Du lịch cộng đồng làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở Sơn La

0
Du lịch cộng đồng làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở Sơn La

Năm 2015, Chiềng Xôm là xã đầu tiên của thành phố Sơn La và tỉnh Sơn La cán đích nông thôn mới.

 


hình nhà nghỉ du lịch cộng đồng đã tạo thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây 

Sau 3 năm đạt chuẩn nông thôn mới, Chiềng Xôm hôm nay đã mang diện mạo mới là những bản làng xanh, sạch, đẹp, đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Hiện nay, Chiềng Xôm đang đẩy mạnh mô hình kinh tế mới là phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập; đồng thời, tiếp tục giữ vững và phát triển các tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Bản Hụm, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La trước đây là bản khó khăn, người dân làm kinh tế chủ yếu từ trồng ngô và lúa, rất vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Đến năm 2012, với những lợi thế sẵn có về địa hình, khí hậu… bản Hụm được Chiềng Xôm chọn làm điểm bản du lịch cộng đồng của xã.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, nền kinh tế của bản có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2017, thu nhập bình quân đã đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Điển hình như gia đình ông Quàng Văn Phóng – một hộ dân ở bản đã mạnh dạn chuyển hướng làm du lịch cộng đồng. Năm 2017, được thành phố Sơn La hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp và đầu tư thêm các trang thiết bị cần thiết, gia đình ông đã đầu tư, sửa sang lại nếp nhà sàn có sẵn, rồi dần chuyển đổi diện tích làm nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phục vụ du khách…

Riêng trong năm vừa qua, lượng du khách tới nhà nghỉ cộng đồng của gia đình ông tăng cao, cho thu lãi gần 100 triệu đồng. Ông Quàng Văn Phóng, chủ nhân của Homestay Long Trang ở bản Hụm, xã Chiềng Xôm phấn khởi cho biết: “Làm nhà nghỉ du lịch cộng đồng đỡ vất vả hơn so với làm nương, ruộng, mà thu nhập lại khá hơn nhiều. Hơn thế nữa, làm du lịch thì nhà cửa, ngõ xóm lúc nào cũng sạch sẽ, qua đó, góp phần giữ vững tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí nông thôn mới”.

Gia đình chị Lèo Minh Châu cùng ở bản Hụm cũng mạnh dạn làm du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay. Đến năm 2017, được thành phố Sơn La đầu tư thêm, homestay Minh Châu của chị đẹp lên trông thấy, gọn gàng và khang trang hơn trước rất nhiều. Từ đó, du khách cũng đến với homestay của chị nhiều hơn.

Chị Châu phấn khởi nói: “Định hướng của gia đình mình trong thời gian tới muốn xây dựng bản du lịch cộng đồng, sẽ vận động bà con trồng cây xanh và hoa bên góc vườn nhà. Gia đình mình sẽ góp phần nhiều hơn nữa và xây dựng khu du lịch cộng đồng của mình khang trang hơn để đón du khách.”

Xã Chiềng Xôm chỉ cách trung tâm thành phố Sơn La 3 km, đây là nơi sinh sống của 6 dân tộc anh em, trong đó đa phần là dân tộc Thái chiếm khoảng 90%. Trải qua nhiều năm, do người dân bản địa sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, nên đã  tạo ra những đồng lúa xanh bát ngát bên dưới những triền đồi thoai thoải, cùng với bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời và con người thân thiện, cởi mở đã tạo nên điều kiện lý tưởng để làm du lịch cộng đồng.

Ông Lèo Văn Hưởng, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Trong thời gian tới, đối với Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã Chiềng Xôm vẫn tiếp tục vận động, tuyên truyền đặc biệt không chỉ riêng bản Hụm mà còn bản Phiêng Ngùa, bản Tông, bản Tông Nọi tiếp tục khai thác tiềm năng sẵn có của các bản. Vấn đề thứ 2 là khôi phục lại những ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, những lễ hội như là múa xòe, các môn thể thao dân tộc để làm sao không để mai một và coi đấy là tiềm năng để thu hút khách du lịch đến với địa phương.”

Phấn khởi trước những đổi thay của bản làng, người dân Chiềng Xôm đang tiếp tục cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống mới, cho đẹp hơn, giàu hơn, xứng đáng là xã đầu tiên của tỉnh miền núi Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn