Doanh nghiệp du lịch ‘thoi thóp’

0
104

Các điểm tham quan đóng cửa khiến doanh nghiệp du lịch đã ốm yếu vì Covid-19 trong hai tháng qua càng trở nên kiệt quệ hơn.

“Nếu tình hình này kéo dài vài tháng nữa, công ty phải thông báo tạm ngừng hoạt động vì không đủ kinh phí duy trì”, ông Nguyễn Bá Thảo, Giám đốc công ty du lịch Bách Tùng Việt, đơn vị chuyên đón khách đi Côn Đảo, nói.

Vietnam Airlines mỗi tuần có 12 chuyến bay đến Côn Đảo; tàu du lịch nâng số lượng thêm 3 chiếc (khoảng 1.800 chỗ) chạy hàng ngày tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo; Trần Đề – Côn Đảo, nên lượng khách tới đây đông hơn những năm trước. Các công ty du lịch triển khai nhiều chương trình để đưa khách đến đảo nhưng quyết định đóng cửa tham quan các di tích tại Côn Đảo khiến tất cả các tour đến đây đều bị hủy. “Khi các di tích tạm ngừng hoạt động, khách không còn lý do để đến tham quan. Giống các đơn vị khác, công ty đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến hủy tour cho khách”, ông nói và có thể, sẽ tạm ngừng hoạt động trong thời gian tới.

Cùng chung cảnh ngộ, Công ty du lịch Sài Gòn Luxury đã “đóng toàn bộ tour nội địa”. Theo bà Lê Nem, Giám đốc công ty, lượng khách mua tour mới không có. Nếu có cũng xét điều kiện khách có đến từ vùng dịch hay không để phục vụ. “Vì thế, chúng tôi quyết định đóng toàn bộ tour nội địa. Nhân sự chỉ tập trung chuẩn bị kế hoạch để sẵn sàng phục vụ khi thị trường trở lại”, bà Nem nói.

Khung cảnh vắng vẻ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM vào cuối chiều 12/3. Nhiều công ty du lịch đang tính đến chuyện tạm ngưng hoạt động vì không còn du khách. Ảnh: Tâm Linh.

Khung cảnh vắng vẻ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM vào cuối chiều 12/3. Nhiều công ty du lịch đang tính đến chuyện tạm ngưng hoạt động vì không còn du khách. Ảnh: Tâm Linh.

Việt Nam có hơn 2.000 công ty du lịch, trong đó phần lớn là các công ty vừa và nhỏ, đối tượng chịu tác động mạnh và nhanh nhất từ Covid-19. Công ty du lịch Danh Việt nằm trong số đó, khi đang rơi vào tình cảnh phải hoạt động cầm chừng. Gần 50% đội ngũ nhân sự của công ty đã phải nghỉ việc, số còn lại chỉ làm 50% thời gian và chủ yếu giải quyết các công việc tồn đọng. “Chúng tôi chủ yếu phục vụ khách đoàn. Thời gian này, khi các điểm du lịch đồng loạt đóng cửa; Chính phủ cũng dừng miễn thị thực đối với một số quốc gia, tình hình hoạt động của công ty thê thảm hơn nhiều”, Hoàng Thị Bích Hằng, Giám đốc công ty nói.

Đại diện công ty Images Travel chuyên đón đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam cho biết, công ty đang có khoảng 10 đoàn đã nhập cảnh vào Việt Nam và nhưng chương trình có nhiều thay đổi. Ví dụ, đoàn vào từ ngày 7/3 (khoảng 20 khách) có 22 ngày tham quan tại Việt Nam nhưng phải hủy lịch trình phía Bắc và về Pháp sớm.

Một đoàn khác (11 khách) mới nhập cảnh ngày 11/3 trong hành trình 27 ngày nhưng phải quay về Pháp ngày 15/3 sau khi hủy toàn bộ lịch trình tham quan tại miền Trung, miền Nam… Cắt ngắn hành trình những công ty phải chịu nhiều tổn thất vì các dịch vụ đã đặt trước, mất cọc. Theo các công ty du lịch, thời điểm sau Tết Nguyên đán là mùa cao điểm của du lịch Việt Nam, bao gồm cả thị trường nội địa và khách nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến nhiều nơi quyết định đóng cửa các điểm tham quan và ngừng phục vụ khách du lịch. Dẫn tới các tour trong nước gần như “đóng băng” hoàn toàn.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc công ty nói, ông hoàn toàn ủng hộ việc đóng cửa của các điểm tham quan để phòng lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, “Công ty sẽ phải hủy thêm 18 đoàn (khoảng 419 khách) với 480 chặng di chuyển trong nước bằng đường hàng không. Phía vận chuyển trong nước chỉ đồng ý cho dời lịch bay của khách chứ không chấp nhận hủy vé. Nếu hủy vé, công ty sẽ phải chịu phạt từ 300.000 – 410.000 đồng/ vé, tùy loại. Điều này như đẩy doanh nghiệp thêm một bước vào ‘đường cùng’ vì khách châu Âu thường lên kế hoạch du lịch trước khoảng 2 năm”, ông Toản nói.

Chưa hết, sáng 13/2 phía Campuchia cũng thông báo ngưng đón khách nhập cảnh bằng đường sông nên 3 đoàn (khoảng 36 khách) có lịch trình di chuyển từ Châu Đốc (An Giang) theo tuyến Mekong để vào Campuchia phải thay đổi lịch trình, chuyển sang di chuyển bằng đường bộ theo đường cửa khẩu Tịnh Biên. Chi phí vì thế cũng thay đổi, tăng cao hơn trước.

Sau khi phục vụ xong 36 khách đi Campuchia, ông Toản sẽ “tạm ngưng đón khách”, công ty chỉ hoạt động để xử lý các vấn đề trong văn phòng và chưa biết đến khi nào nhận khách mới.

Các chuyến xe buýt hai tầng đưa khách dạo quanh Hà Nội trở nên vắng khách hơn trong những ngày qua. Ảnh: Tâm Linh.

Các chuyến xe buýt hai tầng đưa khách dạo quanh Hà Nội trở nên vắng khách hơn trong những ngày qua. Ảnh: Tâm Linh.

Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng, các công ty du lịch có quy mô lớn, đội ngũ lên đến hàng ngàn người, cũng quyết định đóng cửa hàng loạt chi nhánh trong cả nước và giảm lương nhân viên. Giám đốc một công ty ở TP HCM cho biết, nhân sự giờ chỉ còn nhận lương cơ bản. Thu nhập còn khoảng 20 – 30% so với trước.

Đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng 2 tháng đầu năm giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể sau nửa đầu năm, số khách giảm lên tới 7 triệu. Sun Group dự kiến giảm doanh thu 2.000 tỷ đồng riêng ở mảng này. Tỷ lệ khách lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng giảm mạnh, chỉ còn 10-20%. “Thu nhập người lao động ảnh hưởng nghiêm trọng”, Sun Group chia sẻ.

Sở Du lịch TP HCM cho biết, những ngày qua lượng khách đến các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu là để hủy các chương trình du lịch đã đặt trước đó. Trong khi, lượng khách đặt mua tour mới gần như không có. Chương trình đến các tỉnh miền Trung, miền Bắc lượng khách hủy tour lên đến 99%. Trong đó, khách nước ngoài đến từ thị trường Nhật Bản giảm 76%, thị trường khách Đức giảm 54% so với tuần trước.

Tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống và các cơ sở mua sắm trên địa bàn TP HCM cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch giảm 58,29%; kinh doanh hội nghị giảm 60,8%; kinh doanh nhà hàng, tiệc… giảm 60%.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel góp ý, đây chính là lúc các doanh nghiệp Việt phải gắn kết cùng nhau gia tăng giá trị. Thái Lan đang làm mạnh cách này, trong khi Việt Nam thì chưa bởi tư duy “mạnh ai nấy lo”. “Doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, đưa ra các đề nghị cụ thể với Chính phủ, bộ, ngành mới hiệu quả”, ông Kỳ nói.

Nguyễn Nam

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn