Du khách kể chuyện 4 ngày cầm cự trên đảo Cô Tô

0

“Số tiền mang theo cạn dần. Tôi không thể đi rút tiền vì xa, mưa gió đang gào thét. Nhưng tất cả vẫn còn dễ chịu hơn việc lương thực đang trở nên khan hiếm”, anh Thế Anh cho biết.

Anh Đoàn Thế Anh, du khách đang ở tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), chia sẻ với Zing.vn sáng 30/7.

Tôi thích Cô Tô, thích những bãi biển tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú. Đó cũng là nguyên nhân chính để tôi cùng 12 người bạn khác quyết định chọn Cô Tô cho chuyến du lịch ngắn những ngày cuối tháng 7.

Du khach ke chuyen 4 ngay cam cu tren dao Co To hinh anh 1
Anh Thế Anh. Ảnh: FBNV.

Khi chúng tôi đến, biển rất đẹp, trời trong, nắng xanh. Nhưng ngay sau đó, mưa như trút nước, gió gào thét. Chúng tôi chỉ có thể hết ngồi rồi nằm trong khách sạn. Lúc đầu, tôi và các thành viên khác mong mưa tạnh để tiếp tục lịch trình ban đầu. Nhưng đến hết đêm thứ hai, khi loa phát thanh liên tục kêu gọi du khách và người dân không ra ngoài lúc trời đang mưa bão; một vài điểm trên đảo bắt đầu ngập trong nước, nỗi sợ có thể sẽ ở lại lâu hơn trên đảo khiến chúng tôi mong mưa dừng hạt nhiều hơn so với việc tiếp tục hành trình.

Mưa vẫn tiếp tục nặng hạt. Nỗi lo ngại càng lớn.

26/7 là ngày trở về theo lịch trình. Mưa gió vẫn gào thét. Loa phát thanh cũng thông báo không có bất kỳ tàu thuyền nào rời hay đến đảo cho đến khi hết bão. Chúng tôi cùng hơn 1.000 du khách khác chính thức rơi vào tình huống kẹt lại trên đảo.

Chưa kịp bình tĩnh trước cảm giác nguy hiểm đang rình rập, tôi và các thành viên trong đoàn nhận được điện thoại thông báo phải trả phòng như dự định của khách sạn để họ sắp xếp cho nhóm khách mới. Không có tàu cập đảo, khách mới ở đâu ra? Tại sao bắt chúng tôi trả phòng? Đâu là tình người và cách hành xử chuyên nghiệp trong thời điểm này? Tôi muốn hét lớn như thế nhưng nghĩ lại, mình cần chỗ ở chứ người ta không cần khách, tôi và bạn bè ra sức ngọt nhạt với lễ tân.

Cuộc nói chuyện kết thúc với việc chúng tôi ôm hành lý xuống sảnh cùng lời hứa nếu không có khách, chúng tôi sẽ được trở về phòng. Tầng một của khách sạn khá đông người. Ai cũng tay xách nách mang. Ban đầu tôi cũng tưởng là người mới. Song hỏi mới biết, mọi người đều là khách cũ, đều ở trong khách sạn và đang bị đòi phòng như chúng tôi. Bên ngoài, mưa gió vẫn không ngừng.

Không thể “há miệng chờ sung”, đoàn quyết định cử người đi kiếm phòng ở các khách sạn gần đó. May mắn là khi đến khách sạn thứ 10, mọi việc lại đâu vào đấy. Chúng tôi có phòng, có chỗ dừng chân. Chỉ còn phải đối diện với việc ăn uống và những khoản phát sinh ngoài dự tính.

30/7, chúng tôi đã ở trên đảo ngày thứ 7. Số tiền mang trong người đã gần hết. Cột rút tiền ATM duy nhất trên đảo lại rất xa. Di chuyển bất tiện nên chúng tôi đã phải vay mượn lẫn nhau. Tuy nhiên, hết tiền hay phải dè sẻn từng đồng một khiến tôi không lo lắng bằng việc lương thực trên đảo dần khan hiếm. Đồ ăn cùng rau xanh đã dần vắng mặt khỏi các bữa ăn từ ngày thứ 4. Lượng đồ hộp trong các hàng quán cũng giảm đi không ít theo từng ngày. Nói dại, nếu mưa bão kéo dài thêm 1-2 tuần nữa, không biết chúng tôi sẽ ăn gì để tiếp tục sống hay cầm cự.

Du khách buộc trả phòng khách sạn lúc mắc kẹt mưa lũ ở Cô Tô

Trong lúc trời mưa to gió lớn, không thể trở về đất liền, một số đoàn khách du lịch đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã bị khách sạn yêu cầu trả phòng để đón khách mới.

Nguồn: News.zing.vn