Tuyển bơi lội Australia đang hướng tới thành tích tốt nhất trong lịch sử các lần tham dự Olympic của mình.
Bình luận
Trước khi Olympic Tokyo diễn ra, tay bơi nữ người Mỹ Lilly King nói: “Nếu các VĐV nữ của Mỹ thi đấu ở khả năng tốt nhất, chúng tôi có thể giành hết các HCV cá nhân”. King đã giành 2 HCV tại Olympic Rio De Janeiro 2016.
King chỉ nói đến “cá nhân” vì cô biết điểm mạnh của các nữ đối thủ từ Australia là các cuộc thi bơi tiếp sức. Nhưng tay bơi nổi tiếng này cũng không ngờ các nữ VĐV Australia lại rất xuất sắc tại các cự ly bơi cá nhân tại Tokyo.
Katie Ledecky vừa giành HCV nội dung bơi 800 m tự do nữ. Ảnh: Reuters. |
Sự vượt trội của bơi lội Mỹ
Mỹ luôn vô đối tại bể bơi ở các kỳ Olympic. Australia phải đứng sau là hợp lẽ bởi Mỹ gấp Australia 13 lần về dân số.
Nhưng xây chắc vị trí thứ 2 ở bể bơi là điều tuyệt vời với Australia. Các VĐV bơi luôn đóng góp đáng kể số huy chương vào thành tích chung của đoàn thể thao Australia.
Tại Olympic Sydney 2000, Mỹ giành 14 HCV so với 5 của Australia. 4 năm sau tại Athens, Mỹ có 12, còn Australia có 7 HCV. Tại Bắc Kinh năm 2008, Mỹ có 12 và Australia có 6 HCV.
Đến Olympic London 2012, Mỹ vươn lên 16 HCV, trong khi Australia rớt thê thảm chỉ còn 1 HCV, tụt xuống xếp hạng 7 giữa các nước tại bể bơi. Tại Rio de Janeiro 4 năm sau, Australia lấy lại vị trí thứ 2, nhưng số lượng HCV của họ còn cách rất xa so với Mỹ: 3 so với 16.
Nhưng hiện tại, trước ngày thi đấu cuối của môn bơi ở Olympic Tokyo, Australia đã giành 7 HCV, chỉ kém 1 HCV so với Mỹ.
Ariarne Titmus giành 2 HCV nội dung bơi 200 m và 400 m tự do nữ, đánh bại Ledecky. Ảnh: Reuters. |
Cuộc đối đầu Titmus với Ledecky
Dẫn đầu đội bơi Australia là nữ VĐV 21 tuổi Ariarne Titmus. Mới lần đầu tiên dự Olympic nhưng cô đã là ngôi sao của đội. Titmus nổi lên chia sẻ sự thống trị của tay bơi Mỹ Ledecky ở các cự ly bơi trung bình.
Đây đã là kỳ Olympic thứ 3 mà Ledecky tham dự, và cô hiện có tổng cộng 7 HCV. Tại London năm 2012, Ledecky chưa đầy 15 tuổi nổi lên như một “thần đồng” khi giành HCV bơi tự do 800 m. Tại Olympic 2016, cô thắng hết các cự ly 200 m, 400 m, 800 m tự do.
Hiếm VĐV nào vừa có được cả 2 tố chất vừa bùng nổ ở các cự ly ngắn, mà lại vừa bền bỉ ở các cự ly trung bình như Ledecky. Nhưng có vẻ như Ledecky đang phải lùi bước dần ở các cự ly ngắn, đầu tiên là 200 m, tiếp theo là 400 m tự do.
Ở cự ly 200 m tự do, Titmus giành HCV trong khi Ledecky về thứ 5. Còn với cự ly 400 m, cạnh tranh gay gắt hơn, cuối cùng Titmus vẫn giành chiến thắng, trong khi Ledecky nhận HCB.
Ledecky giải cơn hạn với HCV ở 1.500m tự do, cự ly được đưa trở lại chương trình thi đấu sau hơn 100 năm. Sáng 31/7, Ledecky giành thêm HCV ở cự ly sở trường 800 m tự do để cân bằng với Titmus.
Ledecky mới 24 tuổi, hơn Titmus 3 tuổi. Câu chuyện về cặp địch thủ này sẽ trở nên ăn khách trong làng bơi vài năm tới nữa.
Kaylee McKeown cũng có kỳ Thế vận hội thành công. Ảnh: Reuters. |
Sự kết hợp giữa hai thế hệ
Australia còn một ngôi sao nữ mới nổi chỉ trong vòng 12 tháng qua là Kaylee McKeown, 20 tuổi, chuyên gia bơi ngửa. Trên đường bơi ngửa 100 m, McKeown vượt qua các đối thủ kinh nghiệm hơn Kylie Masse và Regan Smith để giành HCV.
Sáng 31/7, McKeown giành thêm HCV ở chung kết 200 m ngửa. Cũng thi ở chung kết là đồng hương với McKeown, tay bơi kỳ cựu Emily Seebohm đang dự kỳ Olympic thứ 4 trong sự nghiệp.
Cũng có 4 kỳ dự Olympic như Seebohm là Cate Campbell, người từng có thời được xem như cô gái vàng của làng bơi Australia. Tuy nhiên, Campbell chưa may mắn ở các cuộc thi cá nhân.
Tại Olympic 2016, trên đường đua 100 m tự do, Campbell lúc đó đang giữ kỷ lục thế giới, dẫn đầu sau 50 m đầu tiên, nhưng cuối cùng chỉ về đích thứ 6. Trở lại kỳ Thế vận hội này, Campbell có HCĐ ở cự ly 100 m tự do, trong khi người đồng đội Emma McKeon giành HCV. Campbell còn thi chung kết cự ly 50 m tự do vào ngày mai (1/8) với khả năng giành HCV khá tốt.
Gạch nối giữa hai thế hệ là Emma McKeon, chuyên gia bơi nước rút 27 tuổi đang có phong độ tốt nhất trong sự nghiệp. McKeon là người đạt thành tích bơi 50 m và 100 m tự do tốt nhất trong năm 2021.
Tại Tokyo, cô có chiếc HCV ở cự ly 100 m. Và như Campbell, cô còn chiếc HCV cự ly 50 m cần chinh phục vào ngày mai.
McKeon có thể thi đến 7 nội dung tại Tokyo, gồm 3 cuộc thi cá nhân và 4 cuộc thi đồng đội. Cô đã có HCV 100 m tự do, HCV 4×100 m tiếp sức tự do, HCĐ 100 m bơi bướm, HCĐ 4×200 m tiếp sức tự do, HCĐ 4×100 m tiếp sức hỗn hợp nam nữ.
Nữ kình ngư này còn chung kết 50 m tự do đang chờ thi. Và cô có thể được đưa vào thi ở chung kết nội dung 4×100 m tiếp sức hỗn hợp nữ.
Như vậy, McKeon có 5 chiếc huy chương ở Tokyo. Cô đang trên đường trở thành VĐV Australia giành nhiều huy chương nhất trong một kỳ Olympic, tối đa là 7 chiếc huy chương.
Trước đây, các tay bơi Ian Thorpe, Shane Gould, Alicia Coutts đang giữ kỷ lục này của “đất nước Kangaroo” khi mỗi người đều giành 5 huy chương tại 1 kỳ Olympic họ tham dự.
Emma McKeon cũng là kình ngư đáng gờm của Australia. Ảnh: Reuters. |
Tránh mắc sai lầm ở nội dung tiếp sức
Đội bơi Australia có thể dồn chỗ cho McKeon đi vào lịch sử. Song, họ phải cân nhắc đến điều này sau khi để vuột HCV ở nội dung 4×200 m tiếp sức tự do.
Đội bơi Australia đã thua cả Trung Quốc lẫn Mỹ, chỉ giành HCĐ, dẫu rằng cả 3 đội đều phá kỷ lục thế giới trong ngày thi chung kết.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng đội Australia khá kiêu ngạo và khinh suất ở cự ly này như thể đã bỏ túi tấm HCV. Tuy nhiên, họ bị Mỹ vượt qua.
Chưa hết, điều bất ngờ đến từ đội bơi Trung Quốc, họ giành HCV. Ban đầu, các tay bơi đến từ châu Á chỉ bàn tính chiến thuật để thắng đội Canada trong cuộc cạnh tranh giành HCĐ.
Đội Australia để Titmus bơi lượt 200 m đầu tiên, nhằm giúp cô phá kỷ lục thế giới. Thông thường, khi thi tiếp sức, các đội thường xếp tay bơi mạnh nhất bơi lượt cuối cùng, như Mỹ bố trí Ledecky. Chiến thuật này để họ có được cú bứt tốc về đích tốt nhất.
Titmus vào thi lượt đầu còn kém hơn cả thành tích 200 m mà cô giành được HCV cá nhân, và cũng kém luôn cả VĐV Trung Quốc. Đội bơi Australia không lấy được lợi thế dẫn đầu ngay từ đầu.
Sai lầm thứ hai là loại bỏ VĐV Mollie O’Callaghan ra khỏi đội hình 4 người thi trận chung kết, để lấy chỗ cho VĐV Leah Neale. Ở vòng loại nội dung này ngày trước đó, O’Callaghan là người có thành tích tốt nhất trong các VĐV Australia thi đấu.
Theo luật, nếu một đội giành huy chương tại nội dung tiếp sức thì tất cả VĐV tham dự nội dung này ở vòng loại lẫn chung kết đều giành huy chương.
Đội Australia muốn có tối đa 8 VĐV giành huy chương nên họ bố trí 4 người thi ở vòng loại và 4 người thi chung kết hoàn toàn khác nhau, nhằm làm sao có càng nhiều VĐV đạt huy chương để khích lệ sự nghiệp của họ thì càng tốt.
Neale là mắt xích yếu nhất trong đội hình dự chung kết. Đã vậy cô lại còn được xếp để bơi lượt cuối cùng quan trọng nhất. Nếu đổi lại là O’Callaghan thay Neale và Titmus bơi lượt cuối, Australia hẳn không mất tấm HCV.
Cũng theo luật, một VĐV được chọn để chủ yếu thi các nội dung tiếp sức thì ít nhất phải được thi một lần trong giải. Neale chưa bơi tính đến lúc thi chung kết, cũng có chút áp lực nhất định lên đội Australia. Nhưng lẽ ra họ nên để cô bơi trước đó ở vòng loại.
Các tay bơi nam của Australia có màn trình diễn không tốt như các đồng nghiệp nữ, khi mới chỉ có 1 HCV trong cự ly 200 m bơi ếch của Zac Stubblety Cook. Niềm hy vọng lớn nhất Kyle Chalmers thua Caeleb Dressel ở cự ly 100 m tự do, chỉ giành HCB. 5 năm trước ở Brazil, Chalmers vô địch cự ly này.
Với 7 HCV hiện có, Australia có khả năng nâng số HCV của họ ở Tokyo lên con số 9. Ngày mai 1/8, niềm hy vọng dồn vào Emma McKeon và Cate Campbell ở chung kết 50 m tự do và cuộc thi 4×100 m tiếp sức hỗn hợp nữ.
Trong trường hợp Mỹ không thể nâng cao con số 8 HCV hiện tại thì cơn địa chấn lớn nhất lịch sử làng bơi sẽ diễn ra ở Olympic Tokyo 2020.
Nguồn: News.zing.vn