Doanh nghiệp TP.HCM không trụ nổi với chi phí xét nghiệm Covid-19

0
Doanh nghiệp TP.HCM không trụ nổi với chi phí xét nghiệm Covid-19

Chi phí xét nghiệm Covid-19 quá lớn khiến các doanh nghiệp tại TP.HCM không thể tiếp tục gồng mình chi trả trong thời điểm đã kiệt quệ về tài chính.

doanh nghiep khong tru noi voi chi phi xet nghiem anh 1

Nửa tháng nay, ông Thành – giám đốc một doanh nghiệp thương mại dịch vụ có trụ sở tại TP Thủ Đức – ráo riết cùng phòng nhân sự lên phương án mở lại hoạt động sau ngày 31/9. Ông yêu cầu tính kế hoạch cụ thể với bao nhiêu nhân sự đã tiêm vaccine mũi 1 hoặc mũi 2, bố trí khu vực đón khách, ra vào thế nào; sinh hoạt, ăn uống trong ngày ra sao…

Tuy nhiên, điều giám đốc này lo lắng là quy định test Covid-19 cho người lao động. Khoản chi phí này dự kiến sẽ gây áp lực lớn lên công ty sau 3 tháng ngừng hoạt động.

Công ty ông Thành có 500 nhân viên. Theo phương án mở dần sản xuất kinh doanh mà TP.HCM đưa ra, số lượng nhân viên đi làm khoảng 150 người trong giai đoạn một.

“Mấy nay tôi lùng tìm bảng giá bộ xét nghiệm của nhiều bên khác nhau thì thấy giá khá cao. Nguồn từ Đồng Nai báo giá 105.000 đồng/kit, còn ở TP.HCM là 120.000 đồng/kit (chưa VAT). Như vậy, mỗi tháng công ty sẽ mất khoảng 60 triệu đồng cho việc xét nghiệm nhanh này”, ông Thành than thở.

Tương tự, khi lên kế hoạch tái hoạt động sản xuất kinh doanh, một trong những áp lực lớn nhất với các doanh nghiệp TP.HCM là chi phí test Covid-19 cho công nhân với tần suất liên tục, đặc biệt đối với những công ty có đến hàng chục nghìn lao động.

doanh nghiep khong tru noi voi chi phi xet nghiem anh 2

Hơn 2 tháng qua, nhiều doanh nghiệp phải gồng mình gánh phí xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân. Ảnh: Hải Yến.

“Không thể trụ nổi nữa”

Hy vọng sau ngày 15/9 được nới lỏng “3 tại chỗ”, bà Đặng Thị Phương Ninh – giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên hải (Cofidec) – lại phải thất vọng khi nhận tin doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao ở TP.HCM phải tiếp tục duy trì “3 tại chỗ” thêm 2 tuần nữa.

Từ tháng 7 đến nay, đơn vị đã triển khai phương án “3 tại chỗ” cho 850 công nhân nhằm đảm bảo đơn hàng. Tuy nhiên, chi phí xét nghiệm đã và đang khiến doanh nghiệp tốn một khoản tiền rất lớn.

“Hiện nay, doanh nghiệp mua mỗi kit test nhanh Covid-19 với giá 115.000 đồng để xét nghiệm cho công nhân. Cứ 7 ngày một lần công ty phải chi 97,7 triệu đồng, một tháng là gần 400 triệu đồng”, bà Ninh nói. Bà cho biết đến nay công ty đã mất hơn 1 tỷ đồng cho riêng chi phí xét nghiệm.

Theo bà Ninh, nếu tiếp tục “3 tại chỗ”, công ty sẽ không thể trụ nổi nữa. Do đó, ban lãnh đạo công ty đang lên kế hoạch thay đổi phương thức sản xuất theo bộ tiêu chí mà UBND TP.HCM vừa ban hành.

Giám đốc Cofidec cho biết công ty sẽ cố gắng hỗ trợ tiêm 90% mũi 2 cho người lao động và sẽ triển khai bán kit test nhanh Covid-19 tại nhà ăn của công ty để công nhân có thể chủ động tự mua test khi thấy có dấu hiệu mắc bệnh.

doanh nghiep khong tru noi voi chi phi xet nghiem anh 3

Nhiều doanh nghiệp mấy hàng tỷ đồng mỗi tháng cho chi phí xét nghiệm. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đồng thời, công ty cũng muốn sau ngày 30/9 chỉ cần test định kỳ 2 tuần một lần, thậm chí sẽ không xét nghiệm cho toàn bộ mà chỉ xét nghiệm ngẫu nhiên.

Theo bà Ninh, khi đã xác định sống chung với dịch, lao động đã tiêm đủ vaccine thì không cần xét nghiệm vài ba ngày một lần. “Ngoài ra, sau ngày 30/9, nếu doanh nghiệp có F0 thì nên cho phép tự đi về cách ly ở nhà, người F1 vẫn tiếp tục được ở lại sản xuất thay vì phải cách ly”, bà nói thêm.

Tương tự, ông Trần Quốc Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) – cũng cho rằng hiện nay nguồn tài chính của doanh nghiệp đã kiệt quệ. “Do đó, nếu phải tăng thêm chi phí xét nghiệm doanh nghiệp sẽ khó trụ nổi dù được mở cửa”, ông nói với Zing.

Ông lấy ví dụ chi phí một lần xét nghiệm trung bình khoảng 200.000 đồng/người, nếu doanh nghiệp có 2.000 lao động sẽ mất khoảng 400 triệu đồng/lần, trong khi đó 5-7 ngày phải xét nghiệm lại. Như vậy một tháng doanh nghiệp đó phải mất khoảng 1,6 tỷ đồng.

“Đối với doanh nghiệp nhỏ có 100-200 công nhân, một tháng cũng phải mất hàng trăm triệu đồng cho chi phí xét nghiệm, chưa kể chi phí phát sinh khác”, ông nói.

Không chỉ khó về chi phí, công ty ở TP Thủ Đức của ông Thành cũng đang tính toán phương án xét nghiệm thế nào. Ông oho biết có thể để nhân viên tự test ở nhà rồi sau đó mới đến công ty. Nếu chi phí quá cao, công ty sẽ cho lao động lên công ty để chức test mẫu gộp.

“Hiện, các bệnh viện cũng đua nhau chào dịch vụ xét nghiệm nhanh cho doanh nghiệp. Tại bệnh viện Hồng Đức, nếu đến test tại bệnh viện, giá khoảng 230.000 đồng/người; còn đến tận doanh nghiệp test cho nhân viên thì giá 430.000 đồng/người”, ông nói.

doanh nghiep khong tru noi voi chi phi xet nghiem anh 4

Hiện nay, nguồn tài chính của nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng kiệt quệ vì chi phí xét nghiệm, 3 tại chỗ… Ảnh: Duy Hiệu.

Kiến nghị giãn thời gian hoặc miễn phí xét nghiệm cho doanh nghiệp

Chính vì vậy, chủ tịch HĐQT Sadaco cho rằng trong thời điểm hiện tại, thành phố cần bắt tay ngay vào việc hỗ trợ doanh nghiệp chi phí xét nghiệm tất cả các công nhân trong nhà máy, công ty của TP.HCM. “Cứ 5-7 ngày, cơ quan y tế sẽ tổ chức xét nghiệm nhanh miễn phí cho doanh nghiệp”, ông nói.

Ông nhấn mạnh xét nghiệm Covid-19 và chích ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất với doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp mới cần tính đến các phương án hỗ trợ khác.

Hiện nay các chuỗi cung ứng, sản xuất của doanh nghiệp đều đã đứt gãy, do đó phải mở cửa cho tất cả các doanh nghiệp bởi mỗi ngành nghề, doanh nghiệp đều có sự liên kết với nhau. “Một doanh nghiệp ngành gỗ muốn hoạt động phải có sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, tỉnh này với tỉnh khác”, ông Mạnh ví dụ.

Ngoài ra, chủ tịch HĐQT Sadaco cho rằng lúc này chỉ nên khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly người, khu vực có nguy cơ… để kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp.

Xét nghiệm Covid-19 và chính ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất với doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp mới cần tính đến các phương án hỗ trợ khác.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco).

Trong khi đó, ông Trương Chí Thiện – tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt – cũng cho rằng sau ngày 30/9, thành phố nên giãn thời gian xét nghiệm cho người lao động khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được 14 ngày.

Trong bộ tiêu chí mới ban hành của TP, ông Thiện cho biết công ty có thể đáp ứng được các điều kiện. “Nhưng việc xét nghiệm xét nghiệm 7 ngày/lần với nhóm lao động thông thường và 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao có thực sự cần thiết hay không khi lao động công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được 14 ngày”, ông đặt câu hỏi.

Hơn nữa công nhân của công ty ông cũng cam kết di chuyển từ nhà trọ đến công ty, công ty cũng “đi chợ hộ” công nhân để bảo đảm người lao động chỉ di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại.

Do đó, giám đốc công ty này cho rằng nên giảm tần suất xét nghiệm cho doanh nghiệp vì quy định này khiến đơn vị tốn rất nhiều tiền bạc. “Thay vì một tuần, thành phố có thể cho phép xét nghiệm 1 tháng/lần”, ông đề xuất.

TP.HCM sẽ xem xét hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp

Hiện, một số doanh nghiệp cũng đang chủ động tìm cách để giảm chi phí xét nghiệm. Một trong những cách được Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) thực hiện là xét nghiệm theo mô hình CNOK.

Theo đó, mỗi ngày, doanh nghiệp này chỉ cần xét nghiệm cho 13 người đại diện và xoay vòng lần lượt cho từng người mỗi cụm. Chu kỳ đến lượt xét nghiệm tiếp cho những người tuỳ từng phân tổ là 14-28 ngày.

Như vậy, chi phí xét nghiệm của công ty này sẽ giảm xuống còn 72,8 triệu đồng một tháng thay vì 240 triệu đồng như trước. Tuy nhiên, xác suất tỷ lệ phần trăm có thể phát hiện một người bị nhiễm vẫn đạt đến 90%.

Ngày 22/9, ông Phạm Đức Hải – phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM – cho biết trước khi xảy ra dịch bệnh, thành phố ước tính có khoảng 300.000 doanh nghiệp.

“Các đơn vị này có vai trò rất lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm, của cải vật chất và đóng ngân sách lớn vào ngân sách của thành phố”, ông nhìn nhận.

doanh nghiep khong tru noi voi chi phi xet nghiem anh 5

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ miễn phí hoặc giãn thời gian xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo ông Hải, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ do doanh nghiệp như xúc tiến đầu tư để giúp các đơn vị trong vấn đề hợp tác đầu tư, tổ chức nhiều hội nghị liên kết với các tỉnh, đào tạo nghề, liên kết doanh nghiệp với ngân hàng, vấn đề thuế…

“Hiện nay, trong quá trình bàn bạc, chuẩn bị cho những kế hoạch sau ngày 30/9, chúng tôi sẽ xem đây như là một giải pháp cần phải tính toán để hỗ trợ do doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 19/8, UBND TP.HCM đã có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vaccine cùng với giảm chi phí như giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly.

Nguồn: News.zing.vn