Nhà thơ Hữu Việt nói công nghệ, Internet là sản phẩm kỳ diệu của con người, nhưng không vì thế mà vai trò của sách sẽ mất đi trong đời sống nhân loại.
Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt là trưởng ban Văn hóa – Văn nghệ báo Nhân Dân. Ông đồng thời là người sáng tác văn chương, tác giả của một số bài thơ được giới trẻ yêu mến.
Bên cạnh đó, nhà thơ, nhà báo Hữu Việt thường xuyên làm giám khảo các cuộc thi sắc đẹp. Trong quỹ thời gian bận rộn của mình, Hữu Việt vẫn sắp xếp để có những giây phút bên sách vở.
Ông cho rằng trong đời sống thay đổi chóng mặt hiện nay, sách vở vẫn không mất đi vị thế.
“Văn chương đích thực phải đọc bằng mắt”
– Thơ của ông xuất hiện trên mạng nhiều và đôi lúc người ta thấy trong các bộ phim truyền hình giờ vàng, một nhân vật nào đó đang đọc thơ ông. Phải chăng phương tiện truyền bá thơ ca đã thay đổi?
– Tôi không nghĩ như vậy. Tôi là người hơi cổ, cho rằng thơ đích thực phải đọc bằng mắt. Lẽ dĩ nhiên tôi không phản đối thơ trình diễn, thơ phổ nhạc… vì nó mang lại cho công chúng những cách tiếp cận, thưởng thức đa dạng hơn.
Thơ trên mạng hay lên phim cũng có một số bài hay, nhưng sự “nổi tiếng” của nó cơ bản là do bắt đúng trend thôi chứ không hẳn vì giá trị tự thân của bài thơ.
– Văn chương đích thực phải đọc bằng mắt, vậy ông thường dành thời gian như thế nào để đọc sách?
– Đọc sách bây giờ hình như là một công việc xa xỉ. Cuộc sống hiện đại khiến thời gian bị chia nhỏ ra thành nhiều mảnh trong ngày.
Tương lai sẽ có thêm nhiều cách đọc khác nhưng tôi tin chắc rằng không có phim ảnh, âm nhạc, phương tiện nghe nhìn nào sẽ thay thế cho việc đọc sách.
Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt
Công việc của tôi hiện nay có quá nhiều thứ phải đọc, cần đọc, đáng đọc. Cứ rảnh khoảng nửa tiếng là tôi buộc mình phải cầm một cái gì đó để đọc.
Tôi đọc “tạp” lắm, trừ truyện kinh dị và viễn tưởng tôi không thích, còn lại tôi đọc tất. Ngoài đọc những cuốn sách vì công việc, tôi chọn sách được tặng đọc trước, sau đó đến sách mới ra của các nhà văn đương đại có tên tuổi trong nước, sách của các tác giả trẻ và khá nhiều sách dịch.
Tôi có thói quen đọc lại những cuốn sách mình đã đọc, tùy theo tâm trạng. Ví dụ trong những ngày này, tôi đang đọc lại tất cả truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
– Trong thời đại phim ảnh, âm nhạc… chiếm lĩnh đời sống tinh thần con người, còn thông tin đầy rẫy trên mạng Internet, theo ông, việc đọc sách có ý nghĩa gì?
– Không biết người khác nghĩ sao chứ tôi thấy đọc là một cách học để tự trau dồi, hoàn thiện mình một cách căn bản, sâu xa và đầy đủ nhất.
Công nghệ thông tin và Internet là sản phẩm kỳ diệu của con người. Nó cho chúng ta quá nhiều thứ để đọc và thay đổi cách đọc của chúng ta. Thế hệ chúng tôi cơ bản vẫn giữ lối đọc cổ điển, tức là đọc sách quyển.
Tương lai sẽ có thêm nhiều cách đọc khác nhưng tôi tin chắc rằng không có phim ảnh, âm nhạc, phương tiện nghe nhìn nào sẽ thay thế cho việc đọc sách.
Còn làm thế nào để duy trì việc đọc sách, theo tôi, đọc cũng như nhiều hành động sống khác, nó phải là một thói quen, rồi trở thành nhu cầu. Thói quen thường bắt đầu từ nhỏ. Bạn có hay xem phim hành động của Mỹ không? Nhân vật chính là ông bố bắn súng hai tay, vậy mà vẫn đọc sách cho con nhỏ trước giờ đi ngủ, nếu không thì nó nhất định không chịu ngủ.
– Khi có rất nhiều phương tiện để tiếp nhận tri thức, giải trí, theo ông, bạn trẻ hôm nay nên đọc sách sao cho hiệu quả?
– Như đã nói ở trên, hãy duy trì nó thành một thói quen, càng sớm càng tốt. Nên đọc thật nhiều thể loại để tìm ra chính xác gu của mình là gì. Đa dạng hóa cách đọc, kể cả “nghe đọc”, nghe sách nói, podcast nữa.
Tóm lại đấy chỉ là một số kinh nghiệm cá nhân, chứ theo tôi nếu người đã thích đọc sách thì tự mình sẽ có cách đọc hiệu quả nhất.
Nhà phê bình Ngô Thảo (trái) và nhà thơ Hữu Việt bên trang sách. Ảnh: FBNV. |
Không có văn chương, nhân loại thật bất hạnh
– Người ta nói văn chương đang mất dần vị thế. Sách văn chương cũng có phần lép vế so với sách kỹ năng, dạy làm giàu. Ông nghĩ sao về nhận định này?
– Đây là một nhận xét cảm tính, bởi để biết chính xác, chúng ta cần tiến hành khảo sát, thống kê và có những con số cụ thể. Vì vậy, tôi không thể có ý kiến về điều mình chưa biết rõ.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng ở bất cứ thời đại, thể chế nào, nếu để văn chương đánh mất đi vị thế trong đời sống, lúc đó nhân loại thật bất hạnh. Những đất nước, dân tộc yêu chuộng văn chương và sản sinh ra những nhà văn lớn là đất nước và dân tộc vĩ đại.
Tôi kể cho chị nghe chuyện này. Cách đây hai năm, tôi và nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thụy Anh bay từ Moskva về Hà Nội. Lúc check in, chúng tôi bị quá cân khá nhiều. Nhân viên hãng hàng không Nga là một phụ nữ mặt khó đăm đăm, rất nghiêm khắc, có lẽ vì thế mà quầy thủ tục của chị ta vắng tanh dù chung quanh rất đông người xếp hàng. Dĩ nhiên chị yêu cầu chúng tôi đi nộp tiền cước quá cân (rất đắt) hoặc bỏ lại hành lý.
Khi chúng tôi mở vali ra, thái độ chị bỗng thay đổi hẳn. “Gì thế này? Sao lại nhiều sách thế?” – chị dịu dàng hỏi.
Tôi trả lời: “Chúng tôi là nhà văn. Đây là sách chúng tôi được tặng. Và cũng mua thêm một ít…”.
Chị nở một nụ cười rất tươi, ngắt lời: “Thôi, thôi, mời đóng vali lại, không phải bớt hành lý nữa. Vé đây, chúc ông bà lên đường may mắn. Hẹn gặp lại!”.
Người Nga rất yêu văn chương, quý trọng các nhà văn và hay đọc sách. Dễ hiểu vì sao họ là một dân tộc lớn, có một nền văn học lớn và nhiều nhà văn kiệt xuất.
Trở lại câu hỏi của chị, nếu quả thực sách văn chương ở nước ta bây giờ “có phần lép vế”, tôi tin đó chỉ là hiện tượng nhất thời. Lỗi này không phải của bạn đọc mà là của các nhà văn. Các nhà văn cần phải cố lên thôi.
– Ông có thể nói rõ hơn không?
– Nhà phê bình Ngô Thảo có lần nói đại ý, bây giờ nhiều nhà văn nước ta đang viết cái họ có hoặc thích viết chứ không phải cái bạn đọc cần. Tôi cơ bản đồng ý với nhận xét này. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhà văn không nên chiều theo hoặc phụ thuộc vào thị hiếu độc giả, để cho ra thứ văn học “thời thượng”, bởi vì nó sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Nguồn: News.zing.vn