Đồng Văn nỗ lực xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá

0
124

Theo kế hoạch vào đầu năm 2018, Đoàn chuyên gia của UNESCO sẽ tới Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu – Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn tiến hành thẩm định lại lần thứ 2.

Bãi đỗ xe khu vực chợ mới xã Sà Phìn (Đồng Văn) được đầu tư xây dựng

Từ nhiều tháng nay, huyện Đồng Văn đã có kế hoạch, triển khai thực hiện các nội dung bằng nhóm giải pháp cụ thể, sát với yêu cầu đặt ra, với quyết tâm là thực thi đầy đủ các cam kết, tiêu chí, khuyến nghị của Đoàn chuyên gia thẩm định UNESCO đưa ra. Huyện Đồng Văn được xác định là vùng lõi của CVĐC toàn cầu CNĐ Đồng Văn, nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, có 54 di sản địa chất, địa mạo chiếm 39%. Toàn huyện có 10 di tích, di sản, trong đó 6 di tích cấp Quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh và các Lễ hội truyền thống dân gian của các dân tộc như Lễ cúng thần Rừng của dân tộc Pu Péo, Lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô gắn với trống đồng cổ, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương và tường rào đá xung quanh nhà…

Thời gian qua, thực hiện các tiêu chí khuyến nghị của chuyên gia Mạng lưới CVĐC toàn cầu, huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC tại các xã, thôn thông qua việc phục dựng, kết hợp chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các phiên chợ, chiếu bóng lưu động; tổ chức Hội thi hướng dẫn viên du lịch nhí tại các trường học và trên quy mô cấp huyện. Tiến hành rà soát, thay thế bổ sung nội dung bảng biểu cụm pa nô tấm lớn, biển chỉ dẫn đã cũ, rách không còn phù hợp tại các điểm di sản, di tích bằng cả hai thứ tiếng (Việt – Anh); hoàn thiện nội dung, phát hành cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi, tờ rơi quảng bá về các di sản địa chất, địa mạo, điểm, khu di tích và các tuyến du lịch đi bộ trên địa bàn huyện.

Huyện Đồng Văn cũng đã sưu tầm thêm các hiện vật để bảo tồn giá trị văn hóa và trưng bày, giới thiệu di sản tại Bảo tàng văn hóa vùng CVĐC. Khảo sát, đầu tư xây dựng mới các điểm dừng chân ngắm cảnh tại khu vực ngã ba xã Ma Lé, Lũng Thầu, Động Én xã Vần Chải; hoàn thiện hồ sơ và tiến hành đầu tư các dự án khu du lịch tâm linh Lũng Cú, dự án thang máy lên khu di tích Đồn Cao; đôn đốc các hộ dân xây dựng trùng tu phố cổ sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Đặc biệt, huyện thành lập Tổ công tác liên ngành để tiến hành rà soát, kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác đá trái phép làm vật liệu xây dựng tại các điểm. Mở các lớp bồi dưỡng về tiếng Anh cho đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch, điểm di sản phục vụ cho tái đánh giá CVĐC lần 2; quy hoạch và thực hiện trồng hoa Tam giác mạch theo từng thời điểm (có bãi đỗ xe, nhà vệ sinh) tạo điểm nhấn phục vụ khách du lịch tham quan.

Theo đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, việc chuẩn bị thực hiện các tiêu chí, khuyến nghị của UNESCO không chỉ đáp ứng các yêu cầu khi thẩm định mà còn giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn các di sản, di tích trên vùng CNĐ; từng bước khai thác, tạo diện mạo mới đưa CVĐC toàn cầu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên miền cực Bắc Hà Giang.

HOÀNG NGỌC

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn