Với 200 tình nguyện viên, đội phản ứng nhanh đã thực hiện khử khuẩn tại hàng nghìn khu vực và luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ở các điểm nóng dịch bệnh bất kể nắng mưa.
Gia nhập đội phun khử khuẩn lưu động chống dịch Covid-19 TP.HCM từ những ngày đầu đội mới thành lập, Võ Lê Tâm (sinh năm 1992) không nhớ rõ mình cùng các đồng đội đã rong ruổi qua bao nhiêu khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến của thành phố.
Cứ 8-9h sáng mỗi ngày, anh lại khoác lên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh, vác trên vai bình khử khuẩn nặng 45-60 kg để bắt đầu công việc.
Theo lịch cố định khoảng 19h là kết thúc ngày làm việc. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng cao, Tâm và các thành viên khác của nhóm hiếm khi về nhà trước 23h.
“Lắm lúc cũng thấy mệt nhưng nản thì chưa bao giờ. Không nghĩ mình là tuyến đầu chống dịch nhưng chúng tôi biết mình đang góp sức cho cuộc chiến này. Ai cũng tràn đầy hy vọng giai đoạn khó khăn sẽ sớm qua đi, Sài Gòn sẽ nhanh chóng khỏe lại”, Tâm nói với Zing.
Đội xịt khuẩn lưu động bắt đầu hoạt động từ ngày 6/7 ở TP.HCM. |
Phía sau bức ảnh đội mưa suốt 2 tiếng
Giữa tháng 7, hình ảnh Lê Tâm cùng các thành viên khác của nhóm 1, đội phun khử khuẩn lưu động TP.HCM ôm nhau dầm mưa suốt 2 tiếng trên xe bán tải khi đang trên đường làm nhiệm vụ, gây xúc động mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi, nhóm cũng nhận về nhiều bình luận góp ý. Không ít người cho rằng bức ảnh đẹp, mang lại nhiều cảm xúc nhưng không đảm bảo an toàn.
“Đối với những lời góp ý, cả đội vẫn rất cảm ơn và xin phép được ghi nhận. Các bạn cũng vì lo lắng cho sự an toàn của cả đội nên mới viết như vậy. Thông qua đó, chúng tôi có thể rút ra thêm những kinh nghiệm trong việc di chuyển đi làm nhiệm vụ chống dịch, sao cho vừa đảm bảo hiệu quả công việc lẫn an toàn cho chính bản thân cùng các thành viên”, Tâm nói.
Các tình nguyện viên luôn sẵn sàng lên đường đến các điểm nóng dịch bệnh trên địa bàn thành phố. |
Đối với bản thân Tâm, trong lúc làm nhiệm vụ, anh luôn tâm niệm an toàn là trên hết. “Tự bảo vệ bản thân cũng chính là bảo vệ đồng đội xung quanh, bảo vệ gia đình, người thân của mình”.
Từ ngày tham gia đội khử khuẩn, Tâm có ít thời gian hơn cho gia đình. Ngoài lý do khách quan là công việc bận rộn, anh cũng chủ động hạn chế tiếp xúc để giữ an toàn cho vợ con ở nhà.
Cùng nhóm với Tâm, Nguyễn Minh Quang, một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia đội phun khử khuẩn, từng chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động khi làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến.
“Ấn tượng sâu sắc nhất là những đứa bé còn rất nhỏ nhưng đã phải đi cách ly, điều trị Covid-19. Mình từng không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh một bé gái bị sốt nằm gọn trong lòng mẹ ở một khu phong tỏa”.
Gắn bó như anh em trong nhà
Nhóm 1 của đội khử khuẩn có khoảng 10 thành viên. Mọi người đến từ nhiều nơi, làm các công việc khác nhau, từ lái xe, kinh doanh, công nhân viên chức cho đến những bạn học sinh, sinh viên.
Không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, tất cả đã trở thành một đội khi đều chung tinh thần cống hiến và chống dịch.
“Khi mới tham gia, mọi người đều là những người xa lạ, không ai quen biết ai cả. Nhưng sau một thời gian sát cánh bên nhau, tất cả giờ đây xem nhau như anh chị em trong nhà”, Minh Quang nói.
Đội có nhiều thành viên nữ, thành viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2003. |
Dương Hoàng Phi Long (sinh năm 2003) hiện học lớp 11, là thành viên trẻ nhất đội khử khuẩn lưu động. Nam sinh cho biết vừa bước vào kỳ nghỉ hè, cậu đã đăng ký tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch thông qua chương trình tình nguyện do Thành đoàn, Hội liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM khởi xướng.
“Thời gian đầu, mình hỗ trợ nhập liệu và điều phối lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Sau đó, thấy bản thân có sức khoẻ, mình đăng ký vào đội hình phun khử khuẩn, hỗ trợ xịt khuẩn trên địa bàn thành phố”.
Tại nhóm 1, đội khử khuẩn lưu động của thành phố, Long cảm thấy may mắn khi có cơ hội làm quen với nhiều người bạn, anh chị nhiệt huyết, chung chí hướng. Nhờ sự giúp đỡ, quá trình làm việc chung với mọi người, chàng trai 17 tuổi cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Đội xe khử khuẩn di động tại TP.HCM ra mắt bởi Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ – Thành Đoàn vào ngày 6/7.
Sau gần 20 ngày triển khai, ban tổ chức đã nhận được đăng ký của gần 130 xe bán tải và hơn 200 tình nguyện viên.
Mỗi ngày đội điều động 20 xe và 100 tình nguyện viên sử dụng hơn 5.000 lít dung dịch Anolyte do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ điều chế để phun khử khuẩn ở các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn thành phố.
Nguồn: News.zing.vn