
Huyện Bình Liêu có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều cảnh đẹp rất tự nhiên và hoang sơ, như thác Khe Vằn, ruộng bậc thang; những nét văn hoá đặc sắc của những bản làng dân tộc Dao, Sán Chỉ với điệu hát Soóng Cọ, sản phẩm thủ công thêu thùa, những món ăn truyền thống giàu bản sắc của dân tộc thiểu số vùng núi Bắc Bộ…
Trong đó, điểm tham quan thác Khe Vằn (xã Húc Động) đang được huyện phối hợp xúc tiến đầu tư xây dựng thành một trong tuyến, điểm du lịch tại địa phương.
Xã Húc Động hiện không chỉ nổi tiếng về trồng dong riềng, sản xuất miến dong, mà còn được nhiều người biết đến với thác Khe Vằn độc đáo, một điểm du lịch hấp dẫn của huyện. Thác cao khoảng 100m, có 3 tầng nước chảy, đổ xuống trắng xoá, tạo nên một không gian sơn thuỷ hữu tình với cảnh sắc bầu trời, cây xanh, đá, nước, âm thanh rì rào, hơi nước mát lan toả. Dù mùa mưa hay mùa khô, dòng nước ở đây vẫn chảy không ngừng tạo nên vùng khí hậu đặc trưng rất dễ chịu. Mùa du lịch, trong cái nóng bức của mùa hè, du khách được đằm mình trong làn nước trong mát của dòng thác, cảm giác hoà mình vào thiên nhiên đó thật khoan khoái. Thác Khe Vằn đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh tháng 1-2011.
Trong buổi làm việc triển khai xây dựng tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua tại xã Húc Động giữa UBND huyện Bình Liêu, Sở VH-TT&DL với Công ty TNHH MTV Nam Phong đã đưa ra mục tiêu phát huy tiềm năng của thác Khe Vằn và khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng xã Húc Động, để đón khách du lịch đến từ các thị trường châu Âu, Mỹ. Về lâu dài, bằng các nguồn đầu tư, huyện sẽ từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và triển khai khai thác sản phẩm du lịch theo quy hoạch bảo tồn di tích danh thắng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, hướng đến khách du lịch đa dạng từ thị trường trong và ngoài nước.
Trên cơ sở này, hiện Bình Liêu đã có kế hoạch triển khai xây dựng tuyến, điểm du lịch trên địa bàn. Trong đó, với điểm tham quan thác Khe Vằn, trước mắt huyện chỉ đạo phối hợp tu sửa, cải tạo những đoạn dốc, ổ voi, ổ gà, điểm sạt lở và che khuất tầm nhìn, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông đến trung tâm xã; tu sửa đường từ trung tâm xã đến chân thác, đường vào các bản Khe Vằn, Sú Cáu; đẩy mạnh tuyên truyền người dân giữ gìn cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường khu vực quanh thác; thành lập đội TNTN làm công tác VSMT, hướng dẫn, giúp đỡ du khách trong quá trình tham quan; lựa chọn các ruộng bậc thang, viết các lời dẫn về nguồn gốc di tích giới thiệu với du khách; làm các đồ thủ công truyền thống, các món ăn dân tộc; thành lập đội văn nghệ, xây dựng địa điểm nghỉ chân ăn uống, mua sắm, trưng bày sản phẩm v.v..
Ông Trần Minh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương đề cao công tác tuyên truyền cho người dân trong xã, nhất là ở các thôn gần khu vực thác hiểu được giá trị, tiềm năng của thác Khe Vằn để có ý thức bảo vệ chung. Cùng với đó, xã vận động nhân dân các dân tộc Sán Chỉ, Dao trên địa bàn bảo tồn trang phục truyền thống, phong tục sinh hoạt sản xuất, nhà ở phù hợp để tạo nét văn hoá đặc trưng thu hút du khách. Đặc biệt, người Sán Chỉ ở Húc Động có truyền thống hát Soóng Cọ từ hàng trăm năm nay. Vào những đêm trăng sáng, trai gái ngồi hát đối đáp với nhau bên dòng thác Khe Vằn, những câu hát trữ tình chính là sợi tơ hồng gắn kết các đôi nam nữ, nhiều người đã nên vợ, nên chồng từ những buổi hát giao duyên như thế. Ngày hội Tháng Ba được người Sán Chỉ tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, hiện trở thành một sản phẩm du lịch mà trong đó hát Soóng Cọ là linh hồn của ngày hội. Húc Động đã đưa vào hoạt động có hiệu quả 2 CLB hát Soóng Cọ và dự kiến cho ra mắt thêm 3 CLB hát Soóng Cọ trong năm nay để bảo tồn các nét văn hoá dân tộc Sán Chỉ, đồng thời tạo ra sản phẩm dân ca địa phương phục vụ du khách. Cùng với đó là khai thác sản vật ở địa phương như miến dong, cá, ốc suối, gà đồi.
Ông Trần Nhuận Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Phong, cho biết: Nhằm đa dạng hoá và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh, mở rộng các tuyến, điểm du lịch mới, nhất là các tuyến du lịch biên giới để kết nối các tour du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Công ty đã tiến hành khảo sát thực địa các điểm đến có tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch tại huyện Bình Liêu là thác Khe Vằn (Húc Động), núi Cao Ba Lanh (Đồng Văn)… Đơn vị đánh giá Bình Liêu giống như Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh, sẽ phát triển rất tốt du lịch sinh thái và du lịch văn hoá. Việc mở các điểm đến du lịch văn hoá các dân tộc thiểu số sẽ góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu thực tế của khách du lịch đến Quảng Ninh. Nếu biết khai thác và phát huy, Bình Liêu sẽ là điểm đến kết nối với Vịnh Hạ Long…
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn