(TITC) – Ngày 07/5/2019, tại Vina del Mar, Chi-lê đã diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số nhằm phát triển du lịch bao trùm, bền vững”. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia về du lịch của các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới như OECD, WTTC, Google, Airbnb và các nền kinh tế APEC.
Hội thảo tập trung làm rõ tác động của công nghệ số hiện nay đến ngành du lịch toàn cầu, nhất là đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và phụ nữ; giải pháp, chính sách phát triển du lịch bao trùm, bền vững trong kỷ nguyên số và các điển hình về phát triển du lịch số.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
1. Xu hướng phát triển của nền kinh tế chia sẻ và sự phát triển của các nền tảng chia sẻ trong ngành du lịch
Suy thoái kinh tế 2008 thúc đẩy việc tìm phương thức mới để hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực ngày càng hạn chế. Kinh tế chia sẻ với sự kết hợp của công nghệ số làm thay đổi cách thức khách hàng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ và vốn, từ việc phải đến mua tại các cửa hàng hay cơ sở dịch vụ truyền thống đến chủ động tiếp nhận từ từng cá thể cung cấp hàng hóa dịch vụ.
Hiện nay nhiều nền tảng chia sẻ dịch vụ trong ngành du lịch đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Trong lĩnh vực lưu trú có Airbnb, Tujia, HomeAway; lĩnh vực vận tải khách có Uber, Grab, Didi hay Lyft, chia sẻ ôtô qua iCarsClub hay ZipCar, chia sẻ xe đạp qua MoBike hay Ofo; lĩnh vực sản phẩm, trải nghiệm địa phương có Airbnb, Vayable hay ToursByLocals hay tìm đồ ăn nấu tại gia đình có EatWith hay VizEat; thông tin có Google Maps hay Trip Advisor.
Bài phát biểu đề dẫn tại Hội thảo do bà Nayana RenuKamar, Trưởng ban Chính sách với Chính phủ về phát triển trải nghiệm của Airbnb nhấn mạnh: Du khách hiện nay có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm chân thực và sáng tạo, muốn tìm đến những điểm đến mới. Vấn đề của ngành du lịch hiện nay là khách du lịch chủ yếu chỉ tập trung ở những điểm đến trung tâm, trong khi nhiềm điểm đến địa phương có nhiều tiềm năng không được biết đến.
Đại diện Airbnb phát biểu tại Hội thảo
Các nền tảng kết nối số hiện nay như Airbnb giúp các cộng đồng, người dân địa phương có thể dễ dàng tiếp cận du khách, giúp du khách có những trải nghiệm khác biệt. Nhiều nước như Anh và Thụy Điển đã chủ động phát động nhiều chương trình hợp tác hiệu quả với Airbnb, tuy nhiên việc phổ biến mô hình Airbnb ở nhiều nước còn gặp nhiều khó khăn.
2. Phát triển du lịch bao trùm, bền vững trong thế giới số và kinh nghiệm của một số nền kinh tế
Phát triển bao trùm, bền vững trong thế giới số tập trung chủ yếu vào phát huy vai trò của các doanh nghiệp MSMEs và phụ nữ, là các đối tượng có nhiều cơ hội được hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ số. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận công nghệ của các chủ thể này còn khó khăn. Do đó, cần có sự liên kết các chủ thể với các ưu thế khác nhau. Sự thành công của Airbnb chính là phát triển được các cơ sở lưu trú dựa trên liên kết giữa chủ cơ sở, những người có kiến thức về công nghệ và những người phát triển sản phẩm, trải nghiệm phục vụ du khách cùng với cộng đồng và các cơ quan quản lý điểm đến.
Theo bà Veronica Goldfart, Phụ trách các lĩnh vực du lịch, tài chính và cơ quan chính phủ của Google, công nghệ hiện nay đã có thể giúp tất cả mọi người, bao gồm doanh nghiệp địa phương, các nhóm phụ nữ, sinh viên học sinh tìm kiếm việc làm và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo
Về vai trò của phụ nữ trong thời đại số, theo ông Javier Guillermo, Giám đốc Ban quan hệ với các chính phủ, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), ngành du lịch thu hút nhiều phụ nữ hơn các ngành khác, đem lại cho phụ nữ nhiều cơ hội tham gia vào lực lượng lao động, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, phát huy tinh thần kinh doanh và làm chủ, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, cơ hội cho phụ nữ tiếp cận công nghệ mới hạn chế hơn nam giới. Phụ nữ làm việc trong ngành du lịch thường ở những việc và công đoạn có kỹ năng thấp, ít người ở vị trí quản lý, dễ bị thay thế bởi quá trình tự động hóa. Việc khuyến khích phụ nữ tham gia ngành du lịch trong thời đại số đem lại nhiều giá trị về kinh tế và xã hội. Các thách thức đặt ra là tạo cơ hội cho phụ nữ nắm bắt cơ hội để không bị bỏ lại phía sau; nhận thức rõ du lịch tương lai luôn luôn biến đổi; xây dựng các chính sách hỗ trợ việc làm cho phụ nữ trong ngành du lịch và cải thiện chất lượng, điều kiện làm việc cho phụ nữ.
Về vai trò của các doanh nghiệp MSMEs, theo bà Jane Stacey, Trưởng Ban Du lịch, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các doanh nghiệp MSMEs chịu tác động lớn và có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch. Tuy nhiên, họ đang có xu hướng gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp truyền thống đang phải vật lộn để có thể khai thác được các lợi ích từ công nghệ mới. Số liệu của OECD cho thấy các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp trẻ thu được nhiều lợi ích hơn các doanh nghiệp nhỏ truyền thống. Các doanh nghiệp MSMEs là động lực của ngành du lịch, do đó thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế số có vai trò quan trọng cho sự phát triển bao trùm và bền vững.
Kinh nghiệm của nhiều nước như Úc, Chi-lê, Xinh-ga-po, Pa-pua Niu Ghi-nê, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a về phát triển du lịch số đã được giới thiệu tại Hội thảo. Đặc điểm chung là hầu hết các nước đều đã xây dựng chiến lược về nền kinh tế số và du lịch số. Một số nước phát triển ở trình độ cao hơn như Xinh-ga-po, Hàn Quốc, Úc có chiến lược tổng thể từ Chính phủ; một số nước như Ma-lai-xi-a, Pa-pua Niu Ghi-nê, Việt Nam tiếp cận từ các chương trình, dự án đối với từng lĩnh vực, đối tượng và các kế hoạch tổng thể của Chính phủ.
Hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số nhằm phát triển du lịch bao trùm, bền vững” đã thành công tốt đẹp, đưa ra những phân tích, nhận định quan trọng giúp các nền kinh tế APEC xây dựng chính sách chung nhằm phát triển du lịch bao trùm, bền vững APEC trong kỷ nguyên số. Hội thảo là bước tiếp nối kết quả của Đối thoại cao cấp APEC 2017 tại Hạ Long, Việt Nam về “Thúc đẩy du lịch bền vững vì châu Á – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối” và Tuyên bố của các Bộ trưởng Du lịch APEC năm 2018 tại Pa-pua Niu Ghi-nê về “Phát triển du lịch bao trùm và bền vững khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, khuyến khích các nền kinh tế chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch bao trùm, bền vững trong thời đại số. Kết quả của Hội thảo hỗ trợ việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025./.
Lê Tuấn Anh
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn