Barong là một điệu múa rất thân thuộc trong đời sống của người dân ở Bali, Indonesia. Thông qua điệu múa này, họ bày tỏ niềm tin và khát vọng của mình hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người Bali quan niệm rằng, tự nhiên là một thể thống nhất và cân bằng giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái có ích và có hại cho con người. Ốm yếu, bệnh tật và chết chóc đi kèm với ma quỷ và tà thuật. Khi yêu ma và cái xấu hoành hành thì cũng là lúc dân cư và cộng đồng sẽ gặp nguy hiểm. Chính vì vậy, người Bali coi điệu múa Barong này là một nghi lễ cầu nguyện để đẩy lùi cái xấu, thiết lập lại trạng thái cân bằng.
Điệu múa Barong thể hiện rõ nét văn hóa đặc sắc của người Bali. |
Điệu múa thuật lại câu chuyện về sự đối đầu giữa cái thiện và cái ác, là sự pha trộn giữa yếu tố thần thoại và lịch sử. Câu chuyện bắt đầu bằng sự xuất hiện của Rangda, mẹ của Erlangga (Erlangga là vua ở thế kỷ thứ 10). Do học tà thuật nên Rangda bị chồng xử tội. Tuy nhiên không lâu sau khi cha của Erlangga chết, người phụ nữ này đã triệu tập những linh hồn ác quỷ để khống chế Erlangga. Do đội quân của Rangda quá mạnh nên Erlangga phải nhờ cậy đến thần Barong. Trong cuộc chiến, Rangda dùng bùa phép làm cho binh lính của Erlangga tự giết mình nhưng đã bị Barong hoá giải. Kết thúc cuộc chiến, Barong chiến thắng và Rangda buộc phải chạy trốn.
Điệu múa thường được bắt đầu với sự xuất hiện của Barong. Hai người đàn ông sẽ điều khiển mô hình Barong múa một cách khéo léo. Nhìn chung việc múa Barong giống như múa lân ở Việt Nam, có hai người đàn ông sẽ điều khiển Barong: một người lo chân sau và một người điều khiển chân trước cùng mặt nạ. Các Barong lại có nhiều hình dạng khác nhau do nó chỉ là sự ước lệ của lợn rừng, hổ, sư tử và thậm chí là cả voi… Những chiếc mặt nạ Barong và Rangda là những vật linh thiêng trong quan niệm của người dân Bali. Được dùng phổ biến và trang trọng nhất là mặt nạ Barong Keket. Sau khi hoàn thành, những chiếc mặt nạ này sẽ được các thầy tu vẩy nước thánh lấy từ đỉnh Agung để ban phúc lành cho nó. Barong tượng trưng cho cái thiện còn Rangda cho cái ác.
Điệu múa được biểu diễn tại các đền và trung tâm văn hóa Ubud – Bali. |
Sau Barong, đến lượt Rangda xuất hiện. Lừ lừ từ phía sau ngôi đền, Rangda xuất hiện như một nỗi kinh sợ từ bóng tối với chiếc lưỡi đỏ lửa, chiếc vòng cổ làm bằng ruột người, những móng tay như nanh vuốt dài sắc nhọn. Với chiếc khăn trắng trên tay, Rangda phù phép làm cho các binh lính của Erlangga giết hại chính mình.
Cảnh cuối cùng là sự đối đầu giữa Barong và Rangda. Tiết tấu nhanh cùng sự phối hợp của âm nhạc tăng thêm phần hấp dẫn cho cuộc chiến này. Một dàn nhạc phục vụ cho điệu múa này cũng có trên chục người với nhiều nhạc cụ truyền thống khác nhau. Kết thúc điệu múa là thắng lợi của Barong và sự bỏ chạy của Rangda.
Trong các dịp lễ Tết và các ngày hội của người dân Bali, điệu múa này được trình diễn với những màu sắc và trang phục bắt mắt. Người ta thường biểu diễn tiết mục kèm chung với những vở kịch về cuộc sống xung quanh. Các nghệ sĩ của điệu múa truyền thống tập luyện thường xuyên để có được một vở diễn hay nhất phục vụ người dân. Các buổi diễn thường được diễn ra tại khu sân rộng trong các ngôi đền hay trước bãi biển. Với hơn 2.000 lễ hội trong năm, dường như ngày nào ở Bali cũng có một lễ hội sôi động diễn ra.
Trong những buổi biểu diễn này, khách du lịch được biết thêm một loại hình truyền thống độc đáo và giàu hình ảnh, tái hiện một vùng đất lạ mà quen với những vật thiêng đặc trưng cho vùng đất Bali.
Mặt nạ Barong truyền thống. |
Du khách có thể dễ dàng xem buổi diễn của múa Barong tại trung tâm văn hóa Ubud tại Bali. Tại đây, vào các tối thứ ba và thứ năm trong tuần đều có chương trình biểu diễn nghệ thuật kéo dài trong suốt 2 giờ đồng hồ, bắt đầu từ 19h30, phục vụ khách du lịch. Giá vé xem biểu diễn múa khoảng 200.000 đồng.
Sau khi xem trình diễn, du khách cũng có thể mua những chiếc mặt nạ rất đẹp của điệu múa này với nhiều kích cỡ và giá cả phải chăng về làm quà lưu niệm.
Bài và ảnh: Lam Linh
Nguồn: Vnexpress.net