại 98% diện tích hòn đảo này vào năm 2012. Từ đó, ông rót hàng triệu USD để biến Lanai thành thiên đường nghỉ dưỡng cao cấp nhưng vẫn không làm mất đi nét quyến rũ vốn có của một thị trấn nhỏ.

Ông nâng cấp “viên ngọc quý” của đảo – khu nghỉ Four Seasons Resort Lanai – đồng thời triển khai các dự án phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương.

Dao Lanai Hawaii anh 2Dao Lanai Hawaii anh 3Dao Lanai Hawaii anh 4Dao Lanai Hawaii anh 5

Nhiều người nổi tiếng như Oprah Winfrey, Tom Cruise, Jessica Alba và Will Smith gần đây đã chọn Lanai làm nơi nghỉ dưỡng riêng tư. Ảnh: Karl Lehmann, Billy McDonald.

Với giá phòng có thể lên đến 5.000 USD/đêm, khách sẽ được tận hưởng không gian thiết kế tinh xảo như bảo tàng, hồ bơi nhìn ra đại dương xanh, thưởng thức ẩm thực được các đầu bếp nổi tiếng như Nobu hay Malibu Farm, cùng sự cá nhân hóa trong dịch vụ để tối đa sự riêng tư cho khách.

Bên ngoài khu nghỉ dưỡng là một vùng hoang dã rộng lớn đang chờ khám phá. Khách du lịch có thể lái những chiếc xe Jeep trắng rong ruổi hơn 640 km đường đất hoặc tìm đến Garden of the Gods – địa điểm tựa như sao Hỏa – nơi từng là nhà giam nữ với tầm nhìn bao quát đảo Molokai.

Ngoài ra, các chuyến du ngoạn ngắm hoàng hôn trên du thuyền, cưỡi ngựa, lặn ngắm san hô hay các buổi ngắm sao kết hợp tìm hiểu về kỹ thuật xác định phương hướng truyền thống của người Polynesia, tất cả đều góp phần tạo nên sự huyền bí của Lanai. Ngay cả bãi biển công cộng ở vịnh Hulopoe cũng mang đến cảm giác như một bãi biển tư nhân, khi nhân viên của khu nghỉ dưỡng luôn sẵn sàng phục vụ các loại cocktail nhiệt đới và bố trí ghế nằm sang trọng cho khách.

Hòn đảo này từng là đồn điền trồng dứa lớn nhất thế giới dưới thời hoàng kim của tập đoàn Dole vào đầu thế kỷ 20. Nhưng hiện tại, Lanai đang bước vào một “kỷ nguyên canh tác” mới của sự xa hoa, thiên nhiên và xa xỉ.

Dù đã được nâng cấp đáng kể, Leonis khẳng định Lanai vẫn giữ được linh hồn nguyên bản của mình. “Tôi nghĩ không khí trên đảo chẳng thay đổi là bao suốt những năm qua”, ông nói. “Chúng tôi liên tục đổi mới về tiện nghi, nhưng tinh thần chung vẫn là sự mộc mạc, thư giãn và chân thực”.

Nguồn: Znews

TIN MỚI NHẤT