Dòng tiền từ trái phiếu đổ mạnh vào bất động sản

0
Dòng tiền từ trái phiếu đổ mạnh vào bất động sản

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong lĩnh vực bất động sản đạt 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước. Lãi suất trái phiếu ở mức khá cao, khoảng 7,4-13%/năm.

Theo số liệu tổng hợp của VnDirect, trong quý III/2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý trước. Có 88 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 107.944 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm 20,8% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 63,4%.

Bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 46,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước.

Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (6.885 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Osaka Garden (6.800 tỷ)… Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức khá cao so với lãi suất tiền gửi trong khoảng 7,4-13%/năm.

Về tình hình cấp tín dụng, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính đến ngày 30/9 cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng (tính đến 30/6/2021 là 672.224 tỷ). Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở chiếm tỷ lệ cao nhất với 24,7%, đạt 168.687 tỷ đồng.

DƯ NỢ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN
Nhãn Với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở Với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê Với cho vay mua quyền sử dụng đất Với các dự án nhà hàng, khách sạn Với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê
Dư nợ tỷ đồng 168687 105558 73833 53348 38991

Trong khi đó, báo cáo thị trường bất động sản và nhà ở của Bộ Xây dựng chỉ ra khả năng hấp thụ của thị trường quý III giảm so với quý trước. Cụ thể, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 15.067 căn, chủ yếu tại các tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương.

Trong 9 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Ở chiều ngược lại, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 doanh nghiệp (chiếm 13,7%), số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là 4.091 doanh nghiệp (chiếm 12,6%).

Tuy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.

Đánh giá chung về tình hình thị trường, Bộ Xây dựng nhìn nhận hoạt động giao dịch mua bán bất động sản trên thị trường bị ảnh hưởng do không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận. Tuy nhiên, lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.

“Trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn”, Bộ Xây dựng dự báo.

Cơ quan này đề nghị các địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, các địa phương cần lập, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Thực hiện việc rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Nguồn: News.zing.vn