“Các tỉnh miền Trung mưa suốt gần 3 tuần nay, đất đá đã ngậm đủ nước nên nếu hứng thêm đợt mưa lớn 600 mm thì nguy cơ lũ quét, sạt lở rất lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Chịu ảnh hưởng liên tiếp của bão số 7 và bão số 8 trong vòng gần một tuần qua, các tỉnh miền Trung tiếp tục đối mặt với đợt mưa lớn kéo dài 3 ngày. Từ đêm 15 đến ngày 18/10, Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế khả năng ghi nhận lượng mưa 300-600 mm, trong khi những khu vực khác được dự báo mưa 200-300 mm.
Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các chuyên gia khí tượng cảnh báo nhiều địa phương miền Trung đứng trước nguy cơ lũ quét, sạt lở và ngập lụt.
Mưa diện rộng ở Trung Bộ, Tây Nguyên
Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, bão số 8 dù đã suy yếu thành vùng áp thấp và di chuyển ra khỏi nước ta, vùng mây bao quanh hoàn lưu bão vẫn còn trên đất liền. Đây là nguồn ẩm khiến mưa duy trì.
Đồng thời, không khí lạnh tăng cường tương tác với dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Trung Bộ là nguyên nhân chính gây ra đợt mưa lớn kéo dài trong 3 ngày tới. Khi không khí lạnh đẩy trục dải hội tụ dịch xuống phía nam, vùng mưa lớn sẽ mở rộng ra cả khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Theo chuyên gia, trọng tâm của đợt mưa lớn 3 ngày nằm từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Khu vực đối mặt nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập lụt nhưng mức độ không quá cực đoan như năm 2020.
Bão số 8 gây sóng lớn trên vùng biển thị xã Cửa Lò (Nghệ An) ngày 14/10. Ảnh: Phạm Trường. |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đợt mưa sắp tới nguy hiểm do nhiều nơi ở Bắc Trung Bộ đã mưa suốt gần 3 tuần qua. Đất đá khu vực miền núi đã ngậm đủ nước, nếu hứng thêm lượng mưa lớn thì khả năng lũ quét, sạt lở rất cao.
Ông khuyến cáo địa phương ở miền Trung cần cho người ứng trực 24/24h để kịp thời gõ kẻng cảnh báo người dân khi phát hiện nguy hiểm. Ngoài ra, người dân có thể quan sát một số hiện tượng chỉ báo cho đợt sạt lở như cây cối bất chợt nghiêng sang một bên, hoặc đất bắt đầu nứt ra. Khi thấy những hiện tượng này, người dân cần sơ tán ngay lập tức.
Với lượng mưa 600 mm trong vòng 3 ngày, ông Hiệp lo ngại nhiều khu vực xảy ra ngập lụt, đặc biệt với các địa phương vùng trũng. Căn cứ vào bản đồ cảnh báo ngập, người dân cần chủ động kê cao đồ đạc, đặc biệt là thóc và lúa gạo.
“Nếu để nước lũ lên mới bắt tay vào làm, người dân có thể hứng chịu thiệt hại không đáng có, mà việc ứng phó trong trạng thái khẩn cấp cũng làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn nhỏ”, ông Hiệp nói.
Hệ quả từ mưa lũ lịch sử 2020
Nhắc lại đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai trong một năm qua còn hạn chế. Nhiều điểm sạt lở taluy dương chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối, có thể tiếp tục sạt khi mưa trút xuống những ngày tới.
“Chúng tôi vẫn đề nghị địa phương phải có biển cảnh báo, chỉ dẫn tại điểm sạt lở của năm trước mà chưa khắc phục được. Ở nơi nguy cơ cao, lực lượng chức năng cần dứt khoát cấm lưu thông vì có thể mưa gió nhỏ nhưng người dân chủ quan thì sẽ gây hậu quả lớn”, ông Hiệp nói.
Ông cho biết những ngày tới, người dân di chuyển về quê từ phía Nam nên đi bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đi xe cá nhân trong điều kiện mưa gió, tầm nhìn hạn chế có thể gặp tai nạn.
Đánh giá về phương án hỗ trợ người dân về quê trong thời gian qua, ông Hiệp cho rằng trong 1-2 ngày đầu, địa phương còn lúng túng vì chưa hình dung được số lượng người di chuyển tự phát. Nhưng sau đó, tất cả địa phương dọc tuyến đường đi từ Nam ra Bắc, cùng các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã hỗ trợ tốt cho người dân khi lập trạm, chốt để ứng cứu, giúp đỡ, cho người dân nghỉ qua đêm…
Hiện, các trạm hỗ trợ này còn duy trì nhưng số lượng ít hơn. Dù lượng người về quê bằng phương tiện cá nhân đã giảm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục có giải pháp sẵn sàng hỗ trợ khi thời tiết còn diễn biến phức tạp.
Vùng mưa lớn trong 3 ngày tới mở rộng khắp các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trọng tâm ở khu vực Quảng Bình – Quảng Trị. Ảnh: Windy. |
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), trong đợt mưa lớn từ đêm 15 đến ngày 18/10, lượng mưa tại các khu vực ở miền Trung được phân bổ khác nhau.
Cụ thể, Nghệ An khả năng ghi nhận vũ lượng 100-200 mm/đợt; trong khi khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam mưa 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm.
Đáng lưu ý, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế có thể xuất hiện mưa rất lớn, dao động 300-600 mm/đợt, có nơi trên 600 mm. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp, ven sông.
Ngày 15/10, ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường khiến Bắc Bộ và Thanh Hóa giảm nhiệt. Thời tiết trở lạnh với nhiệt độ thấp nhất 19-21 độ C, vùng núi trở rét với nhiệt độ có nơi dưới 18 độ C.
Nguồn: News.zing.vn