Hungary là đội tuyển giàu thành tích nhất ở Olympic. Song, đó chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ.
Phân tích
Vốn mệnh danh là “môn thể thao vua”, bóng đá luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu tại các kỳ Olympic. Khi World Cup chưa ra đời, bóng đá ở Olympic được xem là ngày hội lớn nhất hành tinh.
Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, bộ môn bóng đá ở Olympic có nhiều sự thay đổi nhưng nhìn chung vẫn thu hút giới mộ điệu.
Sự thống trị của thế lực cũ
Nhiều tài liệu xác nhận môn bóng đá xuất hiện ở Olympic lần đầu tiên vào năm 1900. Kể từ đó, bóng đá thường xuyên được chọn là môn thi đấu chính thức ở các kỳ Thế vận hội cho tới khi bị gạt bỏ ở Olympic Los Angeles 1932.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) muốn tổ chức một giải đấu mới, mang tầm cỡ quốc tế riêng cho bóng đá. Mục đích của FIFA là hướng sự chú ý vào một giải đấu bóng đá duy nhất. Đó là lý do khi World Cup ra đời năm 1930, bộ môn bóng đá không tồn tại ở kỳ đại hội 1932.
Tới năm 1992 tại Olympic Barcelona, FIFA quy định Olympic là sân chơi dành cho lứa U23. Động thái này coi như chấm dứt sự cạnh tranh của môn bóng đá ở Olympic với World Cup.
Nhưng không thể phủ nhận bóng đá nam ở Olympic luôn có một vị thế nhất định trong lịch sử.
Hungary từng là thế lực ở môn bóng đá nam Olympic. Ảnh: Getty Images. |
Quay ngược lại kỳ Olympic 1900, tuyển Vương quốc Anh sớm mang về huy chương vàng đầu tiên. Liên tiếp ở các kỳ Thế vận hội năm 1908 và 1912, Vương quốc Anh tiếp tục giành ngôi vị cao nhất, trở thành đội tuyển giàu thành tích nhất ở Olympic thời bấy giờ.
Nhưng cũng giống như số phận của tuyển Anh ở World Cup hay Euro, bóng đá Anh hay Vương quốc Anh không thể giành thêm bất kỳ vinh quang nào tại Olympic. Sau năm 1912, vị trí tốt nhất của quốc gia mang danh “quê hương bóng đá” là hạng tư vào năm 1948.
Thay thế cho Anh, Uruguay bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ. Trong 2 kỳ Olympic 1924 và 1928, đội tuyển Nam Mỹ xuất sắc giành huy chương vàng. Nhưng sự thống trị này không tồn tại lâu.
Sau Uruguay, Hungary nổi lên là cường quốc số một ở Olympic. Liên tiếp tại các kỳ Olympic 1952, 1964 và 1968, Hungary không có đối thủ. Họ cũng một lần giành huy chương bạc và một lần giành huy chương đồng.
Liên Xô cũ cũng có 2 lần giành huy chương vàng vào các năm 1956 và 1988. Nhưng tới thời điểm này, Hungary vẫn được xem là đội tuyển thành công nhất lịch sử môn bóng đá nam tại các kỳ Olympic.
Brazil đang là đương kim vô địch Olympic. Ảnh: Reuters. |
Cán cân quyền lực thay đổi
Từ 1952 đến 1980, các đội bóng châu Âu, đặc biệt là Đông Âu như Hungary, Nam Tư, Ba Lan, Liên Xô, Tiệp Khắc thay phiên nhau thống trị Olympic.
Nhưng ít ai biết rằng Olympic 1984 tại Los Angeles (Mỹ) là kỳ Thế vận hội đầu tiên có sự tham gia của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Trước đó, môn bóng đá tại Olympic là cuộc chơi của cầu thủ nghiệp dư.
Bằng chứng xác thực nhất là Upton Park, một CLB bóng đá nghiệp dư tham dự Olympic 1900 với danh nghĩa đại diện cho Vương quốc Anh (bao gồm Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland), và giành huy chương vàng.
Kể từ khi đi lên chuyên nghiệp, cán cân quyền lực của môn thể thao vua tại các kỳ Olympic dần có sự dịch chuyển. Trong 20 năm trở lại đây, tương đương 4 kỳ Thế vận hội, bóng đá châu Âu mất tích trên bản đồ Olympic.
4 huy chương vàng gần nhất ở môn bóng đá nam Olympic thuộc về các quốc gia đến từ Nam hoặc Trung Mỹ. Brazil vô địch năm 2016 trên sân nhà, Mexico chiến thắng ở London 2012 và Argentina đăng quang 2 kỳ Olympic trước đó.
Cũng trong thời gian này, các đội tuyển Nam Mỹ giành được 2 huy chương bạc và một huy chương đồng. Đội hình Brazil mang tới Olympic Tokyo lần này mạnh mẽ và được dự đoán có thể giành thêm một huy chương vàng nữa.
Thế nhưng, vẫn tồn tại một nghịch lý ở Olympic. Dù xuất sắc ở sân chơi Olympic, các đội tuyển Nam Mỹ chưa bao giờ chạm tay vào vinh quang World Cup kể từ năm 2002.
Trong 4 kỳ World Cup 2006, 2010, 2014 và 2018, lần lượt Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp lên ngôi vô địch. Nói cách khác, bóng đá Nam Mỹ lép vế so với các đội châu Âu ở World Cup.
Điều này như một lời khẳng định không chính thức rằng thành công ở Olympic không đảm bảo cho vị thế ở giải đấu số một hành tinh.
Các cầu thủ Hàn Quốc có thể được miễn nghĩa vụ quân sự nếu giành HCV Olympic. Ảnh: Getty Images. |
Bất ngờ ở Olympic Tokyo 2020?
Các quốc gia châu Âu và Liên Xô thống trị môn bóng đá tại Olympic cho đến những năm 1990 khi Nigeria và Cameroon giành huy chương vàng. Sau đó, châu Mỹ không có đối thủ. Nhưng năm nay tại Nhật Bản, môn bóng đá nam có thể chứng kiến nhà vô địch đến từ châu Á.
Đội hình Nhật Bản có thể không sở hữu nhiều cầu thủ tên tuổi, nhưng họ có một lợi thế rất lớn: sự chuẩn bị và điểm tựa sân nhà. HLV trưởng Hajime Moriyasu bắt đầu xây dựng đội hình hướng Thế vận hội từ năm 2017.
Nhà cầm quân này cũng đảm nhiệm trọng trách ở ĐTQG. Tại đó, ông mang 7 cầu thủ trong đội hình hiện tại đến Copa America 2019 bao gồm tài năng trẻ Takefusa Kubo của Real Madrid và hậu vệ Takehiro Tomiyasu của Bologna.
Đại kình địch của Nhật Bản là Hàn Quốc từng giành huy chương đồng tại London 2012. Đội tuyển này có động lực rất lớn bởi việc giành chiến thắng đồng nghĩa các cầu thủ được miễn nghĩa vụ quân sự, giúp họ thay đổi hoàn toàn sự nghiệp.
Trước khi Son Heung-min được miễn nghĩa vụ quân sự sau chiếc huy chương vàng tại Asian Games 2018, có nhiều lo ngại rằng sự nghiệp của anh ở châu Âu sẽ bị gián đoạn.
Giống Nhật Bản, Hàn Quốc có sự chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội này trong một thời gian dài. Họ thậm chí từng thuyết phục Tottenham nhả Son Heung-min trước khi từ bỏ ý định này. Dù vậy, đội hình tuyển Hàn Quốc vẫn được đánh giá cao với nhiều cái tên chất lượng bao gồm tiền đạo Hwang Ui-jo của Bordeaux và hậu vệ Kim Min-jae của Beijing Guoan, cầu thủ hiện lọt vào tầm ngắm của một số CLB hàng đầu châu Âu.
Hàn Quốc và Nhật Bản có thêm một lợi thế là họ không phải căng sức ở giải đấu quốc tế lớn mùa hè này. Ngược lại, nhiều đội tuyển châu Âu vừa kết thúc Euro 2020, và tương tự là Brazil, Argentina với Copa America 2021.
Nhìn chung, môn bóng đá nam ở Olympic là một sân chơi khó đoán. Và mọi bất ngờ đều có thể xảy ra. Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể làm nên chuyện tại kỳ thế vận hội năm nay.
Nguồn: News.zing.vn