Du lịch Bến Tre sẽ phát triển mạnh mẽ khi cơ sở hạ tầng giao thông dần được hoàn thiện, kết nối Bến Tre với các tỉnh lân cận trong khu vực. Cùng với các cây cầu hiện hữu như Rạch Miễu, Hàm Luông và cầu Cổ Chiên, dự án cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng với Trà Vinh và trục đường ven biển từ Bến Tre nối tuyến thông suốt tới Cà Mau khi hoàn thành sẽ tạo thế thông thương giữa Bến Tre và phần còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Liên kết và thúc đẩy phát triển du lịch vùng
Theo thông tin từ, Công ty TNHH Một Thành Viên Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist), vào ngày 30/5, đơn vị này sẽ chính thức khai trương Chi nhánh Lữ hành Saigontourist – Bến Tre (262B Đồng Khởi, KP 5, P. Phú Khương, TP. Bến Tre). Đây là kết quả của quá trình khảo sát, đánh giá tầm quan trọng của du lịch Bến Tre đối với chiến lược mở rộng, phát triển hệ thống kinh doanh dịch vụ lữ hành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chi nhánh Lữ hành Saigontourist – Bến Tre đi vào hoạt động sẽ đánh dấu bước đi xuyên suốt nằm trong chiến lược phát triển thương hiệu, đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm của hệ thống Lữ hành Saigontourist trên phạm vi cả nước nói chung và tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Y Yên – Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist: “Chi nhánh mới Lữ hành Saigontourist – Bến Tre sẽ góp phần tạo nên chuỗi liên kết mạng lưới dịch vụ lữ hành lớn mạnh của Lữ hành Saigontourist tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước, khách quốc tế và khách Việt kiều đến Bến Tre, ở chiều ngược lại, Chi nhánh còn trực tiếp cung cấp các dịch vụ chất lượng đến đông đảo du khách tại Bến Tre với đa dạng hành trình khám phá các điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước cũng như du lịch ra nước ngoài một cách thuận tiện và nhanh chóng”.
Khi đi vào hoạt động, Chi nhánh Lữ hành Saigontourist – Bến Tre sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tăng cường xúc tiến, hợp tác với các đơn vị đối tác du lịch tại địa phương nhằm xây dựng, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cũng như kích cầu thị trường du lịch tại Bến Tre.
Cũng theo chia sẻ của ông Yên, chi nhánh tại Bến Tre cũng sẽ tập trung mọi nguồn lực để góp phần phát triển du lịch của cả vùng du lịch duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 5 tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Sự hiện diện của Lữ hành Saigontourist tại Bến Tre sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác sâu rộng những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương và của cả cụm du lịch duyên hải phía đông ĐBSCL, với các loại hình du lịch độc đáo, hấp dẫn như sinh thái miệt vườn, du lịch về nguồn, du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại đây cũng như các tỉnh lân cận dễ dàng kết nối và sử dụng dịch vụ MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội thảo, hội nghị…) chuyên nghiệp, hiệu quả theo tiêu chuẩn chất lượng của thương hiệu Lữ hành hàng đầu Saigontourist ngay tại Bến Tre.
Trong chiến lược phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2015 – 2020, du lịch được xác định đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Du lịch Bến Tre sẽ phát triển mạnh mẽ khi cơ sở hạ tầng giao thông dần được hoàn thiện, kết nối Bến Tre với các tỉnh lân cận trong khu vực. Cùng với các cây cầu hiện hữu như Rạch Miễu, Hàm Luông và cầu Cổ Chiên, dự án cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng với Trà Vinh và trục đường ven biển từ Bến Tre nối tuyến thông suốt tới Cà Mau khi hoàn thành sẽ tạo thế thông thương giữa Bến Tre và phần còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sức hút của du lịch xứ dừa
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nhận định: “Do cách trở về giao thông nên từ trước tới nay, các điểm tham quan tại Bến Tre thường chỉ nằm trong tour tự chọn dành cho khách quốc tế hoặc là điểm dừng chân trong hành trình tour liên tuyến miền Tây. Nhưng từ nay, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm một Bến Tre mộc mạc, hồn hậu mà cũng đầy quyến rũ, hữu tình với nhiều lựa chọn du lịch”.
Trong số các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Bến Tre vẫn chưa bị thương mại hóa nhiều. Xứ dừa hội tụ cả hai loại hình sông nước và miệt vườn, thổ nhưỡng tốt tươi nhờ được vun bồi bởi phù sa dồi dào từ ba cửa sông (trước đây là bốn) trong hệ thống chín nhánh sông của vùng châu thổ Cửu Long trù phú.
Du khách đến đây sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ khi du ngoạn trên sông, khung cảnh làng quê yên tĩnh hiện ra theo từng vòng bánh xe đạp trên những con đường làng sạch, xanh. Đó còn là dịp hòa mình vào đời sống đậm chất miệt vườn Nam bộ khi khách đến homestay tại nhà dân, cảm nhận tình cảm hồn hậu, thuần phác của người dân địa phương, cùng họ làm vườn, tát mương bắt cá trong không gian gợi nhớ thời khẩn hoang.
Cũng như nhiều tỉnh ở miền Tây Nam bộ, Bến Tre có chợ nổi nhưng đặc hiệu là “chợ nổi dừa” (An Thạnh, Mỏ Cày Nam), có đến hơn 300 sản phẩm, món ăn gắn liền với dừa. Bến Tre còn có những thương hiệu du lịch nổi tiếng cả nước như hoa kiểng Cái Mơn, kiểng thú Năm Công, bưởi da xanh, trái cây Chợ Lách…
Từ một nơi tương đối cách trở về giao thông, Bến Tre đã dần thoát khỏi vị thế “tỉnh lẻ” trên bản đồ du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với việc đưa vào hoạt động Chi nhánh mới tại đây, Lữ hành Saigontourist cho thấy nỗ lực để đưa vẻ quyến rũ riêng có của xứ miệt vườn, sông nước Bến Tre đến gần hơn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Nghinh Phong
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn