Nghị quyết số 03 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành đầu năm 2016 là tiền đề, cơ sở quan trọng mở hướng cho du lịch trên địa bàn phát triển đúng định hướng. Nghị quyết hướng tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.
Khách du lịch tham quan tại di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng (huyện Điện Biên). Ảnh: Đức Kiên
Sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch tâm linh, Điện Biên có 18 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó, di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; 11 di tích lịch sử cấp quốc gia và 6 di tích lịch sử cấp tỉnh). Cùng với đó là nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nghệ thuật xòe Thái, Tết Nào Pê Chầu (ngành Mông đen, huyện Mường Ảng); Kin Pang Then (ngành Thái trắng, TX. Mường Lay); Lễ hội Đền Hoàng Công Chất tại thành Bản Phủ, huyện Điện Biên); khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Tận dụng và phát huy những lợi thế về tài nguyên và vị trí về du lịch, ngành Du lịch tỉnh đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Minh chứng cho điều đó chính là các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, việc làm và doanh thu từ du lịch trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước; khẳng định vai trò của ngành Du lịch đối với phát triển kinh tế; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong năm 2016, toàn tỉnh có hơn 12.000 lao động (5.000 lao động trực tiếp) làm việc trong ngành Du lịch; tổng doanh thu từ du lịch hơn 710 tỷ đồng. Và chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu từ du lịch trên địa bàn đạt hơn 432,3 tỷ đồng và số du khách đến Điện Biên tăng hơn cùng kỳ năm trước.
Trả lời cho câu hỏi của chúng tôi, điều gì đã “hút” du khách tới Điện Biên? Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, phần nhờ người Điện Biên nồng hậu, thân thiện, mến khách và phần quan trọng hơn cả và mang tính quyết định đó là ngành Du lịch trong thời gian qua đã khai thác được một số sản phẩm du lịch tiểu biểu, đặc thù gắn với “thương hiệu” Điện Biên. Đó là quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phục vụ hoạt động du lịch – điểm đến của bất kỳ du khách nào khi đã tới Điện Biên. Chính vì vậy, Sở đã tham mưu giúp tỉnh trình Bộ Chính trị thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Điện Biên cũng xác định được sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng phát triển, đó là Khu du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang. Đây là sản phẩm du lịch được đánh giá có thể tạo nên sự khác biệt, có sức cạnh tranh cao, tạo thương hiệu cho du lịch Điện Biên. Việc phát triển sản phẩm du lịch Điện Biên Phủ – Pá Khoang không đơn thuần dừng lại ở mức tham quan, tìm hiểu, giáo dục mà ngành đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tính trải nghiệm gắn với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, gắn với di tích Điện Biên Phủ như: kéo pháo, xe đạp thồ… tạo cho du khách có cảm giác thực sự như được tham gia chiến dịch. Đối với sản phẩm du lịch biên giới gắn với cột mốc A Pa Chải – nơi tiếp giáp của 3 quốc gia Việt Nam – Lào – Trung Quốc được xác định là sản phẩm đặc thù, có sức hấp dẫn khách du lịch góp phần mở rộng thị trường. Do đó ngoài việc tạo dựng hình ảnh “1 điểm đến – 3 quốc gia” ngành tập trung nghiên cứu phát triển theo hướng kết hợp du lịch thể thao, khám phá, mạo hiểm, caravan… Ông Đoàn Văn Chì nhận định, với việc tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch như trên sẽ đẩy mạnh được du lịch nội địa và mở rộng thị trường quốc tế. Và để du lịch Điện Biên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, tỉnh chủ trương đầu tư một cách toàn diện, nhưng du lịch lịch sử vẫn là trọng tâm và có sự đầu tư thỏa đáng. Cùng với phát triển du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh cũng sẽ tiếp tục được ưu tiên đầu tư nhằm khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, cuộc sống đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng.
Như vậy, có thể thấy lộ trình phát triển du lịch đã “mở” với những con số ấn tượng trong kế hoạch đầu tư cho du lịch giai đoạn 2016 – 2020 là hơn 1.300 tỷ đồng và quyết tâm cao của tỉnh bằng những giải pháp trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng, thực lực và tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tập trung đào tạo nghề du lịch cho người lao động nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Bằng nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác ngành Du lịch đã tích cực phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và nhân lực du lịch cộng đồng về kiến thức, kỹ năng về quản lý nhà hàng, khách sạn, phục vụ buồng, phòng; kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong du lịch, nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng…
Tin rằng, với lộ trình đã “mở” và kinh nghiệm từ thực tiễn, du lịch tỉnh Điện Biên sẽ có bước đột phá và khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển bền vững; thực sự trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, trở thành điểm đến không chỉ của du khách mà còn là điểm đến của các nhà đầu tư.
Minh Thùy
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn