Năm tháng qua, Trung Quốc 3 lần đưa số ca nhiễm về 0, nhưng dịch bệnh đang bùng phát thường xuyên hơn trước. Liệu nước này có thể kiên trì bao lâu với chiến lược ‘Zero Covid-19’?
Khoảng cách giữa các đợt bùng phát dịch lớn tại Trung Quốc đã giảm từ 2 tháng trong nửa cuối năm 2020 xuống còn chỉ 12 ngày kể từ tháng 5, thời điểm nước này phát hiện ca mắc chủng Delta đầu tiên.
Tuy Trung Quốc vẫn có thể đưa số ca lây nhiễm trong cộng đồng về 0, khoảng thời gian nước này vắng bóng virus đang ngày càng ngắn lại, theo dữ liệu do Bloomberg News tổng hợp.
Đây là cuộc đọ sức giữa một bên là bộ quy trình khống chế dịch được cho là toàn diện nhất thế giới (bao gồm phong tỏa biên giới, xét nghiệm diện rộng, truy vết triệt để, hạn chế đi lại nghiêm ngặt) và bên còn lại là con virus đang ngày một tinh ranh để xuyên thủng những hàng phòng ngự ấy.
Biến chủng Delta khiến tần suất bùng phát dịch ở Trung Quốc trở nên thường xuyên hơn. Đồ họa: Bloomberg News. |
Quốc gia cuối cùng theo đuổi “Zero Covid-19”
Với khả năng lây nhiễm cao như thủy đậu, Delta đã chứng tỏ bản thân là đối thủ khó nhằn đối với Trung Quốc, quốc gia cuối cùng trên thế giới vẫn chung thủy đến cùng với chiến lược “Zero Covid-19”.
Đợt bùng phát dịch mới nhất đã lan ra 11 tỉnh và len lỏi vào thủ đô Bắc Kinh. Giới chức Trung Quốc đã phong tỏa một huyện nằm trên biên giới chung với Mông Cổ và cũng cảnh báo tình hình có thể xấu hơn.
Sau khi dập dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc đã có hai tháng không có đợt bùng dịch lớn trong cộng đồng. Điều này giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tiếp tục giữ cho nhà máy hoạt động và người dân xuống tiền chi tiêu.
Năm 2020, Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới có mức tăng trưởng kinh tế dương. Nhưng năm nay, đà tăng trưởng ấy đã chậm lại do Trung Quốc vẫn giữ nguyên chiến lược khi đối mặt với chủng Delta.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 25/10. Ảnh: VCG. |
Các lệnh phong tỏa, lệnh ngừng chuyến bay và tàu, cùng những biện pháp chống dịch khác đã phủ lên một nửa đất nước Trung Quốc trong mùa hè và làm giảm chi tiêu tiêu dùng.
Những đợt bùng dịch sau đó tiếp tục khiến nhu cầu và hoạt động đi lại trở nên ảm đạm trong kỳ nghỉ quốc khánh Trung Quốc đầu tháng 10 vừa qua, trong khi đây vốn là dịp sôi động mỗi năm.
Dù vậy, chính quyền và nhà chức trách y tế vẫn chưa có dấu hiệu rời bỏ chiến lược “Zero Covid-19”, ít nhất là không sớm hơn Thế vận hội Olympic mùa đông dự kiến diễn ra vào tháng 2.
Chưa có con đường nào khác
Với việc kiên trì chiến lược loại trừ, Trung Quốc đang đi ngược lại xu hướng toàn cầu, vốn coi việc sống chung với virus và trông cậy vào vaccine để ngăn bệnh trở nặng là những điều không thể tránh khỏi trong đại dịch.
Nhân viên y tế kiểm tra thông tin người dân trong đợt xét nghiệm diện rộng tại Thanh Hải, Trung Quốc vào ngày 23/10. Ảnh: Reuters. |
Những quốc gia từng theo đuổi chiến lược “Zero Covid-19” trong khu vực cũng bắt đầu thay đổi, như Singapore và Australia đã nới lỏng quy định cách ly, trong khi New Zealand thừa nhận rằng đợt bùng dịch gần đây nhất tại nước này nhiều khả năng không thể được đưa về con số 0.
Các nước này đều đã đưa ra bản thảo chuẩn bị cho quá trình tái mở cửa với thế giới, trong đó có việc chấp nhận sẽ vẫn có các ca mắc trong cộng đồng.
Nhưng tới nay, Trung Quốc vẫn chẳng mấy quan tâm tới tầm nhìn ấy. Quan chức nước này cũng chưa đưa ra bất cứ con đường nào khác cho tương lai.
Điều này là rất đáng lo ngại đối với nhà đầu tư, các nhà phân tích thuộc ngân hàng Natixis SA nhận định trong một bản ghi chú gửi tới khách hàng vào cuối tháng 9.
Tuy “Zero Covid-19” vẫn đang thành công trong việc khống chế virus, chiến lược này khiến Trung Quốc “ngày càng sơ hở trước phí tổn kinh tế dài hạn, do các yếu tố bất định trên con đường thoát dịch”, các nhà phân tích nói. “Sự bất định ấy đang làm tăng biến động và kéo tâm lý nhà đầu tư đi xuống trong những tháng gần đây”.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn