Tổng thống Joe Biden kỳ vọng sử dụng ảnh hưởng cá nhân để thu hút đồng thuận của lãnh đạo các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng ông đối mặt thực tế khó khăn hơn.
Lần thứ hai đến châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh G20 và COP26, mục tiêu lớn của Tổng thống Joe Biden là tái khẳng định vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trước khi quá muộn, cũng như khuếch trương uy tín bản thân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo New York Times.
Không tìm được đồng thuận
Từ giây phút hạ cánh xuống thủ đô Rome cũng như trong các tiếp xúc tại Glasgow, Tổng thống Biden luôn thể hiện phong thái của một doanh nhân.
Sử dụng những cử chỉ thân mật, cá nhân hóa các tiếp xúc chính trị, Tổng thống Biden tin rằng ông ở vị thế thuận lợi hơn trong đàm phán, giúp đạt được những thỏa thuận thực chất.
“Họ biết tôi, tôi cũng biết họ. Chúng ta có thể cùng nhau hoàn thành công việc”, Tổng thống Biden nói trong một cuộc họp báo ở Rome.
Và Tổng thống Biden thực sự đã mang theo một số chiến thắng khi trở về Washington hôm 2/11, gồm một thỏa thuận mới về thuế tối thiểu toàn cầu cho các doanh nghiệp, một thỏa thuận về cắt giảm phát thải khi methane, cũng như cam kết chấm dứt phá rừng.
Tuy nhiên, dù đều là những thỏa thuận thực sự quan trọng, phần lớn nội dung các văn kiện này đã được nhất trí trước khi ông Biden đặt chân tới châu Âu.
Tại Glasgow, các nhà lãnh đạo thế giới đã không thể đồng thuận về các bước tiếp theo nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Biden đối mặt thực tại phũ phàng rằng phong cách chính trị cá nhân mà ông ưa thích đã không giúp gì nhiều trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng và kết quả đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
“Ông ấy quá đề cao mặt con người của ngoại giao cá nhân và phóng đại tác động của khía cạnh ấy. Những điều đó không đủ để ngăn Brazil phá rừng, ngăn Australia khai thác than. Ngoại giao chỉ giúp ông ấy đi xa được chừng đó mà thôi”, Richard Haass, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá.
Năm nay, lãnh đạo Nga và Trung Quốc, hai trong số những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, không tham dự COP26 mà chỉ cử phái đoàn đàm phán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến một tuyên bố, hứa hẹn rằng nước này “sẽ tiếp tục ưu tiên bảo tồn sinh thái và con đường phát triển xanh”.
Lãnh đạo hàng chục quốc gia đưa ra những tuyên bố duy trì các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, nhưng lại không nói rõ họ sẽ làm thế nào để đạt được những mục tiêu ấy.
“Đơn giản là các nước không đạt được đồng thuận, và Mỹ không thể đập bàn cưỡng ép bất cứ ai”, ông Haass nói.
Tiếp tục đối đầu Trung Quốc
Tại một cuộc họp báo sau COP26, Tổng thống Biden một lần nữa muốn khẳng định vị thế lãnh đạo của nước Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn khi không tham dự hội nghị.
“Họ (Trung Quốc) đã đánh mất khả năng áp đặt ảnh hưởng trên khắp thế giới, cũng như với những người có mặt ở COP”, Tổng thống Biden nói.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ cho biết sẵn sàng kiên nhẫn thuyết phục Trung Quốc tham gia nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu, và rằng ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ít nhất 5-6 lần trao đổi qua điện thoại từ tháng 1.
Tổng thống Biden tỏ ra rất lạc quan về khả năng hợp tác giữa các nước theo mô hình dân chủ. Tại Glasgow, nhà lãnh đạo nước Mỹ nhiều lần khẳng định ông sẽ làm tất cả những gì trong khả năng vì mục tiêu khí hậu, như thông qua các sắc lệnh hành pháp, hay thậm chí khôi phục các quy định về môi trường từng bị bãi bỏ dưới thời Trump.
“Trong những vấn đề quan trọng như khí hậu, chúng ta đứng trên cùng một thuyền”, ông Biden nói với các đồng minh, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Nhưng kết quả đạt được chỉ ở mức hạn chế. Trong cuộc họp thảo luận một thỏa thuận toàn cầu mới về hạn chế phát thải khí methane, ban tổ chức giới thiệu bản đồ hiển thị 90 quốc gia đã ký vào văn kiện. Trong số này thiếu đi những cái tên phát thải hàng đầu gồm Nga và Trung Quốc.
Cuộc họp của lãnh đạo các nước tại COP26 hôm 2/11. Ảnh: Reuters. |
Ông Biden đã tận dụng sự vắng mặt của các đối thủ như Chủ tịch Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin, gửi đi thông điệp Mỹ và các đồng minh có thể dẫn đầu nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trước đó, khi chuyên cơ của ông Biden đang trên đường từ Rome tới Glasgow, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gây áp lực lên Trung Quốc khi tuyên bố Bắc Kinh “có nghĩa vụ hành động quyết liệt hơn” trong vấn đề khí hậu.
Ngay sau phát biểu này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân phản pháo, yêu cầu Mỹ gánh vác thêm trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm khí nhà kính cũng như tăng cường hỗ trợ các nước nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ấm lên toàn cầu.
“Cụ thể, các chính sách khí hậu của Mỹ, nước phát thải lớn nhất lịch sử, đã liên tục thay đổi, lượng phát thải của Mỹ đạt đỉnh và chỉ mới bắt đầu giảm trong vài năm gần đây”, ông Vương tuyên bố.
Lúc này, Tổng thống Biden đã trở về Washington, phái đoàn Mỹ ở Glasgow hiện do cựu Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu. Hôm 3/11, ông Kerry cho biết mục tiêu hiện nay là các nước đạt được thỏa thuận hỗ trợ tài chính trị giá 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
Bế tắc ở quê nhà
Trong thời gian Tổng thống Biden công du châu Âu, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông tại quê nhà lại đi xuống. Nhưng ông chủ Nhà Trắng dường như vẫn tự tin sẽ sớm thúc đẩy thông qua hai dự luật then chốt, trong đó có gói phúc lợi xã hội 1.859 tỷ USD với khoản chi 600 tỷ USD cho năng lượng sạch.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Ro Khanna, một trong các nghị sĩ tham gia xây dựng chiến lược môi trường cho Tổng thống Biden, cho biết Tổng thống Biden từng khẳng định trước chuyến đi châu Âu rằng “uy tín của nước Mỹ” đang bị đe dọa.
“Tổng thống muốn chứng tỏ chế độ dân chủ có thể vận hành đất nước và làm những điều lớn lao mà không mất quá nhiều thời gian tranh cãi”, Hạ nghị sĩ Khanna nói.
Tổng thống Biden muốn chứng tỏ bản thân ông là người lãnh đạo một hành động tập thể toàn cầu về chính sách môi trường. Đây là điểm hoàn toàn trái ngược so với người tiền nhiệm Donald Trump – người đã đảo ngược hơn 100 quy định bảo vệ môi trường, đẩy nhanh các tác động của biến đổi khí hậu.
Tổng thống Biden phát biểu tại COP26. Ảnh: New York Times. |
“Điều đầu tiên cần làm là chấm dứt hủy hoại môi trường. Điều tiếp theo là đạt được những tiến bộ và đi đúng hướng”, Leah Stokes, chuyên gia về khí hậu và môi trường tại Đại học California, cho biết.
Tiến bộ mà Tổng thống Biden kỳ vọng đạt được hiện gặp bế tắc ngay trong nội bộ đảng Dân chủ. Dự luật trong đó có khoản chi gần 600 tỷ USD cho năng lượng sạch đang vấp phải sự phản đối của Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin III.
Thượng nghị sĩ Manchin tuyên bố sẽ không bỏ phiếu thông qua dự luật nếu chưa có kế hoạch triển khai chi tiết. Trong khi đó, không người nào của phe Cộng hòa, hiện nắm 50 ghế tại Thượng viện, ủng hộ dự luật này.
Phản đối từ phía Thượng nghị sĩ Manchin không khiến Tổng thống Biden mất đi sự lạc quan cho rằng dự luật sẽ sớm được lưỡng viện thông qua.
“Tôi tin rằng cuối cùng Joe sẽ bỏ phiếu ủng hộ, tôi chắc rằng chúng ta sẽ làm được”, Tổng thống Biden cho biết.
Nguồn: News.zing.vn