Các tập đoàn tư nhân lớn của Trung Quốc đang tìm cách điều chỉnh để phù hợp với chiến dịch giảm bất bình đẳng giàu nghèo của chính quyền Bắc Kinh.
Theo Bloomberg, hai tuần qua, trong các tuyên bố gửi đến cổ đông đã nộp lên sàn chứng khoán Hong Kong, Thượng Hải và Thâm Quyến, ít nhất 73 công ty – bao gồm công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc Ping An Insurance Group Co., gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan, ngân hàng quốc doanh Bank of China Ltd. – đã sử dụng khẩu hiệu “thịnh vượng chung”.
Con số đó chiếm chưa tới 2% trong số 4.000 hồ sơ được Bloomberg khảo sát. Tuy nhiên, đó là những công ty có ảnh hưởng nhất cả nước.
Gã khổng lồ giao thực phẩm Meituan là một trong những công ty đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Chiến dịch “thịnh vượng chung”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến “của cải vừa phải” cho tất cả người dân, hay còn gọi là “thịnh vượng chung”.
Giới phân tích nhận định đây là mục đích đằng sau cuộc trấn áp của chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ tư nhân của đất nước. Hàng loạt tập đoàn lớn từ lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), giao đồ ăn, gọi xe đến giáo dục đều bị nhắm đến.
Theo Bloomberg, chiến dịch của ông Tập đã gây ra những cú sốc trong nền kinh tế và dẫn đến một đợt bán tháo lớn trên thị trường. Các tỷ phú, tập đoàn lớn Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động quyên góp.
Chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch giảm tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. |
Meituan – một trong những công ty đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của Bắc Kinh – cho biết sẽ “thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội”. Trong một cuộc họp hôm 30/8, ông Wang Xing – nhà sáng lập Meituan – giải thích rằng tên Meituan có nghĩa là “cùng nhau tốt hơn”.
Theo ông, điều đó cho thấy “thịnh vượng chung” vốn đã nằm trong DNA của công ty. Ông Xing cũng thừa nhận Meituan có thể phải đối mặt với một khoản tiền phạt lớn sau cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào các hoạt động của công ty.
Công ty dịch vụ bất động sản Greentown Service Group Co. cũng công bố kế hoạch thịnh vượng chung cho nhân viên trong một báo cáo. Nhà sản xuất chai Zhejiang Haers Vacuum Container Co. cho biết khẩu hiệu sẽ giúp phát triển thị trường.
Nhiều công ty trích dẫn thuật ngữ này như một động lực để hồi sinh vùng nông thôn của đất nước. Một số khác đưa vào các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị.
Tích cực từ thiện
Pinduoduo Inc. – gã khổng lồ thương mại trực tuyến, đối thủ lớn của Alibaba – thậm chí cam kết quyên góp 1,5 tỷ USD lợi nhuận. Mục đích là hỗ trợ nông dân và các khu vực nông nghiệp của đất nước.
“Cải thiện nông nghiệp đã là tiền đề và trọng tâm của hoạt động kinh doanh của chúng tôi từ những ngày đầu thành lập. Nông nghiệp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của mọi người và có tỷ lệ số hóa tương đối thấp”, CEO Chen Lei nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp.
“Chúng tôi muốn làm việc với nhiều nông dân hơn nữa để cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ”, ông khẳng định.
Thông báo của Pinduoduo được đưa ra sau hàng loạt đóng góp của các tỷ phú và tập đoàn lớn nhất Trung Quốc. Tencent Holdings Ltd. – công ty có giá trị nhất đất nước – cho biết sẽ tăng gấp đôi số tiền phân bổ cho những chương trình trách nhiệm xã hội lên 15 tỷ USD.
Chủ tịch Tập cam kết sẽ đạt được “tiến bộ đáng kể trong thịnh vượng chung cho mọi người” vào năm 2035. Cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc tuyên bố đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực ở đất nước 1,4 tỷ dân.
Thời điểm | Tỷ phú | Số tiền từ thiện |
Tháng 7 | Ông Lei Jun, nhà sáng lập Xiaomi | 2,2 tỷ USD cổ phiếu |
Tháng 6 | Ông Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance | 77,3 triệu USD từ tài sản cá nhân |
Tháng 6 | Ông Wang Xing, nhà sáng lập Meituan | 2,3 tỷ USD cổ phiếu |
Tháng 4 | Ông Pony Ma, nhà sáng lập Tencent | 7,7 tỷ USD trích từ quỹ của công ty |
Tháng 3 | Ông Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo | 100 triệu USD cho Đại học Chiết Giang. (Hồi tháng 7/2020, ông Huang và nhóm sáng lập Pinduoduo đã quyên góp 2,4 tỷ USD cổ phiếu cho một quỹ từ thiện.) |
Trong một cuộc họp vào giữa tháng 8, ông Tập kêu gọi “điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Tình trạng bất bình đẳng tại Trung Quốc ngày càng trở nên trầm trọng trong vài thập kỷ qua. Theo ước tính của giáo sư Thomas Piketty và nhóm nghiên cứu của Paris School of Economics, 10% người giàu nhất đất nước đã kiếm được 41% thu nhập trên toàn quốc vào năm 2015. Hồi năm 1978, con số chỉ là 27%.
Khoảng 50% dân số Trung Quốc có thu nhập thấp hơn chỉ kiếm được 15% tổng thu nhập trên toàn quốc, giảm từ 27% vào năm 1978.
Dữ liệu chính thức chỉ ra trong năm 2021, cư dân thành thị ở Thượng Hải có thu nhập khả dụng bình quân đầu người là 7.058 NDT (tương đương 1.091 USD) mỗi tháng, cao hơn nhiều con số trung bình 4.021 NDT ở các thành phố trên toàn quốc. Tại những vùng nông thôn, người dân chỉ kiếm trung bình 1.541 NDT/tháng.
Nguồn: News.zing.vn