Đặt một phòng khách sạn tại phố cổ Hà Nội với giá ưu đãi như cung cấp cho doanh nghiệp lữ hành, khoảng 600.000 đồng một đêm, anh Nguyễn Tuấn Hải đã nghĩ đây là giá thấp nhất có thể đặt. Tuy nhiên, vào trang đặt phòng Agoda và kiểm tra lại giá của khách sạn trên, anh bất ngờ khi thấy giá thuê một phòng tương tự chỉ hơn 500.000 đồng.
“Tôi hỏi lại quản lý khách sạn thì họ nói Agoda được chiết khấu 25-30% trên giá bán, trong khi các doanh nghiệp lữ hành trong nước chỉ được chiết khấu 15-20%”, anh Hải kể.
Không chỉ anh Hải mà nhiều khách du lịch đã chuyển dần từ hình thức đặt phòng, đặt tour qua các công ty du lịch của Việt Nam sang đặt thẳng trên các trang trực tuyến quốc tế như Agoda, Booking, Expedia, Hotels… Xu hướng này ngày càng lớn với tỷ lệ khách đi tự do đến Việt Nam càng nhiều hơn. Điều đó vô hình trung khiến các doanh nghiệp du lịch trong nước đang mất dần thị trường và thua ngay trên sân nhà.
Theo kết quả khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 của công ty Grant Thornton Việt Nam, các kênh đặt phòng trực tuyến (OTAs) như Booking, Vntrip, Agoda hay iViVu… hiện chiếm 20,7% trong cơ cấu các kênh đặt phòng. Số khách còn lại đặt tại chỗ hoặc qua đại lý. Ảnh: Safebee. |
Ông Nguyễn Giang Nam, Giám đốc Công ty Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, thời gian gần đây doanh nghiệp này đã gần như bỏ hẳn mảng đặt phòng khách sạn, hoặc phải đặt phòng hộ cho khách gián tiếp qua chính các trang đặt phòng online “do không thể cạnh tranh nổi”. Lợi nhuận của công ty cũng chủ yếu đến từ kinh doanh dịch vụ lẻ từng phần, thay vì bán tour trọn gói như trước. Bởi trong cơ cấu tour du lịch, giá phòng khách sạn thường chiếm 35-40%.
Một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch nhận định, nếu tình trạng này tiếp diễn, thị phần của các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ ngày càng bị thu hẹp. Điều này giải thích tại sao khách du lịch đến Việt Nam mỗi ngày một tăng nhưng hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp càng ngày càng thấp.
Để có được mức giá siêu rẻ, ngoài mua buôn lượng phòng lớn, nhiều trang đặt phòng trực tuyến quốc tế đã bỏ qua trách nhiệm đóng thuế VAT và các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
CEO của VnTrip – trang đặt phòng trực tuyến tại Việt Nam từng vạch ra “chiêu lách thuế” của Agoda. Theo đó, khi khách hàng Việt trả 100 USD tiền phòng cho trang này, công ty có trụ sở ở Singapore thu 20 USD tiền phí, 80 USD trả cho khách sạn tại Việt Nam. Như thế, Việt Nam không thu được đồng thuế nào của 20 USD đó. Theo tính toán của lãnh đạo này, Việt Nam có thể thất thoát 10.000 tỷ đồng tiền thuế từ các trang đặt phòng trực tuyến nước ngoài.
Bộ Tài chính đã yêu cầu các trang đặt phòng trực tuyến như Agoda, Booking, Hotels… phải nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu theo tỷ lệ trực tiếp trên doanh thu được hưởng, cùng với tỷ lệ là 5%.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định doanh thu thực tế của mảng online tại Việt Nam khoảng 150.000 tỷ, trong đó các trang mạng nước ngoài chiếm 90% thị phần. Việc thu thuế của các trang mạng này không chỉ để tăng thu cho ngân sách nhà nước mà còn giúp lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh du lịch. “Nhưng cách thu thế nào thì phải có sự vào cuộc của các ngành vì các trang mạng này được thanh toán qua hệ thống Visa, Master…”, ông Bình nói.
Cũng bày tỏ mong muốn về một môi trường kinh doanh bình đẳng, ông Nguyễn Trung Công, CEO iViVu, cho rằng hiện nay, công nghệ đã giúp thế giới phẳng nên các công ty Việt Nam hoàn toàn không thua kém các công ty toàn cầu. Do đó, giá và chất lượng dịch vụ là hai yếu tố để khách hàng quyết định sử dụng dịch vụ nào.
“Hiện chúng tôi biến bất lợi thành lợi thế khi các trang quốc tế không thể xuất hóa đơn. Do đó, những khách hàng cần hóa đơn sẽ tìm đến chúng tôi”, ông Công nói. Ngoài ra, ông cho rằng các công ty trong nước có thể tận dụng sự hiểu biết thị trường nội địa để nâng cao chất lượng, dịch vụ, điều mà các công ty toàn cầu không có.
Hữu Việt
Ngày 19-20/3, công nghệ thông tin và du lịch là hai trong năm lĩnh vực được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF). Đây là sự kiện quy mô quốc gia thảo luận các vấn đề then chốt, chiến lược về kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Mục tiêu của Diễn đàn là đề xuất lên Chính phủ những giải pháp nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
Nguồn: Vnexpress.net