
VTV.vn – Mỗi chuyến du lịch giờ đây không chỉ dừng lại ở check-in, mua sắm, ăn, nghỉ mà có thể trở thành một hành trình khám phá sâu hơn những giá trị văn hóa, di sản, cộng đồng.
TP Hồ Chí Minh là thành phố trẻ, sôi động với sự hối hả trong nhịp sống, sự đổi thay nhanh chóng nhưng nơi đây cũng lưu giữ những giá trị di sản, văn hóa đầy tiềm năng để phát triển du lịch gắn kết với việc bảo tồn, gìn giữ, trải nghiệm tầng sâu văn hóa, gắn liền với cộng đồng, với phát triển bền vững.
Trong thế giới hiện đại, nhiều du khách mong muốn tận dụng kỳ nghỉ để bước ra khỏi guồng quay thường nhật và kết nối sâu sắc hơn với con người và điểm đến mà họ ghé thăm. Đó là lý do giúp “du lịch chậm” trở thành xu hướng với lượt tìm kiếm đã tăng gấp ba lần trong khoảng 5 năm vừa qua. Xu hướng này khuyến khích du khách dành nhiều thời gian hơn tại các điểm đến để khám phá, từ đó tạo ra cơ hội để họ hòa mình vào văn hóa địa phương, kết nối sâu sắc hơn với cộng đồng, từ đó trải nghiệm được nhiều hơn giá trị bản địa độc đáo.
Tòa nhà Trụ sở Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia (Ảnh: Đinh Nhật Khang)
Bưu điện trung tâm thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, là công trình có giá trị quan trọng về mặt kiến trúc, văn hóa, lịch sử (Ảnh: Đinh Nhật Khang)
Câu chuyện làm du lịch ở Thiềng Liềng là ví dụ cho thấy những nỗ lực, chung tay của cộng đồng dân cư để tạo nên điểm đến hấp dẫn mới. Đây là ấp đảo nằm cách trung tâm xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh khoảng 7km, giao thông đi lại bằng đường thủy. Theo thống kê của địa phương, ấp Thiềng Liềng có khoảng hơn 200 hộ dân sinh sống, chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh bắt thủy hải sản. Vài năm trở lại đây, hình thức du lịch cộng đồng trên đảo cũng bắt đầu đi vào bài bản với hàng chục hộ gia đình cùng tham gia với các nhóm sản phẩm dịch vụ như: trải nghiệm, ẩm thực, lưu trú, văn hóa nghệ thuật địa phương phục vụ du khách.
Trải nghiệm với nghề làm muối ở Thiềng Liềng (Ảnh: Muối Farmstay cung cấp)
Chị Đặng Thị Thu Huyền đến từ Muối Farmstay, đại diện nhóm hộ dân làm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, bày tỏ mong muốn khách không chỉ ghé qua mà sẽ luôn quay lại khi có dịp phù hợp. Để thực hiện được điều này, bản thân những người làm du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng đã trăn trở, nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên những hoạt động trải nghiệm gắn kết, hấp dẫn hơn cho du khách chứ không đơn giản là đến đây chỉ để có một buổi thử làm diêm dân, cào muối như suy nghĩ của không ít người.
Du lịch cộng đồng đang được chung tay thực hiện ở Thiềng Liềng với những sản phẩm, dịch vụ ngày càng phong phú hơn (Ảnh: Muối Farmstay cung cấp)
“Làm muối là đặc sản ấn tượng của Thiềng Liềng, nhưng thời gian gần đây, các hộ dân đã sáng tạo, mở rộng thêm nhiều hoạt động để du khách có thể gắn bó với thiên nhiên và đời sống bản địa nhiều hơn. Chẳng hạn như câu cua, đua tuộc, trekking, hiking xuyên rừng ngập mặn, nơi mọi người được đi giữa những con đường đất nhỏ, hai bên là rừng đước sú bạt ngàn, chim muông ríu rít, cảm giác như lạc vào khu bảo tồn thiên nhiên vậy. Chúng tôi còn có thêm trải nghiệm chèo SUP trên các kênh rạch quanh đảo. Ngoài ra, du khách có thể học làm bánh dân gian, nấu món địa phương, hoặc tham gia đờn ca tài tử, trò chơi dân gian cùng bà con. Mỗi nhà là một câu chuyện thú vị, là hành trình du lịch kể chuyện” – chị Thu Huyền cho biết.
Ngoài ra, để hướng tới giá trị phát triển bền vững, xu hướng xanh, hài hòa với môi trường, tâm tư của những người làm du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng là mang đến cho những người đến với ấp đảo trải nghiệm sâu sắc về văn hóa bản địa, hiểu và yêu hơn sự chân thành, nồng hậu, giản dị của người dân địa phương thể hiện trong từng sản phẩm, hoạt động du lịch, tạo thêm sinh kế lâu dài cho cộng đồng nhưng không làm mất đi sự cân bằng, bình yên vốn có nơi đây.
Xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến ở Thiềng Liềng
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương xây dựng phát triển những sản phẩm du lịch mới gắn với chiều sâu văn hóa – lịch sử có thể kể đến như: Sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Thạnh An (Cần Giờ) – nơi du khách sẽ được chạm vào một thế giới bình dị mà kiên cường, nơi cư dân làng chài sống hài hoà cùng rừng, sông và biển. Những người dân địa phương không chỉ mưu sinh, mà còn gìn giữ từng tấc rừng ngập mặn, từng dòng nước mặn mòi – như một phần máu thịt. Thạnh An không chỉ là điểm đến, mà là một lời mời gọi về sự gắn bó, về khát vọng sống chan hòa và hào sảng giữa thiên nhiên bao la. Sản phẩm du lịch tại Hóc Môn – vùng đất của tình nghĩa và khí chất – lại là nơi vẫn lưu giữ nguyên vẹn hào khí Nam Bộ qua những trang sử cách mạng và nét văn hoá đời thường mộc mạc…
Theo Tiến sĩ Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch TP Hồ Chí Minh – đang có sự chuyển đổi từ tư duy “tham quan” sang “trải nghiệm”. Cộng đồng không chỉ giữ gìn sản phẩm, mà còn sáng tạo, kể lại và truyền tải nó theo cách chân thực nhất. Các sản phẩm du lịch có sự tham gia của người dân địa phương với việc tái hiện những hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời thường, vui chơi, trải nghiệm… đang từng bước tạo dấu ấn riêng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nguồn: Vtv