Bảo tàng Gubener Plastinate GmbH (tên gọi khác là bảo tàng Gunther von Hagens) là một bảo tàng trưng bày các tiêu bản cơ thể người gồm cả nội tạng của cơ thể người và động vật sau khi đã được xử lý bằng kỹ thuật Plastination. Đến đây, khách tham quan sẽ có những trải nghiệm thú vị, sự hiểu biết về các quy trình Plastination và các kỹ thuật mổ xẻ khác. Cha đẻ của bảo tàng là bác sĩ Gunther von Hagens.
Những tiêu bản… rợn người!
Bảo tàng này nằm ở Guben, một thị trấn của nước Đức. Nó có diện tích 3.000m2, trước đây là một nhà máy dệt vải cũ được cải tạo lại, trang bị các máy móc hiện đại và xây dựng như một phòng thí nghiệm Plastination với đầy đủ chức năng hoạt động.
Guben là một thị trấn có nhiều tòa nhà cổ kính mang phong cách Đức đặc trưng với tường gạch, mái ngói màu đỏ hay nâu sẫm. Nằm bên dòng sông Lusatian Neisse thơ mộng thuộc quận Spree-Neiße, bang Brandenburg, nước Đức, thị trấn này cách Berlin khoảng 130km và cách thành phố Zielona Góra của Ba Lan gần 60km. Guben còn được gọi là thị trấn sinh đôi sau khi chia tách lại biên giới với Ba Lan sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, người em song sinh ấy nằm trên đất Ba Lan có tên là Gubin ngăn cách bởi dòng Oder-Neisse.
Hôm tôi đến tham quan, châu Âu và nước Đức vừa mở cửa biên giới sau lệnh dỡ bỏ cách ly xã hội và cấm các hoạt động công cộng nên khách tham quan không nhiều.
Ban đầu, Gunther von Hagens muốn tạo ra bảo tàng của mình ở Ba Lan. Tuy nhiên, do sự phản đối dữ dội của người dân và truyền thông địa phương vì Ba Lan là một quốc gia Công giáo, ông quyết định dời chúng sang Guben, một thị trấn cách Ba Lan không xa. Các bộ sưu tập cũng như triển lãm phục vụ công chúng mở cửa hoạt động từ năm 2006.
Bác sĩ Gunther von Hagens, người tìm ra phương pháp Plastination.
Đến đây, du khách có thể thấy hàng trăm cuộc triển lãm – cả cơ thể và bộ phận của cơ thể người và động vật. Nơi đây đồng thời là phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu. Du khách có thể tham quan từ ngày thứ 6 đến ngày Chủ nhật, từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, giá vé tham quan là 12 EUR.
Đặt chân vào bảo tàng ngay lối dẫn vào bên trong là màn hình 3D chiếu một bộ phim ngắn về giải phẫu cơ thể… Sau đó là các phòng trưng bày và một xưởng chế tác hiện vật. Cảm nhận chung của tôi khi bước vào là cảm giác sợ hãi, hồi hộp vì màu sắc, đường nét và tạo hình của hiện vật là cơ thể người và động vật, kể cả nội tạng rất ghê rợn nhưng vô cùng sống động, rất thực và độc đáo. Nhưng sau đó tôi trấn tĩnh lại, vì nghĩ rằng đây là khoa học, là triển lãm và không có gì phải sợ. Tuy vậy, triển lãm này cũng không dành cho người yếu bóng vía hoặc bị bệnh tim.
Các phòng trưng bày trong cuộc triển lãm Plastinarium có rất nhiều hiện vật cá thể/ tách rời và toàn bộ cơ thể của con người và động vật qua quy trình Plastination gồm silicone, xương, các lát cắt và cấu hình mạch máu.
Hiện vật (plastates) Silicone là mẫu vật từ cơ thể người thật, gồm hầu hết mọi bộ phận cơ thể đến mẫu vật toàn thân. Sự tương hợp ba chiều độc đáo minh họa cấu trúc phức tạp của hệ thống cơ xương của các cơ quan bên trong cũng như vị trí tương đối của chúng với nhau.
Gunther von Hagens đã định hình toàn bộ cơ thể để chúng thể hiện rõ cách thức cơ thể được cấu trúc và cách nó thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Các mẫu vật (plastates) là cơ thể trọn vẹn đã được mổ xẻ theo cách làm nổi bật các hệ thống khác nhau trong cơ thể như cơ bắp, cơ quan nội tạng, dây thần kinh và mạch máu.
Các lát cắt cơ thể thật có độ dày chừng 1,5mm được tẩm nhựa và sau đó được làm cứng. So sánh với các hình ảnh chẩn đoán nổi tiếng về chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cắt lớp cộng hưởng từ (MRT), những lát cắt này minh họa rất rõ các cấu trúc giải phẫu, có màu hoặc trong suốt. Thế giới phức tạp của cơ thể người ở cấp độ vĩ mô được tiết lộ, có thể được nghiên cứu ở cấp độ vi mô. Có thể nghiên cứu cơ thể con người trong hình dạng của các lát cắt hoàn hảo là giấc mơ của các nhà giải phẫu học trong nhiều thế kỷ, vì những lát cắt này minh họa tiểu phẫu cơ thể một cách rõ nét nhất.
Bảo tàng Gubener Plastinate GmbH.
Phương pháp Plastation là phương thức đầu tiên giúp cho việc sản xuất và bảo quản các lát cơ thể mỏng, trong suốt, màu sắc sống động và kích thước chân thực.
Trong rất nhiều hiện vật trưng bày, có hai hiện vật vô cùng sống động: lá phổi của người khỏe mạnh bình thường không hút thuốc có màu trắng đục, đều màu và trông đầy sức sống, lá phổi của người hút thuốc bị ám khói đen, khô quắt lại. Chú dẫn bên cạnh hiện vật cho biết: Nếu một người hút khoảng 20 điếu thuốc/ ngày thì sau một năm lượng độc tố và bụi than bám vào phổi thu được đầy 1 ly thủy tinh như hình chụp. Ai cũng biết tác hại của thuốc lá nhưng rất nhiều người không hình dung được tác hại đó như thế nào thì đây sẽ là một minh chứng vô cùng sinh động và ý nghĩa.
Có những hiện vật cơ thể người được xẻ đôi theo chiều dọc cho thấy toàn bộ cơ quan bên trong. Nhiều hiện vật như người trong tư thế đang bay gồm rất nhiều những lát cắt mỏng được gắn theo không gian ba chiều bằng các cọng dây kẽm nhỏ. Thoạt đầu nhìn hơi đáng sợ một chút, nhưng quan sát kỹ thì chúng cũng không đến nỗi rùng rợn vì những bộ phận và cả cơ thể đã qua quy trình Plastination trông như mẫu vật bằng nhựa.
Một nơi thú vị và có ý nghĩa khoa học – giáo dục
Dưới góc nhìn khoa học và giáo dục, nơi đây mang lại cho người thưởng lãm cảm giác tò mò, thích thú và trân trọng thay vì cảm giác sợ hãi. Đến đây, người thưởng lãm thấy trân trọng công sức của Gunther von Hagens cùng tập thể cộng sự đang miệt mài làm việc và cống hiến cho khoa học, thêm trân quý những đóng góp to lớn và âm thầm của những người bình thường đã tình nguyện hiến tạng phục vụ nền y học của nhân loại.
Du khách học được cách yêu thương chính cơ thể mình hơn, tránh xa các chất kích thích và tăng cường vận động để sống một cuộc sống chất lượng và ý nghĩa hơn. Rất nhiều những lời nhận xét tốt đẹp từ khách tham quan dành cho cuộc triển lãm bởi đó là thành quả được nghiên cứu công phu trong nhiều năm. Triển lãm xứng đáng được nhiều công chúng tiếp cận.
Du khách tham quan bảo tàng.
Một du khách khác là giáo viên dạy điều dưỡng 42 tuổi tại một cơ sở giáo dục của Hội Chữ thập đỏ ở Dresden, Đức cho biết: “Triển lãm cung cấp một khả năng độc đáo để nghiên cứu và bảo tồn cơ thể con người, tạo ra công cụ giảng dạy và học tập có sẵn cho sinh viên”.
“Những gì chúng ta được phép trải nghiệm ở đây hôm nay là một hành trình phải xem, hấp dẫn và thú vị trong thế giới giải phẫu. Đặc biệt là khu vực mổ xẻ, nơi chúng tôi thậm chí còn được phép “giúp một tay”, đã gây ấn tượng khó quên với tôi” – Alexandra, 25 tuổi, là một thư ký hành chính đến bảo tàng này, cho biết.
Plastination hiện được đánh giá là một quy trình mang lại rất nhiều hiệu quả cho công tác nghiên cứu, thực hành y khoa so với những kỹ thuật bảo quản và lưu trữ mẫu vật trước đây như kỹ thuật formaldehyd. Đó là: Formaldehyd một chất kích thích mạnh trên da, niêm mạc và các cơ quan nội tạng khác, mọi người không thể chịu đựng được và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập. Formaldehyd độc hại đối với hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng của người nếu tiếp xúc lâu dài.
Dung dịch formaldehyd (35%-40%) là chất lỏng độc hại và gây hại cho sức khỏe con người, bất tiện trong việc tiết kiệm không khí và nước, không thể được lưu trữ trong một thời gian dài, đặc biệt một số cấu trúc của mẫu vật sẽ bị suy yếu, hư hỏng, thiệt hại sau một thời gian sử dụng.
Vì mẫu vật rất dễ bị hư hại, không thể tránh khỏi việc hao mòn nhiều trong giảng dạy, nghiên cứu. Vì vậy, nó cần phải được bổ sung và cập nhật thường xuyên.
Trong khi đó, quy trình Plastination tạo ra mẫu vật sống động, cấu trúc rõ ràng tạo ra cảm giác vô cùng thực tế, có thể cầm tay tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy, nghiên cứu và thực tập y khoa, làm cho việc giảng dạy trở nên thân thiện với môi trường hơn. Nói một cách dễ hiểu, có thể cải thiện môi trường học tập giải phẫu của con người, tăng hứng thú học tập, loại bỏ nỗi sợ mẫu vật thông thường, giúp cải thiện chất lượng học tập, nghiên cứu.
Phương pháp plastination tiếp tục được phát triển, cải tiến và cuối cùng đạt đến quy mô vượt qua giới hạn của khuôn khổ trường đại học ban đầu.
Gây nhiều tranh cãi và những ý nghĩa nhân văn cao cả
Trước đây và cả bây giờ, bảo tàng này vẫn còn gây tranh cãi về tính đạo đức và hợp pháp của quy trình Plastination.
Tại châu Âu, đặc biệt là ở Đức, những tranh cãi xung quanh triển lãm không có hồi kết và ngày càng tập trung vào con người Gunther von Hagens.
Tác giả bài viết tại bảo tàng.
Có những phát minh trên thế giới luôn có sự đối lập giữa tôn giáo, đạo đức và khoa học. Nhà phát minh đôi khi phải lựa chọn khoa học để dấn thân, đấu tranh cho sự nghiệp của mình. Quy trình Plastination là một phát minh như vậy, ngay từ đầu quy trình Plastination và triển lãm các mẫu vật của Gunther von Hagens đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Ông bị buộc tội mua các xác chết bất hợp pháp của tù nhân, người vô gia cư hay những người tâm thần, không nộp thuế hoặc vi phạm luật chôn cất.
Rất nhiều tranh cãi gây ra bởi cách thức tiếp xúc với plastin – một số du khách coi chúng là hành vi thô tục đối với cơ thể người. Những người theo trường phái đạo đức cho rằng nên tôn trọng người chết vì họ cần được an nghỉ.
Một số giáo phái tôn giáo có điều luật cấm hiến tạng. Người Do Thái Chính thống cực đoan phản đối việc hiến tạng sau khi chết, Công giáo và người Do Thái phản đối việc trưng bày các bộ phận cơ thể bị tách rời tại các triển lãm công cộng. Nhiều người coi triển lãm và những công việc ông đang làm là vô đạo đức.
Tuy nhiên, đối với y khoa để có những mẫu vật là cơ thể người thật phục vụ nhu cầu thực tập của sinh viên ngành y và công tác nghiên cứu khoa học, chữa bệnh bắt buộc phải có một quy định cho phép được hiến tạng và nơi được nhận hiến tạng. Hiến tặng cơ thể chính là xương sống đạo đức của y khoa. Chương trình hiến tạng này được Gunther von Hagens triển khai vào năm 1982.
Hiện có hơn 18.500 người tình nguyện trên toàn thế giới, trong đó 16.754 (90%) trong số họ là người Đức. Tất cả các bộ phận của cơ thể người từ những người quyết định bằng ý chí, rằng sau khi họ chết, họ đồng ý với việc triển lãm cơ thể của họ ở Body Worlds cho giáo dục, y tế và bán cho các tổ chức nghiên cứu thông qua Viện Plastination. Nếu không có các cơ quan được hiến tặng của người tình nguyện, triển lãm Plastinarium hay Body World không thể diễn ra.
Tầm nhìn nhân văn, lòng quảng đại vị tha của người hiến tạng được bảo tàng Gubener Plastinate GmbH tôn trọng và biết ơn. Ở bảo tàng Gubener Plastinate GmbH còn lưu lại những dòng bút ký của họ, xin trích một số đó: “Tôi là một người hiến tặng cơ thể, bởi vì cái chết của tôi không phải là kết thúc và tôi có thể hỗ trợ cuộc sống của con người ” hay “Tôi là một người hiến tặng cơ thể, bởi vì hiến tặng cơ thể là đóng góp khiêm tốn của tôi cho nghiên cứu khoa học, và giáo dục”.
Nguồn: http://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/Doc-dao-bao-tang-tieu-ban-nguoi-621836/Nguồn: http://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/Doc-dao-bao-tang-tieu-ban-nguoi-621836/
Nguồn: 24H.COM.VN