Núi lửa Agung phun trào nhưng quá nhỏ nên các nhà chức trách địa phương chưa nâng mức độ cảnh báo đối với người dân và du khách.
Ngày 22/11, hàng nghìn người dân và du khách cố gắng bỏ chạy khỏi Bali khi khói bốc lên từ đỉnh núi Agung cao 700 m vào tối 21/11, Telegraph đưa tin. Đây là lần đầu tiên núi lửa này phun trào sau hơn 50 năm qua, năm 1963 Agung phun trào khiến gần 1.600 người thiệt mạng.
Người dân Bali trong vùng nguy hiểm gần núi lửa Agung. Nguồn: efeinternational.
Dewa Made Mertayasa, trưởng trạm kiểm soát núi lửa tại Agung, cho biết, vụ phun trào này giống như một vụ “nổ pháo” nên họ chưa có lý do gì để mở rộng khu vực sơ tán xung quanh núi lửa.
Sau vài tuần kể từ tháng 9 với mức cao nhất, mức cảnh báo đã giảm xuống độ 2, và khu vực sơ tán chỉ còn khoảng 6 – 7,5 km kể từ miệng núi lửa. Do đó, quan chức khuyên du khách nên giữ bình tĩnh và tiếp tục kỳ nghỉ ở đây.
Hiện sân bay Denpasar trên đảo vẫn hoạt động bình thường và các chuyến bay ra vào Bali chưa bị ảnh hưởng.
Agung nằm cách các khu du lịch tại Bali khoảng 72,4 km. Trong vài tháng qua, với nỗi lo núi lửa phun trào, nền kinh tế trên hòn đảo này thiệt hại ít nhất 110 triệu USD khi khách du lịch hủy tour và dân địa phương phải sơ tán.
Nguồn: Vnexpress.net