Theo chuyên gia địa chất, đỉnh Fansipan nằm ở nơi có hoạt động địa chất nâng lên. Vì thế nóc nhà Đông Dương sẽ còn tiếp tục cao hơn nữa.
Theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, đỉnh Fansipan hiện nay cao tới 3.147,3 mét so với mặt nước biển, cao hơn 4 mét so với kết quả vẫn được sử dụng chính thức là 3.143 mét do người Pháp đo đạc vào năm 1909.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo kết quả xử lý dữ liệu và xác định độ cao đỉnh Fansipan tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 26/6, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, việc đo đạc độ cao đỉnh Fansipan đã được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thực hiện từ ngày 20/3/2019 đến ngày 13/5/2019 bằng việc sử dụng công nghệ định vị toàn cầu (GNSS) kết hợp với số liệu độ cao từ một số trạm định vị vệ tinh quốc gia và công nghệ đo thủy chuẩn. Có thể nói, đây là những phương pháp, công nghệ hiện đại nhất, đáng tin cậy nhất mà nước ta có thể thực hiện để đo đỉnh Fansipan trong thời điểm hiện tại.
Theo số liệu đo được, giá trị độ cao quốc gia được xác định tại vị trí cao nhất trên đỉnh Fansipan là 3147,3 mét, độ cao này cao hơn 4 mét so với kết quả vẫn được sử dụng chính thức trên nhiều tài liệu từ 110 năm qua là 3143 mét do người Pháp đo đạc vào năm 1909.
Việc Fansipan cao lên là do việc đo đạc được chính xác hơn hay do hoạt động địa chất kiến tạo tại khu vực này? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia về địa chất cho biết, đỉnh Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn là nơi có hoạt động địa chất kiến tạo nâng lên. Các nhà khoa học đã đánh giá, trung bình mỗi năm đỉnh Fansipan có thể cao lên 0,6mm. Số liệu đỉnh núi cao lên 4,3cm trong thời gian qua khá phù hợp với đánh giá của các nhà khoa học. Trong tương lai, nóc nhà Đông Dương sẽ còn tiếp tục nâng lên so với mực nước biển.
Nguồn: 24H.COM.VN