Đóng góp của ngành xuất bản vào phát triển văn hóa

0
34

Trong những năm qua, ngành xuất bản đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, chấn hưng văn hóa.

Xuat ban phat trien van hoa anh 1

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn – là người con của làng Chùa (làng Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ông kể những người nông dân xa xưa ở làng Chùa có câu “Mất một mùa chữ, mất chín mùa người” để nói về sứ mệnh của văn hóa, chữ nghĩa và sách vở. Nếu mất mùa chữ, mất mùa văn hóa, thì sẽ đánh mất thế hệ người tử tế.

Bởi vậy, sách lưu giữ, truyền bá văn hóa được coi là di sản lớn lao của nhân loại. Trong nhiều năm qua, ngành xuất bản đã được quan tâm phát triển, có nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào những “vụ mùa” văn hóa.

Sách là phù sa, góp phần bồi đắp văn hóa dân tộc

Về vai trò của xuất bản với văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội – cho rằng xuất bản là một trong những lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa, có vai trò quan trọng với phát triển văn hóa.

Thông qua xuất bản phẩm, con người có được nhận thức tốt hơn về thế giới và bản thân, từ đó phát triển nhân cách cá nhân, giúp mỗi người hướng tới giá trị cao đẹp, chân, thiện, mỹ.

Trước kia, thế hệ cha anh đã đọc những cuốn sách ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Đó là nguồn cảm hứng vô tận để mọi người có tinh thần vững vàng, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Nhiều lớp thanh niên đã được truyền cảm hứng từ những cuốn sách họ đọc.

Cùng chung quan điểm ấy, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể khi ông tiếp xúc các nhà văn là cựu binh Mỹ, họ kể đã ngạc nhiên khi thấy những người lính Việt Nam đi vào cuộc chiến mang theo sách trong balô. Điều đó mang tới cho bộ đội sức mạnh, ý chí lớn lao.

Ngành xuất bản đã đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa thông qua các cuốn sách.

Ông Nguyễn Quang Thiều

Có những cuốn sách đã thay đổi con người. Sách cung cấp tri thức, giúp con người nhận ra vẻ đẹp của đời sống, gợi mở sự hòa đồng vào thiên nhiên, mang cho con người giấc mơ đẹp đẽ, khích lệ hành động để xây dựng một thế giới tốt hơn, yêu thương nhau hơn.

Ngày nay, bên cạnh sách in, chúng ta đã phát triển sách điện tử, sách nói… Dù được lưu trữ với hình thức nào, giá trị bên trong cuốn sách vẫn là tri thức và nhân bản.

“Hai điều quan trọng nhất của sách là mang tới tri thức và vẻ đẹp của nhân bản”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Từ góc độ văn chương, đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho rằng sách nói chung và sách văn chương nói riêng làm giàu cho tâm hồn con người, làm giàu tri thức.

“Văn chương chính là ký ức của dân tộc, khi ta lưu giữ được ký ức tức là biến đời sống thành phù sa, bồi đắp, giữ gìn đời sống văn hóa, ý thức con người, nét văn hóa của con người không bị mất đi”, nhà văn Nguyễn Bình Phương nói.

Xuat ban phat trien van hoa anh 2

Giải thưởng Sách quốc gia là hoạt động của ngành xuất bản, góp phần phát triển văn hóa đọc nói riêng, văn hóa nói chung. Ảnh: H.H.

Xuất bản phát triển, nâng cao dân trí, chấn hưng văn hóa

Xuất phát từ vai trò của sách với phát triển văn hóa, ngành xuất bản luôn được chú trọng phát triển. Những năm qua, ngành sách đã có bước tiến cả về số lượng và chất lượng.

Số liệu tổng kết từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy lượng sách không ngừng tăng lên, từ gần 369 triệu bản năm 2014 tăng lên hơn 400 triệu bản năm 2020. Số lượng sách tăng lên đồng nghĩa lượng tri thức được cung cấp nhiều hơn, đa dạng hơn.

Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trước kia là Nhà xuất bản Tác phẩm mới, trong một thời gian dài đã làm ra những cuốn sách còn mãi với thời gian. Những năm gần đây, nhà xuất bản đã kết hợp với rất nhiều công ty phát hành để làm ra nhiều sách hơn.

Trước kia, một nhà xuất bản mỗi năm ra vài chục đầu sách. Giờ đây, một nhà xuất bản có thể làm ra trên 1.000 sách mỗi năm. Số lượng sách, loại hình xuất bản sách tăng, lĩnh vực đọc của người Việt Nam cũng trở nên phong phú.

Từng làm việc trong ngành xuất bản nhiều năm trước, đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng xuất bản ngày nay đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Về chất lượng, sách được làm chỉn chu, nội dung phong phú, đa dạng, hình thức đẹp.

Phó chủ tịch Hội Nhà văn đánh giá cao tâm huyết của người làm sách khi kỹ lưỡng trong nội dung và chăm chút cho hình thức: “Sách được làm đẹp, tinh tế, thể hiện sự trân trọng tri thức của giới xuất bản. Điều đó cũng góp phần thu hút bạn đọc đến với cuốn sách. Xuất bản phẩm ngày nay còn đáp ứng được những yêu cầu khó tính của giới chơi sách, hình thành nên thú chơi văn hóa: Sưu tầm sách đẹp, sách giới hạn, sách quý hiếm”.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng ngành xuất bản không chỉ làm ra những cuốn sách hay mà còn có nhiều hoạt động cụ thể góp phần phát triển văn hóa đọc nói riêng, văn hóa nói chung.

“Tôi quan sát thị trường sách của chúng ta phong phú, đa dạng, có những mảng sách phát triển. Ta có Ngày Sách và Văn hóa đọc, phố sách, đường sách, giải thưởng sách… Đó đều là những hoạt động cổ vũ mọi người đọc sách”, ông Bùi Hoài Sơn nói.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng trong số những giải thưởng về báo chí, xuất bản, ông đặc biệt quan tâm, ủng hộ Giải thưởng Sách quốc gia. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn, giải thưởng đang ngày càng chất lượng hơn, có giá trị lớn trong việc lan tỏa sách.

Xuat ban phat trien van hoa anh 3

Xuất bản sách thiếu nhi, gieo mầm văn hóa đọc chính là phát triển thế hệ tương lai của đất nước. Ảnh: Liêu Lãm.

Phát triển sách kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thời đại mới

Trong thế giới phẳng hôm nay, những cách sống, trào lưu từ nước ngoài đã giao lưu, tiếp biến ở Việt Nam.

“Trong bối cảnh đó, văn hóa truyền thống, tri thức, lòng nhân ái được bảo tồn thì sẽ bảo tồn được nền văn hóa dân tộc. Ngành xuất bản đã đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn giá trị văn hóa thông qua các cuốn sách”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định vai trò của sách đối với văn hóa trong thời đại mới.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà công nghệ phát triển, chi phối mọi mặt, trong đó có thói quen đọc. Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng ngành xuất bản phải có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu, thói quen, lối sống mới của người dân, nhất là của giới trẻ.

“Ta không thể lảng tránh công nghệ, phải tận dụng thế mạnh công nghệ, cơ hội mà công nghệ mang lại để phát triển xuất bản. Các hình thức xuất bản điện tử, sách nói, sách tương tác… phải được quan tâm trong những năm sắp tới”, ông Bùi Hoài Sơn nói.

Bên cạnh phát triển sách số để phù hợp với bạn đọc trong thời đại mới, giới xuất bản cũng cần nuôi dưỡng tình yêu đọc nơi thiếu nhi.

Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn chủ trương mỗi năm in từ 50.000 đến 100.000 tác phẩm xuất sắc cho thiếu nhi. Đó là một trong những hoạt động góp phần khích lệ, chuẩn bị tri thức, làm giàu đẹp tâm hồn, nhân cách cho thế hệ tương lai của đất nước.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn