Đón 4,5 triệu lượt khách, Lễ hội Sông nước lần 2 thu về 4.250 tỷ đồng

0
Đón 4,5 triệu lượt khách, Lễ hội Sông nước lần 2 thu về 4.250 tỷ đồng

Từ ngày 31/5 đến 9/6, TP.HCM đón khoảng 4,5 triệu lượt khách tham gia vào các hoạt động Lễ hội Sông nước, trong đó 121.000 lượt khách quốc tế.

Show trình diễn “Chuyến tàu huyền thoại” để lại nhiều ấn tượng cho khách tham quan. Ảnh: Linh Huỳnh.

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024 diễn ra trong 10 ngày với gần 20 hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, đặc sắc diễn tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố thu hút lượng lớn khách tham quan.

Những con số ấn tượng

Nếu như năm trước Lễ hội Sông nước chỉ diễn ra trong vòng 4 ngày, năm nay số ngày tăng lên thành 10, tạo nhiều cơ hội cho người dân và du khách tham gia trải nghiệm.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, có đến 4,5 triệu lượt khách trực tiếp tham gia các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Trong đó, TP.HCM đón 1.301.000 lượt khách (gấp khoảng 6,1 lần lễ hội năm trước), khách quốc tế 121.000 lượt, khách nội địa đạt 1.180.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 4.250 tỷ đồng. Khu vực quận 1 ghi nhận công suất phòng bình quân tăng 20% so với thường kỳ.

Từ sau Lễ hội Sông nước lần thứ nhất, các doanh nghiệp dịch vụ đường thuỷ ghi nhận lượng khách sử dụng phương tiện này tăng bình quân 25-40%. Trong thời gian diễn ra lễ hội, lượng khách tăng bình quân 20%.

Trong khuôn khổ diễn ra Lễ hội Sông nước, Lễ hội trái cây Nam Bộ tại Khu du lịch Văn hoá Suối Tiên diễn ra ngày 1-9/6 đã đón khoảng 100.000 lượt khách tham quan, tiêu thụ 100 tấn trái cây.

Tại các doanh nghiệp lữ hành cũng ghi nhận lượng khách tăng từ 40-50% so với cùng kỳ. Các địa điểm tham quan đón lượng khách tăng đột biến, trong đó Địa đạo Củ Chi tăng 423%, Bảo tàng Hồ Chí Minh tăng 103%… cho thấy hiệu quả tích cực mà Lễ hội Sông nước mang lại cho ngành du lịch TP.HCM.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty Du Lịch Việt, cho biết: “Lễ hội Sông nước mang đến nhiều sản phẩm du lịch mới cho khách trải nghiệm. Sau lễ hội, hầu hết chương trình cho du khách đến TP.HCM đều có thêm sản phẩm tour nội đô, trong đó không gian trên bến dưới thuyền tại Bến Nội Đô kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tái hiện chợ nổi miền Tây nhận được sự quan tâm của nhiều du khách”.

Ông Vũ cho rằng đêm nhạc kịch rất ấn tượng, nếu được tổ chức thành show diễn và mở cửa định kỳ như một sản phẩm thì rất hay.

Những điều còn thiếu

Thiếu vé là điều được nhắc đến nhiều nhất trong dịp Lễ hội Sông nước năm nay. Show diễn nghệ thuật “Chuyến tàu huyền thoại” được truyền thông tốt trước khi diễn ra sự kiện, thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên với số lượng 9.000 vé, rất ít người có cơ hội đăng ký vé để tham dự chương trình dẫn đến tình trạng bán vé trái phép trên các nền tảng mạng xã hội.

Vở đại nhạc kịch được đánh giá như vở diễn bom tấn mở màn cho Lễ hội. Nhiều người dân và du khách cũng bày tỏ mong muốn được tận mắt nhìn, được tận tai nghe. “Sở Du lịch có thể cân nhắc biến show diễn thành chương trình biểu diễn bán vé để mọi người có thể tham gia”, Như Quỳnh (sống tại Bình Thạnh) cho biết.

Những năm gần đây, TP.HCM đầu tư vào các sản phẩm du lịch sông nước như buýt sông, du thuyền, thể thao dưới nước, các tour tuyến tham quan… Tuy nhiên, du lịch sông nước tại TP.HCM vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng vì hệ thống kênh rạch vẫn còn ô nhiễm, rác thải gây ảnh hưởng xấu đến trải nghiệm của khách, cơ sở hạ tầng chưa có sự đồng bộ.

Cảnh quan hai bên bờ sông vẫn còn chưa có nhiều cải thiện, buổi tối đi thuyền ngắm cảnh chỉ có bờ sông hướng quận 1 lung lung linh ánh đèn, những cây cầu không đèn khiến dòng sông trở nên buồn bã, chưa có nhiều hoạt động giải trí cho khách.

Mặc dù không gian Trên bến dưới thuyền đã được mở rộng ra 5 khu vực, được nhiều bạn trẻ quan tâm, tuy nhiên trải nghiệm của khách chưa thực sự trọn vẹn khi đến đây vào ban ngày. Theo ông Vũ, đơn vị khai thác cần tăng thêm thời gian chạy, tăng hoạt động trải nghiệm khác cho khách ngoài ăn uống và thả đèn.

Các sản phẩm du lịch gắn với sông nước như mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng rất thú vị nhưng cách di chuyển còn nhiều hạn chế khiến lượng khách tiếp cận vẫn còn ít. Cần có thêm những phương án kết nối giao thông giữa ấp đảo và trung tâm thành phố để người dân và du khách thuận tiện đi lại.

Những sự kiện du lịch của TP.HCM gần đây đã trở thành “cơn sóng” trên các diễn đàn mạng xã hội, thu hút nhiều lượt tương tác của người dùng. Các doanh nghiệp lữ hành có thể áp dụng truyền thông cho sản phẩm du lịch mới trên sông để tiếp cận đến nhiều du khách trong và ngoài nước hơn.

Nguồn: Znews.vn