Đông Ngạc – Làng xưa trong phố

0
Đông Ngạc – Làng xưa trong phố

Cách trung tâm thành phố Hà Nội chỉ hơn 10km, xong Đông Ngạc ngày nay vẫn còn lưu giữ được những dấu xưa, những nếp sống và truyền thống được trao truyền, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, xứng danh với câu ca  “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”.

Đông Ngạc có tên Nôm là làng Vẽ, là một làng nằm về mạn Tây Bắc sát thành Thăng Long xưa.


Lý giải cho cái tên Ðông Ngạc, những người cao tuổi trong làng thường bảo: Xưa, học sinh của làng nổi tiếng chăm học, đua nhau học như tiếng ếch kêu, bởi thế, thời Lý có tên là Ðống Ếch, sang thời Trần đổi là Ðống Ngách và đến thời Lê Trung Hưng làng mới được đổi tên thành Ðông Ngạc.


Đặc biệt nơi đây được xem là đắc địa, vượng khí nên rất nổi tiếng về truyền thống khoa bảng. Tính từ khi cụ Phan Phu Tiên khai khoa cho làng, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tý năm 1396 dưới triều Vua Trần Thuận Tông, đến thời Nguyễn, làng Ðông Ngạc đã có 25 người đỗ đại khoa (tiến sĩ trở lên) và được gọi là làng khoa bảng là vì thế.


Hiện trong kho thư tịch cổ còn lưu giữ được một cuốn sách quý là “Đông Ngạc xã chí” ghi chép được nhiều tư liệu liên quan của làng Đông Ngạc. Đây có thể coi là tài liệu duy nhất hiện còn của thể loại địa chí viết về một làng, xã của Hà Nội thời Nguyễn, qua đó cũng góp thêm tài liệu quý để tìm hiểu Hà Nội xưa nói chung và một làng xã nói riêng. Đặc biệt trong sách, đã ghi chép được về nét cao quý của nữ giới phòng khuê ở ngôi làng này.


Trong lời tựa sách “Đông Ngạc xã chí” có lời viết rằng: “Làng ta được gọi là làng Đông Ngạc là có nguyên do. Kính nghĩ! Làng ta chiếm một bầu trời, phong khí an bài, nổi tiếng quý địa. Sông dài phía trước, nước chảy xiết ở phía Đông như một con rồng; chữ phẩm phía sau, khí bốc cao ở phía Tây tựa một con hổ. Đất linh thiêng, người kiệt xuất. Cổ đã qua, nay đang tới, một làng tuấn kiệt, thiên hạ biết tên. Bởi vậy người xưa từng dựa vào đó để đặt tên làng, gọi là phường Đông Ngạc…”.


Không chỉ tự hào về truyền thống hiếu học, Đông Ngạc còn là mảnh đất lưu giữ được nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử có giá trị. Theo thống kê của Sở VHTTDL Hà Nội: toàn xã Đông Ngạc hiện có 21 di tích bao gồm đình, đền, chùa, nhà thờ họ… và khá nhiều kiến trúc nhà cổ. Phần lớn các di tích thuộc làng Đông Ngạc (16 di tích). Và Đông Ngạc cũng nổi tiếng kinh kỳ là một làng ven đô mà nét cổ xưa còn lưu lại trên lối mòn gạch nghiêng in dấu chân gái làng xuất giá, trên rêu phong cổng ngõ gió lùa, trên bia đá chùa xưa và trong cả nét đẹp tảo tần chăm chỉ trong nếp sống từ ngàn xưa truyền lại.


Có thể nhận thấy trong hệ thống những ngôi nhà cổ ở Đông Ngạc có sự hòa trộn giữa hai trường phái kiến trúc Đông – Tây. Đan xen giữa những ngôi từ đường, nhà thờ họ theo lối kiến trúc truyền thống phương Đông là những biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ XX theo kiến trúc Pháp. Đó là tư gia của những trí thức Tây học hoặc của những thương gia kinh doanh phát đạt. Đây cũng là một trong những nét riêng độc đáo của làng cổ Đông Ngạc.


Quay mặt ra phía sông Hồng, đình Ðông Ngạc (Ðình Vẽ) là một trong những ngôi đình lớn và đẹp nổi tiếng.


Đình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng. Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho cả “thiên, địa, nhân”; ngoài ra, đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Hiện trong đình còn lưu giữ bộ tranh sơn mài thời nhà Lê và những tấm bia đã ghi lại quá trình thủy tạo xây dựng đình và những lần trùng tu lớn.


Toàn bộ khuôn viên của đình được kiến trúc theo hình chữ Quốc, tượng trưng cho đầu rồng. Từ cổng vào qua hai tam quan đồ sộ, tam quan ngoại có nền cao ngang mặt đê sông Hồng, tượng trưng cho mũi rồng. Giữa hai tam quan là hai ao nhỏ hai bên, tượng trưng cho mắt rồng. Hai bái đường nội và ngoại được nối liền với nhau, mỗi tòa gồm chín gian, tượng trưng cho đỉnh đầu rồng. Trong cùng là trung cung và hậu cung, mỗi tòa ba gian, tượng trưng cho cổ rồng. Tất cả được sắp xếp trong một không gian tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.


Khác với những đình khác chỉ thờ một vị thành hoàng, đình Ðông Ngạc phối thờ cả ba vị thiên thần, nhân thần và địa thần, đều là những người đỗ đạt và có công với làng. Bên cạnh đó là văn chỉ thờ Khổng Tử và nhà đọc sách. Ðiều đó đã phản ánh đặc sắc nét văn hóa tốt đẹp cũng như truyền thống khoa bảng lâu đời của người Ðông Ngạc.


Nhận thấy những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, xã hội, lịch sử của làng cổ Đông Ngạc, TP. Hà Nội cũng đã xác định đầu tư, xây dựng nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn của tuyến du lịch ngược đê sông Hồng với dải di tích: Phủ Tây Hồ, đình Chèm, đình Vẽ, hệ thống từ đường Đông Ngạc… Chính vì thế, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử nơi đây càng trở nên cấp thiết.


Trong đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Đông Ngạc, xây dựng điểm đến du lịch” do Sở VHTTDL Hà Nội chủ trì đã xác định xây dựng Đông Ngạc thành điểm đến du lịch tập trung vào các di sản vật thể và phi vật thể. Theo đó, sau khi đầu tư, xây dựng sẽ tổ chức khai thác các hệ thống, không gian di tích, địa danh, cảnh quan, kiến trúc… trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển.


Một số hình ảnh ngôi làng cổ:

 

Đông Ngạc có tên Nôm là làng Vẽ, là một làng nằm về mạn Tây Bắc sát thành Thăng Long xưa

 

Gian thờ trong một ngôi nhà cổ với đầy đủ hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng được làm từ gỗ lim và thân cây cọ

 

Ngôi nhà thờ họ hơn 300 tuổi của dòng họ Đỗ ở làng Đông Ngạc

 

Sở VHTTDL Hà Nội chủ trì đã xác định xây dựng Đông Ngạc thành điểm đến du lịch tập trung vào các di sản vật thể và phi vật thể

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn