Ngày Quốc khánh 2/9, bỏ lại phía sau bùn đất, ngập lụt mùa mưa lũ, tạm quên những nhọc nhằn trên nương, chuẩn bị cho mình những tấm váy thổ cẩm đẹp nhất, thiếu nữ Mông, Thái xúng xính rời bản xuống phố, đón Tết Độc lập trong tiết thu chớm lạnh. Với du khách hay người miền xuôi mới lên, Ngày Quốc khánh ở Điện Biên tạo cho họ một cảm giác vừa lạ lẫm vừa quen thuộc.
Đồng bào các dân tộc vui chơi trong ngày Tết Độc lập (2/9). Ảnh: Xuân Tư
Lạ là bởi ở miền xuôi, nơi phồn hoa đô hội, Quốc khánh vẫn diễn ra thường niên nhưng ở nơi vốn có nhiều những sự kiện văn hóa, giải trí mang tính thương mại, nhiều lúc người tham gia chỉ đơn thuần mang tính tụ họp nhân ngày nghỉ lễ, gặp nhau trong kế hoạch đã lên lịch chi tiết, trong một bữa tiệc đã được đặt sẵn ở nhà hàng, để rồi xong ai về nhà nấy, nhạt nhòa giữa phố đông… Nhưng ở vùng cao thì khác, người dân xuống phố ngoài tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí truyền thống do địa phương tổ chức như: Kéo co, ném còn, thi giã bánh dày… thì việc đi chơi Tết Độc lập nhiều khi chỉ là để được tham quan, ngắm nhìn.
Ở TP. Điện Biên Phủ, mỗi dịp Tết Độc lập đến, nhân dân các dân tộc ở nhiều huyện, thị lân cận cũng đổ về phố phường, ngắm cửa hàng, siêu thị và nhiều người còn ngắm dòng người nườm nượp trên đường Võ Nguyên Giáp… Rồi sau đó, nhiều người trong số ấy tiếp tục leo bộ 320 bậc lên Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ để được ngắm nhìn bao quát cả thành phố.
Đất nước ngày một đổi mới, phát triển, văn hóa cũng có những chuyển biến để phù hợp với thời đại nhưng những giá trị về lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn đối với những người con đã hy sinh để đất nước có được ngày độc lập như hôm nay là bất biến. Và việc mừng Tết Độc lập, đi chơi Tết Độc lập của bà con các dân tộc thiểu số vùng cao góp phần như một mỏ neo nhỏ bé để gìn giữ giá trị truyền thống yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam.
Phạm Dương
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn