Doanh nghiệp du lịch, khách sạn: Cận kề bờ vực phá sản

0
Doanh nghiệp du lịch, khách sạn: Cận kề bờ vực phá sản

6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 95%; 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động khiến 90% tổng số lao động du lịch mất việc.

Đến nay, có khoảng 12.600 lao động ngành du lịch tạm thời không có việc làm.

Ghi nhận của PV Tiền Phong trên phố cổ Hà Nội (Hàng Bè, Hàng Bông, Hàng Bạc…) nơi trước đây các khách sạn thường xuyên có các đoàn khách quốc tế lui tới, nay giăng đầy biển rao bán. Anh Tùng quản lý một khách sạn tư nhân trên phố Hàng Bè, cho biết, do kinh doanh thua lỗ, từ cuối năm 2020 khách sạn tạm đóng cửa. 2 tháng trước anh rao bán khách sạn với giá 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã rao bán qua nhiều kênh gần như không có ai hỏi mua.

Nếu trước đây, chỉ có các khách sạn nhỏ, homestay quy mô dưới 20 phòng rao bán thì nay các khách sạn 3 – 4 sao cũng phải rao bán. Tuy nhiên, việc giao dịch rất khó, có chủ khách sạn phải dỡ từng đồ đạc để bán tháo trả mặt bằng.

Doanh nghiệp du lịch, khách sạn: Cận kề bờ vực phá sản - Ảnh 1.

Sớm đưa chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp

Theo bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, thời điểm này nhiều doanh nghiệp làm khách sạn dường như đã kiệt sức do khách hủy tour. Trong tình hình hiện nay, ngoài biện pháp cắt giảm nhân sự vận hành, nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh ngành nghề khác.

Theo các chuyên gia, ngành du lịch có thể “đóng băng” sang cả năm 2022. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đối với khách sạn từ 3 sao trở lên bởi chi phí hoạt động cho hệ thống là rất cao. Khả năng sẽ có những cuộc phá sản hàng loạt trong thời gian tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, không chỉ có du lịch mà các ngành nghề sản xuất khác cũng đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệp hội vừa có kiến nghị đề xuất một số hỗ trợ gửi Sở KH&ĐT Hà Nội. Hiện nay, thành phố Hà Nội cũng đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ vẫn khó khăn.

Ông Quốc Anh dẫn chứng về gói cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động, hiện vẫn có nhiều rào cản về tiêu chuẩn khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận, như phải đáp ứng số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… “Những sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo sức bật để doanh nghiệp vượt qua khó khăn tuy nhiên cần quy trình, thông tin nhanh chóng, kịp thời hơn để đối tượng thụ hưởng sớm được tiếp cận”, ông Quốc Anh chia sẻ.

UBND thành phố Hà Nội vừa thành lập đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền làm Trưởng đoàn để kiểm tra công tác phòng, chống dịch, động viên và giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở KH&ĐT tham mưu thành phố tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhằm tổng hợp vướng mắc, khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.

Đại diện Sở KH& ĐT cho biết, để thực hiện “mục tiêu kép” phòng chống dịch song song với phát triển kinh tế, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội với mục tiêu tăng tốc độ phát triển doanh nghiệp mới, cải cách thủ tục hành chính…

Ngoài ra, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thành phố hỗ trợ tư vấn miễn phí môn bài trong 3 năm đầu, miễn giảm thuế thu nhập và tiền sử dụng đất. “Tháng 7 tới, Sở KH&ĐT sẽ tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp sau dịch”, đại diện Sở cho hay.

Nguồn: KENH14.VN