Du lịch đón sóng thoát dịch

0
Du lịch đón sóng thoát dịch

Quảng Ninh, Đà Nẵng và một số địa phương rục rịch mở cửa du lịch trở lại. Ngành du lịch bỏ lỡ tháng 6 cao điểm, trông chờ đón sóng hè từ tháng 7 tới.

Nghe ngóng đón khách

Quảng Ninh mở cửa trở lại các khu, điểm du lịch, di tích danh lam thắng cảnh từ 8/6, chỉ tập trung đón khách nội tỉnh. Lãnh đạo tỉnh này cũng giao cho Sở Du lịch phối hợp với ngành y tế nghiên cứu phương án mở rộng khách du lịch các địa bàn hết hoặc không có dịch, đón du khách an toàn khắp cả nước trong dịp hè này. Quảng Ninh xây dựng chương trình kích cầu du lịch, sản phẩm đặc sắc, an toàn và khuyến khích tour trọn gói bao gồm cả dịch vụ xét nghiệm mẫu gộp SARS-CoV-2.

Du lịch đón sóng thoát dịch  - Ảnh 1.

Ông Phạm Hà, CEO Luxury Travel cho biết, doanh nghiệp lữ hành vẫn ở trạng thái “ngủ đông chủ động, lúc nào cũng sẵn sàng đón khách”. “Chúng tôi vẫn chuẩn bị kế hoạch đón khách cho tháng 6, tuy nhiên chủ yếu đặt cược vào ba tháng cao điểm tính từ tháng 7 tới. Năm ngoái chương trình hút khách nội địa nghỉ dưỡng du thuyền cao cấp đạt hiệu quả, năm nay chúng tôi kỳ vọng phát huy sản phẩm này vốn trước đây chủ yếu dành cho khách quốc tế. Chúng tôi có chương trình tặng 1 triệu đồng/phòng cho khách đã tiêm vắc-xin. Tín hiệu dần sáng lên, khách bắt đầu tìm hiểu thông tin tour tuyến mùa hè”, ông Phạm Hà nói.

Đà Nẵng cho phép một số hoạt động trở lại nhưng hoạt động du lịch còn khá dè dặt, chủ yếu cho phép dân địa phương tắm biển nhưng phải trở lại ngay nơi cư trú, cũng không được sử dụng các dịch vụ du lịch khác. “Chúng tôi sẵn sàng, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh địa phương cho mở đến đâu sẽ phục vụ khách tới đó. Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ rất mong chờ khách trở lại. Chúng tôi xây dựng các gói sản phẩm nhỏ cho người địa phương, hướng tới tỉnh lân cận ở trong vùng an toàn trước khi mở rộng đón khách cả nước. Năm nay tôi không quá lạc quan phát triển khách nội địa so với năm ngoái”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phân tích.

Quảng Ninh xây dựng chương trình kích cầu du lịch, sản phẩm đặc sắc, an toàn và khuyến khích tua trọn gói bao gồm cả dịch vụ xét nghiệm mẫu gộp SARS-CoV-2.

Du lịch ở hầu hết các tỉnh, thành trước mắt chủ yếu hướng tới khách nội vùng. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết, khu vực Cát Bà (Hải Phòng) an toàn nhưng chỉ chấp nhận cho phục vụ khách địa phương. “Nhu cầu của khách đông dần lên từ đầu tháng 7, tất nhiên du lịch phục hồi nhưng không thể phát triển ào ào ngay được”, ông Hoan nói.

Du lịch nội địa 2020 cực kỳ sôi động trong hai tháng 6, 7 tuy nhiên năm nay các chuyên gia và người làm du lịch thận trọng hơn nhiều. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết địa phương này vẫn nghe ngóng, cân nhắc chuyện mở cửa hoạt động du lịch, tham quan. Ninh Bình không có ca nhiễm trong cộng đồng, có thể là vùng an toàn, nhưng địa phương vẫn lo ngại diễn biến từ các địa phương lân cận.

Tính đường dài

Chưa thể sớm đón khách quốc tế trở lại, nhưng các chuyên gia, người làm du lịch đều sốt ruột về kế hoạch đường dài. Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel phân tích: Hy Lạp và rất nhiều quốc gia du lịch triển khai chính thức “hộ chiếu vắc xin” để đón khách quốc tế. “Quan điểm Việt Nam thận trọng khi áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” để đón khách quốc tế là đúng. Tuy nhiên có thể tính tới phương án thí điểm mô hình này cho khách nội địa. Là bởi chúng ta dễ dàng triển khai, truy vết và khi cần có thể điều chỉnh chính sách. Cần sớm đặt bài toán này bởi sắp tới hàng triệu người được tiêm vắc-xin, trong khi mùa cao điểm hè đang đến gần”, ông Đạt nói.

Du lịch đón sóng thoát dịch  - Ảnh 2.

Chỉ cơ sở lưu trú an toàn được đón khách

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký, thường xuyên tự đánh giá và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19 quốc gia. Cơ sở lưu trú phải công bố mã QR tại sảnh đón tiếp, khu vực dễ quan sát để khách kiểm tra mức độ an toàn. Bộ chỉ cho phép cơ sở lưu trú du lịch đảm bảo an toàn COVID-19 được đón và phục vụ khách. Tính tới nay có khoảng gần 13 nghìn cơ sở du lịch đăng ký. Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh là hai địa phương dẫn đầu về số lượng đăng ký, cập nhật khai báo an toàn.

Câu chuyện tiêm vắc-xin nóng lên nhiều ngày qua, có thêm cơ sở cho ngành du lịch hy vọng phục hồi. Nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đều đăng ký và mong mỏi vắc-xin sớm về với nhân viên, người lao động trong ngành. Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, cần ưu tiên thúc đẩy giấy chứng nhận vắc-xin, bởi trước khi khách trở lại thì người làm du lịch phải di chuyển để khảo sát, đàm phán dịch vụ ở các địa phương khác nhau.

“Trước khi tính tới áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” cho khách nội, xa hơn là đón khách quốc tế, tôi nghĩ cần có quy định về mẫu giấy chứng nhận vắc-xin, bằng giấy hay chỉ cần quét mã vạch, thậm chí tích hợp thông tin vào căn cước công dân có gắn chíp. Trên giấy chứng nhận tiêm vắc-xin nếu được, tôi nghĩ nên nêu rõ quyền lợi của người đã tiêm, chẳng hạn quyền không hạn chế di chuyển giữa các địa phương”, ông Hoan nêu.

Quảng bá, xúc tiến du lịch luôn cần độ trễ, vì vậy ngay từ lúc này nếu không sớm có câu trả lời để khách quốc tế yên tâm, e rằng Việt Nam bỏ lỡ cơ hội. Du khách, các hãng lữ hành ở thị trường châu Âu, Bắc Mỹ bắt đầu quan tâm tới du lịch, tìm hiểu thị trường và sản phẩm của Việt Nam. Chính vì thế, ông Phạm Hà thông tin: đối tác của công ty ở Anh, Đức cập nhật thông tin về chính sách tiêm chủng vắc-xin ở quốc gia họ, đồng thời khẳng định khách hàng của họ sẵn sàng đến Việt Nam khi mở cửa trở lại. “Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ thúc đẩy sớm chương trình tiêm vắc-xin để phục hồi thị trường nội địa, xa hơn là kế hoạch mở cửa quốc tế”, ông Hà nói.

Nguồn: KENH14.VN