Các nhà khoa học trước đó đã đánh giá Chernobyl như một địa điểm độc đáo của thế giới, nơi thiên nhiên dần trở lại trạng thái vốn có sau thảm họa toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dù khai thác không gian của Chernobyl sẽ thúc đẩy sự phát triển du lịch cũng như nền kinh tế chung của cả nước, hoặc đem lại sức sống cho những “thị trấn ma”, đây vẫn là một quyết định cần cân nhắc kỹ càng, xét đến những điểm hạn chế cụ thể.
Điểm du lịch nổi tiếng
“Chúng tôi cần phải đem lại cho lãnh thổ Ukraine sức sống mới. Từ lâu, Chenorbyl đã được coi như một hình ảnh tiêu cực đối với Ukraine.”, Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra phát biểu trong chuyến thăm tới Chernobyl mới đây.
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã phê duyệt một nghị định với hy vọng sẽ đem lại trật tự cho Khu vực Loại trừ 19. Tại cơ sở hạt nhân cũng như thị trấn Pripyat lân cận, động vật hoang dã đã được trả về môi trường tự nhiên. Hệ sinh thái nơi đây cũng từng bước được phục hồi sau hơn ba thập kỷ, kể từ khi thảm họa xảy ra.
Chernobyl trên thực tế đã trở thành một điểm đến về du lịch tiềm năng dành cho những du khách ưa khám phá các địa điểm độc đáo khoảng 10 năm trở lại đây. Kể từ năm 2009, khi trò chơi điện tử S.T.A.L.K.E.R. thu hút một lượng người chơi lớn cũng là lúc việc tận mắt nhìn thấy vùng đất từng hứng chịu thảm họa hạt nhân trở thành xu hướng đối với khách du lịch trẻ tuổi.
Tuy nhiên, lý do lớn nhất dẫn đến sức hút bất ngờ này chính là sự phổ biến của một chương trình truyền hình dài tập được phát sóng tại Mỹ và Anh trên kênh HBO vào tháng 5 năm nay.
Series truyền hình chính là phóng sự kể về các sự kiện gây ra do hậu quả của vụ nổ và trận hỏa hoạn tại lò phản ứng hạt nhân Unit 4 của nhà máy. Đây cũng là một trong những chương trình truyền hình được đánh giá cao nhất trên bảng xếp hạng uy tín IMDb.
Tận dụng cơ hội đó, Chính phủ Ukraine gần đây đã đưa ra tuyên bố, Chernobyl sẽ trở thành một địa điểm du lịch chính thức. Đồng thời, các nhà chức trách cũng quyết định xây dựng các tuyến đường bộ, đường thủy, trạm kiểm soát và một hàng rào cây xanh xung quanh khu vực với tham vọng sẽ đặt nơi đây trên bản đồ du lịch, bên cạnh nhiều điểm thăm quan mạo hiểm khác.
Du khách đứng bên ngoài mái vòm kim loại bảo vệ lò phản ứng thứ tư của Chernobyl.
Cảnh báo từ các nhà khoa học
Theo Washington Post, Giáo sư Timothy Mousseau tại Đại học Nam Carolina tỏ ra vô cùng lo ngại khi chứng kiến cảnh tượng 250 khách du lịch với trang phục đời thường đi dạo xung quanh “thị trấn ma” Pripyat, một trong những khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nền bởi chất phóng xạ.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực nghiên cứu hậu quả sinh thái và tiến hóa của các chất ô nhiễm phóng xạ đối với động vật hoang dã và sinh vật tại Chernobyl, ông Mousseau lo ngại chiến dịch phát triển du lịch của chính phủ có thể tạo ra nhiều hậu quả khó lường.
Ông cho rằng, các khía cạnh tiêu cực đang bị ngó lơ hoàn toàn có nguy cơ trở thành vấn nạn về sức khỏe và an toàn của du khách với nhiều rủi ro lớn nhỏ khác nhau.
Ngày nay, mức độ phóng xạ trong Khu vực Loại trừ rất khác nhau tùy thuộc vào nhiều địa điểm, theo nghiên cứu của Tiến sĩ T. Steen, giảng viên về vi sinh học và miễn dịch học tại Trường Y Georgetown Georgetown. Bà đã đưa ra khuyến cáo đối với du khách ghé thăm Chernobyl, cho rằng hạn chế thời gian thăm quan là điều cần thiết.
“Bạn càng tiếp xúc lâu hơn với chất phóng xạ, các tác động trong tương lai càng gia tăng”, bà nhấn mạnh. Tiến sĩ T. Steen cũng đưa ra cảnh báo, du khách đến Khu vực Loại trừ nên vứt bỏ các loại quần áo và giày dép sử dụng trong khu vực ngay sau chuyến thăm quan.
Khẩu trang và găng tay cũng được khuyên dùng khi thực hiện các hoạt động du lịch. Đồng thời, các du khách nên tránh tiếp xúc với các loại thực vật cũng như hạn chế đi quá sâu vào cánh rừng lân cận.
Lý do bởi đây là những khu vực không được làm sạch sau khi thảm họa xảy ra và vẫn chịu ô nhiễm nặng nề bởi phóng xạ. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại nấm và rêu mọc tại đây có chứa chất phóng xạ có thể gây nguy hiểm cho con người trong quá trình tiếp xúc.
Nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng, các căn cứ thuộc địa phận Chernobyl dù không còn tình trạng nguy hiểm, nhưng vẫn bị bao phủ bởi các nguyên tử phát xạ như plutonium, Caesium, strontium… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Thậm chí, một số khu vực còn lưu lại lượng phóng xạ nguy hiểm hơn.
Theo Jim Beasley, Phó giáo sư tại Đại học Georgia, người đã nghiên cứu động vật hoang dã tại Khu vực Loại trừ kể từ năm 2012, Chernobyl hiện vẫn là khu vực chịu ô nhiễm phóng xạ nặng nề nhất trên trái đất, dù thảm họa đã xảy ra khoảng 33 năm trước đây.
Quan chức Ukraine vẫn trong quá trình tranh luận về mức độ tử vong dài hạn tại nước này cũng như các quốc gia lân cận. Reuters cũng đưa tin, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính tổng số ca tử vong do ung thư là 9.000, ít hơn nhiều so với một nghiên cứu của Belarut đưa số người chết lên tới 115.000.
Nguồn: 24H.COM.VN