Các nhà phân phối và bán lẻ sản phẩm điện tử, điện máy ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm khi nhu cầu học tập và làm việc tại nhà tăng lên.
Bán hàng công nghệ ở Việt Nam vẫn đang ăn nên làm ra dù gặp không ít khó khăn từ đại dịch Covid-19. Nhu cầu laptop, máy tính bảng, điện thoại… tăng mạnh khi người lao động, học sinh phải học tập và làm việc tại nhà, doanh nghiệp và trường học đổi mới quy trình làm giảng dạy để thích nghi.
Ngoài ra, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu khiến các sản phẩm điện tử giữ được giá bán tốt hơn, thậm chí một số sản phẩm điện tử có dấu hiệu tăng giá. Các giải đấu thể thao lớn cũng khởi động trở lại giúp nhu cầu về các sản phẩm tivi được cải thiện.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), từng chia sẻ khoảng 5-7 năm trước giá tivi rất dễ giảm sau khoảng một thời gian ra mắt, tuy nhiên giá sản phẩm này hiện không còn giảm mạnh, thậm chí còn tăng, do đó ông dự báo sắp tới người dùng có khi phải trả nhiều hơn khi mua đồ công nghệ.
Bán lẻ tăng trưởng dù giãn cách xã hội
Thực tế các doanh nghiệp bán hàng công nghệ đang ghi nhận những kết quả rất tích cực. MWG công bố doanh thu bán hàng thông qua chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh vào khoảng 48.927 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét riêng từng mặt hàng, doanh thu sản phẩm điện thoại tăng trưởng 16%. Các sản phẩm laptop, điện lạnh và gia dụng duy trì mức tăng trưởng một chữ số so với cùng kỳ. Ngược lại các sản phẩm điện tử (chủ yếu là tivi) sụt giảm 3%, tuy nhiên đây là mức giảm đã được cải thiện so với cùng kỳ.
Động lực tăng trưởng chính đến từ việc mở rộng mô hình Điện Máy Xanh supermini lên 566 cửa hàng hiện hữu. Các cửa hàng diện tích nhỏ này đóng góp gần 3.000 tỷ đồng doanh thu lũy kế từ đầu năm và chiếm 9% doanh thu của các chuỗi điện máy.
Điều đáng nói là tăng trưởng hàng công nghệ của tập đoàn này diễn ra trong bối cảnh có gần 1.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa để phòng dịch hoặc hạn chế bán hàng trong tháng 6. Dịch bệnh càng lan rộng hơn trong tháng 7 khiến tập đoàn ghi nhận số lượng tạm đóng cửa lên gần 2.000 địa điểm. Hiện chuỗi này có quy mô lớn nhất thị trường với tổng cộng 2.667 cửa hàng trên toàn quốc.
Trước khó khăn từ giãn cách, MWG cho biết đã nhanh chóng kích hoạt những biện pháp kiểm soát chi phí để đảm bảo dòng tiền kinh doanh bao gồm đàm phán giảm giá thuê mặt bằng; triển khai chính sách điều chỉnh thu nhập của nhân viên theo nguyên tắc thu nhập càng cao thì điều chỉnh giảm càng nhiều, điều chuyển nhân sự giữa các chuỗi để tối ưu năng suất lao động, chuẩn bị các phương án bán hàng khi dịch được kiểm soát.
LỢI NHUẬN BÁN NIÊN CÁC CÔNG TY BÁN HÀNG CÔNG NGHỆ | |||||
Nhãn | MWG | Digiworld | Petrosetco | FPT Retail | |
Lợi nhuận sau thuế | Tỷ đồng | 2552 | 223 | 115 | 61 |
Tăng trưởng lợi nhuận | % | 26 | 140 | 91 | 286 |
Với quy mô lớn nhì thị trường bán lẻ hàng công nghệ, FPT Retail cũng báo cáo kết quả khả quan. Trong đó doanh thu riêng chuỗi FPT Shop trong nửa đầu năm ghi nhận 7.688 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái với khoảng 625 cửa hàng hiện hữu.
Công ty lý giải lợi nhuận kỳ này ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn tận dụng lợi thế chuỗi bán lẻ laptop lớn nhất thị trường và lợi thế bán hàng Apple để giúp doanh thu 2 mặt hàng này tăng trưởng đáng kể, lần lượt tăng 31% và 50% so với cùng kỳ.
Riêng mặt hàng laptop ghi nhận hơn 1.329 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% nhờ nhu cầu sản phẩm tăng cao trong đại dịch. Chuỗi FPT Shop đang có 68 trung tâm laptop trên toàn quốc và dẫn đầu thị trường với 31% thị phần bán lẻ laptop, theo số liệu từ GfK.
Do việc hạn chế di chuyển, các công ty cũng đẩy mạnh cho hoạt động bán hàng trực tuyến. Doanh thu online đóng góp gần 5.300 tỷ đồng cho MWG, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ. Tương tự FPT Retail có doanh thu online tăng trưởng 10% lên 2.829 tỷ đồng khi nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng.
Một điểm đáng chú ý khác là chuỗi bán lẻ công nghệ cũng đang đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho. Tổng giá trị tồn kho của MWG đã lên hơn 22.840 tỷ đồng cuối quý vừa qua, tăng thêm 2.900 tỷ so với thời điểm đầu năm.
Xét riêng từng mặt hàng, MWG chủ yếu tăng dự trữ vào các thiết bị điện tử, điện thoại di động, thiết bị gia dụng, đồng hồ… Việc mở thêm hàng trăm cửa hàng siêu nhỏ Điện Máy Xanh Supermini cũng là một phần nguyên nhân để MWG tăng tồn kho hàng công nghệ.
Trong khi FPT Retail cũng đẩy giá trị hàng tồn kho lên 2.492 tỷ đồng, tăng 34% (gần 640 tỷ) so với thời điểm đầu năm. Hiện FPT Retail quản lý các chuỗi bán lẻ lớn là hàng điện tử FPT Shop và nhà thuốc Long Châu.
Bán sỉ cũng lãi lớn
Các công ty chuyên phân phối hàng công nghệ cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Digiworld ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng 88% lên 9.225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 139% đạt 223 tỷ đồng.
Tăng trưởng chính cho doanh nghiệp đến từ mảng điện thoại di động khi đạt doanh thu gần 5.000 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ nhờ sự liên tục gia tăng thị phần của Xiaomi và sự đóng góp từ các dòng Iphone. Hiện Digiworld có lợi thế là đơn vị độc quyền phân phối thương hiệu Xiaomi tại Việt Nam.
Mảng laptop và tablets có ghi nhận mức tăng 45% lên hơn 2.700 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng của tất cả các nhãn hàng hiện có, bao gồm sự đóng góp của 2 nhãn mới là Apple và Huawei. Ngoài ra việc phân phối các thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh.
Bước sang quý III, Digiworld dự báo cao điểm mùa tựu trường sẽ giúp duy trì tăng trưởng mảng laptop và tablets. Tăng trưởng thị phần của Xiaomi sẽ gián tiếp tạo tăng trưởng cho mảng điện thoại di động. Ngoài ra các sản phẩm IoT và sản phẩm tiêu dùng cũng sẽ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ.
Công ty bán hàng công nghệ hưởng lợi khi người dân ở nhà nhiều hơn. |
Một nhà phân phối hàng công nghệ lớn khác là Petrosetco báo cáo doanh thu nửa đầu năm đạt 7.635 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 115 tỷ, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 86 tỷ đồng.
Petrosetco cho biết nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là do các mảng phân phối sản phẩm điện thoại, máy tính xách tay đều tăng trưởng. Đặc biệt từ nửa cuối năm 2020, doanh nghiệp triển khai thêm mảng kinh doanh phân phối các sản phẩm của Apple làm cho doanh thu và lợi nhuận sau thuế từ thời điểm đó tăng trưởng mạnh.
Hiện nay tổng công ty đang kinh doanh nhiều ngành nghề từ dịch vụ phân phối, hậu cần, cung cấp suất ăn và cả bất động sản. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động phân phối vẫn là chủ lực chiếm khoảng 85% tổng doanh thu.
Công ty hiện là đối tác với nhiều thương hiệu lớn tại nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm phân phối điện thoại (Samsung, Itel, Apple…), Laptop và máy tính xách tay (Lenovo, Ipad, Dell…), phụ kiện, điện máy điện lạnh gia dụng (SK magic, Candy, LG…), thiết bị y tế và cả phân bón hữu cơ Humate USA.
Trong mảng phân phối, Samsung vẫn luôn là mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp và ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đến 70% trong năm ngoái. Ngoài ra, Petrosetco cũng trở thành một trong những nhà phân phối ủy quyền của Apple tại thị trường Việt Nam từ tháng 6/2020.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn