Đón Quốc khánh đặc biệt

0
63

Không còn cảnh đông đúc như những năm trước, ngày Quốc khánh ở Hà Nội bình lặng khi khu vui chơi đóng cửa, người dân ở yên trong nhà.

ĐÓN QUỐC KHÁNH ĐẶC BIỆT

Nếu dịp Quốc khánh hàng năm, người người nô nức đến các địa điểm du lịch thì trong bối cảnh giãn cách xã hội, ai nấy đều ở trong nhà. Người dân đón ngày 2/9 một cách đặc biệt với hy vọng cuộc sống sớm trở lại bình thường.

– Bố Hiếu, bố treo cờ to ra ban công nhà mình đi.

– Hôm nay mới 29/8, còn 4-5 ngày nữa mới tới Tết độc lập mà Dế.

– Nhưng con muốn nhà mình treo sớm. Bố, bố lấy cờ đi, bố cho con treo với.

Dế nằng nặc đòi bố treo cờ, một phần vì mấy hôm nay ở miết trong nhà, không có gì làm nên cậu bé sinh ra “đòi hỏi”. Một lý do khác là bố đã hứa rằng năm nay giãn cách, không được đi chơi nên chỉ cần Dế và chị Bống nghĩ ra trò gì bố cũng sẽ đáp ứng. Thế là bố Hiếu lật đật chạy đi lấy lá cờ Tổ quốc đang cất gọn trong ngăn tủ rồi cùng các con treo lên.

Đón Tết Độc lập trong nhà

– Bống ơi, Dế ơi dậy thôi, 9h rồi. Dậy treo cờ ra ban công cùng bố Hiếu nào.

Chị Tuyết Nga vừa lay người, vừa nói về câu chuyện đủ hấp dẫn để 2 đứa trẻ chịu thức giấc. Những ngày giãn cách, vợ chồng chị không phải đi làm, các con cũng nghỉ học nên gia đình thường dậy muộn hơn. Ngồi chải tóc cho cô con gái lớn, chị Nga hỏi:

– Hôm nay con gái muốn chơi trò gì nào?

Dụi mắt để tỉnh hẳn, cô bé 8 tuổi chưa vội trả lời mẹ vì còn mải suy nghĩ. Có lẽ lúc này trong đầu cô đang nghĩ đến cả tá trò chơi. Ở trong nhà không có nhiều việc để làm, Bống và em Dế tha hồ bày ra đủ thứ để nghịch ngợm. Từ trồng cây, nuôi cá, đến chơi bi-a, học đàn… Căn nhà lúc nào cũng nô nức tiếng nói cười.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 1
Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 4

Dế – bé trai 7 tuổi vốn hiếu động – nên vẫn tham gia đủ trò dù không được ra ngoài. Hôm nay, điều làm cậu háo hức hơn là bố đã hứa sẽ cùng treo cờ Tổ quốc ra ngoài ban công mừng ngày Quốc khánh Việt Nam như mọi năm. Năm này có chút thay đổi là Dế cùng gia đình sẽ không đi du lịch hay về thăm ông bà vào dịp nghỉ lễ. Hai đứa trẻ không đòi hỏi nhiều vì chị em Dế hiểu rằng việc ở nhà lúc này là cần thiết.

Mất chừng 15 phút, Dế cùng chị Bống và bố Hiếu đã treo xong cờ. Cậu bé không quên mang cả chiếc đầu lân – món quà trung thu mẹ mua cho từ năm ngoái – ra nghịch.

“Năm nay con sẽ chơi gộp cả 2/9 và Tết Trung thu”, cậu bé cười nói và thỉnh thoảng lại viện cớ tưới cây để ra ban công, ngắm nhìn thành quả là lá cờ đã được treo lên ngay ngắn.

Đến chiều, chị Nga vào phòng làm việc, tiếp tục công việc livestream của mình. Chị đang thực hiện một dự án nhỏ là hát những ca khúc khích lệ tinh thần đẩy lùi dịch bệnh. Thấy mẹ có vẻ bận rộn với công việc, Dế ngó nghiêng rồi rủ chị Bống đạp xe quanh nhà để không gây ồn ào.

Trước dịch, chiều nào mấy bố con cũng xuống sân chơi. Ngày nắng thì đạp xe, chạy thể dục. Khi trời mưa thì tung tăng nghịch nước, còn được tham gia bắt cá, bắt ốc ở khoảng đất rộng gần nhà. Sống ở thành phố nhưng chưa khi nào anh Hiếu cấm các con nô nghịch. “Tuổi thơ tôi được vun đắp bởi những trò chơi dân dã. Tôi muốn các con được thỏa thích vui đùa”, anh Hiếu nói.

Làm công việc Nhà nước, chỉ những ngày lễ tết, anh mới có dịp nghỉ. Những ngày này, gia đình thường đi du lịch hoặc cho lũ trẻ về thăm ông bà. Gần 2 tháng nay đóng cửa ở nhà vì dịch bệnh, anh biết các con đôi lúc cũng thấy bí bách. Vậy là anh ra điều kiện, hứa rằng sẽ tham gia mọi trò chơi mà chúng nghĩ ra.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 7
Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 12

Sáng sớm, chị Nga đã đi mua nguyên liệu về để làm cơm dù mới là ngày 1/9. Không quá cầu kỳ, năm nào chị cũng chuẩn bị mâm cơm nhỏ vào ngày nghỉ lễ.

Bữa com hôm nay có cá kho, chả cốm, canh cua và cà muối. “Tôi nghĩ mình cứ nấu những món truyền thống rồi cả nhà quây quần bên nhau là đã đúng không khí của này Tết Độc lập rồi”, chị Nga cười nói.

Lúc này, ngoài ngõ, trước những rào chắn thô cứng bắt đầu xuất hiện những lá cờ đỏ thắm. Nhiều gia đình khác cũng đang chào đón một ngày Quốc khánh khác lạ.

Lễ thượng cờ vắng người xem

Sáng 1/9, nắng phủ nhẹ lên những con đường Hà Nội. Thời tiết những ngày vào thu đã dịu mát hơn nhiều.

Như mọi ngày, hôm nay lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình vẫn diễn ra bình thường, chỉ một điều khác đó là không có khán giả. Xung quanh không còn cảnh người dân đi tập thể dục rồi dừng lại xem và cùng nghiêm trang đứng chào cờ như những dịp Quốc khánh trước đây. Phía đường Độc Lập thỉnh thoảng lại có vài chiếc xe vội vã đi qua.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 15

5h55, các chiến sĩ thuộc đoàn 275 (Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng) thực hiện nghi lễ thượng cờ trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình. Đội hình thực hiện lễ thượng cờ có 37 chiến sĩ. Dẫn đầu là quân kỳ quyết thắng, sau đó là 34 chiến sĩ tiêu binh tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cửa lăng được mở ra, bên trong nổi bật dòng chữ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Và khi lá cờ tổ quốc tung bay, giai điệu Quốc ca cũng được ngân vang trên Quảng trường lịch sử:

Đoàn quân Việt Nam đi

Chung lòng cứu quốc

Bước chân dồn vang

Trên đường gập ghềnh xa

Cách 2/9 ít ngày, phố phường Hà Nội khoác màu áo mới. Với người dân thủ đô, Quốc khánh lúc nào cũng mang trong mình ý nghĩa đặc biệt hơn cả một ngày lễ. Không chỉ vì cờ, hoa, biểu ngữ hay các điểm văn hóa, văn nghệ diễn ra trên từng tuyến phố, mà bởi sự phấn khởi, rộn rã trong lòng mỗi người.

Năm nay, không ra ngoài nhưng nhà nhà đều đã treo sẵn cờ đỏ sao vàng trước cửa. Khu vực Nhà hát Lớn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục hay các tuyến phố cổ những ngày này vắng bóng người. Khung cảnh tràn ngập sắc đỏ yên ắng.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 20
Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 25

Vườn bách thú, trung tâm thương mại, công viên Thống Nhất… vốn là những điểm vui chơi lý tưởng cho ngày lễ đến nay đã đóng cửa im lìm.

Những buổi chiều êm ả cũng không còn cảnh người dân ngồi ngắm hoàng hôn, dạo mát ven hồ Gươm, hồ Tây khi những rào chắn được dựng lên.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 28
Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 31

17h, bà Ngô Thị Lãng bê một bình nước đầy ra tưới cho khóm hoa ngoài ban công. Người phụ nữ 71 tuổi này đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với căn tập thể cũ, với con đường và khu chợ trước nhà vẫn nườm nượp xe qua.

Bà không khỏi ngạc nhiên trước sự vắng vẻ lạ thường. Chợ đóng, khu nhà chẳng còn tiếng những đứa trẻ nô đùa ríu rít mỗi chiều.

“Để có được khung cảnh bình yên như thế này thì nhiều người phải lao mình vào trận tuyến chống dịch Covid-19. Họ có khi chẳng kịp để xem hôm nay là ngày nào, thứ mấy, đâu được nghỉ Quốc khánh”, bà Lãng nói.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 32

Sớm nay, bà đọc được thông tin về một chuyến tàu trở hàng cứu trợ vào Nam. Bà chợt bùi ngùi nghĩ về những năm tháng của một thuở đã qua.

“Ngày xưa những chuyến tàu con thoi chi viện cho chiến trường miền Nam đánh giặc, chịu bao đau thương, đạn bom. Thì nay những chuyến tàu mang theo thực phẩm Nam tiến mang theo quyết tâm và niềm tin chiến thằng giặc Covid-19 cũng hào hùng chẳng kém”, người phụ nữ cười khi nhìn xa xăm.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 33

Chuyến tàu cứu trợ rời ga dịp Quốc khánh

4 chiếc xe tải lớn chở theo gần 200 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm của người dân tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ bà con TP.HCM chống dịch về đến địa phận Hà Nội cũng là lúc nhân viên ga Yên Viên (huyện Gia Lâm) bắt đầu ngày làm việc đặc biệt.

– Mọi người nối nhau, chúng ta chuyền tay bốc hàng cho nhanh nào.

Chị Nguyễn Thị Phượng (nhân viên hóa vận ga Yên Viên) cất giọng. Sau đó, mọi người xếp thành hàng, phối hợp nhịp nhàng để chuyển đồ lên các toa. Hôm nay không phải ca trực nhưng chị Phượng vẫn cùng nhiều đồng nghiệp khác tham gia bốc dỡ hàng hóa.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 36

“Vì mặt hàng chủ yếu là bí ngô, bí đỏ nên chúng tôi phải sắp xếp để tránh rau củ chảy nước có thể làm hỏng các loại thực phẩm khác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trải thêm một lớp bạt dưới nền toa xe để tránh ẩm mốc, làm hỏng gạo”, chị Phượng nói về công việc của mình.

Công việc thường ngày của nhân viên hóa vận là điều phối, sắp xếp hàng hóa trên toa xe sao cho ngăn nắp, an toàn. Trong thời điểm cả nước đang gồng mình chống dịch, chị Phượng cùng nhiều nhân viên tại ga Yên Viên không ngần ngại cùng tham gia việc bốc dỡ hàng.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 39

Công việc hôm nay của Phượng và đồng nghiệp là sắp xếp, vận chuyển số hàng hóa trên khởi hành an toàn. Gần 30 chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang của tỉnh Bắc Kạn đã đi theo đoàn để hỗ trợ bốc xếp. Do số lượng hàng hóa lớn nên phải mất gần 5 giờ đồng hồ mới bốc dỡ xong.

Thời gian vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chung tay hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng hóa vào miền Nam để phòng chống dịch. Chỉ tính riêng trong hai tháng gần đây, tổng công ty đã đồng hành cùng người dân các tỉnh vận chuyển miễn phí gần 1.000 tấn hàng hóa là nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế… vào hỗ trợ các tỉnh phía nam.

Tet Doc lap,  Ha Noi 2/9,  dai dich Covid-19 anh 42

Sáng 1/9, đoàn tàu HH73 chở hàng cứu trợ đã đến ga Sóng Thần (Bình Dương). 180 tấn thực phẩm do nhân dân tỉnh Bắc Kạn gửi tặng được vận chuyển về quận 7 (TP.HCM) để hỗ trợ công nhân, hộ dân khó khăn vì dịch bệnh.

Do hàng hóa là thực phẩm nên việc vận chuyển phải đảm bảo tốc độ sớm nhất. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bố trí đoàn tàu HH73 chạy liên tục hơn 50 giờ không dừng nghỉ.

Trước dịch, những chuyến tàu ngày nào cũng nối đuôi nhau rời ga. Công việc của chị Phượng và các đồng nghiệp đều tăm tắp. Dịp nghỉ lễ những năm trước đây có người trực, người nghỉ. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, những chuyến tàu hàng mang thêm trong mình sứ mệnh vận chuyển nhu yếu phẩm tiếp tế cho miền Nam. Để góp sức mình, không chỉ chị Phượng mà rất nhiều nhân viên khác của nhà ga đều xung phong tới trực để cùng bốc vác, hỗ trợ chuyến hàng.

“Năm nay nghỉ dịch nhiều rồi, hy sinh thêm 1-2 đợt nghỉ lễ thì có sao đâu. Tôi còn lấy làm vui mừng và hạnh phúc vì được hỗ trợ mọi người”, chị Phượng nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn