Thông qua dự án hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh đã bắt đầu tiếp cận và thực hiện du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long – Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Qua đó góp phần tăng thu nhập cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động, đồng thời bảo vệ môi trường để phát triển du lịch một cách bền vững.
HTX Vạn Chài cung cấp dịch vụ chèo thuyền nan cho du khách tham quan làng chài Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long
Điểm đến Vung Viêng
Sau 1 giờ ngồi tàu từ đất liền, chúng tôi đã đến làng chài Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long. Mặc dù làng chài đã được di dân lên bờ, nhưng nhiều ngư dân được tạo điều kiện làm việc tại HTX Dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long (HTX Vạn Chài). Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc HTX Vạn Chài chia sẻ, với mong muốn xây dựng sản phẩm dịch vụ du lịch mới trên Vịnh Hạ Long đồng thời tạo việc làm ổn định cho ngư dân làng chài, tôi đã bắt tay vào thành lập HTX từ năm 2008. Trong đó, sản phẩm du lịch chính là chèo thuyền (60 thuyền nan, 115 thuyền kayak và 5 thuyền rồng). Qua đó đã tạo việc làm cho 115 lao động, chủ yếu là người dân làng chài Vung Viêng, với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Trong hành trình thăm làng chài, ông Phiến tâm đắc kể với tôi rằng, từ những ngày đầu thành lập, HTX đã may mắn nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của một du khách người Đức về việc xây dựng các tour du lịch có trách nhiệm. Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm, HTX đã xây dựng kế hoạch tổ chức tour du lịch có trách nhiệm, chủ yếu là cho du khách phương Tây. Với hình thức tổ chức là kết nối để du khách giúp đỡ, hỗ trợ bằng cách ủng hộ máy tính, sách vở, quần áo, dụng cụ lao động hay dạy làm đồ thủ công mỹ nghệ, tranh giấy cho người dân và học sinh ở làng chài. Để đáp lại tấm lòng mà các du khách mang đến, người dân làng chài sẽ mời họ ở lại ăn cơm, đi đánh cá và vui chơi ở làng chài. Những tour du lịch này ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia của du khách. Từ năm 2008-2013, HTX đã tổ chức, kết nối được rất nhiều các tour du lịch có trách nhiệm ở Vung Viêng, qua đó đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho người dân làng chài.
Du khách tham quan Khu thực hành trên làng chài Vung Viêng
Du lịch có trách nhiệm còn được HTX thực hiện thông qua việc duy trì thu gom rác thải ở làng chài Vung Viêng. Được biết, du khách đến làng chài ngày càng tăng, với khoảng 15.000 lượt khách/tháng, tháng cao điểm lên tới 21.000 lượt khách ít nhiều tạo ra áp lực môi trường. Với mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm nên HTX Vạn Chài coi nhiệm vụ thu gom rác thải là việc làm quan trọng, giúp hoạt động du lịch phát triển bền vững và ngày càng thu hút du khách tham quan làng chài. HTX bố trí 2 lao động có trách nhiệm dọn vệ sinh, vớt rác. Đồng thời, 60 thuyền nan chở khách được trang bị vợt vớt rác. Khi chèo thuyền chở khách, nhân viên chèo đò có thể kết hợp vớt rác, giảm tải công việc cho các nhân viên vệ sinh. Bên cạnh đó, HTX phối hợp tuyên truyền cho du khách đảm bảo quy định bảo vệ môi trường làng chài.
Xuôi theo những mái chèo, du khách được ngắm nhìn làng chài Vung Viêng sạch đẹp, yên bình. Nếu như trước đây, du khách có thể ghé thăm từng nhà, uống nước, nói chuyện với ngư dân thì nay họ chỉ ngồi thuyền nan ngắm nhìn làng chài và được hướng dẫn viên thuyết minh. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, HTX Vạn Chài đã đầu tư xây dựng Khu thực hành. Theo đó, HTX đã mua lại một số nhà bè của người dân để lại và lắp đặt thêm bè chắc chắn để đi lại. Tại đây, du khách được ngắm nhìn những hình ảnh sinh hoạt, sản xuất và các ngư cụ sản xuất, lớp học, nhà bè sinh hoạt của người dân, khu nuôi trồng thuỷ sản… để hình dung lại cuộc sống trước đây của làng chài. HTX đã trích lại 5.000 đồng/du khách từ phí dịch vụ thu được để đầu tư tu bổ Khu thực hành. Đây chính là mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm mà HTX duy trì. Tuy nhiên, theo quan sát, Khu thực hành vẫn còn khá đơn sơ, chưa thực sự hấp dẫn du khách. Do đó, HTX tiếp tục trích kinh phí để đầu tư Khu thực hành thêm sống động, hấp dẫn hơn trong thời gian tới. Đồng thời kêu gọi các đơn vị lữ hành, công ty du lịch đã hợp tác lâu năm với HTX cùng đồng hành, trích kinh phí để hỗ trợ đầu tư nhằm tái hiện làng chài hấp dẫn du khách. Đến từ nước Anh, ông Geoffcey Randells cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi du lịch tại Vịnh Hạ Long. Khung cảnh làng chài Vung Viêng rất đẹp và sạch sẽ. Đặc biệt là tôi đã được giới thiệu những nét văn hoá cuộc sống của người dân sinh sống ở trên biển cũng khiến tôi dễ dàng tưởng tượng. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng sẽ có thêm những hoạt động sản xuất, sinh hoạt được tái hiện. Qua đó chúng tôi có thể được chứng kiến tận mắt cuộc sống của ngư dân ở làng chài thì thật thú vị”.
Ông Vũ Văn Quyên, khu tái định cư phường Hà Phong, TP Hạ Long, được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng
Tạo sinh kế bền vững
Có thể khẳng định, du lịch có trách nhiệm đòi hỏi phải có sự phối hợp của các bên liên quan như chính quyền, doanh nghiệp lữ hành, tổ chức phi chính phủ, du khách, nhân dân địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp… từ đó có những hành động và trách nhiệm cụ thể để thực hiện hài hoà các lợi ích kinh tế – xã hội và môi trường. Với ý nghĩa đó, tháng 4/2016, mô hình thí điểm nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng bước đầu được thực hiện nhằm tạo sinh kế bền vững cho ngư dân làng chài sau khi di chuyển lên bờ, hình thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần gìn giữ, bảo tồn làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long. Mô hình này nằm trong khuôn khổ Dự án “Sáng kiến liên minh Vịnh Hạ Long – Cát Bà” do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Mô hình sẽ lắp đặt 32 nhà bè và bè nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với dịch vụ tham quan du lịch. Đối tượng tham gia là người dân làng chài Vung Viêng tái định cư ở phường Hà Phong, TP Hạ Long. Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng là đơn vị được lựa chọn phối hợp với các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hạ Long triển khai mô hình này. HTX Vạn Chài là đơn vị quản lý, phối hợp triển khai lắp đặt nhà bè.
Đến nay, mô hình đã có 7 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày. Trong đó, 50% nguồn vốn của dự án hỗ trợ, còn lại là do HTX Vạn Chài đối ứng. Như vậy, các hộ nuôi trồng chỉ phải bỏ kinh phí mua giống cá. Sau 3 năm, các hộ muốn tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản sẽ được HTX chuyển nhượng lại các nhà bè với kinh phí phù hợp. Khác với các nhà bè truyền thống của ngư dân làng chài trước đây, tất cả các nhà bè trong dự án đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cao. Theo quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản trên Vịnh Hạ Long, mỗi hộ tham gia mô hình được cấp 300m2 diện tích mặt nước và 180m2 nhà bè. Cũng giống như bao gia đình khác di dời lên bờ sinh sống nhưng gia đình ông Vũ Văn Quyên vẫn lựa chọn duy trì công việc ở làng chài Vung Viêng. Hiện nay, vợ và 3 người con của ông vẫn đang làm tại HTX Vạn Chài. Gia đình ông cũng có nguyện vọng tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở Vung Viêng, do đó đã đăng ký tham gia mô hình. Ông Quyên chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi được lựa chọn tham gia mô hình. Tôi đã tham gia đầy đủ những buổi tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường cộng với kinh nghiệm vốn có, chúng tôi rất tự tin thực hiện tốt mô hình này. Đến giữa tháng 4/2017, gia đình tôi bắt đầu xuống giống lứa cá đầu tiên”.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, 10 hộ nuôi trồng thuỷ sản phải đầu tư 70% kinh phí, còn lại là do HTX Vạn Chài hỗ trợ để xây dựng 10 bè nuôi. Đến năm 2018, mô hình sẽ hoàn thành tiếp 15 bè nuôi thuỷ sản. Như vậy, 32 bè nuôi trồng thuỷ sản được hình thành ở làng chài Vung Viêng và phân chia thành 5 cụm, phù hợp với địa hình. Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc HTX Vạn Chài, cho biết: Nhằm tạo sự gắn kết, dự kiến 7 hộ nuôi trồng thuỷ sản đầu tiên sẽ tự nguyện trích một phần kinh phí để hình thành Quỹ sản xuất. Từ đó, người nuôi trồng thuỷ sản có khó khăn về kinh phí được vay không tính lãi. Như vậy, trách nhiệm của các thành viên được nâng lên và khả năng duy trì mô hình ngày càng bền vững. Hy vọng rằng khi mô hình hoàn thành sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến với làng chài Vung Viêng nói riêng và Vịnh Hạ Long nói chung”.
Nguyễn Hoa
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn