Trần Quang Anh đang dẫn tour tới miền Nam đầu tháng 3, thì nhận thấy một khách trong đoàn có biểu hiện ho khan hai ngày liên tiếp.
Hướng dẫn viên (HDV) nhanh chóng báo lại cho văn phòng công ty. Đoàn của anh Quang được hướng dẫn lập tức đi thẳng tới Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM để kiểm tra sức khỏe, không ai được phép xuống xe dọc đường. Từ lúc thông báo tới khi có yêu cầu đến bệnh viện là 2 tiếng, khách ngồi nguyên trên xe, sau đó đoàn di chuyển dần từ Cái Bè về TP HCM.
Dọc đường, khách muốn đi vệ sinh vì đã ngồi trên xe ba tiếng. Anh Quang dừng lại, trao đổi với vài nhà dân mới có một người đồng ý cho sử dụng nhà vệ sinh. Người này vừa nhìn thấy khách Tây tóc vàng mắt xanh lại đổi ý, trong khi khách của anh thì sắp không chịu đựng nổi.
Khi đó, một hướng dẫn có thâm niên như anh Quang cũng cảm thấy đuối. Anh phải giải thích một hồi, may mắn được người dân thông cảm. Anh nói vui: “Thực sự gần 30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi gặp hoàn cảnh khách đi vệ sinh cũng khó tìm chỗ như thời Covid-19 này!”.
HDV giữa Covid-19 phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để đảm bảo lịch trình và trải nghiệm cho những đoàn khách Âu – Mỹ đến Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Về TP HCM, anh Quang vui mừng khi khách đều khỏe mạnh và loại trừ khả năng nhiễm nCoV. Đoàn tiếp tục tới miền Trung. Ngày 7/3, anh biết tin có hai khách bay cùng chuyến bay VN54 với “bệnh nhân 17” đang nghỉ ở Hội An. Nhân viên điều hành tour cùng anh nháo nhác tìm thông tin.
Trớ trêu, khách sạn đoàn chuẩn bị check-in có hai khách thuộc diện F1. Đoàn ngay lập tức được chuyển sang nơi khác, nhưng anh Quang lại lo liệu cơ sở lưu trú mới có khách thuộc diện F1 tới không. Mỗi buổi sáng, anh đều kiểm tra với lễ tân xem có khách nào liên quan tới F1, F2 nhận hay trả phòng không, để đảm bảo cho cả đoàn. Bởi nếu không may khách sạn bị phong tỏa hay đoàn bị cách ly, hành trình không thể tiếp tục.
Cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười đó, anh Thành (*) dẫn một đoàn khách đến Hà Nội vào ngày 14/3, trước khi Việt Nam có lệnh ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài. Hàng loạt điểm tham quan tại Hà Nội đã đóng cửa, Quảng Ninh ngừng đón khách thăm vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, khách vẫn khao khát đến Hạ Long dù chỉ để nhìn thấy vịnh từ trên bờ, HDV tiếng Đức này cũng cố gắng hết sức cho đoàn bớt thiệt thòi. Đoàn từ Hạ Long đi sân bay Nội Bài dừng lại thăm một nghĩa trang trên đường. Anh Thành dự định thuyết minh về phong tục an táng của người Việt.
Những tưởng hoạt động này không liên quan đến ai, HDV cũng hạn chế để khách tiếp xúc với người dân vì sợ ảnh hưởng tới địa phương. Vậy mà vừa thấy khách Tây xuống xe, người dân trên mấy thửa ruộng gần đó đã yêu cầu anh đưa khách đi ngay. “Khách buồn hơn là sợ, mà hướng dẫn như tôi cũng cảm thấy bất lực”, anh Thành chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Sơn, hướng dẫn viên tiếng Đức, gặp không ít khó khăn khi tìm dịch vụ cho đoàn 8 khách đi Mai Châu, Hoà Bình vào giữa tháng 3. Anh đi khắp bản mới thấy một quán nước mở cửa, nhưng chủ lại lánh đi. HDV phải đàm phán rằng mình sẽ tự tay lấy bia và mang ra phục vụ khách. Anh sẽ để tiền thanh toán trên mặt bàn, khi nào đoàn đi thì chủ ra nhận.
HDV này kể thêm: “Ngày về Hà Nội, các điểm tham quan đóng cửa hết. Khách đi bộ phố cổ cả ngày trời, không còn nơi nào nữa. Thương khách, tôi đành điện thoại xin phép vợ cho đoàn về nhà”.
Bà xã anh Sơn tất bật đi chuẩn bị trái cây và cà phê mời khách đến chơi. “Nhà tôi có hai vợ chồng nên cũng lạc quan, không lo lắng gì. Miễn là khách cảm thấy ấm lòng và được chào đón là vợ chồng tôi mừng”, anh tâm sự.
Dù gặp vô số trắc trở khi đi tour giữa dịch bệnh, những HDV như anh Sơn hay anh Quang, anh Thành không giận vì hiểu tâm lý của người dân, và cảm thấy may mắn vì khách thông cảm cho tình cảnh hiện tại.
“Chỉ cần vậy thôi là đủ rồi, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để Việt Nam vẫn luôn đẹp trong lòng du khách quốc tế. Dù vấp phải sự phản đối hay lo lắng từ gia đình, dù có áp lực trong từng chặng tour, chúng tôi vẫn lăn xả và hết mình vì yêu nghề, thương khách”, một HDV trải lòng.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Thảo Nguyễn
Nguồn: Vnexpress.net