Doanh nhân Texas rao bán ‘bức tường thời ông Trump’ 30 triệu USD

0
70

Khi ông Donald Trump tuyên bố xây tường giữa Mỹ và Mexico, doanh nhân Tommy Fisher chi 30 triệu USD để dựng một hàng rào biên giới dài gần 5 km ở thành phố McAllen, bang Texas.

Theo Bloomberg, khi tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump cam kết sẽ xây một bước tường chạy dọc toàn bộ gần 3.150 km biên giới phía nam với Mexico. Doanh nhân Fisher – chủ công ty xây dựng Fisher Sand & Gravel – nhận thấy đây là một cơ hội lớn. “Tôi nghĩ đó sẽ là dự án có quy mô tương tự như đập Hoover”, ông kể.

Sau cuộc bầu cử năm 2016, ông Fisher chi hơn 100.000 USD để vận động hành lang tại Washington. Trên Fox News, Fisher tuyên bố công ty của ông có thể xây tường biên giới nhanh hơn và rẻ hơn bất kỳ doanh nghiệp nào khác. Tuy nhiên, các quy định đấu thầu liên bang là rất phức tạp.

Dù vậy, những nỗ lực quảng bá giúp Fisher thu hút sự chú ý của tổ chức phi lợi nhuận We Build the Wall (WBTW) do Steve Bannon – cựu cố vấn của Tổng thống Trump – lãnh đạo. Đầu năm 2019, WBTW chi 6,9 triệu USD để công ty của Fisher xây hàng rào đầu tiên dài 800 m ở New Mexico.

Cuối năm 2019, Fisher đạt thỏa thuận mua lại mảnh đất 18 hecta từ chủ trang trại Lance Neuhaus tại thành phố McAllen để xây bức tường thứ hai cho WBTW dọc sông Rio Grande.

Nguoi dan ong can ban buc tuong bien gioi o My anh 1

“Bức tường” biên giới do công ty Fisher Sand & Gravel xây dựng bên sông Rio Grande (Texas). Ảnh: Bloomberg.

WBTW chuyển 1,5 triệu USD để Fisher thực hiện công trình mới. Doanh nhân này đặt mua thép và bắt đầu dọn dẹp mảnh đất. Tuy nhiên, sau đó ông Fisher phát hiện WBTW không quyết tâm xây tường biên giới. Ông cắt đứt quan hệ với tổ chức này và tự chi tiền công ty để hoàn tất dự án.

Tháng 9/2020, Steve Bannon và một số thành viên WBTW bị cáo buộc biển thủ ngân sách của tổ chức. Fisher không dính líu đến vụ việc này, nhưng ông cũng đối mặt với nhiều rắc rối. Một số tổ chức chính phủ và phi chính phủ kiện ông vì cho rằng bức tường dọc sông Rio Grande có thể ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Fisher bác bỏ mọi cáo buộc và tin tưởng rằng chính phủ Mỹ sẽ mua lại bức tường của ông khi nó được hoàn tất. Theo Washington Post, trong năm cuối cùng ông Trump nắm quyền, chính phủ liên bang chi 2,5 triệu USD cho Fisher Sand & Gravel để công ty này xây tường ở Yuma và Nogales (Arizona), El Paso và Laredo (Texas).

Nhưng ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ và khả năng chính phủ Mỹ mua bức tường có dính dáng tới Steve Bannon tan biến. Khi vào Nhà Trắng, ông Biden cũng ra lệnh dừng xây tường biên giới. Bức tường dài gần 5 km với tổng chi phí lên đến 30 triệu USD của ông Fisher rơi vào cảnh “ế khách”.

Nguoi dan ong can ban buc tuong bien gioi o My anh 2

Doanh nhân Tommy Fisher bên bức tường ven sông Rio Grande. Ảnh: Bloomberg.

Dù vậy, Fisher tin rằng ông vẫn có thể bán được bức tường này cho chính phủ liên bang. Bởi theo ông, cuộc khủng hoảng biên giới Mỹ sẽ không chấm dứt. Chỉ trong tháng 6, biên phòng Mỹ bắt giữ gần 190.000 người nhập cư trái phép ở biên giới phía nam.

Dọc biên giới, những khu tạm cư của người nhập cư trái phép vào Mỹ mọc lên như nấm. Hàng chục nghìn người, bao gồm trẻ em, từ Guatemala, El Salvador và Honduras sống chen chúc nhau trong điều kiện vệ sinh nghèo nàn ở thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Fisher cho biết thung lũng sông Rio Grande là một trong những khu vực người nhập cư trái phép xâm nhập nhiều nhất. Thống kê cho thấy trong số 79.519 trẻ em bị Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) tạm giữ trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 40.000 vào Mỹ qua thung lũng này.

Fisher thậm chí còn đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng bức tường với chi phí 2 triệu USD/1,6 km. “Hãy tưởng tượng bức tường kéo dài 80-160 km, thậm chí là 600-800 km”, ông mơ mộng.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn